Chuyện anh - Chuyện em: Chính quyền và sự phát triển CN thông tin - Dân Làm Báo

Chuyện anh - Chuyện em: Chính quyền và sự phát triển CN thông tin

TPR (danlambao) Nghị quyết XI thì khẳng định: Phát triển CNTT là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân. Nhưng nhiều cơ quan nhà nước, tổ chức, công ty, xí nghiệp... còn coi nhẹ đầu tư ứng dụng CNTT. Có lẽ các lãnh đạo chẳng hiểu tí gì về nó nên không chú trọng. Cũng có lẽ họ chú trọng đội ngũ an ninh mạng và hacker phục vụ chế độ trước. Buồn thay!...


*

 Trong xu thế hiện nay, việc phát triển ứng dụng công nghệ thông tin trong mọi mặt của cuộc sống là một việc hết sức cần thiết và cần phải chú trọng đầu tư liên tục để không lạc hậu với thế giới. Trung Quốc và Việt Nam cũng rất chú trọng vào lĩnh vực này nhưng có vẻ có nhiều điểm khác lạ, đặc trưng của chế độ tuyên truyền, nói nhiều mà làm ít, nói một đằng làm một nẻo.

Về kiểm soát thông tin mạng

Với nhà anh, việc chú trọng vào phát triển CNTT được đầu tư khá tốt, nhưng ngoài phát triển CNTT ứng dụng vào cuộc sống thì việc phát triển CNTT phục vụ chế độ cũng rất khủng. Nhà anh luôn có một lực lượng kiểm duyệt mạng rất đông đảo, phải nói là khó có website nào đi ngược với đường lối của ĐCS mà qua mắt được lực lượng này. Bởi vậy toàn bộ các trang web, blog ngoài lề đều được chặn hoặc hack. YouTube, Face book, blogspot của google và nhiều blog, mạng xã hội khác bị vô hiệu hóa tại đây. Vào internet ở các cơ quan, đơn vị đều thông qua phần mềm quản lý tài khoản truy cập mạng Dr.Com (cái phần mềm này rất nhiều tổ chức cấy sẵn trojan theo dõi). Dân đen nhà "thằng anh" chỉ chủ yếu dùng các mạng xã hội của họ, phổ biến nhất là QQ, sản phẩm tích hợp đa chức năng nhất.

Cái này cũng là cái dở của "thằng anh". Gần đây ở Trung Quốc có rất nhiều cuộc bạo loạn, nhất là tại các vùng tự trị như Tân Cương, Quảng Tây và cả các vùng khác phía tây nam Trung Quốc. Bởi vì bị kiểm soát chặt nên người ta nhắn cho nhau trên blog hẹn nhau xuống đường đi dạo, kết quả là có đến 3000 người xuống đường biểu tình và bạo loạn. Đây là vấn đề làm chính quyền sợ hãi, họ đã cho an ninh mạng chặn hết các kết quả tìm kiếm chỉ sau vài ngày trên bộ máy tìm kiếm độc quyền baidu của họ.

Chuyện "nhà em" thì quá rõ, như một bạn nào comment rằng "chính quyền bây giờ sợ nhất là internet". Mạng CNTT phát triển như vũ bão trong nước, các trang mạng xã hội, blog là nơi cho những người dân yêu nước bày tỏ chính kiến của mình, phơi bày cái xấu, cái bất công trong xã hội. Những chuyện được phơi bày này nhiều lúc vượt quá giới hạn, liên quan đến cả một bộ máy làm người ta sợ. Nhưng do chẳng chịu trọng dụng nhân tài, chẳng chịu đầu tư như "nhà anh" nên những cái xấu xa cứ thế hằng ngày phơi bày trên internet cho cả thế giới biết.

Những nhà lãnh đạo ít tài cũng lộ mặt qua từng câu nói, hành động được phơi bày trên mạng, thật tiếu lâm. Chẳng hạn như sự làm việc lúng túng, lí nhí, đuối lý, sai pháp luật... của một tòa án tối cao có lẽ cái tiếng sẽ để đời cho hậu thế mỉa mai. Chẳng hạn như lời phát biểu lật trắng thành đen của một vị tướng để bao che cho một thằng lính côn đồ, đầu óc ngu si, tứ chi phát triển làm người ta cười đến muôn kiếp. Vị này nếu có trình độ thì đã thẳng thắn nhận lỗi và hy sinh 1 con chốt thì có lẽ tiếng xấu sẽ không để ngàn năm.

Hàng loạt những vụ đập phá cưỡng chế nhà dân, chùa chiền cứ thế mà được post lên mạng làm tài liệu lịch sử cho mai sau. Những lý lịch, bằng cấp tại chức và cả gian lận giấy tờ của những cụ chóp bu cũng được scan lên cho dân bình phẩm trình độ. Rồi cả những bình phẩm của từ dân bán cóc vỉa hè, bác xe ôm cho đến báo mạng nước ngoài bình phẩm, đọc vị kết quả từng vụ án, đọc vị ông nào sẽ làm gì trước Đại hội cả năm trời... than ôi, nhiều vô kể những việc đã được phơi bày trên mạng.

Sự phát triển này làm người ta sợ, rất sợ. Thế nhưng, thật buồn cười là có nhiều vị quan chức cấp cao, trình độ còi lại chẳng biết sợ vì chẳng hiểu gì, cứ tưởng phát biểu vài câu qua hội họp, được báo chí viết vài điều thay đổi trắng đen trên báo giấy, báo điện tử chính thống, trên truyền hình là dân tin ư, thật là sai lầm. Dân biết hết cả đấy, họ vẫn mang ra bình phẩm qua từng câu chuyện tếu với nhau qua chén trà, ly rượu... nhưng vì miếng cơm, manh áo, vì gia đình, cuộc sống mưu sinh mà họ còn sợ không dám nói công khai và đứng lên đấu tranh đó thôi. Họ không nghĩ một mai internet phổ cập rộng rãi thì sao nhỉ? Tất nhiên những cái đi ngược lòng người sẽ bị đào thải.

Nỗi sợ hãi này đang làm "nhà em" run sợ và đang bắt đầu bắt tay học tập "nhà anh". Hệ thống website của các tổ chức đang được quản lý tên miền, hosting và cho vào vòng kiểm soát, bắt đầu thí điểm từ 2 thành phố lớn là hà Nội và HCM từ năm trước. An ninh mạng bắt đầu xuất hiện đầy rẫy trên mạng và xâm nhập vào từng trang giả làm thành viên để moi móc thông tin, tìm hiểu các thành phần cốt cán của trang đó nhằm tiến hành đàn áp, bắt bớ.

Họ chưa hiểu ra một điều, với dân Việt thì họ bắt chước đàn anh chẳng ăn thua gì. Dân mình luôn có những sáng kiến, sáng tạo đầy thông minh, táo bạo. Truyền thống dân tộc Việt luôn biết cách vượt qua mọi sự thách thức. Trừ phi họ bắt chước Triều Tiên, cô lập toàn dân với internet và thế giới bên ngoài, nhưng muộn rồi, không làm vậy được nữa đâu.

Về tổ chức hacker

Nhà anh có một hệ thống hacker được nhà nước nuôi đang hoàng. Họ có hội họp bàn về kỹ thuật hẳn hoi, thảo luận công khai trên một vài trang mạng như www.cn-hack.cn, www.hackbase.com, www.cnbct.org, www.hackart.org, www.3800cc.com... Hacker nhà họ có phương thức hoạt động và mạng lưới phát triển khá chặt chẽ. Một lần anh bạn tôi được tình cờ nói chuyện với một cố gái rất xinh và trẻ, nói chuyện dông dài mới hay cô ấy đang đi tham gia 1 hội thảo về hacher và cô ta có dưới tay hơn 1000 hacher khác, hix. Quân đội và công an của họ cũng có tổ chức hacker riêng, gần đây họ đã vô tình để lộ đoạn tin tức phát trên thời sự về tổ chức này, đoạn này được lan rộng trên mạng, bị thế giới chỉ trích nên đã bị cắt mất trên phần lưu trữ tin tức trên web nhà đài như mọi người đã biết.

Ưu thế của hacker "nhà anh" thì thể hiện quá rõ qua đợt xung đột vừa rồi, khi họ trả đũa "nhà em" thì hàng loạt website từ của chính phủ xuống các tổ chức khác của nhà em bị tê liệt. Một admin của hvaonline.net đã từng comment nhận xét qua đợt tấn công đó trên diễn đàn: "Nói chung VN mình "cương" với TQ về phương diện mạng, bảo mật, hacking, viruses, DDoS thì giống như con ruồi chơi với con voi. Nếu tụi TQ chỉ cần redirect 1/3 traffic mà các botnets tụi nó đang kiểm soát nhắm tới VN thì coi như mạng của VN biến mất. Những thủ thuật xâm nhập, codes, trojans... và cả những mánh lới "chuyên ngành" VN hầu hết học lại của TQ thì làm gì có cửa mà chơi TQ? Nói chung, dăm ba trang deface để tỏ thái độ chẳng mang lại một kết quả gì tốt đẹp hết. Cùng lắm chỉ thoả nỗi bức xúc mà thôi. Nên nhìn và hiểu bản chất vấn đề thay vì phản ứng một cách đột phát và thể hiện bức xúc một cách đột phát đầy cảm tính".

Thế nhưng nhà em cũng không thiếu tổ chức hacker làm việc cho chính phủ đâu, thậm chí có tin đồn là còn có sự liên kết nhờ vả qua lại giữa hai tổ chức anh em này khi cần đánh phá các trang lề trái nào đó. Đến thời điểm này nhà em có lẽ sẽ đầu tư vào lĩnh vực này nhiều để học tập nhà anh, kiên quyết dập tan "mọi thế lực thù địch" của họ.

Nghị quyết XI thì khẳng định: Phát triển CNTT là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân. CNTT là khâu đột phá, là động lực để đẩy nhanh tốc độ công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước. Thế nhưng không biết họ sẽ phát triển được những gì đây khi hàng loạt trường tiểu học, trung học cơ sở trên khắp đất nước chưa đủ dụng cụ học tập chứ đừng nói đến máy tính, internet. Nhiều trường đại học có ngành CNTT hẳn hoi nhưng phòng máy thực hành quá ít máy và quá cũ kỹ. Nhiều cơ quan nhà nước, tổ chức, công ty, xí nghiệp... còn coi nhẹ đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin (có lẽ các lãnh đạo chẳng hiểu tí gì về nó nên không chú trọng)... Có lẽ họ chú trọng đội ngũ an ninh mạng và hacker phục vụ chế độ trước. Buồn thay!




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo