Bao nhiêu năm rồi còn mãi loanh quanh! - Dân Làm Báo

Bao nhiêu năm rồi còn mãi loanh quanh!

Việt Nam chuẩn bị thực hiện các kế hoạch cải cách mới

VOA- Sau 4 năm nền kinh tế bị bất ổn, Việt Nam đang chuẩn bị thực hiện những biện pháp cải cách mà một số người tin là những bước tiến quan trọng nhất kể từ khi bắt đầu đổi mới kinh tế vào năm 1986.

Theo tường thuật hôm Chủ nhật của hãng thông tấn Reuters, bên cạnh sự tin tưởng đó cũng một số người giữ thái độ hoài nghi về việc các nhà hoạch định chính sách có thể vượt qua sự kháng cự đối với những sự thay đổi lớn từ các công ty quốc doanh và những nhóm lợi ích khác, kể cả những tập đoàn tư nhân có nhiều ảnh hưởng.

Nhiều tháng thảo luận đã mang lại một sự đồng thuận là Việt Nam, nơi phải đối mặt với tỉ lệ lạm phát cao nhất Á châu và nhiều vấn đề khó khăn khác, cần phải thay đổi đường lối như đã làm cách nay 25 năm với chính sách đổi mới.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông nói với hãng tin Reuters rằng Việt Nam đang nghiêm túc tiến hành cải cách sau khi đã trải qua quá trình phân tích có nhiều đau đớn để tìm xem khiếm khuyết ở đâu, cần phải sửa đổi như thế nào và trong các lãnh vực nào.

Mặc dù vậy, hiện vẫn chưa chắc chắn là chính phủ sẽ theo đuổi những biện pháp cải cách đủ rộng và đủ sâu để chấn chỉnh các ngân hàng quốc doanh nợ nần chồng chất và khống chế những doanh nghiệp nhà nước hoạt động thiếu hiệu quả, chẳng hạn như Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Vinashin mà vụ vỡ nợ hồi năm ngoái đã gây nhiều bối rối cho nhà chức trách Việt Nam.

Ông Lê Đăng Doanh, người đã tư vấn về các vấn đề kinh tế cho các chính phủ Việt Nam trước đây và hiện nay, cho rằng kinh tế Việt Nam lại một lần nữa đang đứng trước ngã ba đường, và việc dứt khoát đi theo con đường cải cách giờ đây càng khó khăn hơn vì đụng chạm tới những nhóm lợi ích có nhiều thế lực đang hoạt động ở hậu trường.

Hãng thông tấn Reuters trích lời ông Cao Sĩ Kiêm, cựu thống đốc ngân hàng nhà nước và hiện là thành viên của ủy ban kinh tế quốc hội, nói rằng “Việt Nam phải thay đổi, nếu không thì rất nguy hiểm”, bởi vì “nền kinh tế sẽ bị tụt hậu và niềm tin của người dân sẽ giảm đi.”

Bài tường thuật tỉ mỉ của Reuters về việc cơ cấu lại nền kinh tế Việt Nam được đăng tải một ngày trước khi chỉ số chứng khoán ở Hà Nội giảm tới mức thấp kỷ lục. 

Chỉ số HNX hôm thứ Hai giảm 1,81%, xuống còn 62,45 điểm. Hãng tin Reuters trích lời một chuyên gia đầu tư ở Hà Nội nói rằng mức sàn ngắn hạn có thể nằm ở khoảng 60 điểm trong tuần này. 

Chuyên gia này nói thêm rằng xét về mặt tích cực thì lạm phát trong tháng 11 có thể thấp hơn tháng trước.

Nguồn: Reuters, Dan Tri


*

Khó cải cách doanh nghiệp nhà nước?

BBC - Trước tình hình kinh tế Việt Nam khốn đốn như hiện nay, Đảng cộng sản và chính phủ Việt Nam đã tuyên bố thực hiện điều họ gọi là các cải cách quan trọng đối với nền kinh tế. 

Tại hội nghị trung ương lần thứ ba hồi đầu tháng 10, Đảng cộng sản đã thông qua chủ trương về ba cải cách lớn: cải cách đầu tư công, cải cách doanh nghiệp nhà nước và cải cách hệ thống ngân hàng trong vòng năm năm. 

Trong phiên khai mạc kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa 13 vào ngày 20/10, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng nhấn mạnh quyết tâm của chính phủ thực hiện các cải cách này. 

Tuy nhiên trong bài diễn văn dài, người ta không thấy Thủ tướng Dũng đề cập một từ nào tới Vinashin, tập đoàn nhà nước lớn thứ hai, có nguy cơ phá sản và đang lún sâu vì nợ hơn 90.000 tỷ đồng. 

