Nguyên nhân của sự đổ vỡ của thị trường chứng khoán tại VN - Dân Làm Báo

Nguyên nhân của sự đổ vỡ của thị trường chứng khoán tại VN

Sông Kôn (danlambao) - Những người sở hữu cổ phần nắm trong tay cổ phiếu là một tờ giấy có giá trị ảo chứ không phải là giá trị thật như vàng. Cho nên luật pháp nhà nước phải nghiêm minh để là công cụ bảo vệ giá trị cho những tờ cổ phiếu đó. Một nền luật pháp yếu kém như nước ta hiện nay không bảo vệ được giá trị cho những cổ phiếu...

*

Sự đổ vỡ của thị trường chứng khoán ở VN là hậu quả của việc “đặt mô hình kinh tế tiến tiến lên trên nền tảng pháp luật và đạo đức xã hội yếu kém”

Hình thức sở hữu ‘cổ phần về tư liệu sản xuất’ ra đời đã thể hiện tính ưu việt của nó, nó đã thay thế dần hình thức tư hữu về tư liệu sản xuất. Thực chất đây là cuộc ‘cách mạng xã hội’ chuyển đổi xã hội tư bản chủ nghĩa thành một xã hội mới phát triển cao hơn. Ở xã hội mới này vai trò ông chủ và làm thuê không còn phân biệt nữa, và sự phân chia giai cấp không còn rõ ràng như ở xã hội tư bản trước đây của các nước tư bản chủ nghĩa.

Thị trường chứng khoán ra đời là đỉnh cao của trí tuệ loài người, nó cho phép mua bán, chuyển đổi dễ dàng cái sở hữu về tư liệu sản xuất của mọi người. Do đó mà nhiều người dễ dàng tham gia mua cổ phần. Dòng tiền trong xã hội đổ xô vào dòng vốn đầu tư cho sản xuất. Và vì thế mà của cải xã hội làm ra được nhiều hơn, tốc độ phát triển kinh tế của đất nước nhanh hơn.

Ở các nước tư bản chủ nghĩa, khi ra đời thị trường chứng khoán, nền kinh tế và xã hội của họ đã ở vào một giai đoạn phát triển cao. Còn ở Việt Nam hiện nay, một nền luật pháp đang yếu kém: Nhà nước Việt Nam đặt ra rất nhiều luật nhưng Nhà nước không tuân thủ một luật nào cả. Phần thắng trong các cuộc tranh tụng pháp lý luôn thuộc về kẻ nắm quyền. Xét về bản chất, nền pháp luật như vậy là của chế độ phong kiến ngày xưa, ở đó người dân thượng tôn kẻ nắm quyền, chứ không phải thượng tôn pháp luật. Điều này rất quan trọng tác động đến thị trường chứng khoán. Bởi vì những người sở hữu cổ phần nắm trong tay cổ phiếu là một tờ giấy có giá trị ảo chứ không phải là giá trị thật như vàng. Cho nên luật pháp nhà nước phải nghiêm minh để là công cụ bảo vệ giá trị cho những tờ cổ phiếu đó. Một nền luật pháp yếu kém như nước ta hiện nay không bảo vệ được giá trị cho những cổ phiếu. Lấy ví dụ: những người lãnh đạo công ty có cổ phiếu niêm yết trên thị trường chứng khoán, nếu họ có trong tay quyền lực của kẻ cầm quyền và họ trục lợi về tài chính của công ty thì những cổ đông sở hữu những cổ phiếu của công ty ấy đành phải chịu thiệt, chịu mất của chứ không kiện được những người trục lợi, để đòi lại quyền lợi bị xâm hại của mình.

Một nền đạo đức yếu kém: Trùm xã hội đen Năm Cam để lại một câu nói bất hủ về xã hội Việt Nam hiện nay: “cái gì không mua được bằng tiền thì mua được bằng nhiều tiền”. Câu nói của ông mới đây thêm một lần đúng nữa vì có thông tin đồn đoán rằng, người ta đã mua chuộc được các quan chức chứng khoán (những người này không thể mua được ở các nước khác) bằng rất nhiều tiền để rồi chứng khoán dỏm bị lọt lưới lên sàn, để rồi những người dân bỏ tiền thật ra mua chứng khoán dỏm. Thêm một trò lừa đảo nữa xảy ra ở nơi được cho là văn minh nhất, tiên tiến nhất của xã hội loài người.

Thị trường chứng khoán là một mô hình kinh tế tiên tiến, một thực tiễn đã được chứng minh ở các nước nhưng khi đem về nước ta áp dụng, sau mấy năm tồn tại một viễn cảnh sụp đổ là chắc chắn, vấn đề còn lại chỉ là thời gian lâu hay mau.

Cũng giống như ta đặt ngôi nhà cao tầng lên trên một nền đất không có móng, hay ta cài đặt một phần mền có dung lượng lớn vào một máy tính lỗi thời … đều dẫn đến kết quả cuối cùng là nhà đổ hay máy đứng. Xử lý vấn đề chỉ có một cách duy nhất là xây lại cái móng nhà, hay là thay lại cái máy tính mới mà thôi.

Sự việc rõ ràng là thế, các chuyên gia kinh tế dẫu có dày công nghiên cứu thị trường chứng khoán, dẫu có dày công theo dõi các chỉ số thế nào, thì nhịp điệu của nó cũng như mạch tim yếu dần của một người bị bệnh nan y sắp chết, mà sẽ không có cách nào mà cứu chữa được.

Chỉ còn có cách là giờ đây cả xã hội Việt Nam bắt tay vào xây dựng lại cơ sở hạ tầng vững mạnh, xây dựng một đất nước thượng tôn pháp luật, xây dựng một xã hội văn minh lịch sự không suy đồi về đạo đức, xây dựng một xã hội mà ở đó các giá trị luôn luôn được bảo đảm. Có như vậy thì mới đảm bảo được một nền kinh tế phát triển vững bền, một mô hình kinh tế tiên tiến như thị trường chứng khoán mới có được đất sống và phát triển.

Nếu không thì đặc điểm của nền kinh tế Việt Nam vẫn mãi mãi là sự “lộn xộn và chụp giựt” như hiện nay.




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo