Nam Nguyên, phóng viên RFA - Lũ lớn làm vỡ hàng loạt đê bao khép kín ở đồng bằng sông Cửu Long, hàng ngàn héc ta lúa thu đông đã ngập dưới nước, nông dân trông đợi thêm thu nhập nhờ vụ ba nay trắng tay trong nợ nần.
Hai tỉnh đầu nguồn sông Cửu Long là An Giang và Đồng Tháp đang chịu thách thức vì những ý tưởng muốn thay đổi thiên nhiên từ cách nay gần 1 thập niên, đó là ngăn lũ kiểm soát lũ để có thể làm thêm một vụ lúa thứ ba trong năm. Con người đã tìm cách ngăn dòng nước lũ với hệ thống đê bao khép kín dài hàng trăm cây số, mỗi ô bao rộng hàng trăm héc ta.
8 ngàn héc-ta lúa ngập trong lũ
Tính đến sáng 29/9 An Giang đã bị vỡ đê ở 7 nơi. Theo Tuổi Trẻ và Thời báo Kinh tế Saigon Online nhiều nơi đã vượt đỉnh lũ lịch sử năm 2.000 gây vỡ đê, khiến 8 ngàn héc-ta lúa thu đông ở An Giang đã ngập chìm trong lũ. Trong khi hơn 400km đê bao khác đang bị đe dọa cùng với 10.000 ha lúa chưa gặt, tức gần 1/10 diện tích lúa thu đông ở An Giang.
Bên cạnh đó tỉnh Đồng Tháp cũng đã vỡ hai tuyến đê bao ở Hồng Ngự và Tân Hồng, thiệt hại ban đầu khoảng gần 1 ngàn héc-ta lúa thu đông. Trả lời Nam Nguyên ông Dương Nghĩa Quốc, Giám đốc Sở Nông nghiệp Phát triển Nông thôn tỉnh Đồng Tháp phác họa tình hình:
“Lũ đầu nguồn hiện nay đe dọa nghiêm trọng sản xuất lúa thu đông tỉnh Đồng Tháp cũng như tỉnh An Giang. Về phía chủ trương, tỉnh huy động mọi nguồn lực để làm sao bảo vệ được tính mạng và tài sản của nhân dân cũng như diện tích lúa thu đông chuẩn bị thu hoạch nhưng tình hình cũng có một số diễn biến phức tạp.”
Trong khi An Giang có 500 hộ dân cần di dời khỏi vùng nguy hiểm, thì số lượng này ở Đồng Tháp gấp 10 lần là 5.000 hộ. Ông Dương Nghĩa Quốc cho biết tỉnh Đồng Tháp đã lập 500 đội cứu nạn với hơn 4.200 thành viên. Đề cập tới vụ lúa thu đông, vụ lúa thứ ba mà Đồng Tháp xem như vụ chính, ông Dương Nghĩa Quốc cho biết:
“Đối với tỉnh Đồng Tháp diện tích lúa thu đông khoảng 100.000 ha nhưng thời gian vừa qua tính đến ngày hôm nay đã thu hoạch được 73.000 ha như vậy còn lại trên 25.000 ha chưa thu hoạch…Mực nước đang dâng cao, hiện nay trên tinh thần quyết tâm bảo vệ diện tích lúa còn lại. Nếu có thiệt hại thêm một số nữa thì thực ra cũng không ảnh hưởng lớn đến chỉ tiêu về sản lượng lương thực của tỉnh Đồng Tháp nhưng sẽ ảnh hưởng tới kinh tế và thu nhập của người nông dân. Chính vì vậy Ủy ban Nhân dân Tỉnh Đồng Tháp huy động mọi nguồn lực cố gắng không để lũ tiếp tục ảnh hưởng nhưng việc này còn tùy thuộc vào diễn biến mưa lũ bão lụt trong thời gian tới đây.”
Một đoạn đê bao ở ĐBSCL bị sạt lở. Photo courtesy of khoahoc.vn
Theo các nhân chứng tại chỗ, vài năm qua nước lũ về rất thấp, riêng năm ngoái thể nói là không có lũ, nhờ đó hệ thống đê bao khép kín dày dặc ở đồng bằng sông Cửu Long mới không xảy ra sự cố nào nghiêm trọng. Một nông dân vùng Tứ giác Long Xuyên phát biểu:
“Cứ tính đi dù cho đê bao nó lớn, chân đê bao chừng 5-6 mét cũng không chịu nổi với áp lực nước cao như vậy đâu…có những đoạn chỉ vỡ chừng 30 mét nhưng mỗi ngày nó sẽ rộng ra thêm, coi như cả một vùng đó sẽ mất lúa, vụ ba này lúa sẽ mất trắng hết…không cưỡng lại được phải chịu bó tay thôi. Hiện nay có những vùng lúa đang sắp chín, có những khu như ở Tịnh Biên, một số vùng ở An Giang lúa đang thời ngậm sữa, tôi thấy tình hình chắc khó chống cự với lũ.”
Khó chống cự với thiên nhiên?
Ngay từ ngày 26/9 trước khi một số tuyến đê bao bắt đầu vỡ, ông Vương Bình Thạnh Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh An Giang đã công bố tình trạng lũ khẩn cấp trên địa bàn An Giang. Quân đội, dân quân tự vệ được huy động ở An Giang cũng như Đồng Tháp để cứu đê dù sức người khó chống cự với thiên nhiên, có điểm vỡ phải gia cố nhiều lần mà nước lũ vẫn xé toác ra. Tất cả các trường từ tiểu học tới trung học cơ sở trên địa bàn Hồng Ngự thuộc tỉnh Đồng Tháp được lệnh đóng cửa từ 29/9 đến 8/10, học sinh được nghỉ học để tránh lũ.
Báo mạng Saigon Tiếp Thị trích lời ông Nguyễn Minh Giám, trưởng phòng dự báo khí tượng thủy văn, đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ phân tích: “Tính chất và diễn biến lũ năm nay khác lũ năm 2.000. thứ nhất lúc đó chưa có hệ thống đê bao nên lũ lớn tràn cả đồng bằng, năm nay hệ thống đê bao khép kín, dòng lũ chảy mạnh theo sông ngòi. Sau 10 năm vùng này chưa có lũ lớn, hệ thống đê bao không được gia cố để chống lũ trong khi diễn biến lũ hết sức phức tạp, nếu lũ mạnh lên trùng với bão lớn, mưa to thì nhiều đoạn trong hệ thống đê bao sẽ bị lũ nhấn chìm.”
Một cánh đồng ở ĐBSCL tràn ngập nước lũ. Photo courtesy of Đất Việt.
Khi chủ trương thiết lập đê bao khép kín để người dân có thể canh tác thêm một vụ ngay trong mùa nước nổi ở đồng bằng sông Cửu Long được thực hiện, giới khoa học đã cảnh báo sớm là thay đổi thiên nhiên, xả hết lũ ra biển sẽ khiến nước không được lưu giữ trong đất, đồng ruộng không được tẩy rửa và không được bồi đắp phù sa sẽ ảnh hưởng lâu dài. TS Lê Văn Bảnh Viện trưởng Viện lúa vùng đồng bằng sông Cửu Long nói với chúng tôi:
“Năm rồi không có lũ năm nay lũ rất lớn so với 8 năm trước. Đồng bằng sông Cửu Long người ta không nói lũ mà nói lụt, nước dâng tự nhiên bà con quen với quan niệm là sống chung với lũ. Trong lũ sẽ mang lại phù sa cho đồng bằng để bồi đắp các vụ sau. Rồi cá tôm phát triển cái đó là thắng lợi, cũng có một số thiệt hại một phần do chủ quan trong sản xuất, ở những vùng đê bao khép kín làm vụ thu đông người ta rất cẩn thận nhưng mà chủ quan vụ trước lũ thấp thành ra đợt này làm bị thiệt hại.”
Một nông dân đồng bằng sông Cửu Long có nhận xét về vấn đề làm vụ thu đông tức vụ thứ ba bên trong những vùng đê bao khép kín, điều mà ông gọi là lợi bất cập hại, nhưng người dân phải làm theo chính sách của địa phương:
“Thí dụ trong một vùng đê bao người ta không muốn làm vụ ba, số người không muốn làm khoảng 50%, nhưng chính vì ông chính quyền xã bắt buộc phải làm, gây áp lực phải làm, thành thử người ta phải làm thôi. Nói rằng làm vụ ba sẽ có lợi thế này thế nọ, nếu làm vụ ba thu đông này mình phải đóng tiền như hình thức hợp tác xã, tiền bơm nước ra chi phí này nọ đóng cho đầu công để người ta lo cho mình, người dân thấy là không có lời cho mấy nên không muốn làm. Ở An Giang họ nói không muốn làm nhưng bị bắt buộc phải làm, ý người ta nói cộng đồng đã làm rồi bắt buộc anh phải theo. Nếu mà tình hình vỡ đê kiểu này chừng một hai vụ nữa thì có thể phải bỏ luôn không làm vụ thu đông nữa.”
Giá gạo trên thị trường thế giới tăng cao trong những năm gần đây khiến các nhà hoạch định chính sách đề nghị chính phủ cho tăng sản lượng thêm 1 triệu tấn lúa trong năm nay, do vậy mới dự báo xuất khẩu hơn 7 triệu tấn gạo. Báo Kinh tế Saigon Online đặt vấn đề “chưa thấy ai nói về bài học ngành nông nghiệp đã chỉ đạo nông dân tăng hơn 500.000 héc ta lúa vụ ba năm nay trong khi không dự báo được tình hình lũ lên nhanh như hiện tại.
2011-09-30