Thêm một nhà bất đồng chính kiến qua Thái Lan lánh nạn - Dân Làm Báo

Thêm một nhà bất đồng chính kiến qua Thái Lan lánh nạn

Tình trạng các nhà bất đồng chính kiến bị sách nhiễu phải chạy ra khỏi nước vẫn là điều mà các tổ chức nhân quyền thế giới quan tâm hiện nay. Thái Lan là nơi hiện nay các nhà bất đồng chính kiến Việt Nam chọn làm chỗ ẩn náu tạm thời với một hy vọng mong manh sẽ được một nước thứ ba chấp nhận quy chế tỵ nạn.

Trường hợp mới nhất là ông Huỳnh Nguyên Đạo, đã trốn khỏi Việt Nam bằng đường bộ và cho Đài Á Châu Tự Do biết lý do bỏ nước ra đi của ông.

Mặc Lâm : Xin anh cho biết anh vào đất Thái Lan được bao lâu rồi và lý do nào đã thúc đẩy anh rời khỏi đất nước để xin tị nạn tại đây?

Ông Huỳnh Nguyên Đạo : Thưa anh Mặc Lâm, đầu tiên tôi có lời cảm ơn Đài Á Châu Tự Do đã tạo điều kiện cho tôi được trả lời cuộc phỏng vấn này. Tôi qua đây vào cuối tháng 6 vừa rồi. Tôi bị kết vô cái tội “tuyên truyền chống nhà nước xã hội chủ nghĩa” tức là vào cái Điều 88 của Bộ Luật Hình Sự nuớc CHXHCN Việt Nam. Mới đầu tôi bị kết án 3 năm tù, sau thì tự họ giảm xuống còn 2 năm rưỡi, mặc dù tôi không có đơn kháng án, và 2 năm phạt quản chế.

Mặc Lâm :
Anh vừa nói là bị chính quyền Việt Nam kết án là tuyên truyền chống nhà nước xã hội chủ nghĩa, anh có thể cho biết chi tiết cụ thể là anh đã làm gì để bị cáo buộc như vậy?

Ông Huỳnh Nguyên Đạo : Thì cái hành vi họ kết án tôi là tôi đã trực tiếp rải truyền đơn cũng như vẽ số 4 gạch chéo, tức là chống, là yêu cầu bỏ Điều 4 Hiến Pháp CHXHCN Việt Nam.

Mặc Lâm : Sau khi thi hành án và trở lại đời sống bình thường thì anh có bị sách nhiễu hay bị phân biệt đối xử từ các cấp chính quyền, cụ thể là công an, hay không?

Ông Huỳnh Nguyên Đạo : Sau khi tôi ra tù thì tôi phải chấp hành tiếp cái hình phạt bị quản chế tại gia 2 năm. Trong suốt thời gian tôi bị quản chế như thế thì tôi muốn đi đâu cũng phải xin phép cơ quan chính quyền và họ thường xuyên “mời” tôi ra làm việc. Mời ra ngoài làm việc mà không có một cái giấy tờ gì cụ thể một cách công khai hết. Và trong các mối quan hệ của tôi, như tôi muốn liên hệ qua điện thoại này kia thì tôi cũng đều bị nghe lén hết. Rồi họ kêu tôi lên họ hạch sách tôi đủ thứ chuyện. Và cái quan trọng nhứt là tôi không thể làm việc ở đâu được hết mặc dù tôi đang trong độ tuổi lao động.

Lý do đào thoát


Mặc Lâm :
Nguyên nhân nào khiến anh chọn Thái Lan làm nơi tỵ nạn và chắc anh cũng biết rằng tình hình hiện nay khá phức tạp vì Cao Ủy Tỵ Nạn LHQ tại đây gặp rất nhiều khó khăn trong công tác chọn lọc quy chế cho người tỵ nạn?

Ông Huỳnh Nguyên Đạo : Việc đầu tiên thì thú thực với anh là khi tôi ra đi như vậy là vì tôi biết chắc rằng tôi sẽ bị bắt lại lần thứ hai, cho nên để tránh chuyện ngồi yên một chỗ để bị bắt 100% thì tôi chọn phương án 50% bị bắt thôi, nên tôi đào thoát ra khỏi Việt Nam. Khi đào thoát ra khỏi Việt Nam như vậy, đầu tiên nơi tôi tới là Campuchia, và sau đó là Thái Lan. Trong hoàn cảnh khi đặt chân lên Thái Lan tôi biết là sẽ có những khó khăn khi tôi ở Thái Lan, nhưng mà tôi cũng hiểu rằng đó là lối thoát duy nhứt khi mình ra khỏi Việt Nam.

Mặc Lâm : Khi bước chân vào đất Thái anh có được sự giúp đỡ nào từ các tổ chức quốc tế hay các Việt kiều đang sinh sống ở Thái hay không, thưa anh ?

Ông Huỳnh Nguyên Đạo : Sau khi tôi đến Thái Lan thì vợ chồng ông Đỗ Thành Công có ghé Thái Lan thăm tôi. Trong hoàn cảnh tôi đang sinh sống ở đây thì tương đối là bí mật, tôi ít ra đường hay bên ngoài nên tôi cũng chưa có lên tiếng trên báo đài nào cả, cho nên cái chuyện được những người khác giúp đỡ thì gần như là rất ít.

Mặc Lâm : Xin anh một câu hỏi cuối cùng. Xin anh cho biết là một người hoạt động cho tự do dân chủ cho Việt Nam mục tiêu trước mắt của anh là gì trong khi chờ đợi quyết định của Cao ủy Tị nạn Liên Hiệp Quốc?

Ông Huỳnh Nguyên Đạo :Về vấn đề này thì đối với tôi là cái quan trọng nhứt là tôi muốn có một điều kiện là được làm việc tốt hơn, được đóng góp nhiều hơn, làm việc một cách có hiệu quả hơn. Còn làm việc ở đâu, như thế nào, thì những chuyện đó nó thuộc về tương lai, mà cái tương lai đó thì mình không nắm chắc nên tôi cũng không thể nói chi tiết được ạ.

Mặc Lâm : Xin cám ơn anh Huỳnh Nguyên Đạo, cũng xin chúc anh gặp nhiều may mắn trong thời gian tới.
***

Huỳnh Việt Lang trả lời phỏng vấn Đàn Chim Việt


Đáng nhẽ phải gọi anh là Huỳnh Nguyên Đạo, đúng với cái tên mà cha mẹ đã đặt cho anh và đúng với cái tên mà nhà cầm quyền đã tuyên án anh 3 năm tù giam. Nhưng với chúng tôi, Ban biên tập Đàn Chim Việt và với độc giả ở đây thì anh là Huỳnh Việt Lang. Với cái tên ấy, chúng tôi đã quen biết nhau, yêu mến và tin tưởng lẫn nhau.

Huỳnh Việt Lang bị bắt tại Sài Gòn ngày 15/8/2006 cùng một số đảng viên khác của đảng Dân chủ Nhân dân. Anh bị kết án 3 năm tù sau đó giảm xuống 2 năm 6 tháng tù trong phiên phúc thẩm. Anh ra tù vào tháng hai năm 2009.

Huỳnh Việt Lang đã rời Sài Gòn sang Thái Lan từ vài tháng nay. Một người day dứt với quê hương đất nước như anh, chắc chắn đây không phải là một lựa chọn dễ dàng. Nhưng liệu có thể làm khác được không khi cả 2 vợ chồng anh đều tốt nghiệp đại học mà không thể kiếm được việc làm và tương lai mờ mịt của 2 đứa con. Bên cạnh đó, nhà cầm quyền trước những biến động trong mùa hè vừa qua, đã gia tăng sách nhiễu với gia đình anh và nguy cơ bị bắt trở lại có thể xảy ra bất kỳ lúc nào.

Gần đây, Huỳnh Việt Lang đã viết trở lại với bút danh Nguyễn Việt và chúng tôi đã công bố một số bài viết của anh trên trang nhà.

Từ Thái Lan, mặc dù đang vô vàn khó khăn, ngổn ngang với cuộc sống mới và vất vả vì lụt lội anh vẫn dành thời gian trả lời phỏng vấn của Đàn Chim Việt.

Đàn Chim Việt:
Chúng tôi được biết anh và gia đình đã qua Thái Lan, vì sao anh quyết định ra đi?

Huỳnh Việt Lang:
Tôi quyết định ra đi khi thấy: sau 24h khuya, nhân viên an ninh mặc sắc phục đột ngột vào xét nhà để điều tra nhà tôi có cửa trốn thoát phía sau không. Rồi họ tiếp tục đặt camera quay trước cổng ra vào nhà. Với kinh nghiệm từng trải khi bị bắt lần trước, tôi biết hiện tượng này chứng tỏ họ sắp bắt tôi lần thứ 2. Đây là dấu hiệu đầu tiên trong quy trình họ thực hiện bắt giam một đối tượng thuộc dạng “vi phạm an ninh quốc gia”, họ cần có bằng cớ để xuất lệnh bắt giữ khẩn cấp và bằng chứng đối chất khi lấy khẩu cung. Tôi nhận định một phần các hoạt động đấu tranh vì dân chủ bí mật hiện nay của tôi đã bại lộ, nên tôi sẽ bị bắt giữ.

Đồng thời các hành vi liên tục đe dọa của công an chính quyền cộng sản từ đầu tháng 6/2011 đã gây ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống tinh thần của vợ con tôi, khiến tâm lý của các cháu nhỏ (9 tuổi và 11 tuổi) bị biến dạng nghiêm trọng. Các cháu trở nên khiếp sợ khi gặp người lạ, vì các cháu cứ nghĩ ai cũng là công an cộng sản đến bắt ba cháu…

Đàn Chim Việt:
Anh có thể cho độc giả biết chi tiết về chuyến đi này không?

Huỳnh Việt Lang:
Ở đây, tôi chưa tiện kể ra chi tiết. Song tôi xin có vài khuyến nghị nhỏ đối với những trường hợp xuất cảnh không có passport:

- Không nên sử dụng các phương tiện dịch vụ như xe Mai Linh, Sapaco…

- Ban đêm không nên ở nhà trọ.

- Tuyệt đối không sử dụng điện thoại di động trên đường đi.

- Hạn chế tối đa trao đổi với người lạ trong độ tuổi lao động.

Đàn Chim Việt:
Trong hơn 2 năm qua, kể từ khi anh mãn hạn tù, chính quyền đã đối xử với anh thế nào?

Huỳnh Việt Lang:
Sau khi hết thời hạn quản chế vào tháng 2/2011, cơ quan an ninh vẫn tiếp tục yêu cầu tôi phải báo cáo nếu có đi ra khỏi địa phương. Chứng tỏ cơ quan an ninh Việt Nam bắt đầu kéo dài thời hạn quản chế tôi mà không thông qua xét xử tại tòa án và không thể hiện bằng văn bản, như vậy là làm việc trái pháp luật. Họ bịa đặt đặt dữ kiện không đúng sự thật với tôi, kiểu như: nói khống tôi đi máy bay Pacific ra miền Trung – nhưng thực tế là không có.

Trong suốt thời gian trong hạn quản chế từ tháng 2/2009 – 2/2011, cơ quan an ninh thường xuyên gọi tôi ra quán cà phê để “làm việc”, viết tường trình – mà không có giấy mời, địa điểm làm việc lại không phải là cơ quan đúng chức năng, như vậy cơ quan an ninh có thái độ làm việc không minh bạch. Thời gian mời đi làm việc (thông qua điện thoại) không định kỳ: có khi mỗi tháng 1 lần, có khi mỗi tuần một lần. Trong thời gian làm việc ngoài quán cà phê, nhân viên an ninh thường xuyên đe dọa, nhằm mục đích: ép buộc tôi từ bỏ quan điểm chính trị của mình.

Đồng thời, tôi không thể xin được việc làm ở đâu – kể cả những chỗ quen biết – vì ai cũng ngại về bản án của tôi sẽ chắc chắn bị cơ quan an ninh cộng sản Việt Nam theo dõi mà dẫn đến liên lụy cho doanh nghiệp của họ. Hoặc khi đi xin việc làm ở các doanh nghiệp khác như lái taxi, thậm chí đi xin làm bảo vệ… thì lại gặp tình trạng phải xác nhận nhân thân lý lịch chưa có tiền án trong mẫu đơn xin việc do công an địa phương xác nhận. Mà điều này đối với hoàn cảnh tôi là một trở ngại mà tôi không thể vượt qua. Tôi cũng chẳng thể đứng ra mở công ty kinh doanh được vì không ai dám quan hệ làm ăn công khai với tôi, doanh nghiệp tôi có mở ra chắc chắn kinh doanh sẽ thất bại. Cả hai vợ chồng tôi đều tốt nghiệp Đại học chính quy, tôi có bằng Cử nhân Triết học và bằng Dược tá, vợ tôi là Kỹ sư Kinh tế. Cả hai đều trong độ tuổi lao động, vậy mà trong suốt hơn 2 năm qua (đối với tôi) và gần 4 năm (đối với vợ tôi) luôn trong tình trạng thất nghiệp.

Đàn Chim Việt:
Hai năm rưỡi tù của anh đã trôi qua như thế nào? Có những ấn tượng, những kỉ niệm gì, anh muốn chia sẻ với độc giả không?

Huỳnh Việt Lang:
Cảm giác tôi nhớ nhất là bị “say không khí”. Nhiều người trong chúng ta có thể say rượu, say xe, say thuốc… nhưng dứt khoát rất ít người “được” say không khí. Mỗi lần kêu ra khỏi phòng giam để người nhà thăm gặp hoặc đi lấy khẩu cung là chân bước cứ là đà trên mặt đất. Một cảm giác không thể trải nghiệm được ngoài đời. Trong phòng biệt giam có 3m² bít bùng, chung với một người tù hình sự và một hầm phân vệ sinh bị đập bể ống chứa nước ém khí (hay còn gọi là con thỏ của cầu xí), mùi trong phòng ngào ngạt bay…

Mái nhà phòng giam bằng kim loại, đèn điện bóng tròn dây tóc tỏa rất nhiều nhiệt thắp sáng liên tục 24h, nhiệt độ trong phòng luôn cao và ẩm đến nỗi suốt ngày tôi không thể mặc quần áo, trừ khi bị gọi ra lấy khẩu cung. Nối kết giữa không gian bên ngoài và phòng giam là một cái lỗ to bằng bàn tay. Óc người tù luôn trong tình trạng thiếu dưỡng khí, nên khi bước ra khỏi phòng giam người ta sẽ bị ngộp bởi khí trời bình thường bên ngoài. Tôi “được” say không khí trong 9 tháng trời như vậy.

Kỷ niệm tôi nhớ mãi trong tù là cây thông Noel làm trong mùa Giáng Sinh năm 2008. Phần thân là một cành cây làm củi lượm trong trại, hoa tuyết làm bằng giấy vệ sinh màu trắng, hồ dán là cơm tù đánh quết lại cùng nước lã; quả châu xanh là những trái chanh và quả châu đỏ là giấy báo vo tròn thoa thuốc đỏ sát trùng. Hậu quả khi cai tù phát hiện là phải có ai đó đứng ra chịu trách nhiệm… Đến chiều 29 Tết Nguyên đán thì tôi bị đem đi nhốt riêng… Đêm giao thừa nằm co ro một mình mà lòng cười mỉm, xét về cách làm cây thông thì Ban xác định kỷ lục Guiness nên cấp một giải cho cây thông Noel ra đời từ khu K.2 của trại Z30 A Xuân Lộc, Việt Nam. Đó là kỷ niệm để tôi nhớ các anh, để ta nhớ về nhau, hỡi những người anh em khu K.2 ngày đó…

Nhờ ở tù nên tôi được biết thằn lằn có thể ăn thịt sống; mì gió tức là mì gói ăn liền ngâm nước lã, đem ra quạt tạo gió cho khô… Nhưng ấn tượng cả đời tôi không bao giờ quên là: cặp mắt đang mù dần từng ngày vì không được mổ thủy tinh thể của anh Hồ Long Đức, từng cơn huyết áp chết đi sống lại của anh Trương Minh Đức, hàm răng chỉ còn một chiếc “để làm duyên” của người tù xuyên thế kỷ Nguyễn Hữu Cầu mà trong cáo trạng kết án có tội: “nghe lén đài BBC”! Rồi Lê Kim Hùng, Trương Quốc Huy, Sơn Nguyễn Thanh Điền, Trần Quốc Hiền… và rất nhiều anh em tù chính trị khác đang bó tay nằm đợi từng giờ – những nỗ lực đấu tranh cho tự do của lực lượng dân chủ bên ngoài.

Đàn Chim Việt:
Bản án chính quyền dành cho anh có thể nói khá ‘nhẹ nhàng’ so với những người sau này như Trần Huỳnh Duy Thức, Lê Công Định, Nguyễn Tiến Trung hay Lê Thăng Long. Có thể, vào thời điểm đó, chính quyền đang muốn ‘lấy điểm’ để gia nhập WTO. Sau khi đạt được mục đích rồi, họ đã ra tay mạnh hơn với những người đối lập, anh có nhận xét gì về điều này không?

Huỳnh Việt Lang:
Dạ đúng vậy. Tôi có nhận xét, cả thế giới đã bị “giỡn mặt” khi chính quyền đương nhiệm kết án các anh Trần Huỳnh Duy Thức, Lê Công Định, Nguyễn Tiến Trung hay anh Lê Thăng Long… và nhiều anh chị em khác sau khi được kết nạp vào WTO. Ngoài ra, việc tôi có bản án nhẹ nhàng còn nhờ vào nỗ lực đấu tranh của lực lượng dân chủ bên ngoài, của Hội Phóng viên không biên giới, của Liên đoàn Lao động quốc tế, của Hội Ân xá Quốc tế, của anh em trong đảng Dân chủ Nhân dân… và của nhiều người yêu nước khác. Tất nhiên, trong đó có cả sự lên tiếng mãnh liệt từ các cơ quan truyền thông như Đàn Chim Việt.

Việc tàn nhẫn bỏ tù những người yêu nước đó đồng nghĩa với hành vi quay lưng lại trước mong muốn và lợi ích của nhân dân. Tại sao chính quyền không thấy rằng, chỉ cần trả tự do cho những người yêu nước thì sẽ cứu vãn được tình trạng khủng hoảng kinh tế và thị trường chứng khoán đang suy sụp của Việt Nam?! Đề nghị này có “hoang tưởng” hay không khi chính quyền quân phiệt Miến Điện – một nước trong khối ASEAN – đã thực hiện…

Tại sao các “quan” cao tại thượng không thấy rằng thay vì phải bỏ ra hàng trăm triệu đô la để mua máy bay, tàu chiến – chỉ cần thả tù chính trị – thì ngoại bang phương Bắc sẽ rụt cổ lại trên biển Đông – vì Việt Nam đã sử dụng đến loại vũ khí đáng sợ nhất được khẳng định qua lịch sử nhiều ngàn năm: tinh thần đoàn kết dân tộc.

Đàn Chim Việt:
Cũng có dư luận về sự lộng hành của an ninh cộng sản ở Thái Lan, trước kia một nhà hoạt động dân chủ, anh Lê Trí Tuệ đã mất tích một cách bí hiểm và cho tới nay chưa vẫn chưa rõ nguyên do vì đâu, vậy có gì đảm bảo cho an ninh của anh và gia đình không?

Huỳnh Việt Lang:
Ở Thái Lan này chẳng có gì đảm bảo an ninh cho tôi và gia đình cả. Song đứng giữa yêu cầu đảm bảo an ninh và nhu cầu đấu tranh dân chủ liên tục, tôi đã ưu tiên cho việc sau hơn.

Đàn Chim Việt:
Anh đã ra tù từ năm 2009, từ đó tới nay dường như anh giữ im lặng và cũng giữ một khoảng cách nhất định với các cơ quan truyền thông hải ngoại, vậy vì lý do gì, thời điểm này anh muốn công khai danh tính?

Huỳnh Việt Lang:
Sau khi ra tù từ tháng 2/2009 đến nay, để tiếp tục các hoạt động đấu tranh bí mật của mình và sự an toàn của các đồng sự khác, tôi cần giữ một khoảng cách nhất định với các cơ quan truyền thông hải ngoại. Các hoạt động đấu tranh dân chủ công khai ở Việt Nam chỉ là phần nổi của một tảng băng và bất cứ một tảng băng nào cũng sẽ chẳng nổi được lâu nếu không có phần chân đế chìm rộng lớn hơn.

Đàn Chim Việt:
Anh ra đi vào thời điểm đất nước đang có những chuyển biến nhất định, nhận thức xã hội đang có phần thay đổi, xã hội dân sự đang chuyển động về phía trước và những biến động quốc tế thuận lợi qua các cuộc cách mạng hoa Nhài ở Bắc Phi, liệu có phải là sự lựa chọn đúng đắn không?

Huỳnh Việt Lang:
Đầu tiên tôi muốn bàn về cách nghĩ của chúng ta. Đấu tranh cho tự do, nhân quyền và dân chủ cho Việt Nam là một cuộc cách mạng lớn của dân tộc, hình thành trong thế kỷ XX và tiếp diễn sang thế kỷ XXI. Trong cuộc cách mạng này, về nhân sự là tập hợp góp sức của nhân dân trong nước và nhiều người Việt trên toàn thế giới; tiền tuyến và hậu phương không bó hẹp trong lãnh thổ Việt Nam. Cuộc đấu tranh dân chủ hóa nước nhà không chỉ một năm, hai năm mà có thể lên đến hàng chục năm. Bởi, liệu có ai khẳng định là sau một chế độ độc tài ra đi là Việt Nam thực sự có dân chủ ngay chưa… Dưới cái nhìn tổng thể của công cuộc đấu tranh, ở đây không có sự ra đi nào cả… sự hoán vị nhân sự cần được thiết lập.

Vấn đề mấu chốt chẳng phải là anh đang ở đâu; mà từ nơi đang ở, anh có thể làm gì để đóng góp cho công cuộc dân chủ hóa nước nhà một cách có hiệu quả nhất. Tôi muốn nói đến một sự lựa chọn hợp lý trong một tình huống cụ thể. Sự thực thì không có gì chắc chắn cả, nhưng nếu tôi không đào thoát thì chắc chắn tôi sẽ bị bắt; còn nếu tôi đào thoát thì cũng có thể tôi sẽ bị bắt nhưng cũng có thể tôi thoát được. Trong tình huống khẩn cấp, buộc phải liều mình 5 ăn 5 thua, tôi không có nhiều lựa chọn.

Đàn Chim Việt:
Dự định trong tương lai của anh ra sao?

Huỳnh Việt Lang:
Đương nhiên, những gì tôi đã làm hôm qua trong một điều kiện khó khăn hơn thì hôm nay và ngày mai – chẳng có cớ gì khiến tôi ngưng thực hiện. Sau khi đến Thái Lan, dưới các bút danhNguyễn Việt và Nguyễn Việt Thuận, tôi đã viết hơn chục bài gởi ở Đàn Chim Việt, Việt báo và Người Việt. Tôi vẫn đang tiếp tục đóng góp trong công cuộc đấu tranh tự do dân chủ cho quê hương chúng ta. Đó là lý tưởng/niềm tin mà tôi chấp nhận trả giá bằng một phần tự do của mình cho niềm tin ấy.

Tôi nghĩ rằng, một khi trái tim mình còn luôn thổn thức với từng cơn ấm lạnh của quê hương thì những chuyện khác của đời thường, ta sẽ dễ vượt qua hơn. Tôi vẫn động viên cùng vợ con mình như vậy.

Đàn Chim Việt:
Anh đánh giá thế nào về khả năng một cuộc cách mạng hoa Sen hay hoa Lúa gì đó ở Việt Nam?

Huỳnh Việt Lang:
Đã vượt qua được những ngày ủ mầm khó khăn nhất, cách mạng dân chủ Việt Nam đang từng ngày vươn mình lớn dậy. Đến hôm nay, khả năng bùng nổ một cuộc cách mạng hoa Sen/hoa Lúa ở Việt Nam là điều khẳng định sẽ xảy ra. Mọi chuyện còn lại tùy thuộc vào công tác chuẩn bị và thời gian.

Mạc Việt Hồng thực hiện


© Đàn Chim Việt 


Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo