Biểu tình phản đối đài PT-TH Hà Nội bôi nhọ trí thức, tại sao không? - Dân Làm Báo

Biểu tình phản đối đài PT-TH Hà Nội bôi nhọ trí thức, tại sao không?

Lê Diễn Đức Sáng kiến của một số trí thức trong nước về việc biểu tình phản đối đài Phát thanh - Truyền hình (PT-TH) Hà Nội, báo Hà Nội Mới và báo An ninh Thủ đô đã chụp mũ, bôi nhọ nhân sĩ, trí thức và những người yêu nước khác, sẽ có tác dụng tích cực, tạo ra một tiền lệ rất tốt, nếu trở thành hiện thực. Bởi vì dư luận xã hội cần phải tỏ thái độ cho các cơ quan báo chí Việt Nam biết rằng, không thể lấy sự độc quyền để chuyển tải thông tin sai sự thật, gây ảnh hưởng xấu đến danh dự của công dân.

Việc phản đối thông tin sai sự thật đối với các cơ quan truyền thông thường xuyên xảy ra ở nhiều nước. Tôi đơn cử một ví dụ.

"Wall Street Journal" (WSJ) là một nhật báo rất lớn, có uy tín hàng đầu không chỉ ở Mỹ mà còn trên thế giới. Ngày 14/5/2010 trên WSJ có bài viết sử dụng cụm từ "trại tập trung Ba Lan" khi nói về các trại tập trung của phát xít Hitler nằm ở Ba Lan trong giai đoạn Chiến tranh Thế giới II.

Cho rằng, với những người không hiểu biết nhiều về lịch sử, nhất là giới trẻ, dùng cụm từ trên gây ngộ nhận các trại tập trung là của Ba Lan, của người Ba Lan, nên Lãnh sự quán Ba Lan tại New York và “Polonia”, một hiệp hội của người Ba Lan sống tại Mỹ, đã can thiệp, đề nghị WSJ chỉnh sửa và xin lỗi.

Vì WSJ chần chừ không trả lời, một số người Ba Lan sống tại Mỹ đã tổ chức biểu tình trước trụ sở WSJ. Họ mang theo cờ, quốc huy Ba Lan cùng với nhiều biểu ngữ trong đó có “Change the text, it is incorrect” (“Hãy sửa lại bài viết, điều đó không đúng”).

Trong lần biểu tình đầu tiên WSJ làm ngơ, không cử đại diện ra gặp, họ lại biểu tình tiếp. Sự có mặt nhiều lần của người Ba Lan đã gây sự chú ý và sự ủng hộ của dư luận. Cuối cùng WSJ đã đính chính bài viết và chính thức đăng lời xin lỗi trên trang nhất.

Rõ ràng, các cuộc biểu tình của một số không nhiều người Ba Lan đã mang lại hiệu quả hơn cả tác động của cơ quan ngoại giao.

Nhà đài TH-PT Hà Nội, báo Hà Nội Mới và An ninh Thủ Đô sẽ bẽ mặt khi những người biểu tình cùng các biểu ngữ phản đối sự bôi nhọ, vu khống nhân sĩ, trí thức và người yêu nước, được dư luận biết đến và được chuyển tải trên các cơ quan truyền thông khắp thế giới.

Là những công dân lương thiện, nhưng thấp cổ bé miệng, có lẽ chúng ta không còn cách nào tốt hơn ngoài biểu tình ôn hoà tỏ thái độ rõ ràng, dứt khoát, để phản kháng lại thái độ "trơ tráo, dối trá" (lời của nhà thơ Đỗ Trung Quân) và "vô liêm sỉ" (lời của nhà văn Nguyên Ngọc) của các cơ quan báo chí, truyền thông nêu trên. Mọi kiến nghị từ trước đến nay đã không mang lại ý nghĩa gì.



Ảnh AFP: Người Ba Lan tại New York biểu tình trước trụ sở của WJS





Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo