Từ bánh bao ngày xưa đến phong bì ngày nay - Dân Làm Báo

Từ bánh bao ngày xưa đến phong bì ngày nay

Dr. Nikonian Phòng mạch của BS. T. thì nằm khuất trong một khu lao động nghèo của người Bắc di cư. Thỉnh thoảng ghé thăm, ngồi ngó nghiêng đàn anh khám bệnh, tôi cực kỳ ngạc nhiên khi nghe cái giá rẻ mạt mà bệnh nhân phải trả. Với giá đó, so với giá thuốc mắc mỏ, coi như lỗ vốn tiền thuốc, chưa nói đến thù lao khám bệnh. Thắc mắc hỏi, BS. T. chỉ cười xoà mà rằng:

- Bà cụ ấy nghèo lắm. Lấy đúng giá, tiền đâu bà ta chữa bệnh? 

Hèn chi, tuy tuổi đã cao, tay nghề không hề kém cỏi, người đàn anh kính mến của tôi vẫn đi lại bằng một chiếc Honda Dame 50, niềm mơ ước của nhiều tay chơi xe cổ. (?) 

Lại nhớ đến V, một bệnh nhân vô cùng nặng năm xưa. Có lẽ V. giữ kỷ lục về số ngày hôn mê, nằm viện, truyền máu, thở máy, chạy thận… Không nhờ một quĩ nghiên cứu quốc tế về bệnh nhiệt đới và rất nhiều may mắn, ắt V. đã ra người thiên cổ. Nhìn V. xiêu vẹo, xanh xao trong ngày xuất viện, ai cũng lắc đầu khen số tay này quá lớn! 

Vậy rồi thôi, tôi cũng quên bẵng V. cho đến khi không biết bằng cách nào, V. lò dò đến tận nhà. Đen đúa, rắn rỏi, V. vác theo một buồng chuối còn xanh, bẽn lẽn “gọi là tạ ơn bác sĩ đã cứu mạng!”. Dẫu biết V. thành tâm, nhưng làm sao nhận món quà quê rất mực chân thành đó, khi biết rằng có thể đó là một ngày tiền chợ, tiền ăn của gia đình V. ở một góc núi rừng hẻo lánh nào đó. Nhận cái tình của V. thôi vậy, mà cũng đủ để thấy lòng cảm động mỗi khi nhớ đến. 

Lại càng không quên được những ngày đói khó. Cả kíp trực đêm đều hốc hác, rạc người. Việc nhân viên y tế ngất xỉu trong đêm vì đói – hay nói văn hoa là hạ đường huyết cho đỡ tủi- là chuyện cơm bữa. Mà thời ấy, bệnh nhân và người nhà cũng nghèo túng. Thỉnh thoảng mới có một thân nhân hảo tâm, tiếp tế dăm ổ bánh mì thịt, vài cái bánh bao. 


Chắc chắn, một trí thức miền Nam được “lưu dung” như BS. T. hoàn toàn không cần đến những bài học về y đức, về đạo đức y tế XNCN. Từ tấm bé, họ đã được giáo dục sự kính trên nhường dưới, tránh xa lẽ mạnh được yếu thua. Họ được dạy dỗ để cúi mình xuống những thân phận hẩm hiu như một lẽ đương nhiên, như một thói quen được tu tập trong rất nhiều năm từ gia đình, xã hội . Tôi chắc rằng, nếu không làm thầy thuốc, thì đàn anh T. thân mến của tôi cũng sẽ cư xử đầy khiêm hoà, nhân ái như vậy trong bất cứ nghề nghiệp nào. Cứ gì phải làm thầy thuốc, với y với đức cao xa? 

Không cần Bộ Y tế nào phát động, người đàn anh kính mến của tôi cũng sẽ “nói không với phong bì” một cách dung dị, thản nhiên. Vì cái liêm sỉ của người trí thức trong anh không cho phép. Mà không chỉ mình anh T, không ít đồng nghiệp của tôi cũng thản nhiên từ chối phong bì như thế. 

Người bệnh V. của tôi với buồng chuối xanh năm xưa cũng vậy. V. làm gì biết đến “kinh tế thị trường”, cái mà người ta hay vịn vào để đổ lỗi cho những điều xấu xí. Nghèo khó, chơn chất, ắt hẳn V. không có khái niệm về cái gọi là “văn hoá phong bì” đang nhan nhản hôm nay. 

Cũng vậy, ổ bánh mì, cái bánh bao…uỷ lạo cho kíp trực ngày ấy hoàn toàn mang ý nghĩa khác hẳn với sự đổi chác mua chuộc. Nó là sự đồng cảm của những con người nghèo túng… để chia sẻ cùng nhau trong một đêm cùng giành giật sự sống. Nó là sự thấu hiểu và cảm thông cho sự nghèo đói, túng thiếu của nhân viên y tế, nhìn từ phía người bệnh và gia đình. Có lẽ, đây là biểu hiện trung thực nhất (và chua chát nhất) của cái gọi là nền y tế do “nhà nước và nhân dân cùng làm”. 

Hơn ai hết, người bệnh và thân nhân của họ thừa hiểu đồng lương chết đói của nhân viên y tế. Họ biết rõ con người đang chăm sóc sức khoẻ cho họ không thể sống được bằng đồng lương. Theo nhiều người nhà bệnh nhân, mức bồi dưỡng thầy thuốc tại bệnh viện tuyến T.Ư, như một luật “bất thành văn” mà nhiều bệnh nhân áp dụng là 1 triệu đồng/ca đẻ, 1-2 triệu đồng/ca mổ, 100.000-200.000 đồng khi đi khám bệnh và 50.000-100.000 đồng cho điều dưỡng (nguồn: Báo Pháp Luật). Chỉ cần một phép tính đơn giản, người ta thấy ngay chi phí khám bệnh ở một BV công thì ngang ngửa với khu vực tư nhân, nơi mà người ta không cần lót tay để được thay một bộ đồ sạch sẽ, hay để khỏi phải nằm chung giường với một người bệnh khác. 

Khi so sánh như vậy, phải nhìn nhận thẳng thắn, hành vi lót tay đã trả dịch vụ y tế về giá trị thực tối thiểu của nó là nuôi sống được nhân viên y tế và gia đình của họ. Nếu lương tiền tử tế, bệnh viện công không quá tải khủng khiếp như bây giờ…, chắc không đến nỗi xuất hiện văn hoá phong bì đáng xấu hổ ở mức độ tràn lan. Với tổng chi phí (kể cả lót tay) tương đương, không thấy ai kêu ca về tệ nhũng nhiễu ở các bệnh viện tư cả. 

Nhưng khi người thầy thuốc đã bén hơi tiền bạc mà không có được một nền giáo dục như bác sĩ T ở trên, sự trả ơn của người bệnh sẽ mau chóng biến thành thói bóp nặn rất đáng kinh sợ. Đến nỗi nó là cớ để phát động không biết bao nhiêu phong trào từ chối phong bì. Sáng kiến này không tệ, nhưng tốt hơn là ngăn chặn thói quen quát nạt, hắt hủi khi không (hay chưa) có phong bì. Xin nói thẳng, thói bạc ác này khốn nạn, vô nhân hơn rất nhiều so với việc đút túi chút lễ mọn tạ ơn của người bệnh. (Tôi tin chắc sẽ có khá nhiều comment tả oán về sự vô đạo này từ phía bạn đọc.) 

*

Đã khá lâu, một đồng nghiệp của tôi viết về công việc của mình ở một công ty dầu khí nước ngoài. Theo đó, anh rất tự hào về công việc chăm sóc y tế ở giàn khoan, với mức lương 3000 đô la mỗi tháng. Anh không phải làm phòng mạch để kiếm thêm, không phải xoè tay nhận chiếc phong bì tủi hổ. Anh làm nghề, và sống được với nghề! 

Thật ngạc nhiên khi đọc những bình luận chát chúa bên dưới bài viết của anh. Người ta mắng anh tham tiền, bỏ rơi y đức, đánh mất sứ mệnh cứu nhân độ thế. Hình như, trong não trạng của không ít người Việt, người thầy thuốc chân chính phải là một người nghèo túng (?). Người ta dễ dàng hoan nghênh một bác sĩ sống thanh bạch với đồng lương khiêm tốn, và …nuôi heo, chạy chợ để kiếm thêm chút đỉnh nuôi sống gia đình theo một cách rất qua ngày đoạn tháng. 

Không nhiều lắm những người hiểu được rằng, mọi nhân viên y tế đều có quyền được bù đắp xứng đáng với công sức lao động họ đã bỏ ra. Ít ai ý thức được một thầy thuốc nghèo túng thì khó mà giỏi giang, thông tuệ trong một ngành nghề quá rộng lớn và đầy thách thức. Hãy công bằng để nhìn nhận về một lỗi hệ thống rất nghiêm trọng đã đẩy đồng lương của ngành y đứng gần chót bảng 16/18 ngành nghề. Với thu nhập chết đói như thế, người nhân viên y tế không thể nào tồn tại được, nếu không có chút bồi dưỡng từ người bệnh của mình. 

Và mấy ai chịu nhìn nhận: một nền y tế tốt chưa bao giờ là một nền y tế rẻ. Rẻ mạt (trên danh nghĩa) như bây giờ lại càng không thể! Chưa bao giờ, chưa ở một đất nước dù giàu có đến mấy mà chi phí y tế lại rẻ, lại vừa túi tiền của đại đa số người dân cả. Cho nên, phúc lợi y tế vẫn là lời hứa hẹn cố hữu của nhiều chính trị gia khi tranh cử. Một cách mặc nhiên, người ta xác định đây là trách nhiệm lớn của chính quyền với người dân đóng thuế. 


Chăm sóc y tế ở Việt Nam, vẫn chưa được xem là một phúc lợi xã hội, một bổn phận của nhà cầm quyền với dân chúng. Có bao giờ, những người dân khốn khổ đang lăn lóc trong bệnh viện tự hỏi đã thêm được bao nhiêu bệnh viện mới, bên cạnh rất nhiều cao ốc, sân golf, resort? Chưa ai làm thử những phép tính để ước lượng những phi vụ tham nhũng khổng lồ, nếu chi tiêu vào phúc lợi y tế sẽ mang lại điều gì cho người dân? 

Người dân Sài Gòn chưa thấy một bệnh viện công lập nào mới mọc lên, sau bệnh viện Chợ Rẫy là bồi thường của chính phủ Nhật từ trước năm 1975. 

Người dân đã và đang nghe đến nhàm chán về những phi vụ tham nhũng khổng lồ từ các quan chức y tế. 

Người dân đang bội thực những danh hiệu “thầy thuốc nhân dân”, “thầy thuốc ưu tú”. Chúng ta có những đầu vào trường y không giống ai như “chuyên tu”, “tại chức”, “đặc cách”, “cử tuyển”… Mật độ giáo sư, tiến sĩ trong hệ thống của chúng ta cũng dày đặc và nhan nhản, đên mức dân trong nghề phải đùa cợt nhau rằng: “tuy là Giáo sư (Y học), nhưng tay nghề gã ấy không tệ (?) ” 

Chúng ta đang chứng kiến hàng triệu con người chen chúc, khổ sở, vật vạ…trong những phòng bệnh tối tăm, bẩn thỉu… để mua lấy một sự “sống mòn”, mà Nam Cao sống lại ắt phải chào thua. 

Trên cái nền nát như tương ấy, chúng ta hô hào “từng bước xây dựng” một nền y tế vừa tân tiến, nhân bản, “vừa hồng vừa chuyên”. Một trong những cách ấy là phát động “nói không với phong bì”. 

Thôi cũng được, chơi trò “sinh con rồi mới sinh cha, sinh cháu giữ nhà rồi mới sinh ông” chắc là vẫn tốt hơn không làm gì? 

Càng nghĩ, càng thấy câu trả lời nằm ở xa, rất xa… Xa hơn rất nhiều so với những góc khuất mà người thầy thuốc và bệnh nhân Việt nam đang cùng nhau dấm dúi. 


PS. Bổ sung thăm dò trên mạng của báo VNExpress về vấn nạn phong bì trong BV: 

Bạn có đưa phong bì cho bác sĩ khi đi viện?
Lần nào cũng bị gợi ý phải đưa
37.3%
1,368 phiếu
Thỉnh thoảng bị gợi ý đưa tiền
      20.5%
754 phiếu
Chưa bao giờ bị gợi ý, chỉ tự nguyện tặng
   29.3%
1,076 phiếu
Chưa bị gợi ý, cũng chưa tặng tiền bao giờ
           8.5%
313 phiếu
Không biết việc này
            4.4%
161 phiếu
Tổng cộng: 3,672 phiếu
 Để tránh tình trạng phong bì cho bác sĩ, theo bạn:

Cần tăng thu nhập cho đội ngũ y tế
    15.6%
591 phiếu
Cần thay đổi cơ chế hoạt động của bệnh viện
  21.8%
827 phiếu
Cần xây dựng các bệnh viện to đẹp hơn
        2.9%
112 phiếu
Cần giảm tải tuyến trên
        3.1%
119 phiếu
Tất cả các ý kiến trên
27.5%
1,045 phiếu
Không thể xóa được nạn phong bì
29.1%
1,105 phiếu
Tổng cộng: 3,799 phiếu


Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo