Vinashin: “Ung thư di căn” - Dân Làm Báo

Vinashin: “Ung thư di căn”

Hoàng Thanh Trúc (danlambao) - Việc sống còn của Vinashin ảnh hưởng rất lớn đến cơ cấu nhân sự của đảng CSVN cho nhiệm kỳ Thủ Tướng và Quốc Hội vừa qua và không khó hiểu khi Thủ Tướng tái nhiệm và Tân CT/QH được QH bầu lên trong tháng 7/2011, lại chính là những người trực tiếp khai sinh và gián tiếp quản lý chỉ đạo điều hành trong quá trình hoạt động gây nên thất thoát tài chính của VinaShin. Việc VinaShin nếu để “chết” (phá sản) trước thời điểm QH bầu nhân sự nói trên là không thể được, không mong đợi của bộ CT/TW đảng... 

*

Khi mà Tòa Thương mại, Chi nhánh Queen’s Bench thuộc Tòa Thượng thẩm London, Anh quốc nhận và mở hồ sơ ngày 01/11/2011 cho thấy bên nguyên đơn khởi kiện là công ty Elliott VIN (Hà Lan) B.V. và bị đơn gồm 22 công ty con công nghiệp tàu thủy như Bạch Đằng, Nam Triệu, Phà Rừng, Hạ Long, Dung Quất, Nha Trang..v.v..và Vinashin, đứng đầu danh sách bên bị (BBC-08/11) thì VinaShin chẳng khác gì một bệnh nhân “ung thư”. Đây lại là một bệnh nhân biết rõ bệnh tình nhưng cứ dấu diếm, không công khai chữa trị sớm theo đúng phát đồ trị liệu (vì nhiều nguyên nhân) nên biến chứng nặng “suýt chết”. Bệnh nhân Vinashin nhờ thay máu và truyền dịch tẩm bổ, bởi có nhu cầu bắt nó “phải sống” nên thoi thóp ngoắc ngoãi, thì hôm nay chịu cảnh “ung thư di căn” là tất yếu. Mà đã “di căn” thì khó điều trị và rất tốn kém, nói như mọi người: “ thà chết còn sướng hơn”. 

Dưới mắc cạn – Trên mắc kẹt là tình thế hiện nay của VinaShin (giống như hình ảnh con tàu Vinashin Orient Hai Phong mắc kẹt vào gầm cầu Bính, trong cơn bão số 1 đổ vào Hải Phòng năm.2010. Ảnh TTXVN)

Khoản nợ 4.5 tỉ đôla, chiếm khoảng 4.5% GDP của quốc gia (bằng 2 năm xuất khẩu gạo đem đổ sông, đổ biển) đó là những gì nhân dân biết được đến hôm nay. Tuy nhiên, tiền bạc là vật chất hữu hình, ví như chiếc đĩa, nếu lỡ rơi xuống có vỡ thì những mảnh ghép chi tiết phải được biện minh cho đầy đủ và rõ ràng, ăn khớp với hình dáng chiếc đĩa vì đây là món nợ, bằng mồ hôi nước mắt nhân dân gián tiếp phải trả. Tuy nhiên, Quốc Hội thì im thin thít, báo chí cũng không dám ho he thì nhân dân biết hỏi ai? Chưa nói tới trách nhiệm, ai đã dại dột trao chiếc “đĩa” quí giá ấy cho những kẻ vô tình hay hữu ý vụng về?.

Ông Nguyễn Sinh Hùng báo cáo trước QH: “Bộ Chính trị đã quyết định không xử lý kỷ luật đối với các tập thể và cá nhân.trong sai phạm của VinaShin”, cũng có nghĩa: xác nhận “ đảng CSVN ngồi trên Hiến Pháp – Pháp Luật và Quốc Hội Việt Nam”. 

Mới đây Ngày 17-11- 2011,Viện KSND Tối cao vừa hoàn tất cáo trạng truy tố nguyên Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin) Phạm Thanh Bình cùng 8 thuộc cấp về hành vi “cố ý làm trái” gây thiệt hại trên 910 tỉ đồng ở 5 dự án khác nhau. Nhưng so số nợ 86.000 tỷ đồng (nguồn: VP/CP) cứ trừ đi 50% nợ khách quan, còn lại hơn 40.000 ngàn tỷ đồng nợ “chủ quan” thì con số 910 tỷ đồng mới điều tra thấy được, nói trên, nếu có bấy nhiêu, thì nó chỉ làm cho VinaShin “cảm, sổ mũi” chứ không thể “ung thư nặng” như hiện nay. Đáng nói hơn là tội danh được nêu ra là “gây thiệt hại” (?) cũng có nghĩa: Chưa phải là tham nhũng hay tham ô!. 

Nhắc lại chuyện cũ, năm 2008: các chủ tàu đã huỷ hợp đồng và các thoả thuận đóng tàu trị giá hơn 8 tỷ đô la Mỹ; Riêng năm 2010 số hợp đồng đóng tàu có nguy cơ bị huỷ lên tới trên 700 triệu đô la Mỹ. Đến tháng 6-2010, tổng tài sản của Tập đoàn khoảng 104.000 tỷ đồng nhưng tổng số nợ là 86 nghìn tỷ đồng. Tỷ lệ nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu gấp gần 11 lần. (Nguồn: Văn phòng Chính phủ). Nhưng trước khi có các con số u ám nói trên thì báo cáo tài chính của VinaShin trong năm 2009 vẫn “lãi 1000 tỷ đồng”? 

Việc Vinashin đầu tư dàn trải, không hiệu quả cũng như việc vay vốn của tập đoàn này hàm chứa nhiều rủi ro đã được cảnh báo từ rất lâu. Nhưng tại sao chỉ đến lúc tập đoàn này rơi vào tình trạng bi kịch không lối thoát thì những số liệu về tình hình tài chính thật của nó mới được hé lộ. Tình trạng hoạt động sai trái tràn lan không hiệu quả của Vinashin đã diễn ra không phải một mà vài năm liên tiếp, nhưng trong chương trình kiểm toán nhà nước cũng như thanh tra chính phủ, đã vài lần đặt Vinashin là đối tượng để thanh tra, kiểm toán nhưng vì lý do này, lý do khác?? mà đã không được thực hiện. Nên dẫn đến tình hình của Vinashin ngày càng xấu đi. Xấu đến mức đã trở nên nghiêm trọng. Với tỷ lệ nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu gấp gần 11 lần, chưa nói tới nợ gốc chỉ nghĩ tới số lãi phải thanh toán hàng năm lấy số thấp nhất lãi suất phát hành trái phiếu Việt Nam 7,125% thì VinaShin cũng đã phải tháo mồ hôi hột rồi. Điển hình: 23.12.2010, thời hạn chót sau nhiều lần gia hạn thúc hối, nhưng tập đoàn công nghiệp tàu thuỷ Vinashin vẫn “chết đứng” không biết lấy đâu ra để trả số nợ 60 triệu USD, tới hạn kỳ đầu tiên trong tổng gói nợ 600 triệu USD mà tập đoàn này vay nước ngoài từ năm 2008. Xét về tổng thể các dấu hiệu chứng minh, mà nói, người ta có thể kết luận tập đoàn này đang ở vào tình trạng phải phá sản. Nhưng thay vì phải chịu thủ tục phá sản như qui luật tất nhiên trong kinh doanh thua lỗ, giống như số phận hàng triệu công ty, tập đoàn ở mọi quốc gia lớn nhỏ khắp thế giới thì ở Việt Nam “người ta” không muốn VinaShin phải chết bất đắc kỳ tử như vậy, trong thời điểm “rất nhạy cảm” của hoàn cảnh chính trị của VN hiện nay. Cái đuôi “tư bản” gắn vào cái thân hình XHCN được khai sinh và nuôi nấng từ chính phủ của nhà nước XHCN, được sự quản lý nuông chiều dễ dãi, ngay khi đang thua lỗ thất thoát trầm trọng vẫn được Thủ Tướng chỉ thị trao tay 750 USD từ vay nước ngoài qua bán công trái quốc gia, số tiền này hòa tan ngay trong số thất thoát 4,5 tỷ USD nói trên.

Bên mô hình mẩu tập đoàn VinaShin, nụ cười rạng rỡ ngày xưa nay còn đâu!? 

Việc sống còn của Vinashin ảnh hưởng rất lớn đến cơ cấu nhân sự của đảng CSVN cho nhiệm kỳ Thủ Tướng và Quốc Hội vừa qua và không khó hiểu khi Thủ Tướng tái nhiệm và Tân CT/QH được QH bầu lên trong tháng 7/2011, lại chính là những người trực tiếp khai sinh và gián tiếp quản lý chỉ đạo điều hành trong quá trình hoạt động gây nên thất thoát tài chính của VinaShin. Việc VinaShin nếu để “chết” (phá sản) trước thời điểm QH bầu nhân sự nói trên là không thể được, không mong đợi của bộ CT/TW đảng. 

Những chuyên gia tài chính và các đại gia doanh nhân dù không muốn nói nhưng cũng phải chắc lưỡi, lắt đầu để ngẫm rằng: Không có “kinh kệ” trường lớp kinh doanh nào dạy chúng ta, phải “Cơ Cấu” kiểu như vậy khi một tập đoàn kinh doanh thua lỗ nợ nần ngập đầu bị chủ nợ níu áo. Thay vì đã hội tụ các yếu tố “phá sản” hãy để nó trôi theo qui luật, giải quyết thỏa đáng sòng phẳng tất cả các di lụy theo pháp luật trong nước và quốc tế (nếu có yếu tố nước ngoài), tất nhiên nó sẽ rất đau, nhưng cần thiết để tiêu hủy một cái khung ruỗng mục trên cái nền chấp vá. Từ đó mới có thể tái thành lập công ty mới hay liên doanh với các tập đoàn công nghiệp tàu thủy tầm cở trong khu vực hay thế giới, thuận lợi hơn trong một cơ thể Việt Nam vẫn sạch sẽ và lành mạnh, nhất là uy tín trong môi trường kinh doanh, kinh tế và tài chính trong và ngoài nước vẫn còn bảo đảm đáng tin cậy. Việc “tái cơ cấu” bằng cách mang một phần tài sản cố định và số nợ từ Vinashin choàng qua, giao cho hai Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) vô hình chung lợi bất cập hại. Việc làm này chẳng khác gì mang mầm bệnh “ung thư di căn” từ cái cơ thể băng hoại Vinashin cấy vào hai cơ thể còn tương đối lành mạnh khác mà chưa chắc di lụy “ung thư” của Vinashin được cải thiện. Bằng chứng là nợ lãi đáo hạn tiền vay dù có cắt bớt cho hai đơn vị khác, VinaShin vẫn không trả nổi và đang đối diện với công lý quốc tế và những hồ nghi độ tin cậy mới phát sinh trong các tín dụng Việt Nam. 

Tin cho biêt đến giờ này, trước thông tin bị khởi kiện, tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Vinashin vẫn khẳng định họ không có tiền và yêu cầu được phép giãn tiến độ trả nợ, trong khi Chính phủ Việt Nam cũng nói sẽ không trả nợ thay cho Vinashin. 

Giới quan sát cho rằng đơn kiện liên quan tới khoản 600 triệu đôla Vinashin đi vay các chủ nợ nước ngoài qua trái phiếu, với khoản trả lần đầu 60 triệu đôla đã đáo hạn hồi tháng 12 năm ngoái mà Vinashin chưa thanh toán. Mặc dù tài sản của Vinashin nằm tại Việt Nam, đơn kiện được gửi tới tòa tại Anh vì khoản cho vay được khống chế theo luật Anh. Vào ngày 17/10/2011, debtwire.com, trang chuyên về tin tức và phân tích về thị trường nợ có bài đăng trên Financial Times đánh giá việc một trong các chủ nợ của Vinashin có động thái khởi kiện có thể tạo thêm khủng khoảng cho nỗ lực tái cơ cấu nợ của tập đoàn Vinashin, nếu còn lệ thuộc vào nguồn vay từ quốc tế. 

Nguồn tin cũng cho biết Elliott Advisors, quỹ đầu tư dạng hedge fund, hồi đầu tháng Mười tỏ ý sẽ khởi kiện để truy thu lãi cho vay và nợ gốc. "Vụ kiện Vinashin có thể nhấn chìm một đề xuất từ chính phủ Việt Nam, vốn trình bày trước các chủ nợ vào tháng Mười nhằm để đảm bảo khoản vay 600 triệu đôla được giữ ở hình thái nợ được tái cơ cấu. Theo đó “Đề xuất của Vinashin bao gồm hai lựa chọn. Lựa chọn thứ nhất là trả bằng tiền mặt 35% mệnh giá nợ, “Lựa chọn thứ hai là hoán đổi hợp đồng vay 600 triệu đôla đáo hạn cho tới hết năm 2015 thành hợp đồng vay mới có thời hạn 13 năm được chính phủ bảo lãnh, trả nguyên nợ gốc nhưng không trả lãi”, bài báo cho hay. 

Đối với các khoản vay của Vinashin chúng ta cũng nên lưu ý.Chính phủ Việt Nam vào năm 2007 có viết thư ủng hộ để Vinashin có thể vay được tiền nhưng không nói hẳn là Hà Nội bảo lãnh cho khoản vay này (trả trong 10 lần, 60 triệu đôla/lần trong giai đoạn 2010 tới 2015). Về thư ủng hộ, hậu thuẫn của Chính phủ cho khoản vay của Vinashin với nước ngoài, chỉ có ý nghĩa như một hình thức cam kết tạo điều kiện của Chính phủ đối với việc trả nợ. Tức là, Chính phủ chỉ có nghĩa vụ đôn đốc, tạo điều kiện để Vinashin trả nợ, chứ không phải bảo lãnh, trả nợ thay. Tuy nhiên vấn đề không đơn giản như vậy. “Cho dù về lý Chính phủ Việt Nam không có cam kết trả nợ thay nhưng cần hiểu rằng vì lá thư ấy mà người ta mới cho vay. Và do vậy, nếu Chính phủ Việt Nam tuyên bố không có trách nhiệm gì thì sẽ gây ra một cú sốc cực lớn trong mắt các định chế tài chính thế giới. Bởi về lý thì như trên nhưng về tình thì khi Vinashin làm ăn có lãi thì nộp cho ai? ngoài nhà nước Việt Nam? Lúc đó, chỉ số tín nhiệm của Chính phủ Việt Nam sẽ giảm và chúng ta sẽ phải trả giá rất đắt cho các cuộc đàm phán vay tín dụng quốc tế”. Có vẻ như một số quan chức Việt Nam vẫn chưa cảm nhận được điều này khi gần đây vẫn lạc quan tuyên bố Việt Nam sẽ thu hút được khoản tài trợ quốc tế 300 tỉ đôla Mỹ. Còn nói đến ngoại quốc đánh giá hệ số tín nhiệm của Vinashin vẫn là 2B, tương đương mới mức quốc gia thì chưa thuyết phục. Vì là doanh nghiệp nhà nước, nên nhà nước Việt Nam sẽ bảo đảm cho mọi việc, cơ quan tài chính nước ngoài đâu có sợ rủi ro khi tài trợ vốn. Chính phủ có lẽ sẽ phải đứng trước hai lựa chọn. Một là, nếu vẫn muốn Vinashin phục hồi thì buộc phải có phương án dàn xếp ổn thoả với các chủ nợ. Hai là, nếu không trả được nợ, tài sản của Vinashin ở nước ngoài sẽ bị phong toả và điều đó đồng nghĩa với việc dập tắt những nỗ lực phục hồi của tập đoàn này, trong đó có hoạt động đóng tàu theo đơn đặt hàng từ thị trường quốc tế. 

Chúng ta những người dân Việt Nam sẽ như nhấp ngụm café đắng nghét với bản tin của một tổ chức thông tin tài chính quốc tế, Money Gram dựa trên khảo cứu của hai tổ chức thông tin tài chính Bloomberg và CMA Datavision nói Việt Nam xếp hạng 9 trong 18 quốc gia có nhiều nguy cơ vỡ nợ nhất trên thế giới. Bản tin này được báo điện tử VNExpress thuật lại trong phần tin tức Kinh Doanh mới đây, nhưng lại lượt bỏ bớt tên Việt Nam trong bảng danh sách ra. Thay vì tất cả 18 nước được tác giả Gregory White (chủ bút) liệt kê trong bản tin, bản tin của VNExpress rút bớt tên nước Việt Nam nên bản danh sách đăng trên VNExpress điện tử chỉ còn 17 nước dưới tựa đề “Những quốc gia có khả năng vỡ nợ cao nhất thế giới.” Trong số các nước được đưa vào bảng “phong thần này,” ở Châu Á chỉ có duy nhất Việt Nam. 

Ngân Hàng Nhà Nước của Hà Nội tìm cách thu gom ngoại tệ hầu đối phó với dự trữ ngoại hối đang cạn dần bằng cách in thêm tiền và cấm dân chúng buôn bán tự do ngoại tệ, tức trên thị trường chợ đen và đồng thời chuẩn bị cấm, mua, vàng miếng.

Hình ảnh một nước Việt Nam khốn đốn về kinh tế tài chính thế nào có thể nhìn qua hình ảnh tập đoàn đóng tàu Vinashin sau 4 năm được chính thức thành lập thành một tập đoàn thuộc loại hùng mạnh nhất của hệ thống quốc doanh của Việt Nam. Vinashin cuối năm ngoái đã không thể trả nổi số tiền 60 triệu USD là phần đầu đáo hạn của món vay 600 triệu USD của một số ngân hàng và quỹ đầu tư tài chính quốc tế. 

Ngoài 600 triệu mà Vinashin vay riêng, năm 2005, nhà nước Việt Nam bán công trái lần đầu tiên trên thị trường tài chính quốc tế, đưa cả 750 triệu USD cho Vinashin. Số tiền này đến từ bán công trái nên nhà nước phải chịu trách nhiệm hoàn trả nếu Vinashin không trả nổi, trong khi số tiền 600 triệu thì giới đầu tư quốc tế đang ở thế có nguy cơ bị giật nợ. 

Cũng vì khả năng trả nợ của Việt Nam ngày càng khó khăn, sau vụ đổ bể của Vinashin, các tổ chức lượng giá đầu tư quốc tế đều hạ thấp vị thế của Việt Nam trên bảng thang điểm lượng giá đầu tư quốc tế. 

Tóm lại, chỉ với hai con người, Thủ và Phó tướng trong một “nội các” đã biến một quả “đấm thép” Vinashin thành một quả đấm “đất sét” nhào nặn bằng mồ hôi nước mắt nhân dân, rồi bị đè lên bằng hai cái ghế “tái nhiệm” làm cho uy tín quốc gia trong quan hệ tài chính quốc tế đầy khã năng cũng vỡ vụn như đất sét. Dù có lạc quan cho mấy thì các chỉ số nhìn thấy được: Lạm phát nhất châu Á, tham nhũng hàng đầu khu vực, có “số má” trên thế giới, dự trự ngoại tệ 13 tỷ USD bằng hai số lẻ trên ba con số của các “con rồng” trong ASEAN, thì bóng tối ở cuối con đường hầm XHCN càng mù mịt dày đặt thêm lên. 




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo