Phan Nguyễn Việt Đăng (RFA) - Nếu không chú ý, tất cả mọi sự kiện chỉ là điều nhỏ nhặt và rất bình thường. Vào buổi sáng ngày 25 tháng 7, người dân Việt Nam tìm thấy trên tờ báo Tuổi trẻ một bản tin hết sức bình thường, thậm chí là có vẻ hoàn toàn là "lề phải". Bản tin có tên là "Đường lưỡi bò trong sách Việt Nam".
Hậu trường chuyện đường lưỡi bò
Bản tin này nói về chuyện cộng đồng mạng trong nước phát hiện và chuyền tay nhau hình ảnh của quyển sách “Luyện kỹ năng đọc hiểu tiếng Hoa” có in bản đồ đường lưỡi bò của Trung Quốc, đã tồn tại trên thị trường suốt sáu năm nay. Ngay cả trong cách đưa tin, ban biên tập báo Tuổi Trẻ cũng dè dặt nói rằng "cộng đồng mạng xôn xao", chứ không dám nói lên cảm giác của mình.
Nguyên văn bản tin, ghi rằng "Sách bao gồm các bài khóa, hướng dẫn cách đọc tiếng Trung Quốc, qua đó người học làm quen với một số thông tin về đời sống học sinh, khí hậu các vùng, thói quen du lịch, các quan hệ giao tiếp, lễ kỷ niệm... của Trung Quốc. Nhưng tại trang 274, thuộc chủ điểm 2 của bài 17, phần giới thiệu các thông tin cơ bản của quốc gia Trung Quốc, sách in kèm một hình vẽ bản đồ Trung Quốc với cả đường lưỡi bò (đường chữ U đứt đoạn) thể hiện như một đường biên bao trùm các đảo".
Tại sao một cuốn sách bình thường như vậy, lại có thông tin hết sức chính xác về đường lưỡi bò từ năm 2006, do nhà xuất bản Thanh Niên cấp giấy phép cho một doanh nghiệp in, phát hành sách có tên là Thành Nghĩa.
Trong khi đó, tin tức về đường lưỡi bò, chỉ được Chính quyền CSVN "phát hiện" chính thức từ giữa năm 2010.
Tin từ nội bộ báo Tuổi Trẻ cho biết, ngay chiều hôm đó, ban biên tập của tờ báo này đã bị Ban Tuyên Giáo TP chỉ trích nặng nề, và nói rằng việc tin như vậy, có thể làm cho phía Trung Quốc "tức giận".
Tin từ một nguồn hành lang khác, nói rằng ông Huỳnh Thanh Hải, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy, đã giận dữ nói rằng hành động của Báo Tuổi Trẻ như vậy, nếu phía Trung Quốc biết được, sẽ làm khó Việt Nam.
Vài tờ báo trong Saigon, hưởng ứng bản tin này bằng bài viết, đưa lại tin...v.v cũng đã bị gọi trực tiếp từ Ban tuyên giáo Thành Ủy, đả kích nặng nề.
Vài ngày sau đó, trong sự chống cự yếu ớt của ngành làm báo bị kiểm duyệt, báo Tuổi Trẻ đưa thêm một bản tin nữa, có tên gọi là “Sách in đường lưỡi bò lưu hành bất hợp pháp”.
Theo bản tin này, báo Tuổi Trẻ như người chết chìm, bám vào cái phao của Cục Xuất bản - Bộ Thông tin và truyền thông. Theo đó, Cục Xuất bản cho biết đã kiểm tra lại giấy chấp nhận đăng ký kế hoạch xuất bản số 316/1528 CXB cấp ngày 9-9-2005 thì "thấy rõ đây là số của tên xuất bản phẩm khác".
Ðồng thời Cục Xuất bản tiến hành "tra cứu tư liệu lưu chiểu nhưng không tìm thấy cuốn sách trên". Cục Xuất bản cũng nhận được báo cáo của Nhà xuất bản Thanh Niên rằng "cho đến nay chưa tìm thấy cuốn sách này trên thị trường". Trên cơ sở đó, Cục Xuất bản khẳng định "cuốn sách Luyện kỹ năng đọc hiểu tiếng Hoa là xuất bản phẩm lưu hành bất hợp pháp".
Nhìn kỹ vào vấn đề, có thể thấy rõ hành trình "chạy thuốc" của báo Tuổi Trẻ trước sự kiện đưa tin về sách có in đường lưỡi bò. Từ góc độ của một tờ báo có chính kiến, chỉ trích hành động mờ ám bán đứng tổ quốc, ông Phạm Đức Hải, tổng biên tập báo Tuổi Trẻ đã rúr chân, nép về phía lề phải và dừng ở mức độ tố cáo nạn xuất bản bất hợp pháp.
Nhiều người tin rằng ông Hải cũng đã có một cuộc gọi cầu cứu đến ông tân chủ tịch Trương Tấn Sang, người mà ông Hải đã hết sức phục vụ bằng cách tổ chức loạt bài chống Vinashin và Bauxite để nhằm hạ bệ Nguyễn Tấn Dũng vào năm ngoái.
Ai đồng lõa, ai im lặng?
Câu hỏi là chính quyền CSVN đã biết những thông tin về đường lưỡi bò từ lúc nào, và tại sao lại lặng im trước một sự kiện đại hệ trọng tới quốc gia như vậy?
Một nhân viên an ninh giấu tên, cho biết là Trung Quốc chính thức đưa vào sách giáo khoa để dạy bậc tiểu học từ cuối năm 2004. Và Hà Nội cũng bắt đầu biết và ý thức sự nguy hiểm của đường lưỡi bò chín đoạn này từ 2005, nhưng đã dặn nhau im lặng vì sợ trái ý Bắc Kinh, tổn hại đến 16 chữ vàng.
Vốn là một nhà xuất bản tư nhân, và không kiểm soát kỹ càng - thậm chí cũng không hiểu đường lưỡi bò là gì vào thời điểm lấy sách dạy tiếng Hoa để in, nhà sách Thành Nghĩa, ở quận 5, Saigon, đã vô tình để lại một dấu tích quan trọng là Trung Quốc đã chính thức công khai phát triển lý luận chủ quyền lưỡi bò từ năm 2004 - 2005, mà không thể nói rằng Hà Nội, với một hệ thống ngoại giao, an ninh, tình báo...v.v như vậy lại có thể nói là không biết gì.
Nhưng đâu chỉ cuốn sách tiếng Hoa đó. Mới nhất, người ta đang chuyền tay nhau thông tin về cuốn sách Tuyển dịch thơ Đường của tác giả Mai Lăng, xuất bản tháng 8/2008, do nhà xuất bản Văn Học, số ISBN 219559, dày 666 trang. Ở trang 651 và 652, lại có lời tố cáo bản đồ in hình lưỡi bò ngang nhiên và công khai.
Nhà xuất bản này, được các blogger nhắc lại là trước đây cũng từng in cuốn sách ca ngợi lính Trung Quốc đánh vào Việt Nam năm 1979, có tên là Ma Chiến Hữu, của một nhà văn quân đội Trung quốc có tên là Mạc Ngôn.
Điều đáng ngạc nhiên là người giới thiệu cho cuốn sách này là một cây bút lừng danh về tuyên truyền của Nhà nước, ông Mai Quốc Liên, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quốc học. Tương truyền rằng trong giới trí thức tuyên truyền của Đảng, ông Mai Quốc Liên từng có câu nói lừng danh là "Tôi thà làm con chó của Đảng, thấy điều lạ là sủa, vẫn còn tốt đẹp hơn bọn phản động". Lần này, quả là những điều "lạ" nhất của tổ quốc, ông Liên lại dường như thấy "quen", nên không lên tiếng.
Nếu nhìn vào các sự kiện, có thể thấy trò công khai chống lại đường lưỡi bò vào năm 2010 của Đảng CSVN, dường như chỉ là đòn phép chính trị của các phe phái nội bộ của Đảng, nhằm thanh trừng lẫn nhau. Và nhân dân chỉ được biết đến số phận của tổ quốc, của bản thân mình khi các quan thầy của Bộ chính trị CSVN muốn sử dụng sự thật như một thứ quuyền lợi của bản thân mình.