Nguyễn Nghĩa 650 (danlambao) - Ngày 27/9/2011, tạp chí Hoàn cầu Thời báo của Đảng Cộng sản Trung Quốc đăng 1 bài xã luận tựa đề "Thời cơ tốt để có hành động quân sự tại Nam Hải", kêu gọi dạy Việt Nam và Philippines 'bài học đạo đức' bằng vũ lực. Bài báo được ký bởi bút hiệu Long Tao, phân tích gia chiến lược của tổ chức phi chính phủ Quỹ Năng lượng Trung Quốc và cũng là chuyên gia của Trung tâm An ninh Phi truyền thống và Phát triển Hòa bình của Đại học Triết Giang. Bài báo bằng tiếng Hoa nhưng bản dịch tiếng Anh ngay sau đó đã xuất hiện và lan tỏa trên mạng internet.
1. Nội dung của bài xã luận được tóm tắt như sau:
1.1. "Đừng lo ngại về các cuộc chiến quy mô nhỏ; đây là cách tốt nhất để giải tỏa nguy cơ chiến tranh".
"Đánh vài trận nhỏ là có thể tránh được những trận đánh lớn."
1.2. "Trong cuộc chiến trên Biển Nam Trung Hoa, chúng ta cần thu hẹp phạm vi tấn công và tập trung vào những nước đang ra vẻ ta đây nhất hiện nay, Philippines và Việt Nam.
"Giết những con gà để dọa bầy khỉ."
1.3. "Cội nguồn của "vấn đề" Biển Nam Trung Hoa [Biển Đông] là chế độ Nam Việt Nam và chính quyền độc lập ở Việt Nam sau đó.
"Việt Nam xâm phạm đảo Nam Sa (Việt Nam gọi là Trường Sa) của Trung Quốc và đòi hỏi chủ quyền đối với đảo Tây Sa.
"Ngoài việc trừng phạt chế độ Nam Việt Nam với cuộc phản công trên đảo Tây Sa và cuộc tấn công tự vệ trên đất liền, Trung Quốc chưa bao giờ ngăn chặn được sự xâm lược công khai của Việt Nam ở Biển Nam Trung Hoa."
1.4. Việt Nam đã khuyến khích các nước khác "cướp" đảo Trường Sa của Trung Quốc và giờ lại kéo Hoa Kỳ cùng một số nước nhỏ khác nhằm đe dọa Trung Quốc.
"Nhiều nước đang liên tục có những cuộc tập trận lớn và như vậy Trung Quốc có lý do hoàn toàn thích đáng để tấn công trả đũa." Học giả Trung Quốc viết "Tôi cho rằng các nước đang xâm phạm chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc.
1.5. Học giả Long Tao nhắc tới hành động của Nga hồi năm 2008 ở Biển Caspi và nói hành động của các nước lớn có thể gây sốc tạm thời với hệ thống quốc tế nhưng về lâu dài có thể tạo sự ổn định trong khu vực và thúc đẩy hòa giải chiến lược.
1.6. Phân tích gia này nhận định Hoa Kỳ vẫn chưa hoàn toàn thoát khỏi cuộc chiến chống khủng bố và về cơ bản không thể bắt đầu cuộc chiến thứ hai ở Biển Nam Trung Hoa.
"Quan điểm cứng rắn của Hoa Kỳ chỉ là trò lừa phỉnh."
1.7. Chuyên gia tại Quỹ Năng lượng Trung Quốc cũng nói hiện có hơn 1.000 giếng dầu khí ở Biển Đông trong đó không có giếng nào của Trung Quốc.
Bên cạnh đó, ông nói, hiện Nam Sa (Trường Sa) có bốn sân bay mà Trung Quốc không có sân bay nào.
1.8. Bài xã luận của Hoàn cầu Thời báo nói rằng chưa cần biết ai thắng, ai thua, chiến trận trên Biển Đông sẽ tạo ra những hòn đảo lửa và các công ty dầu khí phương Tây sẽ phải rời đi.
1.9. Phần kết của bài báo nói Trung Quốc cần có quyết tâm cho một trận chiến lớn và thực sự chuẩn bị cho một cuộc chiến quy mô nhỏ vì như vậy "Trung Quốc đã cho những nước khác sự lựa chọn giữa hòa bình và chiến tranh." [theo bbc.com ngày 30/9/11].
2. Bác luận điểm cơ bản của bài báo về chủ quyền của Trung Quốc tại Hoàng Sa, Trường Sa.
Như vậy chúng ta thấy tác giả bài báo công khai thể hiện quan điểm dùng chiến tranh để giải quyết tranh chấp Biển Đông.
Đây là luận điệu sặc mùi bá quyền nước lớn, mà vẫn cố khoác cho mình chiếc áo chính nghĩa. Chiếc áo chính nghĩa đó là việc coi Hoàng Sa, Trường Sa là nghiễm nhiên thuộc lãnh hải Trung Quốc, thuộc chủ quyền của Trung Quốc.
Ông ta viết : "Cội nguồn của "vấn đề" Biển Nam Trung Hoa [Biển Đông] là chế độ Nam Việt Nam và chính quyền độc lập ở Việt Nam sau đó. "Việt Nam xâm phạm đảo Nam Sa [Việt Nam gọi là Trường Sa] của Trung Quốc và đòi hỏi chủ quyền đối với đảo Tây Sa."
Vậy, ta hãy xem Trung Quốc ăn cướp Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam như thế nào ?
2.1. Trong tất cả sử sách chính thống của Trung Quốc, không có một dòng chữ nào nghi chép về Hoàng Sa, Trường Sa.
Trong các bộ chính sử Trung Hoa, có bộ chép phần Địa Lý chí giản lược, có bộ chép khá chi tiết, dung lượng không đều, nhưng có sự mạch lạc về mặt địa lý hành chính các triều đại, vì vậy chúng được xem là một hệ thống lịch sử địa lý hành chánh hoàn bị bậc nhất trên thế giới.
Chính sử của Trung Quốc từ Sử ký Tư Mã Thiên, Hán Thư, Hậu Hán Thư cho đến Minh Sử và kể cả Thanh Sử không hề có ghi chép nào để chứng minh Trung Quốc đã từng thực hiện chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Tây Sa (mà họ gọi là Tây Sa và Nam Sa). Có thể nói lời văn và câu chữ trong suốt sử ký của Trung Quốc qua các thời đại hoàn toàn trái với những gì mà nhà cầm quyền Trung Quốc và giới học giả Trung Quốc vẽ ra theo mộng tưởng của mình./xem BienDong.net Phùng Nguyễn/.
2.2. Cho tới 10/1949, nước Trung Hoa Dân Quốc không có khái niệm về chủ quyền tại Hoàng Sa, Trường Sa.
Tại Hội nghị Cairo, Ai Cập năm 1943, nguyên thủ 3 quốc gia đồng minh gặp nhau: Tưởng Giới Thạch, Franklin Roosevelt và Winston Churchill, nhằm bàn kế hoạch tác chiến chống phát xít Nhật tại khu vực Thái Bình Dương. Các đoàn quân sự ba nước cũng họp song song. Sau hội nghị, liên minh ba nước ra tuyên bố (1.12.1943):
“.. quyết tâm giải phóng tất cả các lãnh thổ, hải đảo tại khu vực Thái Bình Dương đã bị Nhật xâm chiếm từ Chiến tranh thế giới I; trả lại cho Trung Hoa các lãnh thổ đã bị Nhật chiếm như Đài Loan, Bành Hồ, vv.; Nhật Bản cũng sẽ phải bị trục xuất khỏi các lãnh thổ khác đã chiếm được bằng vũ lực và lòng tham”, ” http://dictionary.bachkhoatoanthu.gov.vn
Trong tuyên bố trên, Tưởng Giới Thạch hoàn toàn không đả động đến Hoàng Sa, Trường Sa. Hiển nhiên, nếu Hoàng Sa, Trường Sa nằm trong tư duy lãnh thổ của lãnh đạo chính trị Trung Hoa Dân Quốc, thì họ Tưởng chắc chắn phải thêm 2 địa danh Hoàng Sa, Trường Sa vào bản Tuyên bố chứ không phải để lửng..vv.. Dấu 3 chấm sau cụm địa danh Đài Loan, Bành Hồ chỉ nói rằng: giới lãnh đạo Trung Hoa Dân Quốc bấy giờ để lửng để có thể thêm thắt, giải thích, chú phụ sau này. Dấu chấm lửng khẳng định là tại thời điểm hội nghị này, Hoàng Sa, Trường Sa không có trong khái niệm địa lý của giới lãnh đạo chính trị Trung Quốc. Cả phái đoàn quân sự đông đảo của Tưởng Giới Thạch, cũng không ai có đề nghị gì về Hoàng Sa, Trường Sa. Giả sử như Hoàng Sa, Trường Sa có trong tư duy địa lý của họ Tưởng, của phái đoàn quân sự Trung Hoa Dân Quốc thì việc thêm 2 địa danh này bản tuyên bố là chuyện chắc chắn phải xẩy ra. Điều này chứng tỏ họ Tưởng, cả phái đoàn Trung Hoa Dân Quốc nói riêng và tư duy địa lý nói chung của người Trung Quốc, không hề coi Hoàng Sa, Trường Sa là thuộc lãnh hải Trung Quốc. Mặc định của trường hợp này là họ đã công nhận một cách hiển nhiên, khi Đồng minh đánh bại Nhật Phát xít thì Hoàng Sa, Trường Sa sẽ trở về với chủ chính thống của nó là Việt Nam, nước đã tuyên bố chủ quyền tại Hoàng Sa, Trường Sa và thực thi quyền làm chủ một cách liên tục cho đến 1939 khi Nhật Bản dùng vũ lực xâm chiếm Hoàng Sa, Trường Sa.
2.3. Tuyên bố Postdam và tính bất hợp pháp của chiếm đóng Tưởng Giới Thạch tại Hoàng Sa, Trường Sa.
Tổng thống Hoa Kỳ, Thủ tướng Anh và Tổng thống Trung Hoa Dân Quốc ngày 26/7/1945 đã ra một tuyên ngôn (thường gọi là Tuyên ngôn Potsdam) trong đó ghi rõ: “các điều khoản của bản Tuyên cáo Cairo sẽ được thi hành”.
Ngay tại thời điểm này, Tưởng Giới Thạch cũng không yêu cầu sửa đổi nhằm thêm 2 địa danh của 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa vào các điều khoản của Tuyên cáo Cairo.
Tại hội nghị Postdam, việc giải giáp quân đội Nhật Bản tại Đông Dương từ vĩ tuyến 16 trở lên được giao cho Trung Hoa Dân Quốc. Từ vĩ tuyến 16 trở xuống được giao cho liên quân Anh- Ấn.
Ngày 29 tháng 11 năm 1946, các tàu Vĩnh Hưng và Trung Kiên của Trung Hoa Dân Quốc tới đảo Hoàng Sa và đổ bộ lên đây. Tàu Thái Bình và Trung Nghiệp đến Trường Sa.
Quân đội Tưởng Giới Thạch đã chiếm đóng 1 đảo ở Hoàng Sa, 1 đảo ở Trường Sa bất hợp pháp, vi phạm luật pháp quốc tế. Họ chỉ có quyền giải giáp quân đội Nhật ở Hoàng Sa.
2.4. Đòi hỏi chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa của Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa bị bác bỏ tại Hội nghị San Francisco 1951.
Tháng 10/1949 Đảng cộng sản Trung Quốc chiếm lĩnh đại lục. Năm 1950, Trung Quốc tiếp quản các đảo do Tưởng Giới Thạch chiếm đóng: 1 tại Hoàng Sa, 1 tại Trường Sa. Tập đoàn lãnh đạo Bắc Kinh bắt đầu hiểu rõ vị trí chiến lược của Hoàng Sa, Trường Sa trong cuộc chiến Thái Bình Dương với Hoa Kỳ của Nhật Bản.
Chu Ân Lai mài sắc hàm răng sói trong đòi hỏi chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa tại Hội nghị San Francisco năm 1951.
Tháng 9 năm 1951, các quốc gia Đồng minh nhóm họp ở San Francisco (Hoa Kỳ, để thảo luận vấn đề chấm dứt chiến tranh tại châu Á-Thái Bình Dương và mở ra quan hệ với Nhật Bản thời hậu chiến.
Cả Cộng hòa nhân dân Trung Hoa và Trung Hoa quốc dân đảng đều không tham dự. Tuy nhiên, Liên Xô đã làm đại diện cho quyền lợi của Cộng hoà nhân dân Trung Hoa tại Hội nghị này.
Ngày 5-9-1951, phát biểu trong phiên họp, Andrei A. Gromyko – Ngoại trưởng Liên Xô – đã đưa ra đề nghị có khoản tu chỉnh nội dung:
“Nhật nhìn nhận chủ quyền của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đối với đảo Hoàng Sa và những đảo xa hơn nữa dưới phía Nam”.
Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, thông qua Liên Xô, lúc này chỉ viện dẫn được 1 lý lẽ cho đề nghị tu chỉnh là việc Trung Hoa Dân quốc thừa lệnh Đồng Minh tiếp quản 1 đảo ở Hoàng Sa và 1 đảo ở Trường Sa năm 1946, để làm luận cứ cho rằng chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa thuộc về Trung Quốc.
Với 48 phiếu chống và 3 phiếu thuận, Hội nghị đã bác bỏ yêu cầu này của phái đoàn Liên Xô.
Với việc bác bỏ đề nghị của Liên Xô, 51 nước tham dự Hội Nghị San Francisco đã chính thức công nhận rằng Trung Quốc không có chủ quyền trên Hoàng Sa, Trường Sa.
2.5. Hội nghị San Francisco xác nhận chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa, Trường Sa.
Hiệp ước Hòa bình với Nhật Bản được ký kết tại San Francisco ngày 8-9-1951 quy định Nhật Bản phải rút lui khỏi những nơi, mà nước này đã dùng vũ lực để chiếm đóng trong Thế chiến hai. Hiệp ước quy định: “Nhật Bản từ bỏ tất cả quyền, danh nghĩa và đòi hỏi với quần đảo Trường Sa (Spratly Islands) và quần đảo Hoàng Sa (Paracel Islands)”.
Nhận lời mời của Chính phủ Hoa Kỳ, với tư cách là thành viên của khối Liên hiệp Pháp, Thủ tướng Quốc gia Việt Nam Trần Văn Hữu đã tham dự Hội nghị.
Ngày 7-9-1951, phát biểu tại Hội nghị, trưởng phái đoàn Quốc gia Việt Nam, Thủ tướng Trần Văn Hữu nêu rõ:
“Chúng tôi cũng sẽ trình bày ngay đây những quan điểm mà chúng tôi yêu cầu Hội nghị ghi nhận (chứng nhận): Về vấn đề chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Và cũng vì cần phải thành thật lợi dụng tất cả mọi cơ hội để dập tắt những mầm mống các tranh chấp sau này, chúng tôi xác nhận chủ quyền đã có từ lâu đời của Việt Nam trên quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa”.
Lời xác nhận chủ quyền đó của phái đoàn Việt Nam- thành viên của khối Liên hiệp Pháp–không hề gây ra một phản ứng chống đối, hoặc 1 yêu sách nào của 51 quốc gia tham dự Hội nghị.
Không có sự phản đối nào của các nước tham dự Hội nghị cũng chính là sự thừa nhận của các nước Đồng Minh về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo này.
2.6. Sự có mặt của Trung Quốc tại Biển Đông là do chiếm đóng phi pháp 1 đảo tại Hoàng Sa, 1 đảo tại Trường Sa năm 1946 và hành động ăn cướp năm 1974 và 1988.
Hội nghị Postdam chỉ cho phép Trung Hoa dân quốc giải giáp quân đội Nhật. Lợi dụng Việt Nam đang chiến tranh, hải quân Tưởng Giới Thạch đã chiếm đóng trái phép trên 2 đảo thuộc Hoàng Sa và Trường Sa năm 1946.
Năm 1974, Trung Quốc cướp Hoàng Sa của Việt Nam cộng hòa, nước đang thực thi gìn giữ chủ quyền tại đây bằng 1 trận hải chiến làm 74 chiến sĩ hải quân Việt Nam tử vong.
Năm 1988, Trung Quốc lại dùng vũ lực đánh chiếm 7 đảo của Việt Nam tại Trường Sa, 64 chiến sĩ hải quân Việt Nam hi sinh.
3. Đầu thạch vấn lộ [ném đá dò đường].
Nếu Trung Quốc là nước dân chủ, việc thảo luận về tranh chấp Biển Đông với các ý kiến khác nhau là việc bình thường. Thế nhưng Trung Quốc là 1 nước toàn trị. Việc đăng bài báo sặc mùi chiến tranh trên tờ báo của Đảng cộng sản là 1 hành động cố ý, có chủ tính của ban lãnh đạo hoạch định chính sách Đảng cộng sản Trung Quốc.
Đây có thể là tiếng nói của 1 tập đoàn kinh tế khát dầu hỏa.
Đây cũng có thể là tiếng nói của phe quân sự Trung Quốc đang đòi hỏi nhiều quyền lực hơn trong chính trị Trung Quốc.
Tôi cho rằng bài báo "Thời cơ tốt để có hành động quân sự tại Nam Hải" của tác giả Long Tao có thể xem là 1 mưu chước có tên là “Ném đá dò đường”.
Thật vậy, tình hình Biển Đông biến đổi không ngừng theo chiều hướng không thuận lợi cho Trung Quốc.
Kể từ đầu tháng 5/2010, khi Trung Quốc hung hăng tuyên bố "Đường lưỡi bò" là lợi ích cốt lõi, đến nay đã dần dần hình thành 1 mặt trận dăng thiên la địa võng nhằm ngăn chặn Trung Quốc bành trướng tại Biển Đông.
Đã hình thành những liên minh chưa chính thức như Mỹ-Úc-Nhật-Ấn, hay Hoa Kỳ- Phillippines, Hoa Kỳ - Nhật Bản - Nam Hàn, Việt-Ấn... nhằm chống lại các mưu đồ độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc.
Trung Quốc đang bị cô lập.
Hoa kỳ đang tích cực sử dụng sức mạnh mềm của cường quốc số 1 chống Trung Quốc tại Biển Đông.
Cảm thấy bất an, Trung Quốc đang tìm cách phá sự vây hãm như vô hình này.
Gần đây đã có ý kiến của 1 học giả Trung Quốc, ông Huang Jing, giáo sư của Trường Chính sách Công Lý Quang Diệu thuộc Đại học Quốc gia Singapore, cho rằng Bắc Kinh muốn thỏa hiệp với Asean về Biển Đông để ngăn sự can dự của Mỹ.
Đặc biệt, ông này ra giả thiết Trung Quốc có thể từ bỏ “đường 9 điểm” (đường lưỡi bò). Đây cũng là 1 phép thử, 1 viên đá ném ra, nằm trong các cố gắng tìm đường theo hướng phá vây này.
Một viên đá thứ 2 được ném ra là hô hào chiến tranh, như ta đã đọc ở phần đầu bài báo này.
Luận điệu thì ngô nghê, đầy hăm dọa.
Chiến tranh không phải trò chơi trận giả của trẻ con.
Trung Quốc không thể chỉ đốt Biển Đông thành biển lửa, mà cảng tầu ngầm nguyên tử Hải Nam của họ được an toàn.
Trung Quốc không thể phá xập, đốt cháy 1000 dàn khoan trên Biển Đông, rồi tuyên bố ngừng trò chơi trận giả này.
Các hải lộ trên Biển Đông là nơi các tầu nhập dầu hỏa, khí đốt.. của Trung Quốc đi qua. Nếu các dàn khoan trên Biển Đông bị cháy, thì rất có thể hỏa hoạn cũng lan sang các tầu này của Trung Quốc.
Nền kinh tế Trung Quốc chịu được cơn khát dầu hỏa trong thời gian bao lâu?
Hơn nữa, lửa có thể cháy đến những mục tiêu quân sự quan trọng trên đất Trung Quốc...
Tóm lại, đây còn có thể là 1 bài báo nhằm đưa cho những người theo chủ trương "Cùng với Trung Quốc xây dựng CNXH" những luận cứ bênh vực chính kiến đầu hàng, sợ Trung Quốc của họ.
Tuy vậy bài báo đã bộc lộ tính cuồng chiến của Đảng cộng sản Trung Quốc.
Với luận điệu này của bài xã luận, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng hẳn đã hiểu phải thanh minh thế nào trước nhân dân Việt Nam về chuyến sang thăm Trung Quốc sắp tới này.
Tổng bí thư có cân nhắc hủy bỏ chuyến đi thăm này không?
Để tránh các lú lẫn của Ung Văn Khiêm, Phạm Văn Đồng, Tổng bí thư cần viết "cẩm nang" khi hội đàm với lãnh đạo Trung Quốc.
Nội dung " cẩm nang" này rất đơn giản, chỉ có dòng chữ: HS-TS-VN.
*
Bài liên quan đã đăng: