Trần Mạnh Hảo (danlambao) - Đức Khổng phu tử sinh thời, đã đưa ra một học thuyết rất hay, có ích cho nhân loại muôn đời là học thuyết Chính Danh, rằng: “Danh không chính thì Ngôn không thuận, Ngôn không thuận thì Việc không thành”. Nay thử lấy thuyết chính danh trên để xét “Hội nghị viết văn trẻ toàn quốc lần thứ 8” của Hội nhà văn Việt Nam có thực chính danh không ?
Theo báo chí cho biết, tới dự “Hội nghị viết văn trẻ toàn quốc lần thứ 8” này có 112 đại biểu viết văn trẻ và 100 đại biểu viết văn già. Trong mấy ngày hội nghị, số các nhà văn già phát biểu nhiều hơn số nhà văn trẻ phát biểu, thời gian đăng đàn của các nhà văn già gấp đôi các nhà văn trẻ. Như vậy, số nhà văn trẻ dự hội nghị chỉ hơn số nhà văn già 12 người, coi như gần tương đương nhau. Như thế này, không thể gọi là “Hội nghị viết văn trẻ toàn quốc…” được, mà phải gọi sự vật bằng tên của nó như thế này, mới đúng, mới chính danh: “HỘI NGHỊ VIẾT VĂN TRẺ VÀ VIẾT VĂN GIÀ TOÀN QUỐC LẦN THỨ NHẤT” mới đúng .
Tại sao phải thay đổi thứ bậc “lần thứ 8” bằng “lần thứ nhất” ? Thưa vì đây là hội nghị lần đầu tiên của những người viết văn trẻ và viết văn già họp chung, mô hình mới của Hội nhà văn Việt Nam.
Việc chọn ra 100 đại biểu nhà văn già đi dự “Hội nghị viết văn trẻ và viết văn già…” trong số ngót một nghìn nhà văn già có chính danh không ? Thưa rằng hoàn toàn không chính danh, không dựa trên bầu bán công minh, không tiêu chuẩn, tiêu chí rõ ràng; rằng nhà văn già nào được đi dự hội nghị viết văn “xăng pha nhớt” này ? Ai trong số nhà văn già được chọn đi vui chơi Tuyên Quang xứ “chè Thái, gái Tuyên” hoàn toàn do cảm tính của ông chủ tịch Hữu Thỉnh, hoặc do việc ông chủ tịch giai đoạn này cần tranh thủ ai ủng hộ mình v.v...
Mới thấy nhà văn Trần Nhương “hí họa” tuyệt hay như sau về chuyện các em các cháu viết văn trẻ gánh các cụ viết văn già lên xứ Tuyên oằn vai rất “tang thương ngẫu lục” như sau :
EM ĐI HỘI NGHỊ
Trương Tuần
Nhân đây, chúng tôi cũng xin đưa ra một số việc không chính danh của Hội nhà văn Việt Nam, để quý bạn đọc cùng bàn cho vui.
Tên gọi “Hội nhà văn Việt Nam” của hội hiện hành liệu có chính danh không ?
Thưa không ! Vì trong Hội nhà văn Việt Nam còn có sự tồn tại cả một hãng phim đã làm những phim với số tiền cả triệu đô la. Chúng tôi thiết nghĩ, Hội nhà văn thì chỉ có chức năng : làm thơ, viết văn ( trong môn văn xuôi có thể loại kịch bản sân khấu, kịch bản phim truyện), viết lý luận phê bình, dịch tác phẩm văn học, châm hết; chứ đâu có chức năng diễn kịch, chức năng múa, chức năng vẽ, chức năng hát, chức năng làm phim? Việc có một hãng phim to đùng trong Hội nhà văn là không đúng chức năng cầm bút của nghề văn. Nên tên gọi Hội nhà văn Việt Nam hiện nay là không chính danh, phải gọi như thế này mới chính danh “Hội viết văn và hội làm phim Việt Nam”.
Trong “điều lệ Hội nhà văn” thấy ghi : “Hội nhà văn là hội chính trị nghề nghiệp…”. Thực ra, Hội nhà văn chỉ là hội nghề nghiệp; ví dụ hội những người vẽ tranh, làm tượng gọi là hội mỹ thuật, hội những người nuôi ong gọi là hội nuôi ong, hội những người nuôi chim là hội chơi chim. Nhưng khi đã xác định Hội nhà văn là hội chính trị nghề nghiệp thì tên gọi của nó hiện nay là không chính danh. Phải gọi như thế này mới chính danh: “Hội chính trị viết văn Việt Nam” mới chính danh.
Đồng nhất chính trị với viết văn theo như điều lệ hội viên trên là hoàn toàn sai với những định đề của mỹ học mác - xít. Quan niệm của triết học mác -xít về thượng tầng kiến trúc coi văn học nghệ thuật và chính trị là hai bộ môn khác nhau trên cùng một măt bằng. Đồng nhất văn học là chính trị như trong điều lệ hội nhà văn đã xác định trên là trái với triết học mác-xít.
Hầu hết các hoạt động của Hội nhà văn hiện nay đều không chính danh, dấm dấm dúi dúi, không đàng hoàng.
Nghe nói trong gần ba khóa (15 năm) làm chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam của ông Hữu Thỉnh, nhà nước đã tài trợ cho hội nhà văn Việt Nam hàng ngàn tỉ đồng. Với số tiền quá lớn như vậy trong khi dân ta nghèo đói vào hàng nhất thế giới, là tiền đóng thuế, tiền xương máu của nhân dân, ban lãnh đạo Hội đã dùng tiền này làm gì, có thật chỉ dùng tài trợ sáng tác cho hội viên, dùng chi phí cho các hội nghị giời ơi ví như hội nghị ‘xăng pha nhớt” Tuyên Quang mấy ngày vừa qua ? Hội viên nhà văn không hề biết số tiền này ông chủ tịch hội dùng để làm gì cho hết, khi ông chưa hề một lần công khai tài chính. Dùng tiền lớn của dân tiêu pha bừa bãi, không công khai tài chính cho hội viên biết liệu có chính danh không?
Chúng tôi sẽ trở lại đề tài này trong một bài báo khác.
Sài Gòn ngày 14-09-2011