Nhân báo “An ninh thế giới cuối tháng” bốc thơm thơ Trần Gia Thái... - Dân Làm Báo

Nhân báo “An ninh thế giới cuối tháng” bốc thơm thơ Trần Gia Thái...

Trần Mạnh Hảo (danlambao) - Báo “An ninh thế giới cuối tháng” tờ báo to gần bằng cái chiếu manh số 121, tháng 9-2011, trang 14 của Bộ Công an, do trung tướng công an Hữu Ước làm tổng biên tập, đại tá công an Hồng Thanh Quang làm phó tổng biên tập (phụ trách nội dung báo này), thấy có in một bài bốc thơm tập thơ “Lời nguyện cầu trước lửa” của Trần Gia Thái lên mây xanh (NXB Hội nhà văn 2011). Bài bốc thơm này của ông Nguyễn Sĩ Đại - hiện đang làm chủ biên, phụ trách báo “Nhân Dân chủ nhật”. Bài viết của ông Nguyễn Sĩ Đại mang “tít” (nhan đề) có thể được coi là dài nhất Việt Nam, mang tên rất hoành tráng như sau: “Tổng giám đốc - Tổng biên tập đài phát thanh & truyền hình Hà Nội, nhà báo Trần Gia Thái nghiêng cả về thu khúc thẳm sâu”.

Để độc giả hiểu vì sao bài tụng ca thơ Trần Gia Thái của ông Nguyễn Sĩ Đại có cái tên mang vẻ “rồng rắn đi đâu, đi vuốt râu cho hùm” dài như dây khoai lang cuốn vào đầu trang báo như thế, chúng tôi xin trích dẫn lời ông Đại bình thơ như sau: 

“…Trường thơ của Thái khá rộng. Hình thức cùng biến chuyển, linh hoạt; thiên về thơ hiện đại với những câu dài ngắn khác nhau, với chất liệu của hôm nay. Nhưng cũng giàu tính cổ điển, hàm súc. Như bài “Nhớ cha” và “Nghiêng cả về thu”, một tứ tuyệt hay: 

“Hơi ấm còn đây, người ở đâu 
Buồn dâng ngày lạnh lụt mưa ngâu 
Bế say dốc cạn dòng sống đắng 
Nghiêng cả về thu khúc thẳm sâu” 
(hết trích) 

Hóa ra, Nguyễn Sĩ Đại (NSĐ) dùng một câu thơ của Trần Gia Thái “Nghiêng cả về thu khúc thẳm sâu” để gắn vào đuôi nhan đề bài báo, khiến nhan đề dài khôn xiết này thêm phầm mùi mẫn thi ca. Ở đây, chúng tôi thấy ông Đại, không biết vô tình hay cố ý, lại trích sai câu thơ cuối bài tứ tuyệt trên của Trần Gia Thái. Trang 20 của tập thơ “Lời nguyện cầu trước lửa” của Trần Gia Thái (TGT), câu thơ ấy nguyên văn như sau: “Nghiêng cả về thu khúc thẳm sầu”, nhưng ông NSĐ bó đi một dấu huyền khiền chữ SẦU nguyên bản biến thành chữ SÂU. 

Mấy ông có thể hoạnh họe chúng tôi mà rằng: gớm, cái ông Hảo này rách việc, SÂU với SẦU hơn kém một dầu huyền ăn thua gì: “thẳm sầu” chữa thành “thẳm sâu” có khi còn hay hơn chứ, sao bắt bẻ vụn vặt thế ? Vả, có khi ông NSĐ viết đúng nguyên bản nhưng cậu đánh máy lại đánh mất dấu huyền (theo phương cách trốn tội đổ cho người đánh máy của ông Đào Duy Quát) thì sao nào ? Xin các bạn hãy nhìn vào ba chữ trên nhan đề bài: KHÚC THẲM SÂU to ngang con voi, thì dứt khoát không phải lỗi của cậu đánh máy, mà lỗi là ở người viết, tức ông NSĐ. 

Như vậy, có thể xảy ra hai tình huống về việc ông NSĐ bình thơ lại trích sai thơ. Tình huống thứ nhất, do ông NSĐ đọc thơ tắc trách, qua quýt, nên đã trích sai câu thơ, lại là câu thơ dùng làm nhan đề bài viết. Tình huống thứ hai, do thấy chữ “thẳm sầu” của TGT sến quá, nên ông NSĐ đã ăn gian, chữa thành “thẳm sâu” cho câu thơ bớt sến hơn chăng ? 

Dù một trong hai tình huống nào xảy ra, thì bài bốc thơm này của ông NSĐ quả tình không nghiêm túc, không biểu lộ phương pháp làm khoa học của ông, một người có học vị cao mà ông khoe khoang ngay khi viết câu văn thứ nhất của bài báo này: “Năm 1995 khi tôi bảo vệ xong luận án tiến sĩ …” 

Chúng tôi cho rằng thẩm mỹ thơ của ông NSĐ có vấn đề, nên ông mới khen bài tứ tuyệt “Nghiêng cả về thu” của TGT là hay. Là một nhà Hán Nôm, từng nghiên cứu thơ Đường, hẳn ông NSĐ biết thừa cái motif bài thơ này là những motif quen thuộc, lặp đi lặp lại của thơ xưa Trung Quốc cũ lắm rồi; viết như thế chỉ vô tình nhái thơ xưa thôi. Vả, bằng vào từ ngữ mà TGT dùng, nếu bài này in trong thời thơ mới 1932-1945, vẫn bị chê là sáo cũ, là sến. Chao ôi, toàn những sáo từ mòn chán như “người ở đâu”, “buồn dâng”, “bến say”, “khúc thẳm sầu”… dễ dãi và nhạt nhẽo thế này mà vẫn được ông NSĐ khen hay (!) 

Chúng tôi xin trích lời của ông NSĐ, khen bài thơ “Nhớ cha” của TGT là hay, là xúc động: “Nhớ cha là một bài thơ hay đã làm xúc động rất nhiều bạn đọc không chỉ ở nông thôn. Hình ảnh người cha vùng quê nghèo đã làm nên cuộc đời khi ông sống và ngay cả khi ông chết được Thái diễn tả một cách chân thực như không thể thực hơn, và vì thế nó cũng thành ám ảnh: 

“Cứ tưởng người đi dạo lúa đồng 
Người đi chở cát với vôi nồng 
Người đi đội đá xây mương nổi 
Đong bát mồ hôi đổi cháo không… 

Bát cháo đồng chiêm cơ cực ơi 
Nuốt vào cay đắng nuốt không trôi 
Mồ hôi thì mặn nước mắt chát 
Đeo đẳng đời cha từng giọt rơi 
(hết trích) 

Thông thường, khi ta nhắc lại ký ức tuổi thơ với mẹ cha áo vá, đói cơm, nuôi ta khôn lớn bằng rau cháo dễ làm người khác cảm động. Sự cảm động do câu chuyện kể là một việc; nhưng sự cảm động ấy lại được lồng vào thơ, thì thơ có hay không, có đúng là thơ không, lại là việc khác, vấn đề khác. Hai khổ thơ thất ngôn viết theo kiểu truyền thống (bốn câu ba vần) trên phải nói chỉ là những câu nói diễn nôm có vần, chưa thể gọi là thơ được; vì nó được viết rất dễ dãi, rất lười, cốt gieo vần cho êm tai thôi mà không có hình ảnh, hình tượng độc đáo, không có ý tưởng sâu xa, thiếu một vài câu tài hoa làm cho cả khổ có thể được gọi là thơ. Ví như khi ta viết về mẹ mình bằng những câu nói có vần này chẳng hạn: 

“Cứ ngỡ mẹ đi gặt lúa vàng 
Người tìm rau má mót khoai lang 
Người đi móc đất làm ông táo 
Bếp lạnh người run thắp nén nhang 

Cơm cháo ngày ba tháng tám ơi 
Cháo toàn rau má cục mùng tơi 
Mồ hôi mẹ trút không cần tắm 
Rét run cầm cập sống cầm hơi” 

Tám câu tấu có vần này do chúng tôi phóng tác trực tiếp theo kiểu tám câu được gọi là thơ trên của TGT. Thấy người mẹ trong “thơ tôi” còn khổ hơn người cha của thơ TGT. Người cha trong thơ TGT còn có cháo trắng để ăn, còn có vôi cát để xây nhà, nghĩa là còn giầu hơn người mẹ chỉ ăn toàn cháo rau má nấu lẫn cục mồng tơi của “thơ tôi”. Đọc lên nghe cảm động như ai;nhưng nó không phải là thơ, thưa ông NSĐ ! 

Đầu tháng 9-2011, khi bài ca ngợi thơ TGT của nhà thơ VQP in trên báo Văn Nghệ, chúng tôi đã nhờ hai người bạn thân ngoài Hà Nội đến các hiệu sách thủ đô tìm mua giúp tập thơ “Lời nguyện cầu trước lửa” của TGT;nhưng các bạn không tìm ra. Tại Sài Gòn, chúng tôi và nhà thơ NTS cũng đi lùng sục khắp các hiệu sách, tinh không thấy có tập thơ này của TGT. Tập thơ của TGT chỉ in có 1000 cuốn, hầu như chỉ để tặng là chính. May nhờ một người quen, hiện là một quan chức của thành phố Hồ Nội, được tác giả TGT kính tặng tập thơ “Lời nguyện cầu trước lửa”, bèn gửi phát nhanh vào Sài Gòn, chúng tôi mới có tập thơ này để phê bình. Thế mà ông NSĐ dám viết: ““Nhớ cha” là một bài thơ hay đã làm xúc động rất nhiều bạn đọc không chỉ ở nông thôn”

Là một người có học vị tiến sĩ, ông NSĐ không thể nói liều như vậy được; khi ông chưa điều tra xã hội học, thì sao biết có bao nhiêu người đã đọc bài thơ “Nhớ cha”, đọc ở nguồn nào, bao nhiêu người xúc động, bao nhiêu người khen, bao nhiêu người chê ? Sao bỗng dưng ông dám kết luận theo kiểu bốc phét quá hoang đường như thế ? 

Ông NSĐ còn trích khá nhiều thơ, loại thơ phản cổ điển, tức thơ không vần của TGT ra khen, ra bình loạn xôm trò, tung hứng còn hơn lân thấy pháo. Ông tứng tẩy bút, khen loại thơ viết linh tinh, lảm nhảm, xuống dòng liên tục, chẳng có câu nào thơ, để rồi bình rất chi là bốc phét, hoắng, nghĩa là bình cũng linh tinh nốt, đại loại: “…Con người Thái mang một bản thể tình yêu”…” Thơ tình yêu của Thái vì thế rất ẩn, rất sâu và rất thực.Và cũng rất dữ dội. Thơ anh vùng dậy quyền sống, quyền được yêu” (hết trích). Chính ra ông NSĐ cần phải viết thêm mấy câu sau mới đầy đủ bản chất con người TGT: “Thái cần phải vùng lên để hét vang trời lời căm thù bọn yêu nước biểu tình chống người anh em nước lạ, để vu cáo chúng tới tận cùng là bọn xấu xa, bọn phản động, để bắt hết bọn yêu nước biểu tình kia Thái mới yên vui làm thơ bằng tiếng nước lạ, làm dáng giả điên giả dại thành ông Bùi Giáng thứ hai mới đích thực nghệ sĩ.” 

Chúng tôi xin dẫn chứng một lời bình kỳ lạ của NSĐ và đoạn thơ kỳ quái của TGT: “Sống thật, sống hết mình như thế nào ? Trần Gia Thái có giải pháp: anh đã muốn lựa chọn làm một người điên để được sống thật, để không ai nhảy sổ vào cuộc sống của mình: 

“Tôi thấy mình thông minh 
Tôi thấy mình dũng cảm 
Tôi thấy mình đáng yêu hơn 
Đấy là lần duy nhất đúng 
Tôi mong là một người điên 
Người điên không phải đề phòng 
Quyền yêu, quyền giận, quyền buồn 
Không bị người đời thô bỉ 
Nhảy sổ vào cuộc sống riêng” 
(hết trích) 

Thưa ông nhà thơ TGT và ông bình thơ NSĐ: các ông sướng lắm do quen sống giả dối nhiều rồi nên mới thích biến thành người điên để được sống thật phải không ? Thưa, người điên là người đã đánh mất lí trí, tức không còn ý thức được mình và cuộc đời. Một người không còn lí trí, không còn ý thức, phỏng có thể biết đâu là chân giả mà các ông dám cho cứ điên mới sống thật. Còn 99 % dân ta đang sống tỉnh như ngóe trên thiên đường xã hội chủ nghĩa chẳng lẽ toàn sống giả trá hay sao ? 

Chúng tôi xin mô phỏng những lời nói tầm thường được mạo nhận là thơ của TGT mà than rằng: 

“Tôi thấy mình nửa điên nửa dại 
Tôi thấy mình đớn hèn 
Tôi thấy mình đáng ghét 
Đấy là lần sai bét 
Tôi mong tỉnh như quạ 
Để làm giám đốc truyền hình 
Trả nợ cho một trăm ông đã ca ngợi thơ tôi 
Làm cho mỗi ông một bộ phim về đời văn thơ của họ 
Chiếu hoành tráng trên truyền hình 
Như thế tôi mới không thành kẻ lường gạt 
Các ông cứ thoải mái bốc thơm thơ tôi nhé 
Không thiệt đâu hỡi người anh em” 

Nhân chuyện ông NSĐ bốc thơm thơ, bình tán nhảm thơ ông TGT trên tờ “An ninh thế giới cuối tháng”, chúng tôi ngậm ngùi nhớ đến cả một nền phê bình xu phụ của văn học Việt Nam trong mấy chục năm qua. Có rất nhiều ông GS.TS. làm luận án TS bằng phương pháp Hàn Tín xin cơm là bốc thơm thơ mấy ông lớn. Có rất nhiều ông bất tài, chỉ có tài nịnh thơ cấp trên, biến thứ thơ báo tường cũng chê là dở thành thơ thiên tài để nhận được chức tước, nhà cửa, bổng lộc. 

Một ông mới làm chức bật mã ôn (chữ của nhà thơ Trần Trương) là vụ trưởng vụ báo chí mà mỗi tết đã có hàng trăm tờ báo phải in thơ tết cho ông. Nhuận bút trả ông bao giờ cũng là nhuận bút đặc biệt, gấp mười kẻ cùng đăng thơ với ông trên chính báo ấy. Báo nào tết đến không gọi điện thoại đến xin thơ ông: “Em là tổng biên tập báo…, kính xin anh một bài thơ in số tết”. Ông “bật mã ôn” bèn làm cao: hồi này tớ bận lắm, mấy tờ báo vượt rào, in nhiều bài có vấn đề, nên còn phải kiểm tra, nếu thấy nặng có thể cho đình bản tờ ấy tờ nọ…”. Báo nào không xin thơ ông, trả nhuận bút ông bèo là ông liền a lô xuống mà rằng: báo các cậu hồi này có vẻ trật định hướng rồi đó, nhiều bái báo có vấn đề, các cậu buông lỏng dây cương để cho mấy tay có vấn đề viết toàn bài có vấn đề …Tôi định báo cáo lên trên nhưng còn chờ xem các cậu có thành ý không ?...Thế là quà cáp,là phong bì dồn đến nhà ông như nước lụt…Nay ông “bật mã ôn” này về hưu, chẳng ma nào thèm đăng thơ tết cho ông nữa, thứ thơ thuộc trường phái nước ốc…mà khi còn tại chức, ông đã làm ngập lụt hàng trăm tờ báo tết. 

Người ta mượn văn học, mượn chuyện in ấn, xét giải, xét kết nạp hội viên, làm chân dung nhà văn nhà thơ nhà phê bình trên truyền hình để làm công cụ, làm hàng hóa trao đổi, móc ngoặc, rất là tồi tệ; nên văn học không còn mang tính mục đích nữa. Rất nhiều nhà thơ trường phái nước ốc chạy tiền, đã được truyền hình phát chương trình giới thiệu thơ trên đài truyền hình quốc gia dài tứ 40 phút đến một tiếng… 

Cách đây mười mấy năm có một đại gai từ Cà Mau tên là Hùng Tấn (bút hiệu Hùng Anh) là giám đốc Công ty dược Cà Mau tập tẹ làm thơ con cóc. Trong một lần lên Sài Gòn đại gia Hùng Anh gặp được ông Hữu Thỉnh. Thế là, thi sĩ trường phái con cóc Hùng Anh bèn được kết nạp đặc cách vào Hội nhà văn Việt Nam một cách không thể nào hiểu nổi. Cũng lúc đó Đài truyền hình Việt Nam VT3 phát một chương trình ca ngợi thơ nước ốc của đại gia Hùng Anh suốt cả tiếng đồng hồ. Ba tháng sau, Hùng Anh bị bắt vì ăn cắp công quỹ gần trăm tỉ đồng, phải đi tù mấy chục năm. Nghe đồn khi bị bắt, Hùng Anh khai dùng tiền ăn cắp để bôi trơn cho sự nổi tiếng làm thơ của mình hòm hòm cũng bạc tỉ… 

Cũng cách đây hơn chục năm, tờ “Người Hà Nội” tổ chức thi thơ mà người được giải thưởng phần lớn là các đại gia: giám đốc hoặc tổng giám đốc. Trong số người được giải thơ ấy có một ông thứ trưởng bộ nông nghiệp… Ông thứ trưởng này cũng trường thơ con cóc, đã bỏ ra bạc tỉ để hội thảo thơ mình, thuê hàng mấy chục nhà văn nhà thơ nổi tiếng viết bài ca ngợi thơ con cóc của ông, lại tổ chức hội thảo linh đình, còn hơn Nguyễn Du vừa sống lại. Đùng một cái ông bị mất chức vì làm thất thoát công qũy nhiều tỉ đồng… 

Chúng tôi có thể còn kể ra đây hàng chục thí dụ về bọn buôn thơ, buôn văn, dùng văn học làm phương tiện để trục lợi; hẹn bạn đọc trong một dịp khác. Những động cơ phi văn học hầu như đang điều hành guồng máy nền văn học quốc doanh. Đấy là một tai họa cho đất nước: văn học chân chính đang bị xua đuổi khỏi đời sống xã hội, nếu còn những người làm thơ như ông TGT, ông Hùng Anh và còn người bình thơ như ông NSĐ.,. 

Sài Gòn ngày 01-10-2011 




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo