Vũ Thế Phan (danlambao) - "...Sự thật là, những con người như Giê-su, Khổng Tử, Các Mác, Tôn Dật Tiên…đang chi phối tâm trí hàng tỷ con người trên thế giới này. Cho nên, khi nhận thức được rằng những bậc đại nhân, đại trí kia có thể chung sống với nhau rất hoàn mỹ như những người bạn thân thiết, nếu họ còn sống, thì phải nói Hồ Chí Minh không chỉ nâng mình lên bậc đại nhân, đại trí như họ mà còn đứng cao hơn họ rất nhiều…"
Bác Hồ Bá Thâm, trong bài ‘Giá trị minh triết Hồ Chí Minh’ (1) có câu:
«Một số người đã nhận xét rằng, trong tư tưởng Hồ Chí Minh vừa có tinh thần biện chứng của chủ nghĩa Mác, tinh thần cách mạng của Lênin, tinh thần Bác ái của Chúa, tính từ bi của Phật, đạo đức, nhân ái của Khổng Tử, phương châm thiết thực của Tôn Trung Sơn và có sự khôn ngoan của người chủ gia tộc.».
- Thưa Bác Hồ Bá Thâm, không phải là «một số người đã nhận xét» như Bác ghi đâu, mà là nhận xét của chính Bác Hồ Chí Minh đấy. Nguyên văn:
«Hồ Chí Minh đã từng nói: «Học thuyết Khổng Tử có ưu điểm của nó là sự tu dưỡng đạo đức cá nhân. Tôn giáo Giê-su có ưu điểm của nó là lòng nhân ái cao cả. Chủ nghĩa Mác có ưu điểm của nó là phương pháp làm việc biện chứng. Chủ nghĩa Tôn Dật Tiên có ưu điểm là chính sách của nó thích hợp với điều kiện nước ta. Khổng Tử, Giê-su, Các Mác, Tôn Dật Tiên chẳng có ưu điểm chung đó sao? Họ đều muốn mưu cầu hạnh phúc cho loài người, mưu cầu phúc lợi cho xã hội? Nếu hôm nay họ còn sống trên đời này, nếu họ họp lại một chỗ, tôi tin rằng họ nhất định sống chung với nhau rất hoàn mỹ như những người bạn thân thiết. Tôi cố gắng làm người học trò nhỏ của các vị ấy.» (Hồ Chí Minh truyện, bản tiếng Trung Quốc, Nxb Tam Liên, Thượng Hải 1949. Dẫn theo PGS-TS Thành Duy: Tư tưởng Hồ Chí Minh - Những nội dung cơ bản, Nxb Phương Đông, SG 2005, trang 292).
Riêng bốn chữ «người chủ gia tộc» trong đoạn văn trên kia, tôi hiểu là Bác Hồ (Bá Thâm) cố ý lách bốn chữ mà văn hào Trần Dân Tiên, từ ngày 04 tháng 9 năm 1945, đã nhân danh «nhân dân gọi Chủ tịch là Cha già dân tộc, vì Hồ Chủ tịch là người con trung thành nhất của Tồ quốc Việt Nam.» (2). Vì chữ Sỉ (dấu hỏi) Bác Thâm né, lách như thế nhưng xem ra thật là khiên cưởng, tréo ngoe. Chẳng Tiến sĩ tí nào.
Thưa Bác Hồ Bá Thâm,
Vin vào nhận xét nêu trên của Bác Hồ Chí Minh, Bác tác giả Thành Duy (Nguyễn Văn Truy) đã góp công sục sạo bổ sung siêu xao nặng hơn nhiều. Nguyên văn:
«Thật kỳ lạ, Hồ Chí Minh muôn vàn kính yêu của (đảng viên) chúng ta, người đã giác ngộ cách mạng theo lập trường chủ nghĩa Mác-Lênin, đã khuyên mọi người tu dưỡng đạo đức cách mạng theo phương pháp làm việc biện chứng của Các Mác lại nhận mình là học trò nhỏ của các vị như Giê-su, Khổng Tử, Tôn dật Tiên và có thể cả Thích Ca Mâu Ni, Môhamét và Găngđi nữa… Song, điều tưởng như kỳ lạ đó lại chính là sự vĩ đại của Hồ Chí Minh. Sự thật là, những con người như Giê-su, Khổng Tử, Các Mác, Tôn Dật Tiên…đang chi phối tâm trí hàng tỷ con người trên thế giới này. Cho nên, khi nhận thức được rằng những bậc đại nhân, đại trí kia có thể chung sống với nhau rất hoàn mỹ như những người bạn thân thiết, nếu họ còn sống, thì phải nói Hồ Chí Minh không chỉ nâng mình lên bậc đại nhân, đại trí như họ mà còn đứng cao hơn họ rất nhiều, bởi Người là kết tinh của trí tuệ Việt Nam và thế giới của thế kỷ XX, bởi Người đã nói lên khát vọng ngàn đời không chỉ của nhân loại trong quá khứ mà chính là những triển vọng hoà bình và thịnh vượng của loài người trong tương lai. Người thực sự là biểu tượng của nền văn hoá đạo đức trong tương lai và sự thật thế giới đã nhìn nhận và tôn vinh Người là nhà văn hoá của tương lai, trước hết ở phương diện văn hoá đạo đức.» (Thành Duy: sđd trang 293).
Chưa hết, để chứng minh mớ siêu nhận xét thượng dẫn, Bác PGS-TS Thành Duy viết tiếp:
«Tư tưởng Hồ Chí Minh với tư cách người sáng tạo văn hoá cũng đã được cả thế giới thừa nhận có giá trị nhân loại. Cho nên, không phải là ngẫu nhiên UNESCO khẳng định và tôn vinh Người tư cách người anh hùng giải phóng dân tộc và danh nhân văn hoá thế giới. Điều đó chứng minh một cách hùng hồn những giá trị tư tưởng của Người, trong đó có tư tưởng đạo đức đã thực sự trở thành một di sản chung của toàn nhân loại.» […]. « Tóm lại, có thể khẳng định, tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức không chỉ có giá trị hôm qua và hôm nay mà còn có giá trị trường tồn trong xã hội tương lai, không chỉ có giá trị đối Việt Nam mà còn có giá trị toàn nhân loại khi loài người bước vào một nền văn minh mới, văn minh trí tuệ.» (Thành Duy: sđd trang 304-305).
Thưa Bác Hồ Bá Thâm,
Sự thật chuyện UNESCO có thật sự khẳng định và tôn vinh Bác Hồ Chí Minh như lời Bác Thành Duy (và nhiều Bác khác đã, đang tiếp tục) khẳng định hay không, thì chắc chắn Bác và nhất là Bác cựu ĐS Phạm Bình, Bác cựu ngoại trưởng Phạm Gia Khiêm biết rõ hơn (chúng) tôi, Internet biết rõ hơn quý Bác và UNESCO lại biết rõ hơn Internet. Chỉ mỗi Bác Hồ Chí Minh vô vàn kính yêu của quý Bác là không biết gì cả ! Vả lại Tư tưởng Hồ Chí Minh, dưới sức đội đẩy của quý Bác non 20 năm qua, đã xuyên thế kỷ (từ 1992 đến nay, 2O11), định hướng biến chứng thành Hồ minh triết, do đó sự kiện UNESCO-HCM (1987-1990) - dù xém rớt hay xém đậu thế nào, theo tôi, nay đã là chuyện nhỏ, ấy vì xét rạch ròi Tư Tưởng chỉ là Pensées, mà Pensées (kể cả Pensées của Pascal) theo lẽ thường năm cha bảy mẹ chín mười anh em; còn Minh triết – tôi suy ra là Philosophie (triết học, triết thuyết - Hy lạp: Philos= ami (bạn), sophie = sagesse (tính hiền minh), là Sagacité (tính minh mẫn), là sợi chỉ (đỏ) xuyên suốt nhiều nguồn tư tưởng thành nhất quán; hoặc nói như GS Hoàng Ngọc Hiến «Minh triết là trí tuệ được nhào nặn bởi thí nghiệm», để rồi mai tê mốt nọ lại định hướng biến chứng thành chủ nghĩa - chẳng hạn chủ nghĩa Hồ, thay thế chủ nghĩa Mác-Lê, chủ nghĩa Mao…vốn đã kiệt sức sải bước cùng thời đại. Ai đoán được tương lai.
Còn chuyện giá trị trường tồn tầm nhân loại về tư tưởng đạo đức của Bác Hồ Chí Minh trong xã hội tương lai (tương lai rất gần thì vẫn là Tư tưởng, tương lai rất rất xa mới là Minh triết) thì xin mượn lời của chính Bác Thành Duy cho chính xác: «Đương nhiên, đó là nói Định hướng, là mục tiêu phấn đấu chứ chưa thành hiện thực.» (Thành Duy : Sđd trang 259).
*
Trong bài đã trích dẫn, Bác Hồ Bá Thâm có «ví dụ, trong thời kỳ Bác (Hồ) sang Pháp, sau khi giành được độc lập tháng 8-1945 trong một cuộc phỏng vấn có một nhà báo nữ Pháp hỏi rằng Hồ Chí Minh có phải là một nhà cộng sản không hay là một nhà yêu nước, Bác (Hồ) đã không trả lời một cách trực tiếp mà Bác (Hồ) chỉ cầm những bông hoa trên bàn tặng nữ nhà báo Pháp, đó là hành động thực sự có ý nghĩa - minh triết vô ngôn. Hoặc cách Bác dùng bàn tay che miệng khẩu đại Bác khi đến thăm một hạm đội của Pháp cũng là một ví dụ điển hình như vậy.
Thưa Bác Hồ Bá Thâm,
Tôi xin thuật nhi bất tác một ví dụ về minh triết hữu ngôn của Bác Hồ Chí Minh cũng tại Paris trong cùng thời điểm với ví dụ nêu trên:
«Trong buổi tiếp tân này (khách sạn Royal, 25/06/1946), một đảng viên công sản Pháp, thuộc hệ phái Trotsky, tức Đệ tứ quốc tế, có hỏi trường hợp cái chết của Tạ Thu Thâu. Cụ Hồ làm mặt buồn rầu, thiểu não, đã trả lời rằng: Ông Thâu là một nhà ái quốc lớn, và chúng tôi rất buồn lòng khi hay tin ông mất. Bị hỏi dồn, ai là thủ phạm thủ tiêu ông Thâu, cụ Hồ đã trả lời gắng gượng: Tất cả những ai đi sai con đường tôi đã vạch, đều phải bị tiêu diệt. Con người cộng sản giáo điều ở cụ Hồ hiện rõ trong câu nói đó, và câu nói tàn bạo đó giải thích được những hành động sau này của chính phủ Việt Minh ở vùng gọi là giải phóng.» (3)
*
Luận về hai chữ Tự do, Bác Hồ Bá Thâm có trích dẫn câu nói «Không có gì quý hơn độc lập tự do» rất nổi tiếng của Bác Hồ Chí Minh, có điều Bác Thâm lại quên ghi thời gian ra đời của câu danh ngôn đó: Hồ Chí Minh toàn tập, T10 (tập cuối, HN 12/1989) trang 377 ghi rõ câu nói này nằm trong bài báo cùng tên đăng trên tờ Nhân Dân số 4484 ngày 17/07/1966 tức gần cuối đời của Bác Hồ Chí Minh. Thứ đến, tôi cương quyết không tin Bác Hồ Bá Thâm lại không biết rằng trước đó (1966) rất lâu - từ 29/08/1932 đến 10/09/1933, trong bản thảo đại tác phẩm Nhật ký trong tù, Bác Hồ Chí Minh đã có hai bài thơ rất súc tích về hai chữ Tự do, tuy trong Sử đảng lại triền miên ghi nhầm là Bác Hồ Chí Minh bị Tàu Tưởng bắt bỏ tù từ 1942-1943:
1.
«Trên đời nghìn vạn điều cay đắng,
Cay đắng chi bằng mất tự do.
Mỗi việc mỗi lời không tự chủ,
Để cho người dắt tựa trâu, bò.»
(Lính gác khiêng lợn cùng đi – Thơ Hồ Chí Minh, trang 62 - Nxb Giáo Dục, HN 1986)
2.
«Đau khổ chi bằng mất tự do,
Đến buồn đi ỉa cũng không cho.
Cửa tù khi mở: không đau bụng,
Đau bụng: thì không mở cửa tù!»
(Bị hạn chế, Sđd trang 120)
Bác Hồ Bá Thâm tiếp tục trích dẫn Hồ chủ tịch: «Nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có ý nghĩa gì». Sau 36 năm độc lập thống nhất, và 65 năm theo Con đường Bác đi, dân ta đã hạnh phúc tự do chưa? – Xem ra đã được Một phần Ba của 9 chữ trên kia!
Bác Hồ Bá Thâm được học hành đến bậc Tiến sĩ, tức là đại trí thức, hẳn đồng ý với Bác GS Nguyễn Khắc Mai khi Bác ấy nói: «Người trí thức rất ghét loại cán bộ lãnh đạo chỉ biết thao thao bất tuyệt thuyết giảng và dạy dỗ người khác.» (4). Thưa Bác, tuy chưa hề là trí thức nhưng (chúng) tôi cũng bá ngọ loại cán bộ lãnh đạo lưỡi gỗ tràng giang đại hải, «thuyết giảng và dạy dỗ người khác» bán miệng nuôi trôn như hai Bác vậy. Thật đúng thế, Bác Hồ có dạy “một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”, cho nên Bác Nguyễn Khắc Mai (chắc cả Bác Hồ Bá Thâm) tin quyết rằng “xưa nay chưa có ai chỉ bằng ‘lời nói’ mà trở thành gương mẫu” (4), vậy mà «trong Đảng ta, có (khối) người chỉ biết nói là nói, nói giờ này qua giờ khác, ngày này qua ngày khác (thậm chí nói xuyên thế kỷ luôn). Nhưng một việc gì thiết thực thì không làm được. Những người như thế cũng không thể dung vào công việc thực tế.» (3). Nghĩa là cán bộ lãnh đạo Đ & NN-XHCN, luận theo ‘minh triết dân gian’: Nói thì như thần, mần như mèo mửa! Khác hẳn ‘minh triết bác Hồ’: «Đã nói thì làm. Và làm thực sự » (5). Hèn chi Internet đã có mấy câu vè:
Nói với làm hai đàng trái ngược,
Vốn xưa nay vẫn được múa hoài:
Trên thông, giữa kẹt rất tài,
Dưới kêu, trên ngoảnh, ông Trời ngó lơ!
Bác Hồ Bá Thâm còn có câu nói thật sâu sắc: «Minh triết, trước hết là minh triết dân gian, là từ cuộc sống, mang máu thịt cuộc sống, gắn với cuộc sống và trở về với cuộc sống, chính là linh hồn của cuộc sống!»(1). Bác Nguyễn Khắc Mai cũng nói tương tự nhưng hiện thực hơn: «Một lý tưởng chính trị tốt đẹp nhưng một thể chế tồi thì kết quả cũng bằng không.» (4). Lời của 2 Bác làm tôi liên tưởng tới câu này:
«Triết thuyết vượt thắng dễ dàng những khổ đau đã qua lẫn những khổ đau sắp tới, nhưng những khổ đau hiện tiền lại vượt thắng chính triết thuyết đó.». (6)
Và 4 câu này:
Ta thấy nàng nghiêng mình rũ rượi
Gục đầu thổn thức trong bàn tay…
Bạn ơi, nguồn thảm sầu kia bởi
Số phận hay do chế độ này?
(Vú em, Thơ Tố Hữu, trang 132 - Nxb Giáo Dục Giải Phóng HN 1974).
Tư tưởng, minh triết hay tư tưởng minh triết hoặc gì gì của cổ nhân đã đành là vốn quý, song đừng vì quý mà cam lòng làm nô lệ cho cổ nhân. Huống hồ triền miên toa rập, lòng vòng “vọc nước thành Hồ” bằng tiền thuế của nhân dân, rồi cưỡng bức toàn thể nhân dân làm nô lệ cho cái gọi là vốn quý đó là trí thức bỉ lậu. Sĩ mà vô sỉ tức là liệt sỉ.
“Chủ nghĩa nào, chế độ nào rồi cũng phải đi qua, duy dân tộc và quê hương là còn đứng lại mãi, thì chủ nghĩa nào hơn chủ nghĩa tình thương, chủ nghĩa nào hơn chủ nghĩa áo cơm?!”(7). Than ôi, rồi đây một bộ phận không nhỏ “nguyên khí quốc gia” phải mất một hai thế hệ may ra gột rửa được cái vốn quý vốn chỉ là nước…
Chú thích:
(*) Từ điển tiếng việt 2002, Từ điển Bách khoa VN 2002 và Từ điển Bách khoa toàn thư VN online không có hai chữ Minh triết. Việt-Pháp từ điển của Đào Đăng Vỹ, SG 1970 trang 684 ghi: Minh triết = Intelligent et clairvoyant; sagace, sagacité (thông minh và sáng suốt; minh mẫn, tính minh mẫn). Tìm trên mạng Google, tôi thấy rất nhiều tên ghép Minh Triết, đặc biệt có 2 Nguyễn Minh Triết: 1/ Nguyên Chủ tịch nước VN-XHCN và 2/ Thứ nam đương kim thủ tướng VN-XHCN Nguyễn Tấn Dũng).
GS Hoàng Ngọc Hiến: Khoảng hai chục năm nay, trên sách báo nước ta, từ "minh triết" được dùng để dịch từ tiếng Pháp "sagesse", từ tiếng Anh "wisdom" và từ tiếng Nga "mudrost", từ này đã được dùng sớm hơn rất nhiều ở miền Nam trước đây (khoảng cuối những năm 50 thế kỷ trước).
- TS Hồ Bá Thâm - Chuyên viên cao cấp thuộc Trung tâm Khoa học xã hội - nhân văn TP.HCM.
- Trần Dân Tiên (1890-1969): Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, trang 158 – Nxb Sự Thật in lần thứ 5 HN 1986, Nxb Trẻ tái bản, SG 04/2005.
- LM Cao Văn Luận (1910-1986): sách Bên Giòng Lịch Sử, trang 93 – Nxb Trí Dũng, SG 1972. Hiện cũng có ít nhất ở đây .
- GS Nguyễn Khắc Mai - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Văn hoá Minh Triết: Vô ngôn minh triết Hồ Chí Minh về trí thức.
- Hoàng Ngọc Hiến (1930-2011): Minh triết HCM: Nói đi đôi với làm - một giá trị hằng hữu, Tiasang.com.vn, 26/08/2011).
- “La philosophie triomphe aisément des maux passés et des maux à venir; mais les maux présents triomphent d’elle.” (François de La Rochefoucauld, 1613-1680).
- Hàn Lệ Nhân: Miệng lưỡi đa sự ký và Cuối cùng một cuộc chiến.