Trong bản tin phát đi ngày 14/11, hãng Reuters tỏ ý nghi ngờ liệu Việt Nam có thực hiện được việc cải cách doanh nghiệp nhà nước hay không. 
Thật sự muốn cải cách? 

Việc các sáng kiến cải cách có đem lại kết quả gì hay không còn tùy thuộc vào giới lãnh đạo Việt Nam đoàn kết như thế nào cũng như việc các doanh nghiệp nhà nước bị ảnh hưởng sẽ thọc gậy bánh xe như thế nào, Reuters nhận định.

Tổng bí thư Đảng Nguyễn Phú Trọng có thái độ ủng hộ rõ ràng đối với việc cải cách. Các nguồn tin cũng cho biết Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, một nhân vật có sức nặng khác trong Đảng, cũng nhiều lần đề cập đến chương trình cải cách. 

Thủ tướng Dũng đã tham vấn các chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước. Những người có mặt cho biết các cuộc gặp này thường rất thẳng thắn và chính phủ Việt Nam đã gặp phải nhiều chỉ trích. Tuy nhiên, Thủ tướng Dũng cũng cho thấy ông hiểu mức độ nghiêm trọng của vấn đề. 

Một trong những cố vấn thân cận của ông Dũng hiện nay là cựu Bộ trưởng thương mại Trương Đình Tuyển, một nhân vật có đầu óc cải cách có biệt danh là "Ông WTO" do vai trò quan trọng của ông trong trong quá trình Việt Nam đám phán gia nhập Tổ chức thương mại thế giới năm 2006. 

Tuy nhiên một số nhà chỉ trích vẫn không tin vào quyết tâm của ông Dũng, người mà họ cho rằng chính sự quản lý kinh tế yếu kém của ông trong nhiệm kỳ năm năm đầu tiên đã góp phần tạo nên vấn đề hóc búa như hiện nay. 

Tiến sỹ Lê Đăng Doanh cho biết là kế hoạch cải cách mà Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đưa ra nhìn nhận ‘thẳng thắn và mạnh bạo hơn’ vào những yếu kém so với bản cáo của chính phủ mà ông Dũng trình Ban chấp hành trung ương. 

Điều này cho thấy có thể đã xảy ra cãi vã giữa Đảng và chính phủ. 

Báo cáo mơ hồ 

Bản báo cáo của chính phủ ‘rất mơ hồ’ trong vấn đề cải cách các doanh nghiệp nhà nước vốn là một nội dung rất quan trọng trong bất kỳ một nghị trình cải cách nghiêm túc nào, TS Doanh nói. 

Khu vực kinh tế nhà nước đang thu nhỏ lại và hiện giờ chỉ còn chiếm tỷ lệ khoảng 40% của nền kinh tế quốc gia mặc dù nó đang tiêu thụ phần lớn miếng bánh đầu tư. 

Một bản báo cáo của Viện quản lý kinh tế trung ương đề xuất bãi bỏ hoàn toàn các đặc quyền của các doanh nghiệp nhà nước để mặc thị trường quyết định chúng sống hoặc chết. 

“Nếu chúng lỗ hoặc vỡ nợ, thì chúng nên được để phá sản như các doanh nghiệp khác. Nhà nước không nên có hình thức đảm bảo hoặc trả nợ nào cho chúng,” bản báo cáo viết.

Nhưng nói thì dễ, TS Doanh nhận xét. Ông và các nhà phân tích khác đang lo lắng rằng tình hình hiện tại chưa đủ ‘đau đớn’ để các nhà lãnh đạo Việt Nam dám có những bước đi thật sự táo bạo. 

“Đôi khi chúng ta nghe những lời tuyên bố rất mạnh mẽ, nhưng cái chúng ta cần là hành động, chứ không phải lời nói,” ông nói. 

Bên cạnh đó, các lợi ích thâm căn cố đế của các doanh nghiệp cũng đang làm cản trở quá trình này. 

Hồi cuối tháng 10, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết họ vẫn chưa hoàn thành bản đề xuất cải cách doanh nghiệp nhà nước bởi vì họ không thể tiếp cận được dữ liệu từ phía các công ty. 

Các doanh nghiệp nhà nước cũng đang chống lại kế hoạch của Bộ Tài chính hạn chế các khoản đầu tư của họ trong các lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm và chứng khoán, truyền thông trong nước đưa tin. 

“Khó khăn là các cải cách sẽ đụng chạm trực tiếp đến lợi ích của một số thế lực mà bộ máy điều hành đang dựa vào,” TS Trần Đình Thiên của Viện nghiên cứu kinh tế Việt Nam, người tham gia vào hội đồng tư vấn cho chính phủ về các chính sách tài chính, nhận định. 

“Tuy nhiên không tái cấu trúc lại nền kinh tế không phải là một chọn lựa,” ông nói.



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo