“Sát thủ đầu mưng mủ" - không thể giam giữ tiếng cười - Dân Làm Báo

“Sát thủ đầu mưng mủ" - không thể giam giữ tiếng cười

Nguyễn Trọng Tạo Vì có lệnh thu hối cuốn tranh biếm, minh họa cho những câu thành ngữ thời đại Internet có tên là “SÁT THỦ ĐẦU MƯNG MỦ”, nên tôi vội lên mạng tìm xem. Khi tìm được “cuốn sách” trên mạng, tôi xem ngấu nghiến mà quên là sách đang bị cấm. Xem xong, xem lại, vẫn thấy thích. Đúng như câu kết dưới lời giới thiệu: "Ăn chơi quên mưa rơi".

Vâng, “Ăn chơi quên mưa rơi” là tinh thần của kẻ ham chơi. Nguyễn Công Trứ hay tôi cũng vậy thôi, đã dám chơi thì phải xả thân. Đó là cái ý tích cực của câu thành ngữ mới ấy. Còn khi ngẫm kỹ, ta còn thấy phảng phất chút ý nghĩa phê phán của nó với những kẻ quá thái “ăn chơi”. 

Có thể nói, những câu thành ngữ mới trong cuốn sách tranh này là những câu Slogan thường gặp trên các trang blog cá nhân của thế hệ trẻ. Bởi đã Slogan thì nó phải ngắn gọn, và thể hiện một quan niệm nghiêm túc nhưng với giong vui đùa và ngộ nghĩnh. Nếu những người lớn tuổi quen với việc vào mạng hay tham gia các diễn đàn mạng, thì sự khó chịu ban đầu sẽ dần biến mất, nhường chỗ cho một tình cảm dễ thương chia sẻ. 

Trong thời đại “ăn xổi ở thì” của kinh tế thị trường chộp giật, bao chuyện “cười ra nước mắt” vô cùng đau xót, thì việc “sản xuất” truyện cười là vô cùng cần thiết. Đây cũng là sự bức xúc của giới văn học nghệ thuật trước “nhu cầu cười” tha thiết của công chúng. Chả thế mà ngành sân khấu phải tổ chức cả một liên hoan toàn quốc về Hài Kịch. Nhiều tờ báo mở hoặc muốn mở cuộc thi viết truyện cười. Có độc giả trên mạng thách các nhà văn viết truyện cười… Vậy thì việc họa sĩ Thành Phong và Công ty Nhã Nam làm một cuốn sách biếm họa từ những câu thành ngữ mới (nxb Mỹ Thuật cấp phép) là việc làm đáng hoan nghênh. 

Thế sao Cục xuất bản lại ra lệnh thu hồi, ra lệnh cấm? 

Trước hết nói về nội dung thì cuốn sách đã mang tới cho bạn đọc tiếng cười lành mạnh. Tên sách là câu thành ngữ mới “SÁT THỦ ĐẦU MƯNG MỦ”, là nói tới cái họa của những kẻ sát thủ, đập vào đầu người khác thì sẽ có người khác đập vào đầu minh - nó là cách nói khác của câu thành ngữ xưa “Gậy ông đập lưng ông”. Còn câu khuyến cáo ngoài bìa sách bảo là quảng cáo cũng được, mà nói để nhắc nhở cũng đúng: “Không đọc trong khi ăn uống”. Bởi vì ăn uống mà cười phun vào mặt vào mâm là mất vệ sinh lắm lắm. 

Tôi rất thích bức tranh “Bộ đội phải chơi trội” vẽ hai anh bộ đội đá cầu bằng… lựu đạn. Đó là chuyện ngược đời. Vè châm biếm hay tranh châm biếm đều khai thác những nghịch lý trong cuộc sống. Sinh thời, họa sĩ biếm Nguyễn Nghiêm nói về hình thức hội họa này: Cuộc sống đi từ A đến B, còn biếm họa thì nhìn cuộc sống từ B đến A, có thế mới gây cười được. Những bức tranh trong cuốn sách này dù chỉ là “minh họa” cho những câu Slogan thời hiện đại, nhưng đều thực hiện bằng phương pháp “nhìn ngược” đó. Nhờ vậy mà ý nghĩa nhận thức, giáo dục và giả trí của cuốn sách gây được hiệu quả mạnh, thậm chí ngoài cả ý muốn của tác giả. 

Nhưng không phải ai cũng thích đùa. Vì thế mà có nhiều ý kiến trái ngược nhau về cuốn sách. Trong đời có người chúng ta đừng dại dột mà đùa vào họ. Đùa không khéo lại bị quy quan điểm thì bỏ mẹ. Thậm chí còn phải cảnh giác với một số người chỉ thích đùa người khác chứ không thích người khác đùa mình, sợ mất thể diện. Rồi cũng còn nhiều kẻ đạo đực giả, làm ra vẻ ta đây là người luôn nghiêm túc. Ngay cả phụ nữ cũng vậy, giữa đám đàn ông họ rất chi là hiền thục, nhưng khi chỉ toàn phụ nữ với nhau, họ nói tục không chịu được, nói tục và cười nắc nẻ… Có lẽ do thích cười nên họ thích những anh chàng thông minh hay góp chuyện cười hóm hỉnh. 

Các nhà lãnh đạo cũng vậy. “Ban ngày quan lớn như thần/ Ban đêm quan lớn tần mần như ma”. Nguyễn Công Trứ là quan đại thần cũng tự thú thay cho lũ vua quan thời ông là thế. 

Tôi tin những người cấm “SÁT THỦ ĐẦU MƯNG MỦ” cũng thích cười. Nếu họ xem một cách cá nhân, chắc họ sẽ thich mà cười… một mình rồi cất tiếng hát vang… Nhưng tại sao họ lại cấm? 

À, thì ra họ thu hồi sách chỉ vì… "không nộp lưu chiểu trước khi phát hành". Họ làm thế là đúng rồi. Nhưng vậy thì phải phạt hành chính về vi phạm quy định Lưu chiểu đối với nhà xuất bản, rồi cho tiếp tục lưu hành đi chứ. Sao lại làm ầm ĩ và “ngâm” sách mãi thế? 

Thì cũng phải “ngâm cứu chút”. Kinh nghiệm cho biết, cuốn “Trần Dần THƠ” trước đây cũng vậy, sau khi phạt hành chính xong, cuốn sách tiếp tục được phát hành, và được dư luận nhiệt liệt hoan nghênh. 

Với cuốn “SÁT THỦ ĐẦU MƯNG MỦ”, tôi nghĩ có lẽ cũng thế thôi. Không thể giam giữ mãi nụ cười

30.10.2011 




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo