J.B Nguyễn Hữu Vinh - Nhưng, trước hết, hãy có luật đi đã, rồi sử dụng tính sau. Cũng như nhà nông dân, cứ mua chiếc xe máy đi đã, tập đi và sử dụng như thế nào sẽ bàn vào dịp khác, vì không ai có thể đi bộ mãi được chỉ vì dân trí thấp hoặc nhà ta còn nghèo...
*
Từ khi còn nhỏ, thế hệ chúng tôi luôn được học thuộc lòng câu khẩu hiệu: “Sống, chiến đấu, lao động và học tập theo gương bác Hồ vĩ đại”. Thế là đủ cho cuộc sống học tập và phấn đấu của mỗi thanh niên khi lớn lên. Có câu khẩu ngữ đó, không lo lạc đường, không lo bị yếu kém về nhận thức chính trị, chậm tiến… và hầu hết trong mọi bài thi, mọi bản báo cáo, thu hoạch sau những đợt học tập, câu khẩu hiệu đó phải được nhắc đến một vài lần. Trên mọi bức tường, đường đi, hàng rào cơ quan, công xưởng, trường học… lượng sơn, vôi để kẻ câu khẩu hiệu đó phải kể đến là vô thiên lủng.
Tưởng rằng chỉ cần có thế thì xã hội sẽ tốt đẹp lên, đi lên không ngừng bằng “ba cuộc cách mạng song song, trong đó cách mạng khoa học kỹ thuật là then chốt” và chẳng mấy chốc thì xã hội chúng ta sẽ là Thiên đường, bọn tư bản chỉ có nằm mơ cũng không với tới.
Đọc thì vậy, viết như thế nhưng quả thực là mấy thằng chúng tôi cũng chẳng hiểu muốn sống, chiến đấu, lao động và học tập theo gương bác Hồ thì làm những cái gì và làm như thế nào. Vì cả mấy thằng đều con nhà nghèo, là nông dân thì không thể theo gương bác Hồ đi làm phụ bếp trên tàu biển, không có chỗ làm bồi bàn, không thể lấy viên gạch nướng lên trong lò để chống lại băng giá nước Anh.
Thôi thì học tập gương bác Hồ nhưng sáng tạo theo kiểu Việt Nam vậy.
Hồi đó trời rét lắm, mức độ rét chắc hơn thời nay nhiều. Chắc chắn là vậy, dù hồi đó không có nhiệt kế để đo, chỉ biết là rét, rét lắm. Một thằng bạn tôi còn công phu thực tập cái việc nướng hòn gạch để ủ ấm mùa đông xem nó có tác dụng đến đâu. Hắn lấy đủ các loại gạch, gạch chỉ, gạch mộc, gạch ba banh… to nhỏ đủ cả đem nướng lên rồi bọc giấy báo đem ủ. Hóa ra làm kiểu nào cũng hỏng. Nướng kỹ quá, gói vào báo cháy báo và cháy cả ổ rơm, nướng không đỏ, gói bao lần cũng chỉ được chừng tiếng đồng hồ là nguội ngắt. Lại rét tái tê như ai đổ nước vào chỗ nằm.
Thế là hỏng, cái học tập này chẳng ăn thua, có lẽ nước Anh băng giá không lạnh bằng Việt Nam chúng ta thì phải. Nhưng thằng bạn tôi thì nhất định rằng đó chỉ là chuyện bịa, làm gì mà rét bên đó không bằng bên ta và làm gì có một viên gạch hồng lại chống được cả mùa băng giá.
Thế rồi cái việc học tập đó cũng không đi đến đâu, lớn lên đi học, mấy thằng bảo nhau: “À, thì ra phải xin đi xuất khẩu lao động chúng mày ơi, bác Hồ ngày trước cũng đi nước ngoài rồi mới về VN làm việc đấy thôi”. Thế là một số đứa đua nhau chạy xin đi xuất khẩu. Nhưng đâu phải ai cũng được đi.
Sau này lớn lên, vẫn câu khẩu hiệu ấy nhưng vào những công việc cụ thể thì chịu không biết làm gì cho đúng theo gương bác Hồ vĩ đại nữa. Mà hồi đó đâu đã có nảy sinh ra cái môn “Tư tưởng, đạo đức HCM” như sau này.
Chuyện đó rồi cũng dần quên đi, dù câu khẩu hiệu “bất hủ” kia vẫn còn mãi. Nhưng thế hệ thanh niên lớn lên hồi đó đã làm chủ xã hội thì càng đưa đạo đức xã hội đi xuống. Các ngành, các cấp căn bệnh tham nhũng lan tràn cũng từ lớp người đã từng “sống chiến đấu, lao động và học tập theo gương…” hồi đó mà ra.
Rồi một lần đưa cái thắc mắc này nói với anh bạn tôi – lão Phan- lão bảo: “Nếu có cuộc thi sáng tạo Việt Nam sẽ đứng cuối cùng, nhưng nếu có cuộc thi “học tập làm theo”, chắc chắn VN sẽ đứng đầu bảng. Mà chỉ có học tập làm theo thì chính là giết chết sự sáng tạo của thế hệ kế tiếp, giết chết cả một dân tộc”. Chẳng biết Việt Nam có đứng đầu bảng hay không, nhưng về mặt “học tập và làm theo”, chắc phải thua anh Tàu khựa. Bất cứ thứ gì, kể cả bộ khóa theo kiểu Nga, kiểu Mỹ… bạn chỉ cần đưa lên Phố Thuốc Bắc, đặt hàng và chỉ vài tuần sau đó lên nhận hàng trăm bộ y chang, không hề phát hiện ra đồ nào là “học tập làm theo” và đồ nào là đồ chính hiệu. Tất cả nhờ anh Tàu khựa chế tạo. Nghe nói kể cả máy bay, tàu chiến, anh Tàu khựa còn “học tập và làm theo” đến mức anh Nga, anh Mỹ còn phải sợ anh Tàu kia mà.
Xã hội càng tiến lên, việc “theo gương bác Hồ vĩ đại” càng khó. Mấy thằng thanh niên đầu tóc xanh đỏ đi xe máy thì nó học tập theo gương bác Hồ sao được, hồi bác Hồ làm gì có xe máy mà đi, vậy nên nó đua xe? Mấy đứa sinh viên học tin học muốn học tập làm theo cũng chịu, hồi xưa vi tính là chuyện vớ vẩn, hão huyền làm gì có để chúng nó thấy bác Hồ sử dụng vi tính như thế nào là làm theo… vì thế nên nhiều đứa biến thành tin tặc.
Nếu chỉ theo “gương” thì cả xã hội mặc quần ống đứng, cắt tóc ba phân, đi dép cao su có quai hậu và đội mũ cối tất như có thời công an đã đứng ở ngã ba đường lăm lăm cái tông đơ trong tay cắt trọc những tên đầu “đít vịt” và cái kéo sẵn sàng xẻ dọc ống quần những tên mặc quần “ống típ”. Rồi thỉnh thoảng công ai lại lôi đi mấy người dân chẳng cần luật, chẳng cần tòa án… cứ thế sống thì về, chết thì thôi.
Sau này, chừng như cái cách quản lý xã hội bằng cách buộc mọi người “sống chiến đấu, lao động, học tập theo gương bác Hồ vĩ đại” rất mơ hồ kia chẳng thể quản lý được xã hội. Và xã hội buộc có cách khác. Câu khẩu hiệu mới ra đời là: “Sống, làm việc theo Hiến pháp và Pháp luật”. Có lẽ từ đó, người ta chú ý đến “luật” hơn là “gương”.
Cũng ngày trước, với thế hệ chúng tôi, nói đến Luật là điều cũng mơ hồ như cái máy vi tính. Cả miền Bắc Việt Nam hồi đó chỉ có trường Đại học Pháp Lý, không có trường Luật. Sau này thành lập Đại học Luật nhiều đứa con cười bảo học cái gì không học lại đi học Luật thì làm được cái gì.
Rồi khi hội nhập với thế giới văn minh, người ta mới thấy luật lệ là quan trọng. Nếu một xã hội điều hành kiểu chiến tranh ngày xưa, cứ công an là chuẩn mực và quyền lực vô biên, thì xã hội không thể ổn định, xã hội không phải là một gia đình.
Thế rồi cái gì dùng nhiều rồi cũng quen, đến một khi nào đó, thì người ta mới ngã ngửa ra rằng nếu không có luật, thì xã hội hỗn loạn, không quản lý xã hội theo luật, thì xã hội không thể phát triển. Đến ngày nào đó, người ta mới nhận ra rằng: Xã hội loài người khác xã hội loài vật ngoài những điểm khác, còn có một yếu tố là có “Luật”. Luật đó do xã hội cùng đề ra và cùng chấp hành để duy trì xã hội.
Nếu không có luật, thì đương nhiên con người phải dùng đến một thứ luật của loài vật, đó là luật rừng “Mạnh được, yếu thua”.
Vì thế, dần dần ai cũng thấy điều không thể thiếu của một xã hội văn minh là phải có luật.
Ấy vậy mà mới đây, khi ông Thủ tướng Dũng yêu cầu Quốc hội có Luật Biểu tình, thì đã nhận được nhiều ý kiến trái, phải khác nhau.
Một số người cho rằng: Biểu tình là quyền Hiến định của mỗi người dân, Quốc hội không ra luật biểu tình được là mắc nợ người dân, không cho biểu tình là tự ý tước đoạt quyền của người dân và là vi hiến. Những cuộc biểu tình gần đây của những người yêu nước đã làm cho chính quyền lúng túng như gà mắc tóc, không thể xử lý tù tội hoặc bắt giữ họ vì họ đã và đang thực hiện quyền được Hiến pháp quy định. Mà để vậy thì những cuộc biểu tình không có sự lãnh đạo của đảng là “tự phát” thì càng không yên tâm. Vì thế ông Thủ tướng mới đặt ra cái việc có Luật Biểu tình cho dân.
Nhưng, ngược lại, có ông nghị Phước lại phản đối cái Luật này. Chỉ vì ông cho rằng dân trí VN thấp, nên biểu tình chỉ là để chống chính phủ và không cần thiết có luật biểu tình. À, thế ra ông nghị này cho rằng Luật sinh ra chỉ là để bảo vệ chính phủ, không phải vì quyền lợi của người dân, không phải vì Hiến pháp đã quy định như vậy?
Cứ tưởng trong Quốc hội của đảng ta có nhiều bộ óc thông minh, thì việc ông nghị kia có đưa ra cái ý kiến ngớ ngẩn kia sẽ ngay lập tức bị các vị khác vùi dập không thương tiếc vì cái ý tưởng muốn đưa xã hội trở về xài luật rừng. Thế nhưng, đáng buồn hay đáng giận đây khi một số “nghị” khác a dua theo ý tưởng quái gở này.
Thế mới hiểu được cơ quan lập pháp của ta đang chứa những bộ óc khá khôi hài. Trong đó có ông nghị IQ cao cần làm đường cao tốc, ông nghị Biển đảo, bà nghị “dân chủ gấp vạn lần dân chủ tư sản”, ông nghị “cứ làm sai mà kỷ luật thì lấy đâu ra cán bộ làm việc”, nay lại thêm ông nghị “không cần luật”…
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng: Có luật, nhưng đưa luật sử dụng vào cuộc sống xã hội như thế nào là điều cần bàn, vì nhà nước ta thiếu gì luật, nhưng nhiều luật sinh ra chỉ để gác bếp, trong ngăn tủ… ngay cả Hiến pháp rành rành ra đó, còn không đưa thực hiện nữa thì nói chi đến Luật.
Nhưng, trước hết, hãy có luật đi đã, rồi sử dụng tính sau. Cũng như nhà nông dân, cứ mua chiếc xe máy đi đã, tập đi và sử dụng như thế nào sẽ bàn vào dịp khác, vì không ai có thể đi bộ mãi được chỉ vì dân trí thấp hoặc nhà ta còn nghèo.
Như trên đã nói, một xã hội muốn phát triển, cần có luật, những ý nghĩ đi ngược lại điều này, thực chất chỉ muốn xã hội đi xuống và được điều hành theo kiểu bản năng và luật rừng mà thôi.
Vì vậy, tôi ủng hộ ông Thủ tướng Dũng trong việc cần có luật Biểu tình.
Hà Nội, ngày 25/11/2011