Đại biểu Quốc hội Hoàng Hữu Phước phản bội Hiếp pháp - Dân Làm Báo

Đại biểu Quốc hội Hoàng Hữu Phước phản bội Hiếp pháp

360luatphap – Căn cứ vào Điều 69 Hiến pháp 1992 và khoản 1 Điều 3 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội, cho thấy đại biểu Hoàng Hữu Phước (TP. HCM) đã “không trung thành với Hiếp pháp 1992”, tức phản bội lại Hiến pháp.

Ngày 17/11/2011, đại biểu Hoàng Hữu Phước (TP. Hồ Chí Minh) đăng đàn phát biểu trước kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa 13, rằng: “Tôi kính đề nghị Quốc hội loại bỏ Luật lập hội và Luật biểu tình khỏi danh sách dự án luật suốt nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII”.

Từ đề nghị trên, đại biểu Phước đưa ra một số lý do, trong đó có ý khẳng định: “…Luật lập hội là để tạo nên các đối thủ bên ngoài hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, vô hiệu hóa, tiến đến xóa sổ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam,…”.

Trời đất…, UBTV Quốc hội khóa 12 đã ban hành Pháp lệnh về lập hội thế mà “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam” vẫn tồn tại, phát triển một cách “nhăn răng” không hề bị vô hiệu hóa, xóa sổ. Các tổ chức thành viên “cao quý” của Mặt trận mang tính chất chính trị – xã hội như Hội phụ nữ, Hội Luật gia, Hội Nhà báo…, cũng đang tưng bừng phát triển!

Ngoài ra, các tổ chức “thấp quý” được thành lập theo Pháp lệnh về lập hội có tính xã hội nghề nghiệp như Hội sinh vật cảnh, Hội nuôi ong, Hội chăn vịt, Hội nuôi mèo, Hội (cave) phục hồi nhân phẩm, truyên truyền phòng chống HIV, Hội dân số kế hoạch hóa gia dình, tuyên truyền dùng bao cao su phòng tránh thai (…) nhiều như nấm sau mưa, ông Phước không nhìn thấy sao?

Về Luật biểu tình, đại biểu Phước dẫn các luận đề: “…Cuộc biểu tình đầu tiên trong lịch sử loài người năm 1913 do Gandhi tổ chức nhằm phản đối Chính phủ Vương quốc Đại Anh và Bắc Ái Nhĩ Lan áp bức nhân dân Ấn Độ”.

Sau hồi vòng vo về “những năm 60 của thế kỷ trước từ ngữ “biểu tình” mới xuất hiện ở Hợp chủng quốc Hoa Kỳ bắt đầu từ việc chống lại Chính phủ Kennedy đã đẩy mạnh cuộc chiến tranh Việt Nam…”, đại biểu Phước, kết luận:

“Như vậy, Việt Nam có cần cho cuộc biểu tình chống Chính phủ Việt Nam hay không, chống các chủ trương, chính sách, đạo luật của Chính phủ Việt Nam hay không.

Nếu không cần tại sao lại đưa dự án Luật biểu tình, nói rồi nói mãi như thể nó là khuôn vàng, thước ngọc để đo chiều cao, chiều rộng, chiều dài, chiều sâu của cái gọi là tự do dân chủ”.

Đại biểu Phước còn cho rằng, đa số công dân sẽ không ủng hộ Luật biểu tình vì bản chất dễ bị tổn thương và dễ bị lợi dụng gây ra biến loạn. Ông Phước còn coi biểu tình là sự ô danh.

“…Việt Nam chưa phải là siêu cường kinh tế để có thể đài thọ cho một sự ô danh”, ông Phước lớn tiếng nhận định như vậy.

Tại buổi trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội khóa 13 kỳ họp thứ 2 vào sáng ngày 25/11/2011, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, khẳng định: “…Chính phủ đã kiến nghị Quốc hội xem xét đưa vào chương trình xây dựng pháp luật để xây dựng Luật Biểu tình. Luật này phù hợp với Hiến pháp, phù hợp với đặc điểm cụ thể của Việt Nam và thông lệ quốc tế, đồng thời bảo đảm quyền tự do dân chủ của người dân cũng như sẽ ngăn chặn hành vi xâm hại đến an ninh, trật tự an toàn xã hội”.

Sự khẳng định của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng rất phù hợp với quy định tại Điều 69 Hiến pháp 1992, rằng: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí; có quyền được thông tin; có quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luât”.

Như vậy, có thể đi đến kết luận những đề nghị trên của đại biểu Hoàng Hữu Phước là trái với sự khẳng định của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và vi phạm Điều 69 của Hiến pháp 1992.

Trong khi đó, Điều 146 Hiếp pháp 1992 quy định: “Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là luật cơ bản của Nhà nước, có hiệu lực pháp lý cao nhất. Mọi văn bản pháp luật khác phải phù hợp với Hiến pháp”.

Căn cứ vào Hiến pháp 1992 và Luật tổ chức Quốc hội, Quốc hội đã ban hành Luật bầu cử đại biểu Quốc hội (được sửa đổi, bổ sung năm 2001 và năm 2010). Tại Điều 3 của luật này, quy định: “Đại biểu Quốc hội có những tiêu chuẩn sau đây:

1, Trung thành với Tổ quốc và Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, phấn đấu thực hiện công cuộc đổi mới, vì sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, làm cho dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh;

2, Có phẩm chất đạo đức tốt, cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, gương mẫu chấp hành pháp luật; kiên quyết đấu tranh chống mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền, tham nhũng và các hành vi vi phạm pháp luật;

3, Có trình độ và năng lực thực hiện nhiệm vụ đại biểu Quốc hội, tham gia quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước;

4, Liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân, được nhân dân tín nhiệm;

5, Có điều kiện tham gia các hoạt động của Quốc hội.”.

Như vậy, căn cứ vào Điều 69 Hiến pháp 1992 và Khoản 1 Điều 3 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội, cho thấy đại biểu Hoàng Hữu Phước (TP. HCM) đã “không trung thành với Hiếp pháp 1992”, tức phản bội lại Hiến pháp.

Mặt khác, Điều 129 Bộ luật hình sự, quy định: “Tội xâm phạm quyền hội họp, lập hội (…) của công dân:

1. Người nào có hành vi cản trở quyền hội họp, quyền lập hội phù hợp với lợi ích của Nhà nước và của nhân dân (…), thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc bị phạt tù từ ba tháng đến một năm.

2, Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm”.


Từ những căn cứ so sánh các quy định của pháp luật và lập luận trên, với tư cách là cử tri, chúng tôi nhận thấy đại biểu Hoàng Hữu Phước không đủ “tiêu chuẩn là đại biểu Quốc hội khóa 13” và không “trung thành với Hiến pháp 1992”, đồng thời có hành vi “cản trở quyền lập hội phù hợp với lợi ích của Nhà nước và của nhân dân”.

Do vậy, chúng tôi kiến nghị UBTV Quốc hội có văn bản đề nghị Quốc hội khóa 13 bãi nhiệm chức danh đại biểu Quốc hội đối với Hoàng Hữu Phước (TP. HCM) và chuyển hồ sơ của ông “Kễnh nghị Phước” này cho Cơ quan điều tra Bộ Công an và VKSND Tối cao làm căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 129 Bộ luật hình sự; nhằm răn đe để không ai có thể ngăn cản việc thực hiện các quyền cơ bản của công dân mà Hiếp pháp 1992 – Luật cơ bản của Nhà nước, đã quy định.

360luatphap


Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo