Luật biểu tình: Lợi ích công cộng và quyền công dân hay một hài kịch mới? - Dân Làm Báo

Luật biểu tình: Lợi ích công cộng và quyền công dân hay một hài kịch mới?

Lê Diễn Đức (RFA Blog) - Người Việt đang có nhiều ý kiến xung quanh dự luật biểu tình đã được trình bày trước Uỷ ban Thường vụ Quốc hội trong ngày 28/9/2011.

Có ý kiến cho rằng, chẳng “fair play” tý nào khi đích thân Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ thị cho Bộ Công an soạn thảo luật, một việc trái với thông lệ ở Việt Nam, thường do các Bộ hay Ngành đề xuất.

Thực ra, ý kiến nêu trên có lẽ xuất phát từ, thứ nhất - do định kiến về bộ máy đán áp biểu tình lại chấp bút viết dự luật biểu tình, thứ hai - chưa lĩnh hội đầy đủ về tiến trình làm luật.

Ở các quốc gia khác, không những thủ tướng, các Bộ, các Ngành, mà bất kỳ dân biểu nào của quốc hội cũng có quyền đưa ra sáng kiến về một dự luật. Có rất nhiều bộ luật ra đời mang chính tên người có sáng kiến.

Còn ở Việt Nam, Điều 87 của Hiến pháp cũng cho phép nhiều chủ thể có thể trình quốc hội dự luật.

Thông thường, uỷ ban pháp luật của quốc hội tiếp nhận dự thảo, lập nhóm chuyên trách, tham khảo ý kiến của các cơ quan xã hội, báo chí, thậm chí tiến hành thăm dò dư luận, sau đó điều chỉnh, hoàn thiện, rồi mới trình quốc hội.

Cho nên, quan trọng không phải ai là người đề xuất dự luật, mà là nội dung và tính thực thi của nó.

Thụ động và bị động

11 chủ nhật liên tiếp, bắt đầu từ ngày 5/6/2011 đến ngày 21/8/2011 dân chúng đã xuống đường biểu tình tại Hà Nội và Sài Gòn, thể hiện lòng yêu nước, phản đối sự xâm lấn ngang ngược của Trung Quốc trên lãnh hải Việt Nam. Sự kiện không tiền lệ này đã đặt nhà nước Việt Nam vào thế lúng túng, thụ động và bị động.

Lúng túng, thụ động và bị động, vì phía chính quyền không thể phủ nhận quyền được biểu tình của dân chúng do Hiến pháp quy định. Mặc khác nhà nước chưa có luật biểu tình nên người tham gia bám lấy nó như một thứ vũ khí bảo vệ trước bạo lực trấn áp của công an.

Những người am hiểu pháp luật còn phản đối Nghị định 38/2005/CP của Chính phủ về tụ tập đông người mà an ninh lấy nó làm cơ sở để bắt bớ, ngăn chặn. Thực chất, Nghị định này mang tính quy phạm hành chính, nhưng lại vi hiến.

Lúng túng, thụ động và bị động, vì phía chính quyền cũng muốn chứng tỏ bộ máy nhà nước “pháp quyền xã hội chủ nghĩa” có đủ mũ, mão, xiêm áo và pháp đình cho một vị Bao công. Nhưng trong thực tế thì pháp đình là sân khấu, còn Bao công là con rối do các nhà lãnh đạo chóp bu của Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) điều khiển theo ý đồ của mình khi thấy đặc quyền và đặc lợi có nguy cơ bị đe doạ từ các cuộc xuống đường.

Song song, không một nhà nước nào từ cổ tới kim lại cấm đoán nhân dân thể hiện lòng yêu nước và tinh thần chống ngoại xâm.

Lùng bùng trong đống nghịch lý hỗn mang đó, lực lượng an ninh, trật tự lúc thì đàn áp thô bạo; lúc thì cho cảm tưởng như bật đèn xanh; lúc thì đại biểu quốc hội và giám đốc công an thành phố Hà Nội tuyên bố biểu tình là thể hiện lòng yêu nước và nới lỏng; nhưng rồi cuối cùng thì quy chụp tội gây rối trật tự, chống phá nhà nước và cấm luôn bằng một văn bản khác thường, không mang tính cưỡng chế pháp lý vì không có người ký, của một thành phố Hà Nội, nhưng chủ trương lại xuyên suốt toàn quốc, thấy rõ qua hành động sách nhiễu, kiểm soát chặt chẽ của công an ở khắp nơi và cách phổ biến trên các cơ quan truyền thông chính thống.

Ma giáo trên sân chơi

Xem xét các điều của Hiến pháp Việt Nam, bộ luật khung cao nhất, chúng ta thấy nhiều điều được kết thúc tuỳ tiện bằng cái đuôi “theo quy định của pháp luật”. Ví dụ, được biểu tình, được lập hội, được thế này, thế kia... nhưng chốt lại “theo quy định của pháp luật”!

Cái đuôi kết thúc này thực chất là trò ma giáo của nhà cầm quyền.

Cố ý tạo khe hở để từ đó ban hành các bộ luật, nghị định, nghị quyết, v.v... ĐCSVN chủ trương hạn chế các quyền của công dân được Hiến pháp bảo hộ, hơn là tôn trọng Hiến pháp, cụ thể hoá các điều của Hiến pháp, hay định chế hoá trong sáng các sinh hoạt bình thường của xã hội.

Hơn thế, trong Hiến pháp của CHXHCN Việt Nam, Điều 4 quy định quyền lãnh đạo tuyệt đối của ĐCSVN, nên lãnh đạo ĐCSVN khi cần có thể đứng trên cả Hiến pháp. Cựu Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã từng nói bỏ Điều 4 đi là tự sát. Đây chính là nguyên nhân của mọi nguyên nhân dẫn đến xung đột trong xử lý trên bình diện pháp lý.

Trên một sân chơi mà ĐCSVN nắm hết các vai trò, vừa là ông bầu, vừa là cầu thủ, vừa cầm còi trọng tài, thì cái câu “có một rừng luật nhưng xử theo luật rừng” không có gì lạ!

Luật biểu tình sắp tới, tôi cho rằng không nằm ngoài kiểu chơi ma giáo, bất bình đẳng, lấy thịt đè người này.

Vì sẵn sàng chuẩn thuận mọi đề án của ĐCSVN, Quốc hội sẽ cố gắng phết màu mè sặc sỡ cho việc xây dựng Luật biểu tình, nhưng cũng như những luật khác, nó chỉ là công cụ đối phó mới, giúp nhà cầm quyền ngặn chặn tối đa khả năng tụ họp, tuần hành, biểu tình của nhân dân.

Lẽ ra các nhà lập pháp trước hết phải nhắm vào mục đích vừa bảo vệ kỷ cương phép nước, nhưng cũng vừa bảo vệ cả quyyền lợi của công dân được ghi trong hiến pháp. Đằng này đang trong tiến trình dự thảo, Chủ nhiệm Uỷ ban pháp luật Quốc hội Phan Trung Lý đã cho biết luật biểu tình sẽ “gây khó khăn cho công tác quản lý xã hội” và “tạo điều kiện xấu cho các đối tượng xấu, thế lực thù địch lợi dụng chống phá chế độ”!

Với định kiến, bi quan và ngây ngô như thế thì làm sao có thể cho ra bộ luật khách quan và có thiện chí với nhân dân?

Trong cuộc nói chuyện với RFA hôm 30/9/2011, ông Lê Hiếu Đằng, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tại Sài Gòn nói: “Tôi nghĩ động cơ là phải xuất phát thực tình là thực hiện cái quyền dân chủ, vì dân, trong đó có quyền biểu tình. Chứ nếu xuất phát từ việc thấy biểu tình rồi sợ thế này thế kia rồi ra luật để hạn chế thì tôi cho là không nên. Đó không phải là thực tâm để thực hiện quyền dân chủ của người dân”.

Thử nhìn sang nước khác

400 cô gái điếm Hàn Quốc biểu tình đòi quyền sống tại Seoul ngày 16/5/2011 - Ảnh: AP

Để có cơ sở so sánh luật biểu tình tương lai của CHXHCN Việt Nam, chúng ta có thể tham khảo một số tư liệu về luật biểu tình của các nước khác.

Nói chung, không một nhà nước nào, độc tài hay dân chủ đều giống nhau, mà lại thích thú dân chúng biểu tình. Các cuộc biểu tình đôi khi có thể làm tê liệt hoạt động đời sống, gây hậu quả nghiêm trọng về kinh tế và trật tự an ninh xã hội.

Nước Pháp đi đầu với ngọn cờ nhân quyền, nhưng cũng nổi tiếng quán quân ở Âu châu về số lượng biểu tình. Nhưng vì hiến pháp bảo đảm quyền phản đối, hay ủng hộ chính sách của người điều hành đất nước do dân chúng bầu chọn, nên muốn hay không muốn nhà nước cũng phải chấp nhận. Luật biểu tình trong các nước dân chủ vì thế dung hoà quyền và lợi chung của cả hai phía.

Trong các nước có chế độ độc đài, biểu tình đòi tự do, dân chủ, cải thiện dân sinh, thậm chí chỉ thể hiện lòng yêu nước như ở Việt Nam, bị xem là chống đối nhà nước. Vì thế dân chúng xuống đường tranh đấu mà không cần xin phép, bất chấp sự đàn áp, đôi khi đẫm máu, bởi vì có xin phép cũng không nhận được chấp thuận.

Cũng cần tách biệt tuyệt đối giữa biểu tình ôn hoà và gây rối trật tự công cộng. Có bài viết trên báo Quân đội Nhân Dân gần đây so sánh các cuộc biểu tình yêu nước ôn nước ôn hoà tại Việt Nam với cuộc bạo loạn ở Anh quốc hồi tháng 8/2011 để biện minh cho sự đàn áp của công an Việt Nam. Đây là sự so sánh tầm bậy, nếu không nói là ngu xuẩn.

Tự do tư tưởng và chính kiến, tự do chỉ trích, hoặc ủng hộ chính quyền không đồng nghĩa với việc tự do khiêu khích, phá hoại tài sản của cá nhân hay công cộng, gây tổn thương đến thân thể, tính mạng của người khác. Ở bất cứ đâu, các hành động tội phạm như thế đều không thể dung thứ.

Người Ba Lan đã xuống đường biểu tình liên tục nhiều năm để tranh đấu với chế độ cộng sản. Chỉ riêng trong giai đoạn một tháng sau thiết quân luật (ngày 13/12/1981), đã có gần 10 ngàn người bị tù giam. Nếu không chấp nhận hy sinh, tổn thất, chờ xin phép chế độ cho biểu tình, liệu nhân dân Ba Lan có cuộc sống tự do, dân chủ hôm nay?

Nhưng sau khi giành được dân chủ vào cuối năm 1989, ngày 5/7/1990, quốc hội dân chủ đầu tiên của Ba Lan đã ban hành ngay luật biểu tình, và liên tục sửa đổi, bổ sung và đến nay vẫn có một số vần đề cần phải hợp lý hoá với tiêu chuẩn của Liên minh Âu châu mà Ba Lan là thành viên từ năm 2005. Vì thế tôi nghĩ luật biểu tình của Ba Lan có thể là một trong những tài liệu tốt để tham khảo.

Mỗi nước có một hoàn cảnh, đặc điểm riêng, nhưng dường như một số khái niệm chung về tụ họp đông người tương đối giống nhau. Tranh cãi nhiều nhất trong khuôn khổ đánh giá mức tiến bộ của một luật biểu tình là phần thủ tục xin phép chính quyền và thời hạn giải quyết. Tôi tóm lược một số ý chính của luật biểu tình Ba Lan.

- Mọi người đều có quyền tự do tụ họp hòa bình. Tụ họp đông người là một tập hợp của ít nhất 15 người trở lên, với mục đích thảo luận hoặc thể hiện quan điểm.

- Quyền tổ chức tụ họp đông người áp dụng cho những người có đầy đủ năng lực pháp luật, các pháp nhân, tổ chức và các nhóm dân chúng, loại trừ việc tham gia đối với những người mang theo vũ khí, chất nổ hoặc các công cụ nguy hiểm khác.

- Luật biểu tình không áp dụng cho các cuộc tụ họp được tổ chức bởi các cơ quan của chính phủ hay chính quyền địa phương, hoặc trong khuôn khổ hoạt động tín ngưỡng của các giáo hội, hiệp hội tôn giáo.

- Người tổ chức có thể là người lãnh đạo, chỉ đạo (vận động, kiểm soát và kết thúc tiến trình) chịu trách nhiệm trước pháp luật về diễn biến của cuộc tụ họp.

- Người tổ chức phải thông báo cho chính quyền địa phương nơi diễn ra cuộc tụ họp không chậm quá 3 ngày, và sớm nhất 30 ngày, trước thời gian có cuộc tụ họp dự kiến.

- Sau khi xem xét thông báo, chính quyền địa phương sẽ ra quyết định cấm tổ chức. Trong trường hợp cấm, phải có văn bản chuyển giao cho người tổ chức trong vòng 3 ngày kể từ ngày nộp thông báo, nhưng không chậm hơn 24 giờ trước khi bắt đầu ​​cuộc tụ họp dự kiến. Chính quyền không ra quyết định cấm, hoặc không trả lời mặc nhiên được xem như đồng ý.

- Người tổ chức có thể khiếu nại quyết định cấm của chính quyền theo luật định lên toà án, nhưng sự khiếu nại không đồng nhất với việc đình chỉ thi hành quyết định cấm. Trong trường hợp tụ họp không thông báo, những người vi phạm sẽ bị phạt giam giữ tới 14 ngày, hoặc bị phạt tiền.

Thoạt quan sát chúng ta thấy luật biểu tình của Ba Lan có vẻ tạm ổn, chấp nhận được. Nhưng không hẳn trơn tru. Trong quá trình thực hiện, vẫn còn một số điểm chưa đáp ứng tinh thần của Hiến pháp.

Ngày 10/11/2004, tiếp nhận khiếu nại của tổ chức phi chính phủ “Ulica” (Đường Phố), Tổng thống Ba Lan đã kháng nghị lên Toà Hiến pháp xem xét điều khoản cấm những người tham dự mà phía chính quyền không có khả năng nhận dạng (ví dụ bị che kín mặt).

Toà Hiến pháp Ba Lan đã phán quyết rằng, Hiến pháp không yêu cầu tiết lộ nhân dạng đối tượng tham gia, và sự mơ hồ, chung chung trong cách gọi “người có đầy đủ năng lực pháp luật” có thể dẫn tới hạn chế tự do tham gia tụ họp, vi phạm nguyên tắc tương xứng trong việc hạn chế quyền và tự do hiến định. Tòa án cũng cho rằng luật biểu tình buộc người tổ chức phải chịu trách nhiệm chung về sự thiệt hại gây ra bởi thủ phạm trực tiếp, có thể dẫn đến vi phạm hiến pháp về tự do tụ họp.

Trong năm 2007, Tòa án Nhân quyền Châu Âu xử thắng cho hai công dân Ba Lan trong vụ kiện nhà nước Ba Lan chậm trễ tiến trình xét xử khiếu kiện và Toà án Nhân quyền buộc Ba Lan phải thay đổi luật biểu tình.

Trên cơ sở đó, tổ chức Nhân quyền Helsinki đã viết thư thúc dục Thủ tướng Chính phủ và các nhà lập pháp Ba Lan nhanh chóng sửa đổi luật biểu tình, vì nhìn thấy vấn đề nghiêm trọng nhất liên quan đến hoạt động của tự do tụ họp là chiều dài của thời hạn từ lúc nộp kháng nghị quyết định cấm tới lúc được giải quyết.

Kết luận

Việt Nam đang ở vào thời buổi mà chỉ có hai người phụ nữ, xin nhấn mạnh: chỉ hai người phụ nữ thôi, đi dạo trên bờ Hồ Hoàn Kiếm, mỗi người cầm một bên lá cờ Việt Nam, xin nhấn mạnh lần nữa: cờ Việt Nam, giăng ra để chụp ảnh, mà ngay lập tức nhiều công an chìm nổi xúm lại, to tiếng có, nhẹ nhàng có, ra sức khuyên cất lá cờ đi, khuyên đi về... – thì xin hỏi, luật biểu tình ra đời liệu có tác dụng tích cực gì không?

Chuẩn mực xã hội Việt Nam đang bị nhũng loạn ghê gớm, thậm chí chính quyền còn thúc đẩy hành vi tội phạm. Bà Phó chánh án tỉnh Bình Phước đánh ghen chồng, đập vỏ chai vào đầu người khác, không những không bị xử phạt mà còn được thăng chức lên Phó giám đốc sở Tư pháp, là một trong nhiều ví dụ.

Đã gần một năm đã trôi qua, gia đình khiếu nại, báo chí truyền thông và các tổ chức quốc tế đòi hỏi, mà chính quyền Việt Nam vẫn làm ngơ về sự bặt âm vô tín khó hiểu của blogger Nguyễn Văn Hải (tức Điều Cày ) kể từ khi anh mãn hạn tù vào ngày 19/10/2010.

Quyền lực trong tay, thậm chí nếu muốn, nhà cầm quyền có thể tìm ra một lần nữa tội “trốn thuế” để đưa ra toà xét xử! Vậy thì tại sao không thể cho công luận biết về tình trạng pháp lý và sức khoẻ của anh Điều Cày? Có gì hắc ám đằng sau sự việc?

Chỉ từ một ít sự kiện nói trên, chúng ta đã thấy công lý, bình đẳng trước pháp luật chẳng có giá trị nào trong hệ thống chính trị hiện nay của CHXHCN Việt Nam.

Nói theo ngôn ngữ dân gian, luật biểu tình biểu tiếc, họp hiếc, bàn biếc làm chi cho mất thời gian, chỉ tốn thêm tiền dân nước mà thôi!

Mặt nạ che giấu đạo đức giả, dối trá của nhà cầm quyền đã quá dày, có độn thêm một lớp “luật biểu tình” nữa cũng không ý nghĩa!

Rồi chúng ta sẽ thấy, “luật biểu tình” rốt cuộc chỉ là thêm một hài kịch mới!

© 2011 Lê Diễn Đức – RFA Blog

-----------------------------------------------------------------------------------
Các tài liệu sử dụng trong bài:
* 1- Về Luật biểu tình của Ba Lan: http://lex.pl/bap/student/Dz.U.1990.51.297.html
* 2- Về Luật biểu tình của Ba Lan: http://www.rozbrat.org/publicystyka/kontrola-spoeczna/443-nowelizacja-ustawy-o-zgromadzeniach-niekonstytucyjna
* 3- Về Luật biểu tình của Ba Lan: http://pl.wikipedia.org/wiki/Zgromadzenie_%28prawo%29
* 4- Bài “Đau đẻ 19 năm mà giăng chưa sáng” của Đặng Phương Bích: http://chimkiwi.blogspot.com/2011/09/au-e-19-nam-ma-giang-chua-sang.html


Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo