Lê Nguyên Anh (danlambao) - Báo Dân Trí sáng thứ Ba, ngày 13 tháng 09 năm 2011 đưa tin:
Theo đơn khởi kiện CA quận Cầu Giấy của ông Nguyễn Đức Đông (trú tại Từ Liêm, Hà Nội), chiều ngày 15/11/2010, ông Đông điều khiển xe ô tô từ đường Phan Văn Trường ra đường Xuân Thủy (quận Cầu Giấy). Khi đi đến ngân hàng tại số nhà 61- 63 Xuân Thủy, ông Đông dừng xe dưới lề đường thì bị lực lượng CSGT - trật tự - phản ứng nhanh của quận lập biên bản vi phạm hành chính về hành vi "đỗ xe ở lòng đường trái quy định". CA quận Cầu Giấy đã quyết định phạt ông Đông 800.000 đồng và tạm giữ giấy phép lái xe 30 ngày.
Ông Đông cho rằng mình không sai khi rẽ từ đường Phan Văn Trường vào đường Xuân Thủy, đã quan sát và không hề thấy biển cấm đỗ xe. Trong khi đó, CA quận Cầu Giấy cũng khẳng định mình làm đúng luật vì tuyến đường Xuân Thủy – Cầu Giấy nằm trong số 56 tuyến phố văn minh cấm để xe đạp, xe máy, ô tô trên hè phố, lòng đường theo quyết định 2053 của UBND TP.Hà Nội. Biển cấm đỗ đã được cắm ở đầu đường.
Vụ việc được hiểu đơn giản như sau:
Đường Xuân Thủy có biển cấm dừng, đỗ xe dưới lòng đường, trên vỉa hè. Đường Phan Văn Trường cắt giữa đường Xuân Thủy. Tại điểm giao cắt nhau, phía đường Phan Văn Trường không thấy thông báo cấm rẽ phải nên chủ phương tiện tham gia giao thông đã rẽ phải khi ra tới đường Xuân Thủy. Phía đường Xuân Thủy (đoạn giao nhau với đường Phan Văn Trường) lại không có biển cấm dừng đỗ xe, nên người điều khiển phương tiện (ở đây là ông Đông) không biết.
Đây là lỗi của Sở Giao thông Vận tải Hà Nội.
Trong diễn tiến tại phiên tòa : "Ông Đông cho rằng mình không sai khi rẽ từ đường Phan Văn Trường vào đường Xuân Thủy, đã quan sát và không hề thấy biển cấm đỗ xe. Ông Đông dẫn quy định của Luật giao thông đường bộ 2008 nếu đoạn đường phải thi hành biển cấm có giá trị rất dài hoặc là tại các ngã ba, ngã tư có xe đi vào đoạn đường ấy thì các biển cấm phải được đặt nhắc lại. Nguyên đơn tỏ ra bức xúc cho biết, điểm rẽ trái từ Phan Văn Trường vào Xuân Thủy, theo hướng chạy xuống Mai Dịch không hề cắm biển cấm, chỉ có chiều ngược lại (Mai Dịch hướng lên Cầu Giấy) có 3 biển lặp lại.
Chủ tọa phiên tòa gật đầu xác nhận, tòa đã tổ chức xem xét thực địa, từ điểm giao giữa đường Phan Văn Trường – Xuân Thủy tới điểm ông Đông đỗ xe không có biển báo cấm nào."
Tòa yêu cầu bị đơn giải thích. Đại diện CA quận Cầu Giấy lý lẽ, không biết ai đi từ hướng nào tới, chỉ biết xử phạt vì người điều khiển phương tiện đỗ tại điểm bị bắt là đúng quy định.
"Trong khi đó, CA quận Cầu Giấy cũng khẳng định mình làm đúng luật vì tuyến đường Xuân Thủy – Cầu Giấy nằm trong số 56 tuyến phố văn minh cấm để xe đạp, xe máy, ô tô trên hè phố, lòng đường theo quyết định 2053 của UBND TP.Hà Nội. Biển cấm đỗ đã được cắm ở đầu đường.
Khi Tòa yêu cầu đại diện CA quận Cầu Giấy giải thích, bị đơn cho rằng không biết ai đi từ hướng nào tới, chỉ biết xử phạt vì người điều khiển phương tiện đỗ tại điểm bị bắt là đúng quy định."
Bạn đọc rút ra được kết luận gì?
Vậy là từ đây ta có định nghĩa mới trong từ điển: Ngã 3 phải có biển cắm của Sở Giao thông Vận tải thì mới được gọi là ngã 3. Còn sự giao cắt của hai con đường thì không được phép gọi đó là ngã 3 hay ngã 4.
Biên bản vi phạm hành chính về hành vi "đỗ xe ở lòng đường trái quy định" và quyết định xử phạt hành chính bằng hình thức nộp phạt 800.000 đồng và tạm giữ giấy phép lái xe 30 ngày của lực lượng CSGT - trật tự - phản ứng nhanh của quận Cầu Giấy đối với ông Đông khi khi dừng đỗ xe tại tuyến đường cấm dừng đỗ Xuân Thủy là đúng. Vì theo lý giải của bên bị đơn, họ không biết ông Đông đi từ đâu ra, chỉ cần biết ông vi phạm là phạt thôi.
Hay nói cách khác, nhiệm vụ của CSGT là chỉ biết thổi phạt khi thấy sai phạm.
Vấn đề lớn nhất ở đây là khi tranh tụng, cách giải thích định nghĩa - khái niệm của phía tòa án lẫn công an thể hiện rõ sự vô trách nhiệm, lãnh cảm trước những thắc mắc chính đáng của công dân để giúp họ hiểu rõ lỗi sai phạm nằm ở bên nào.
"Tòa cho rằng, người khởi kiện đã nhầm lẫn khi nhận thức đây là ngã ba. Quyết định xử phạt của công an quận Cầu Giấy, theo đó là đúng pháp luật.
“Vậy chiều đường ông Đông đi có ngã 3 nào không?”. Đại diện bị đơn lắc đầu. “Vậy chỗ giao giữa đường Phan Văn Trường, rẽ vào Xuân Thủy gọi là gì?”. “Tôi cho rằng đó không phải ngã 3. Gọi là gì tôi cũng không biết nhưng nếu là ngã 3 thì Sở GTVT phải cắm biển” – đại diện bị đơn trả lời.
Ở đây có sự chồng chéo và thiếu minh bạch của tòa án khi cho ra kết luận:
HĐXX phúc thẩm cho rằng, Xuân Thủy – Cầu Giấy là đường cấm xe toàn tuyến. Khu vực Chợ nông sản (đầu đường Xuân Thủy) đã có cắm biển báo, từ đó lên đến khu vực ông Đông đỗ xe không cần phải có biển nhắc lại, bởi không có ngã ba, chỉ giao cắt với các ngõ. Còn đoạn giao cắt giữa đường Xuân Thủy – Phan Văn Trường, tòa cho rằng, người khởi kiện đã nhầm lẫn khi nhận thức đây là ngã ba. Quyết định xử phạt của công an quận Cầu Giấy, theo đó là đúng pháp luật.
Thế nào là nhầm lẫn khi nhận thức đây là ngã ba???
Không thể nói câu công minh và chỉ ra bản chất vấn đề cho người dân thấy rõ đúng - sai, thì cũng đừng coi thường nhận thức của công dân mình như vậy thưa Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân Hà Nội??? Phải chăng nếu chấp nhận tính hợp lý trong đơn khởi kiện của công dân Nguyễn Đức Đông thì trong tương lai gần có lẽ tòa sẽ không có đủ thẩm phán để giải quyết những vụ việc tương tự???
Trên thực tế, ông Đông không sai khi đi từ đường Phan Văn Trường ra đường Xuân Thủy. Ở đây, ông đã khởi kiện sai đối tượng. Bị đơn ở đây đúng ra phải là Sở Giao thông Vận tải Hà Nội vì đã không đặt biển báo hiệu đường giao nhau, đường cấm theo đúng quy định của pháp luật. Hy vọng ông sẽ tiếp tục vụ khởi kiện này với đúng đối tượng để giành lại quyền lợi của mình.
Một xã hội dân sự đúng nghĩa - rất cần sự lên tiếng của những người như ông Đông hôm nay.