Gánh Quan trả cho Nhà Chức Trách - Dân Làm Báo

Gánh Quan trả cho Nhà Chức Trách

Minh Văn (danlambao) Xã hội ngày nay chỉ trọng bằng cấp hình thức mà không xét đến chân tài thực học, vì thế mà đầy rẫy những vị Tiến sĩ giấy nghênh ngang bảnh chọe. Những người này nắm trong tay những học hàm, học vị cao mà không có chút gì gọi là tri thức để giúp dân giúp nước. 

Đối với họ bằng cấp là phương tiện để có chức, quyền cho tiện việc bóc lột và cai trị nhân dân. Những học vị đó họ mua được và không cần phải học, và nếu có học thì cũng chỉ là chiếu lệ và hình thức. Bằng cấp ngày nay vì thế mà trở thành một mớ giấy lộn ghi học vị, nhưng những vị quan tham nhũng cần có nó để leo lên những vị trí cao hơn trong xã hội. Có bằng thật học giả và có bằng giả học giả, nói tóm lại tất cả đều là giả dối. Hậu quả thì xã hội phải gánh chịu, mất thời gian và tiền bạc của nhân dân mà chẳng có lợi lộc gì cho đất nước.

Cách tuyển chọn quan chức thời trước tuy có thể không hẳn thích hợp với bối cảnh xã hội ngày nay, song tuyển quan qua những kỳ thi khảo hạch học lực là một quan niệm đúng đắn.

Thời xưa, xã hội Phong Kiến Việt Nam gắn liền với học thuyết Nho Giáo của Khổng Tử. Đây cũng là học thuyết chính thức sử dụng trong thi cử ở nước ta thời xưa. Kỳ thi đầu tiên mở năm 1075 và kỳ thi cuối cùng năm 1919. Học thuyết đó là rường mối tri thức và tư tưởng của người Việt. Nhà nước phong kiến tuyển chọn quan lại cao cấp qua các kỳ thi mở cho mọi người tham gia. Việc khảo hạch gồm có những bài văn sách, chính trị, làm thơ, v.v... Lúc nào cũng có nhiều người thi và rất ít người được đỗ. Từ năm 1075 đến năm 1919, chỉ có hơn hai nghìn người đỗ Tiến sĩ. Những người thi đỗ được nhận áo mão của Vua ban. Khi vinh quy về làng họ được chính quyền địa phương đón tiếp trọng thể, có kèn trống, cờ quạt đón rước linh đình.

Các khoa thi Hương tổ chức ở địa phương, tuyển chọn Tú Tài và Cử Nhân. Những người trúng tuyển được dự khoa thi Hội tổ chức ở Kinh đô, dưới sự giám khảo của Nhà Vua, nhằm đạt danh hiệu Tiến sĩ. Những người trúng tuyển thi Hương và thi Hội đều có thể ra làm quan, là thành viên của một bộ máy nắm mọi quyền điều hành công việc hành chính quốc gia.

Dùi mài kinh sử để ra làm quan là ước mơ cao nhất của các sĩ tử trong nhiều thế kỷ. Với quan niệm: Học trước hết là để tu thân, rồi mới đến tề gia, trị quốc, bình thiên hạ, các nho sĩ đã coi việc tích lũy tri thức chính là học đạo. Đó là đạo làm người, đạo của người quân tử. Học để biết nhìn nhận và đánh giá sự vật cho đúng với đạo lý, để rèn luyện con người: “Ngọc bất trác bất thành khí, nhân bất học bất tri lý”.

Xuất phát từ quan điểm tư tưởng trên mà người Việt trở thành một dân tộc hiếu học và có truyền thống tôn sư, trọng đạo:

“Muốn sang thì bắc cầu Kiều
Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy”

Những người làm quan có tri thức đều thông làu kinh sử và biết làm thơ, viết văn. Đó là nền tảng tri thức của một con người có học thức và tài năng - đó là tiêu chuẩn thời ấy. Vì vậy người dân coi như đó là một chuẩn mực không thể thiếu của những người được coi là cha mẹ dân. Những ông quan dốt nát, không biết làm thơ bị dân chúng xem thường, mỉa mai và coi đó là những ông quan chạy chức, chạy quyền. Từ đó mà có câu chuyện thú vị dưới đây:

Thời Pháp thuộc, đạo Nho cùng đường nên suy vi, đã trở nên thứ yếu trong việc tuyển lựa công chức nhà nước. Chính quyền tồn tại hai hệ thống quản lý song song: Các công chức theo Tây học do Pháp đào tạo, và các quan lại địa phương theo Nho học. Có lần dân huyện nọ gánh một ông quan đến trả cho Nhà Chức Trách Pháp. Khi nhà chức trách hỏi lý do làm sao lại gánh trả thì những người dân trả lời: “Ông quan này không phải là khoa bảng, vì không biết làm thơ”.

Câu thơ của cụ Tam nguyên Yên Đổ đến đầu thế kỷ 21 này mà còn ứng nghiệm ở xã hội Việt Nam:

“Tấm thân giáp bảng sao mà nhẹ
Cái giá công danh ấy mới hời”.

Ngày xưa những ông quan dốt thì bị dân chê cười như vậy, số này chẳng thấm vào đâu so với ngày nay. Không thể dùng quang gánh nào cho xuể để gánh trả những ông quan dốt. Nhiều vị Tiến sĩ thời nay chỉ giỏi nịnh bợ và đút lót để được thăng quan tiến chức, đầu óc thì dốt nát nhưng thủ đoạn tham ô và vùi dập người dân thì có thể gọi là thiên tài. Họ ra rả nói như vẹt về đường lối, chủ trương chính sách của đảng và nhà nước mà không hiểu để làm gì. Khi có người hỏi về Nhân, lễ, nghĩa, trí, tín thì họ ú ớ mà không hiểu mô tê gì cả. Thật là nực cười cho chuyện học ngày nay.

Nên nếu Nhân Dân được quyền chọn Quan thì tất phải dùng xe ô tô tải để chở, thì mới trả hết cho nhà nước những ông quan cán bộ Tiến sĩ giấy thời này. Với những người quyền cao, chức cả mà có ý thức như thế về học vấn thì thử hỏi những thế hệ về sau sẽ như thế nào?

Thật là buồn thay cho tương lai của đất nước chúng ta!

02/9/2011



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo