Mùa Trung Thu trong mơ - Dân Làm Báo

Mùa Trung Thu trong mơ

Tuấn Dũng (danlambao) Ngày ấy, cứ mỗi khi ba tôi dắt chiếc xe đạp về nhà và đặt lên bàn hai túi bánh thấm mỡ từ trong ra là tôi biết Trung Thu đang đến gần. Ba tôi, một công chức cấp Chủ sự phòng Công văn Sở Kiến Thiết và Thiết Kế Đô Thị số 29 bis Phan Đình Phùng, Sài Gòn, cứ sau mỗi mùa Trung Thu là lại… trả góp hàng tháng cho hãng bánh Long Xương để trước mùa Trung Thu năm sau 2 tuần ông mang về nhà hai túi bánh như thế thẫm ướt mỡ.

Trong mắt tôi hôm nay, bốn, năm mươi năm sau mới hiểu, ở túi bánh ấy có thấm đẫm cả mồ hôi của ba tôi từng tháng từng tháng im lặng dựng chiếc xe đạp cũ kỹ cọc cạch thời 1954 giữa Chợ Lớn đô hội của Sài Gòn 1965 – 1972 ngoài cổng hãng bánh nhộn nhịp để lo cho đứa con được cái ngon dịp Tết trẻ em. Vì trả góp nên chẳng năm nào nhà tôi có hộp bánh cả. Kỷ niệm này mỗi năm trở về, làm sao có thể làm miếng bánh vợ chồng và con tôi cắn vào trở nên ngon hơn được. Nhưng, vị đắng nào như vậy bỗng tan biến và thành vị ngọt vì tôi đã thấy con tôi hiểu hơn giá khó trả của tình mẫu tử mà như trong trường hợp của tôi, phải đến mấy mươi năm giọt mồ hôi đẫm áo của ba tôi ngày ấy mới thấm vào sự hiểu của tôi.

Trung thu lại đến hôm nay; thế mà, con trẻ hôm nay đáng thương biết bao. Bố mẹ chúng vào tuần này đã chết dở sống dở với các khoản tiền trường sau ngày khai giảng, có còn đâu tâm hồn và tiền bạc cho miếng bánh đêm trăng rằm tháng Tám nữa?

Những buổi tối gần Trung Thu ngày ấy, lũ trẻ chúng tôi quây quần trong sân nhỏ nhà tôi. Mợ tôi nấu chè kho cho mỗi đứa một chén kèm nguyên ca chanh đá đường cho cả lũ chúng tôi. Chúng tôi cắm nến trên thành tường, ăn chè, chuyền ca đá chanh rồi chùi tay vào quần đùi, cầm lấy đèn của mình, tàu bay, ngôi sao, đèn xếp , đèn lon sữa bò leng keng tiến ra đầu ngõ bắt đầu rước đèn. Riêng thằng Dũng tôi thế nào cũng được mợ tôi dúi cho góc bánh nướng vừa đi rước đèn vừa cắn bánh vừa hát to, “Tết Trung Thu rước đèn đi chơi, em rước đèn đi khắp phố phường…”.

Trước khi viết bài này tôi về nhà trong tiếng ồn ào của cái loa Phường. Lắng tai nghe, gần đến khi cái tai tôi mệt mỏi vì những bài ca Trung Thu thế nào cũng phải có ánh sao dẫn đường em đi tới tương lai thì rồi, bài ca quá khứ của lũ chúng tôi ngày xưa cũng trở về. Sao mà dìu dặt và vút cao đến thế… Cái thằng tôi trên 50 mùa Trung Thu này đứng trên sân ngẫm nghĩ, chỉ có mùi mồ hôi của ba tôi để lại trên chiếc bánh mới khiến Trung Thu sống mãi với tôi như thế vì; bạn tin không, cứ mỗi năm khi khu lồng đèn Trung Thu Chợ Lớn đường Lương Như Học họp lại thì gã (hơi khùng ) tôi lại lòng vòng mấy tối một mình với cái máy ảnh tìm lại quá khứ trong mơ.

Trăng vẫn sáng trên cao nhưng dưới trần thế này các cháu con em của tôi sao còn cơ cực quá. Giá mà gánh quá nặng không bị đặt trên vai cha mẹ các em cho tiền trường, tiền lớp. Ngày xa xưa ấy, tôi cũng gầy gò với chiếc quần cộc rong đèn khắp xóm nhưng dù nghèo, ba mợ tôi vẫn có được miếng bánh cảm động cho con. Điều nữa là, ngày ấy, con ông công chức bình thường như tôi và con ông Đại Tá, Tổng Trưởng vẫn chung vui rước đèn có thế thôi. Chứ, hôm nay, các em đen thủi đen thui có cái khác quá. Chửi thề, nói tục vô cùng. Trong khi đó con em những gia đình không biết có đức cao đạo trọng không nhưng lắm tiền lắm bạc đã không còn rước đèn đường phố và ăn bánh Trung Thu trong nước nữa. Phải là rước đèn biểu diễn trong một buổi tiệc sang trọng bên khay bánh trăm đô nhập cảng từ Hong Kong, Đài Loan.

Trung Thu trong mơ của tôi, không phải vì thế mà phải chết. Ngược lại, vị đậm đà của một tuổi thơ như thế cứ trở về hàng năm hàng năm vì nó được nuôi dưỡng bằng một tình thương mộc mạc và thực sự của ba mợ tôi và con người ngày ấy mà đứng trên mọi toan tính tầm thường và độc hại. Cứ hỏi vì sao con trẻ ngày nay hư hỏng gớm ghê để làm gì khi câu trả lời là rất đơn giản. Chúng nào có được ràng vào gia đình và chú Cuội, chị Hằng bằng những sợi dây yêu thương đâu. Trẻ em hôm nay, nhìn vào đó để thấy ngày mai của đất nước này. 

Thật đau lòng.



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo