Kiến nghị Cải Cách Kinh Tế của TS Hà Hưng Quốc gởi Thủ Tướng và Quốc Hội - Dân Làm Báo

Kiến nghị Cải Cách Kinh Tế của TS Hà Hưng Quốc gởi Thủ Tướng và Quốc Hội


"Những tập đoàn quốc doanh không những  trực tiếp bóp nghẽn sức sống của khu vực kinh tế dân doanh mà còn gián tiếp làm mất hiệu lực của những chính sách ổn định vĩ mô đúng bài bản đã ban hành.  Hay nói một cách khác, chúng hãm đà phát triển của nền kinh tế Việt Nam, góp phần tạo ra sự bất ổn định cho đất nước, và vô hiệu hóa phần lớn những chính sách ổn định vĩ mô.  Không có một cuộc cải cách đợt hai, cải cách sâu và rộng, nguy cơ này sẽ không được giải quyết tận gốc rễ..."

*  

Kính gởi:
  • Ngài Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng
  • Ngài Chủ Tịch Quốc Hội và Quý vị Đại Biểu Nhân Dân
Xin gởi lời chào đến tất cả quý vị.  Tôi xin phép được mạo muội gởi đến tất cả quý vị một kiến nghị và khẩn thiết yêu cầu sự quan tâm của quý vị.  


Thưa quý vị, nhờ vào những cải cách đợt một, Việt Nam đã đạt được một số thành quả khả quan. Tuy là đất nước đã thực sự thoát qua được giai đoạn thiên hôn địa ám, nhưng hành trình vẫn còn dài.  Và hiện nay Việt Nam đang đứng trước ngã tư đường, nơi đây có những thứ nguy cơ khác đang tiến tới rất nhanh.  Tôi xin báo động với quí vị rằng: quỹ thời gian không còn nhiều, Việt Nam cần phải cấp bách cải cách sâu rộng để đất nước có đủ lực mà cất cánh.  Nếu không, Việt Nam sẽ bị treo lơ lững giữa hai lưới Thiên La Địa Võng dài hạn không thể thoát ra khỏi tình trạng của một nền kinh tế có thu nhập trung bình chủ yếu là xuất khẩu nguyên liệu và những sản phẩm công nghiệp thấp nặng về gia công, chưa nói tới những giao động trầm trọng mà đất nước phải đối diện thường xuyên nếu tiếp tục duy trì cấu trúc kinh tế và cơ chế như hiện nay vì những chính sách ổn định kinh tế vĩ mô không thể phát huy được năng lực của chúng đặc biệt là chính sách tiền tệ và chính sách chi thu.  Những dè dặt và thận trọng quá mức trong cải cách đợt một đã đánh mất nhiều cơ hội và thời gian.  Nay trước ngã tư đường, đất nước cần quí vị quyết tâm tiến hành một cuộc cải cách đợt hai, sâu và rộng, nhằm “chuyển đổi cấu trúc kinh tế” và “làm mới cơ chế” hầu tạo đủ sức thúc đẩy và tạo môi trường thuận lợi cho nền kinh tế của đất nước cất cánh đi vào hành trình phát triển bền vững, rồi một ngày nào đó trong tương lai gia nhập vào khối những quốc gia tiên tiến thịnh vượng. Kinh tế là một mắt xích quan trọng trong vấn đề an ninh quốc gia.  Với tình hình hiện nay, Việt Nam càng cần phải tiến hành cải cách kinh tế đồng bộ với những nỗ lực cải cách ngoại giao và quốc phòng gần đây.                 
        
Dựa vào đâu mà tôi dám quyết đoán và đề nghị?  Nếu tiến hành cải cách đợt hai thì cần phải làm những gì và tại sao?  

Với kiến nghị trên, tôi nghĩ rằng tôi nợ quý vị sự giải thích tường tận do vậy tôi xin phép được giải trình.     


I. QUỸ ĐẠO PHÁT TRIỂN KINH TẾ 

Để thấy được khi nào và những gì cần phải làm, trước hết chúng ta phải hình dung được quỹ đạo phát triển kinh tế --quỹ đạo mà mọi nền kinh tế đều phải kinh qua-- cũng như phải hình dung được hành trình và điểm đứng hiện tại của nền kinh tế Việt Nam trên quỹ đạo đó.  
Hình H1

Quỹ đạo đó vốn rất đơn giản và không có gì là mới lạ đối với những chuyên gia kinh tế.  Nội dung trong hình H1 tự nó đã giải thích đầy đủ.  Điểm A là mốc thời điểm cải cách đợt một.  Điểm B là mốc thời điểm cải cách đợt hai.  Từ A tới B là hành trình và thành quả khả quan của cải cách đợt một giúp đất nước thoát ra khỏi đói nghèo cùng cực.  Từ B tới C1 là hành trình và hậu quả của một nền kinh tế đã thất bại trong việc cải cách đợt hai vì đã (i) từ chối không tiếp tục cải cách hoặc (ii) cải cách quá trễ hoặc (iii) cải cách nửa vời.  Từ B tới C2 là hành trình và thành quả của một nền kinh tế đã thành công trong việc cải cách đợt hai và tiến lên thành những quốc gia thịnh vượng.          


II. HÀNH TRÌNH VÀ ĐIỂM ĐỨNG CỦA VN TRÊN QUỸ ĐẠO KT

Thực sự là không khó để mọi người thấy rõ là Việt Nam đang đứng ở đâu trên quỹ đạo kinh tế.  Bằng chứng cho thấy là Việt Nam chỉ vừa ra khỏi danh sách những quốc gia có thu nhập thấp nhưng chưa được vào danh sách của những quốc gia có thu nhập trung bình.  Vâng, như quý vị đã đoán đúng, Việt Nam nằm ngay mốc thời điểm B trên quỹ đạo kinh tế.  

Từ khi khởi động cải cách kinh tế đợt một cho đến nay (1989-2011), Việt Nam đã đạt được một số thành quả khả quan không ai có thể phủ nhận được. Trong số những thành quả đó rõ rệt và quan trọng nhất là hạ tầng cơ sở đã tốt hơn rất nhiều, cơ chế thị trường đã hình thành và vận hành khá nhuần nhuyễn, pháp lý liên quan đến những lãnh vực kinh tế đã được thiết lập và liên tục bổ sung, hành chính đã có qui củ hơn và thủ tục hành chính cũng nhẹ hơn, ngoại thương đã tích cực và năng động hơn, khu vực tư doanh đã sinh động hơn.  Và theo đó, đất nước đã thoát khỏi giai đoạn nghèo khó cùng cực, FDIs chảy vào Việt Nam với số lượng đáng kể, cánh cửa cơ hội để Việt Nam gia nhập vào cộng đồng thế giới mở ra càng lúc càng rộng hơn.   

Tuy nhiên, Việt Nam cũng đã và đang đối diện với một số vấn nạn không kém hiển nhiên và trầm trọng.  Tham nhũng lũng đoạn đang hoành hành.  Hoang phí trong khu vực công lẫn tư có mức độ rất cao.  Hoạt động của phe nhóm ngày càng tinh vi và họ trục lợi ngày càng lớn.  Khu vực quốc doanh lấn áp khu vực dân doanh ngày càng nặng.  Khoảng cách giàu nghèo ngày càng rộng.  Khoảng cách chất lượng giáo dục giữa giai cấp giàu và giai cấp nghèo ngày càng cách xa. Bất bình đẳng cơ hội giữa cá nhân do chỗ xuất thân của mình ngày càng rõ, môi trường sống ngày càng trở nên tệ hại . . . .  Theo đó, bất ổn kinh tế và bất ổn xã hội ngày càng tăng.  Rồi những công cụ và chính sách giúp điều hướng một nền kinh tế thị trường dường như cũng không còn khả năng để tạo được sự ổn định cần thiết cho nền kinh tế Việt Nam, dầu là được áp dụng rất bài bản.  Áp lực đè lên nền kinh tế thị trường non trẻ thực sự là rất lớn, đe dọa trực tiếp tới an sinh của quần chúng và an ninh của đất nước.   

Nhìn lại toàn bộ hành trình mà nền kinh tế Việt Nam đã kinh qua, trong tương quan với quỹ đạo phát triển kinh tế (hình H1), nó không khó để mọi người nhận ra rằng những điều mà Việt Nam “đã làm được” thực ra chỉ mới là những nỗ lực “cởi” để nền kinh tế không bị “trói” trong cái lưới “cơ chế” và “ý chí chính trị” đã làm nghèo đói đất nước một thời.  Cái nhân “cởi trói” đã cho cái quả “thoát nghèo” là điều đương nhiên.  Nói một cách khác cho có vẻ kinh tế hơn, Việt Nam đã làm xong cải cách đợt một. Và Việt Nam đã thoát nghèo nhờ Đổi Mới.  

Vâng, chỉ mới là thoát nghèo chứ chưa thể cất cánh. Việt Nam còn đang đứng tại mốc thời điểm B và chưa được chuẩn bị để cất cánh.  Tôi muốn nói tới một cuộc cải cách đợt hai, cải cách sâu và rộng, để nền kinh tế Việt Nam có đủ lực đi vào hành trình BC2 (Hình H1), lúc đó mới thật sự là có điều kiện để Việt Nam có thể cất cánh.  


III. NHU CẦU CẢI CÁCH ĐỢT HAI

Cải cách đợt một của Việt Nam mô phỏng theo kiểu cải cách từ từ của Trung Quốc nhưng không đạt được hiệu quả bằng Trung Quốc. Đó là sự thật. Việt Nam vẫn chưa bắt kịp Thái Lan, khoảng cách chỉ giảm được 1/5 sau 24 năm (1984-2008).  Đó là sự thật.  Hàn Quốc từ khi bắt đầu tiến hành cải cách đợt một cho đến khi được kết nạp vào khối OECD trở thành là thành viên của các nước tiên tiến (1996) chỉ mất vỏn vẹn 35 năm.  Họ đã tạo được kỳ tích trong vòng một thời gian ngắn. Trong khi đó Việt Nam mất 22 năm để cởi trói và đi tới mốc thời điểm B, chưa kể là đã mất 15 năm trói mình vào chiếc lưới tự tạo.  Đó cũng là sự thật.  Xét trong tương quan thời gian và thành quả, có thể nói là Việt Nam đã quá chậm do quá thận trọng.  Chọn lựa “cải cách từ từ” --với những lý do có thể hiểu được-- đã là một sự thận trọng.  Kéo dài đến 22 năm mà chưa thực hiện cải cách đợt hai thì phải nói là một sự thận trọng quá mức.  Sự thận trọng quá mức này làm cho Việt Nam mất đi không ít cơ hội, góp phần không ít vào những vấn nạn hiện nay và làm cho Việt Nam đối diện với những nguy cơ lớn hơn trước những thử thách đang ập tới trên đà hội nhập thế giới.    

Tại sao là nguy cơ lớn hơn?  Tại vì mãi cho tới nay Việt Nam vẫn chưa có được khả năng cạnh tranh cần phải có để có thể vững vàng trước những tác động từ bên ngoài trên con đường hội nhập quốc tế.   Dưới tác động của những hiệp định thương mại tự do như WTO đã vào, TPP sẽ vào, và đặc biệt là Hiệp Định Thương Mại Tự Do ASEAN – Trung Quốc đã ký kết (trong đó đã định là tháng 1 năm 2015 thì VN sẽ phải cắt thuế đối với hàng TQ) nền kinh tế của Việt Nam khẳng định là sẽ bị chao đảo mạnh nếu không muốn nói là sẽ bị đè bẹp.  Mà khả năng cạnh tranh đó thì chỉ có thể đến --và duy nhất chỉ có thể đến-- từ một cuộc cải cách đợt hai, một cuộc cải cách sâu và rộng đến mức độ có thể “chuyển đổi được cấu trúc kinh tế” và “làm mới được cơ chế kinh tế” --một cơ chế cao cấp với những hảo tính không thể thiếu trong một nền kinh tế tiên tiến--

Tại sao là nguy cơ lớn hơn?  Tại vì sự chuyển dịch chậm chạp của nền kinh tế Việt Nam mà do đó quốc tế đang có khuynh hướng coi Việt Nam là một nền kinh tế chủ yếu xuất khẩu nguyên liệu và những sản phẩm công nghiệp thấp nặng về gia công.  Mà dường như là Việt Nam cũng tự định hình như thế.  Trong sự phân công quốc tế, đây là một điều không tốt.  Nó sẽ “trói” Việt Nam trong sự định hình này.  Và với sự vắng mặt của một cuộc cải cách đợt hai, nền kinh tế Việt Nam sẽ bị đẩy vào lộ trình BC1, nơi đó Việt Nam sẽ bị treo lơ lững dài hạn, không thoát ra được tình trạng là một nền kinh tế chủ yếu xuất khẩu nguyên liệu và những sản phẩm công nghệ thấp nặng về gia công.  Và, là một hậu quả đương nhiên, sẽ không thoát ra khỏi tình trạng là một quốc gia chỉ có được thu nhập trung bình.  Sự chuyển dịch chậm chạp này không nằm ngoài lý do đơn giản: thiếu vắng một cuộc cải cách đợt hai, một cuộc cải cách sâu và rộng đến mức độ có thể thay đổi được cấu trúc kinh tế và làm mới được cơ chế kinh tế tạo ra một sự chuyển dịch mạnh mẽ.  

Tại sao là nguy cơ lớn hơn?  Tại vì cấu trúc kinh tế và cơ chế hiện tại tạo ra một bầy giao long nằm trong cái hồ nhỏ.  Bầy giao long không đủ bản lãnh hóa rồng bay ra biển lớn nhưng đủ sức để giết rất nhiều cá và quậy đục cả hồ nếu không muốn nói là có thể  làm nát cả chính cái hồ nuôi chúng. Vâng, tôi muốn nói tới những “tạp đoàn” quốc doanh.  Tôi còn muốn nói thêm rằng sức mạnh thực sự của nền kinh tế thị trường là nằm ở khu vực kinh tế dân doanh.  Sinh lực của nền kinh tế Việt Nam cũng nằm ở khu vực dân doanh.  Những tạp đoàn quốc doanh đã và đang giành sân của những công ty dân doanh cũng như đã và đang thu tóm tài nguyên lẫn cơ hội chính là nguy cơ lớn, nguy cơ xuất phát ngay bên trong nền kinh tế Việt Nam.  Những tập đoàn quốc doanh không những  trực tiếp bóp nghẽn sức sống của khu vực kinh tế dân doanh mà còn gián tiếp làm mất hiệu lực của những chính sách ổn định vĩ mô đúng bài bản đã ban hành.  Hay nói một cách khác, chúng hãm đà phát triển của nền kinh tế Việt Nam, góp phần tạo ra sự bất ổn định cho đất nước, và vô hiệu hóa phần lớn những chính sách ổn định vĩ mô.  Không có một cuộc cải cách đợt hai, cải cách sâu và rộng, nguy cơ này sẽ không được giải quyết tận gốc rễ.  Nhà nước duy trì SOEs và thành lập những tập đoàn quốc doanh với hy vọng chúng sẽ là những mũi nhọn chiến lược cho kinh tế đất nước.  Nhưng với tình trạng hiện nay, theo đánh giá của cá nhân tôi, nếu không có một cuộc cải cách sâu rộng thì dầu có thêm 10 năm nữa chúng cũng chỉ là những “tạp đoàn.”  Lớn nhưng tạp thì chắc chắn là yếu ớt, chắc chắn là không đủ khả năng cạnh tranh với những công ty quốc tế.  Như vậy thì có mong gì đảm đương chức năng mũi nhọn chiến lược giúp cho nền kinh tế Việt Nam cất cánh?  Hãy nhìn thực tế đang phơi bày và sắp phơi bày nhiều hơn nữa.  Tôi không nói SOEs là hoàn toàn không cần thiết, nhưng không phải như tình trạng hiện nay.  

Tại sao là nguy cơ lớn hơn? Tại vì nhà nước đã và vẫn đang can thiệp quá sâu vào sự vận hành của nền kinh tế thị trường.  Trách nhiệm và vai trò của một nhà nước cấp tiến là tạo ra môi trường thông thoáng để nền kinh tế của đất nước được thuận lợi phát triển.  Nhà nước chỉ nên can thiệp vào những gì mà nền kinh tế thị trường tự nó không làm được.  Dòng chảy của FDIs đổ vào nền kinh tế nhiều hay ít và sự định hình của nền kinh tế có được như mong muốn hay không sẽ tùy thuộc rất lớn vào thực tiễn của môi trường kinh tế có thông thoáng hay không và thông thoáng tới mức độ nào.  Can thiệp quá sâu vào sự vận hành của nền kinh tế không những là làm cho dòng chảy FDIs vào nền kinh tế  bị suy kém hoặc đứt đoạn hoặc dứt hẳn và làm cho sự định hình của nền kinh tế không thể được như mong muốn mà còn làm cho phát sinh những bệnh nan y đe dọa đến sức khỏe của nền kinh tế đó và gây ra những dị dạng làm cho những bệnh nan y càng thêm khó trị liệu.  Giá thị trường bị bóp méo, cung cầu bị lệch, chợ đen/ kinh tế chui hoạt động khắp mọi nơi, đầu tư không đúng nơi đúng lúc, tài nguyên không được sử dụng đúng chỗ đúng mức, các nguồn lực phân bố không tương xứng hoặc không thích đáng, tiết kiệm chưa được vận dụng đúng tiềm lực, các thị trường không đạt hiệu quả và thiếu liên thông, phân công và phát triển giữa những ngành kỹ nghệ cũng như giữa những tác nhân bên trong một kỹ nghệ hoặc rời rạc hoặc tạp nhạp, quản trị không đủ năng lực vì thiếu kỹ thuật và thiếu kỷ luật, báo cáo và phân tích kế toán không đồng bộ không theo tiêu chuẩn cao do đó thông tin thiếu trung thực hoặc bị ngụy tạo làm cho khó kiểm tra và khó quản lý, nghiên cứu và áp dụng khoa học kỹ thuật còn rất phôi thai, giáo dục đào tạo và thị trường lao động và sách lược kinh tế của đất nước không ăn khớp . . . chỉ là một số thí dụ điển hình nằm trong danh sách dài hơn rất nhiều. Với cấu trúc kinh tế và cơ chế hiện nay, nhà nước không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc phải can thiệp sâu vào nền kinh tế dầu không muốn. Trong tiến trình và theo thời gian, những bệnh nan y và những dị dạng của nền kinh tế phát sinh càng nhiều và càng trở nên trầm trọng hơn.  Một điều mà chúng ta cũng cần phải thấy rõ là, với cấu trúc kinh tế và cơ chế hiện nay, bất kỳ là ai ngồi ở vị trí lãnh đạo điều hành thì hậu quả tiêu cực cũng vẫn phát sinh không khác những gì đã và đang thấy trong những đơn vị kinh doanh và trong nền kinh tế Việt Nam (dẫu là mức độ trầm trọng của mỗi sự kiện có thể sẽ khác).  Đổ lỗi và trừng trị cá nhân không phải là giải pháp rốt ráo.  Vâng, tôi muốn nói tới lỗi từ trong cấu trúc kinh tế và do cơ chế mà phát sinh.  Dầu rằng những cá nhân được giao trách nhiệm nằm trong sự vận hành của cơ chế có phải chịu trách nhiệm về những tiêu cực phát sinh nhưng trên bình diện vĩ mô tựu chung vẫn là tại vì cấu trúc kinh tế và cơ chế hiện nay.  Không có một cuộc cải cách đợt hai, một cuộc cải cách sâu và rộng, thì những dị dạng của nền kinh tế Việt Nam và những bệnh nan y của nền kinh tế Việt Nam sẽ không được giải quyết tận gốc.  

Những phân tích và lý luận dài dòng ở trên thực ra chỉ để nhấn mạnh một điều rất đơn giản: nhu cầu cấp bách cho một cuộc cải cách đợt hai.  Việt Nam cần phải cấp bách tiến hành một cuộc cải cách đợt hai.  Quỹ thời gian không còn nhiều.  Cải cách sâu rộng hay là đất nước sẽ bị treo lơ lững dài hạn. Chưa hết, nếu tiếp tục duy trì cấu trúc kinh tế và cơ chế hiện nay, nền kinh tế Việt Nam sẽ phải đối mặt với những bất ổn định thường hơn với cường độ lớn hơn và khó xử lý hơn.  Theo đó, an ninh của đất nước cũng sẽ phải đối diện với những đe doạ trầm trọng hơn, bởi những tác lực từ bên trong và bên ngoài.


IV. CẢI CÁCH THẾ NÀO?

Bất cứ một cuộc cải cách nào cũng sẽ có những điểm tích cực và tiêu cực của nó.  Nếu không thì sẽ không có những tranh luận.  Tuy nhiên, nếu dựa vào số lượng nghiên cứu đồ sộ đã thâu thập được qua những kinh nghiệm thực tiễn trên khắp thế giới, và nếu nhìn vấn đề trên quan điểm thực dụng “được nhiều hơn mất, lợi nhiều hơn hại” cho nền kinh tế của một nước, thì chuyên gia kinh tế đã đi đến sự đúc kết và được coi như là kim chỉ nam  trong cải cách kinh tế: hãy nỗ lực để tự do hoá, ổn định hoá và tư hữu hóa nền kinh tế.

Cụ thể là phải làm gì để tự do hóa, ổn định hóa và tư hữu hóa?  Câu trả lời tốt nhất là nên đến từ những chuyên gia và tổ chức nghiên cứu tư vấn cho quý vị cũng như đến từ quần chúng.  Có lắng nghe, trao đổi và đạt được sự đồng thuận cao độ thì mới có thể huy động được sinh lực của toàn dân tộc để triển khai một cuộc cải cách đợt hai với nhiều triển vọng thành tựu lớn.  Đừng quên là cải cách sâu rộng cũng bao hàm cả cải cách cái nhìn và sự hỗ trợ của toàn dân đối với nhà nước.  Khác với cải cách đợt một, dễ hơn nhiều bởi hoàn cảnh nghèo đói cùng cực đã tạo sẵn sự đồng thuận và lúc đó cũng chưa có những phe nhóm trục lợi kinh tế, cải cách đợt hai sẽ khó thực hiện hơn và khó thực hiện một cách nghiêm túc nếu quyền lợi của đất nước không được đặt lên hàng đầu. Kinh nghiệm trong những cuộc cải cách cho thấy những phe nhóm đang trục lợi sẽ cực lực bài bác nỗ lực cải cách đụng chạm đến quyền lợi của họ.  Sự hỗ trợ mạnh mẽ của quần chúng chính là chỗ tựa để thuyết phục những phe nhóm như vậy.  Giúp cho toàn dân được chính danh tham dự vào những cải cách sâu rộng thì toàn dân sẽ là chỗ tựa để giúp cho nhà nước sức mạnh vượt qua mọi trở ngại trên đường thực hiện những cải cách sâu rộng.    

Để có bài bản hơn, trước khi đặt ra câu hỏi cụ thể phải làm gì để tự do hoá, ổn định hoá và tư hữu hóa thì chúng ta nên tìm hiểu: những nền kinh tế đã cất cánh và đã trở thành những nền kinh tế tiên tiến có chung những đặc tính nào, và những nền kinh tế chưa cất cánh hoặc cố gắng cất cánh nhưng thất bại có chung những đặc tính nào?  Sau khi đã có hai bảng tổng kết và đem so sánh, chúng ta sẽ không khó để tìm ra mục tiêu và phương án cải cách.  Cũng không khó để nhận ra rằng “những đặc tính chung của những nền kinh tế tiên tiến” hoàn toàn vắng mặt và ngược lại “những đặc tính chung của những nền kinh tế chưa cất cánh hoặc thất bại trong nỗ lực cất cánh” thì có rất nhiều điểm tương đồng khi đem ra so với những đặc tính của nền kinh tế Việt Nam ở thời điểm hiện tại.    

Cũng không nằm ngoài cái dù “tam hoá,” có một số mục tiêu cụ thể tôi đặc biệt quan tâm và khẩn thiết muốn thấy chúng được thực hiện trong nỗ lực cải cách đợt hai.  Đó là:

  1. Công nhận quyền tư hữu.
  2. Tiến hành tư hữu hóa tất cả công ty quốc doanh, kể cả những tổng công ty và tạp đoàn. Triệt tiêu khu vực quốc doanh.  Chấm dứt bảo hộ mậu dịch.
  3. Nâng cấp Ngân Hàng Trung Ương thành một cơ quan hoạt động độc lập và cách ly với áp lực chính trị.
  4. Khẩn cấp cải cách toàn bộ hệ thống ngân hàng.  Ngoại nhập kỹ thuật quản trị ngân hàng.  Đẩy mạnh kỷ luật quản trị ngân hàng.  
  5. Công khai ngân sách thu chi của nhà nước, từ cấp trung ương tới địa phương, và tạo cơ hội cho quần chúng tiếp cận những báo cáo một cách dễ dàng.
  6. Áp dụng một tiêu chuẩn báo cáo tài chính, tiêu chuẩn chung, cho tất cả công ty kinh doanh, và nên là tiêu chuẩn quốc tế.
  7. Công khai tất cả những con số thống kê (thay vì công bố nhỏ giọt) và tạo cơ hội cho quần chúng tiếp cận trữ liệu thống kê một cách dễ dàng.
  8. Chọn lựa và ban hành một phương pháp tính toán tài chính trong đầu tư áp dụng chung cho tất cả dự án của nhà nước, từ trung ương tới địa phương, và khuyến khích khu vực tư doanh nên áp dụng.
  9. Khuyến khích sự hoạt động độc lập và tiếng nói độc lập của các nhóm nghiên cứu trong mọi lãnh vực.  
  10. Khuyến khích sự hình thành cơ chế và hoạt động tự quản tự kiểm trong mọi ngành nghề và mọi kỹ nghệ.
  11. Khuyến khích những nguyên tắc và phương pháp thiện hành (good practices) ở mọi cấp độ, mọi lãnh vực.
  12. Bảo đảm tính dân chủ trong mọi hoạch định và thực thi sách lược, chính sách, kế hoạch, dự án, dự luật, vân vân.     
Những đề mục trên chỉ là một số ít trong những điều cần phải cải cách.  Trong số những đề mục trên, một số là để nâng cao hiệu năng còn một số để cải thiện môi trường, một số thì liên quan đến cấu trúc kinh tế còn một số liên quan đến cơ chế.  Muốn cất cánh, và có thể cất cánh thành công, Việt Nam cần có một cấu trúc kinh tế thích hợp hơn và cần có một cơ chế tương đương hoặc giống như là cơ chế của những nền kinh tế tiên tiến.  Cơ chế đó phải bảo đảm được sự tự do chuyển dịch của mọi hoạt động kinh tế, phải bảo đảm được sự ổn định trong mọi hoạt động kinh tế, và phải bảo đảm được tài sản tư hữu của mọi thành phần tham gia vào hoạt động kinh tế.  Đó là cơ chế cao cấp với những hảo tính không thể thiếu, điều kiện phải có và đủ, để cho một nền kinh tế cất cánh và đi vào hành trình phát triển bền vững.  Điều này cũng có nghĩa là Việt Nam cần phải tiến hành một cuộc cải cách đợt hai sâu và rộng để có được cơ chế như vậy.  Hiện tại Việt Nam đang tại mốc thời điểm B trên quỹ đạo kinh tế.  Và quỹ thời gian không còn nhiều!             


Tôi cảm ơn quý vị đã bỏ thời gian và công sức để đọc kiến nghị này. Trước khi chấm dứt, tôi cũng xin thành thật gởi đến quý vị và gia đình những lời chúc tốt lành nhất.


Hà Hưng Quốc, Ph.D.  

Tác giả sách Kinh Tế Vĩ Mô: Kinh Nghiệm Của Hoa Kỳ, Chứng Khoán & Thị Trường Chứng Khoán, Tổ Hợp Đầu Tư, Lãnh Đạo: Khoa Học & Nghệ Thuật cùng một số tác phẩm khác.


C/c:

  • V/P Thủ Tướng
  • V/P Quốc Hội
  • V/P MTTQVN
  • Viện Nghiên Cứu Quản Lý Kinh Tế Trung Ương



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo