Nguyễn Quang Duy - Theo tường trình từ Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ đề ngày 10-9-2010, Wikileaks công bố, Đại sứ Michael Michalak đã tiên đoán kết quả Đại Hội Đảng Cộng Sản lần thứ 11 như sau: ''Thường trực Ban bí thư Trương Tấn Sang và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là hai ứng viên hàng đầu để thay Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh”. Ông Michael Michalak nhận định: “Cả Nguyễn Tấn Dũng và Trương Tấn Sang không ai nhiệt tình với cải cách chính trị như cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Nhưng mọi người đều biết họ là người thực dụng, chủ trương kinh tế thị trường và tán thành sự tăng tiến vững chắc trong mối quan hệ với Hoa Kỳ”. Theo ông cả hai đều sẽ không chịu rút lui, mà cũng không đấu đến cùng, nhưng nếu có một người bị buộc phải hy sinh tham vọng của mình, thì người đó sẽ là Trương Tấn Sang.
Vào tháng 9-2010, đánh giá ông Michalak là khá chính xác, khi ấy Tấn Sang đang thắng thế, dự án đường sắt cao tốc vừa bị Quốc Hội “từ chối”, lại đang bị chất vấn về vụ Vinashin thiếu tiền nguy cơ qụit nợ. Nhưng cuối cùng, Nguyễn Phú Trọng xưa nay mang tiếng lú lẩn lại được đưa lên nắm chức Tổng Bí Thư. Trương Tấn Sang phải chấp nhận một vai trò được xem không có thực quyền: chủ tịch nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam.
Bước sang 2011, Tấn Sang tiếp tục tấn công Tấn Dũng, nhờ đó chúng ta mới thấy rõ hơn những tranh chấp bên trong nội bộ đảng Cộng sản. Có người đóan rằng tham vọng của Tấn Sang là trong năm 2012 sẽ sửa lại Hiến Pháp để nắm cả Tổng Bí Thư lẫn Chủ Tịch nước đúng theo khuôn mẫu được Trung cộng áp dụng lâu nay. Vì qúa mong mỏi cách mạng, nhiều người còn kỳ vọng Tấn Sang sẽ trở Boris Yeltsin Việt Nam. Người viết đã gởi đến bạn đọc một lọat bài về nhân vật Nguyễn Tấn Dũng, bài này xin duyệt xét nhân vật Trương Tấn Sang.
Điểm mạnh nhất của Tấn Sang là được tầng lớp “trí thức” xã hội chủ nghĩa nhiệt tình ủng hộ. Để bạn đọc có thể thấy rõ hơn người viết xin trích dẫn nguyên văn ông nghị Hoàng Hữu Phước, một thạc sĩ kinh doanh quốc tế, một một nghị viên cùng đơn vị bầu cử với ông Sang, một người trước Quốc Hội Cộng sản tuyên bố vì dân trí Việt Nam còn thấp nhà nước cộng sản không cần luật biểu tình, đã viết như sau:
Nguyên văn Nghị Phước viết về Nghị Sang
Ông Trương Tấn Sang là vị Tổng thống thứ 8 của nước Việt Nam thống nhất. Đây là điều ai cũng biết. Ở đây tôi nói về điều chưa ai từng nói đến, tức là về yếu điểm lạ kỳ của tất cả các vị lãnh đạo của nước Việt Nam thống nhất (sau 1975), từ tổng thống đến thủ tướng và các bộ trưởng.
Nét chung thật kỳ lạ là tất cả các vị đều có cách nói chuyện chậm rải, đều đều, không khuyến khích được sự tập trung tỉnh táo của người nghe, nội dung vô thưởng vô phạt, cách lý giải na ná giống nhau, né tránh gai góc, kiêng kỵ dùng ngôn ngữ cử chỉ, hoàn toàn không giống bất kỳ vị tổng thống hay thủ tướng hay bộ trưởng nào tại bất kỳ quốc gia nào trên thế giới, tức những vị mà năng lực được thể hiện qua nhiều điểm trong đó nổi bật nhất là khả năng khẩu ngữ của thuật hùng biện, dù đó là Ông Chávez, Ông Fidel Castro, Ông Sarkozy, Bà Clinton, Ông Clinton, Bà Thatcher, Ông Berlusconi hay Ông Obama.
Tiếng Việt có đặc điểm ưu việt duy nhất trong toàn bộ hệ ngôn ngữ của nhân loại là có âm điệu đa sắc, cực kỳ thuận lợi cho bất kỳ người Việt nào muốn trở thành nhà hùng biện. Tâm lý chung của người dân một nước là thích đón nghe những “thông điệp” của tổng thống nước mình không những vì bị cuốn hút bởi thuật hùng biện của tổng thống qua đó chứng kiến tài ba tư duy và tài nghệ thể hiện của tổng thống, mà còn vì muốn lắng nghe các kế sách cụ thể giải quyết cụ thể một hay những vấn đề cụ thể mà hoàn cảnh cụ thể của quốc gia đã nảy sinh một cách cụ thể. Thực tế là các lãnh đạo của nước Việt Nam thống nhất đã không có tài hùng biện – hay tại bị vì bởi một “công thức áp đặt” sai lầm nào đó của một lối tư duy sai lầm nào đó cho rằng phải như thế như thế và như thế mới tỏ rõ vai trò người lúc nào cũng của dân, do dân và vì dân. Sai lầm vì chính phủ của “nhân dân” không phải là chính phủ “bình dân”, quân đội nhân dân không phải là quân đội ăn mặc giản dị xắn quần lên đầu gối, nón bằng chất liệu không chống đạn vốn không bao giờ được dùng bởi quân đội của phần còn lại của thế giới, để thành quân đội bình dân.
Điều may mắn là Ông Trương Tấn Sang trở thành vị tổng thống đầu tiên có tài hùng biện đúng nghĩa mà điều dễ nhận thấy nhất là sự tập trung cao độ của người dân lắng nghe mỗi khi Ông phát biểu với sự phối hợp của ngữ điệu, ngôn ngữ cử chỉ, nội dung quyết đoán mang tính khẳng định mạnh mẽ, và làm rõ vấn đề cũng như khả năng hóa giải ngay tại chỗ những điều nhạy cảm do người dân – tức cử tri – nêu lên. Đó là sự thể hiện của người thực sự có quyền lực và trách nhiệm cá nhân. Ông Trương Tấn Sang là sự khởi đầu cho thời đại mới: thời của những lãnh đạo có thực quyền và có trách nhiệm...
Tấn Sang Tìm Nhân Tài Hải Ngoại Giúp Nước
Người ta đồn rằng Tấn Sang đang tìm kiếm nhân tài hải ngọai về giúp nước. Tin đồn này nói lên một thực trạng đang liên tục xẩy ra tại Việt Nam. Nhân tài không thiếu nhưng đều mất niềm tin vào hệ thống chính trị, đều chán ngán chế độ nên ca bài “ta dại ta tìm nơi vắng vẻ”, tránh xa cả Tấn Sang lẫn Tấn Dũng. Đó là chưa kể người cộng sản luôn tuyên truyền dối trá mà nhân tài lại phải tôn trọng và luôn nói lên sự thực. Nên họ thường được chụp cho cái mũ phản động tiếp tay với thế lực thù địch. Cuối cùng Tấn Sang phải sử dụng những người như ông Nghị Hoàng Hữu Phước.
Nhưng nếu đọc kỹ lời nhận xét ông Phước về giới cầm quyền cộng sản thì nhận xét của ông quả thật chính xác. Không riêng gì tài “hùng biện”, về mọi mặt những người cầm quyền cộng sản thua xa những người lãnh đạo miền Nam. Câu tuyên bố của Tổng Thống Nguyễn văn Thiệu: “Đừng nghe những gì Tấn Sang nói mà hãy nhìn kỹ những gì Tấn Sang làm” đã đi vào lòng người và đã trở thành kim chỉ nam cho chúng ta thường xuyên nhắc nhở nhau về những trò ma đầu của nhà cầm quyền Hà Nội.
Tấn Sang Tấn Dũng Ông Thiện Ông Ác
Trong đoạn trích dẫn bên trên, nhận xét của ông Phước rất chính xác nên dễ được người nghe và người đọc ủng hộ. Ông dùng nó tạo sự chú ý để nịnh Tấn Sang như một “minh vương” tái thế. Khách quan nhận xét Tấn Sang cũng chẳng hơn gì những người cầm quyền cộng sản khác. Họ đều xuất thân một lò cộng sản, được đào tạo bài bản như nhau, lên được nhờ năng đỡ và vây cánh bên trong đảng. Họ hòan tòan không được người dân chọn lựa qua phổ thông đầu phiếu. Cho nên họ “rỗng” không phải chỉ về mặt hùng biện, mà họ “rỗng” về mọi mặt nhưng lại thích kêu to. Các “thùng rỗng kêu to” lại được cả một guồng máy tuyên truyền đánh bóng. Đánh bóng đến nỗi họ lầm tưởng họ đều là những minh quân tái thế của thời đại.
Cả Tấn Dũng lẫn Tấn Sang đều xuất thân từ miền Nam và đều được Võ văn Kiệt tận tình đỡ đầu. Tấn Sang còn có liên hệ gia đình với bên vợ của Tấn Dũng. Thế nên nhận xét của ông Đại sứ Michael Michalak là họ sẽ không đấu đến cùng. Nói rõ hơn họ là hai nhân vật trong một vở bi hài kịnh. Họ phải đóng kịch chỉ để xác nhận những sự thực mà mọi người chúng ta đều đã biết. Lúc Tấn Dũng đóng vai ác thì Tấn Sang lại đóng vai thiện khi thì ngược lại. Nhưng vai chính của vở tuồng vẫn là Tấn Dũng.
Nồi Canh Sâu
Gần đây ông Sang tuyên bố: "Trước đây chỉ một con sâu làm rầu nồi canh, nay thì nhiều con sâu lắm. Nghe mà thấy xấu hổ, không nhẽ cứ để hoài như vậy. Mai kia người ta nói một bầy sâu, tất cả là sâu hết thì đâu có được. Một con sâu đã nguy hiểm rồi, một bầy sâu là 'chết' cái đất nước này". Một bạn trẻ thuộc phái nữ tuổi 22 hiện đang sống tại Hà Nội, mang biệt danh Hoahongcogai89 viết như sau: “mà bây giờ có cả một đàn sâu hàng trăm con ở TW (trung ương) đảng, thì nồi canh của dân tộc trở nên thúi hoắc, ăn vào chết liền.” Người viết xin diễn ý lại nhẹ nhàng và chính xác hơn “con sâu làm rầu nồi canh mà đảng Cộng sản như một nồi canh sâu, đổ nồi canh sâu không đúng chỗ không khéo còn gây ô nhiễm môi trường”.
Ai cũng biết Tấn Sang tuyên bố như trên là để công khai đánh vào lời Tấn Dũng hứa hẹn "Tôi kiên quyết và quyết liệt chống tham nhũng. Nếu tôi không chống được tham nhũng, tôi xin từ chức ngay." Nói một đằng làm một nẻo chính Tấn Sang lại công khai đề nghị Tấn Dũng nhận lãnh thêm một nhiệm kỳ Thủ Tướng.
Tấn Sang chỉ giỏi hứa hẹn
Tấn Sang thường hứa hẹn với bà con “cử tri” nào là chính phủ sẽ ổn định lạm phát, sẽ cho tăng lương hay sẽ cấu trúc lại nền kinh tế quốc doanh... Nhưng lạm phát vẫn cao, tiền lương vẫn không đủ sống và nền kinh tế luôn đi vào khủng hỏang. Tội không phải chỉ tại Tấn Dũng kém tài, kém đức. Mà tội chính từ hệ thống chính trị cộng sản đã quá lỗi thời không thể sửa đổi. Hệ thống này đàn áp tiếng nói bất đồng, phá họai môi trường tài nguyên đất nước, vay mượn tiêu pha lãng phí mà không nâng cao được đời sống tinh thần và vật chất của người dân, đó là tội mà nhà cầm quyền cộng sản đều phải chịu trách nhiệm.
Trong cái hệ thống này Tấn Sang giữ vai trò chính trị vì thế trách nhiệm đương nhiên phải nặng hơn. Chưa thấy Tấn Sang nhận trách nhiệm, chỉ thấy ông ta hứa nhưng ngầm quy trách Tấn Dũng đã không hòan tất trách nhiệm đảng giao.
Ở các nước dân chủ bằng lá phiếu người dân sẽ trừng trị cả Tấn Dũng lẫn Tấn Sang để chọn ra những người xứng đáng hơn. Dưới chế độ cộng sản kẻ có tội vẫn không nhận trách nhiệm vì thế Việt Nam mới càng ngày càng tụt hậu. Trong bài viết tới người viết sẽ chia sẻ bạn đọc đề tài “Tấn Sang bảo thủ hơn Tấn Dũng”.
Tấn Sang Theo Đuôi Tấn Dũng
Bị Trung cộng chơi xấu lấn ép không cho khai thác tài nguyên trên thềm lục địa Việt Nam, thiếu tiền nuôi tập đoàn cộng sản, Tấn Dũng mới cho loan báo việc tàu Trung cộng cắt cáp tàu Bình Minh. Nhờ thế Tấn Sang mới có cơ hội đi đây đi đó tuyên bố này nọ để không ít người cho rằng ông là Boris Yeltsin của Việt Nam. Thực ra mọi quyết định, mọi hành động của Tấn Sang và Tấn Dũng đều được sự đồng ý của đa số Bộ Chính Trị. Mà Tấn Dũng lại nắm Bộ Chính Trị nên Tấn Dũng luôn là người chủ động xuất chiêu.
Gần đây trước Quốc Hội, Tấn Dũng chính thức xác nhận quần đảo Hoàng Sa và một số đảo ở Trường Sa đã bị quân đội Trung cộng dùng quân sự chiếm đóng. Phía bên dưới Hội Trường cả Tấn Sang lẫn Phú Trọng đều vỗ tay tán thành lời tuyên bố. Điều này cho thấy đã có một sự thu xếp từ bên trong, người chủ động và đột phá từ bên trong chính là Tấn Dũng. Nếu Tấn Dũng không phải là người nắm Bộ Chính Trị, ông sẽ không đủ thực quyền làm việc trên.
Ngay sau đó Tấn Sang làm một chuyến công du các tỉnh biên giới phía Bắc, tới nhiều địa điểm như thác Bản Giốc để chụp hình quảng cáo. Lạ một điều đến giờ phút này những người cộng sản mới quan tâm đến những địa điểm đã mất vào tay giặc Tàu xâm lược như Hòang Sa, Trường Sa, Bản Giốc? Trên diễn đàn cá nhân, Nguyễn Tấn Dũng dám công khai tuyên bố chính sách của ông về Biển Đông là ngọai giao và quân sự. Ông nêu rõ việc làm cụ thể là “ký hợp đồng với Nga mua các tàu ngầm, máy bay chiến đấu Mic 29 và các loại vũ khí hạng nặng khác về trang bị cho Quân đội Việt Nam”.
Còn Tấn Sang thường chỉ tuyên bố chung chung không đi vào chi tiết theo kiểu chính trị và ngọai giao. Mà chính trị của đảng Cộng sản thì quá rõ “theo Tàu bán nước”. Còn ngọai giao cũng không lấy gì làm sáng sủa. Trước hội nghị thường niên Khối APEC, đầu tháng 11-2011, Trương Tấn Sang tỏ vẻ vồn vã với Tổng Thống Obama và công khai ngỏ lời cảm ơn Hoa Kỳ vì nước này quan tâm đến tranh chấp trên Biển Đông. Nghe đâu Trương Tấn Sang có tìm đến bắt tay Tổng Thống Hoa Kỳ Obama xin chụp hình nhưng ông Obama làm ngơ không đáp trả. Rất có thể tin đồn này là sự thật vì Tấn Sang vốn thích chụp hình nhưng không thấy bức hình nào bắt tay với Tổng Thống Obama. Và nếu đây là sự thật thì là một dấu hiệu chua chát cho Tấn Sang nói riêng và đảng Cộng sản nói chung.
Điều rõ nhất là Hoa Kỳ công khai tỏ thái độ lạnh nhạt luôn nhắc Việt Nam phải cải thiện tình trạng nhân quyền.
Tập Cận Bình được người Việt đón tiếp
Ngay khi tin Phó Chủ Tịch Quân Ủy Trung Ương Đảng Cộng Sản Trung cộng - Tập Cận Bình - sẽ sang Việt Nam vừa được loan báo thì Phong Trào Tòan Dân Cứu Nước đón ông bằng cách cho bốc cháy tòa tháp đôi tại Hà Nội. Phong Trào cho biết không thể tiếp tục đấu tranh ôn hòa bất bạo động với giặc Tàu và Việt gian bán nước. Cần đốt phá tạo nên “bất ổn chính trị”, để tạo điều kiện cho tòan dân đứng lên cứu quốc. Không biết thực hư ra sao nhưng đương nhiên công an hai đảng Cộng sản Việt Trung sẽ phải mất ăn mất ngủ để bảo vệ an ninh cho Tập Cận Bình.
Cô Trịnh Kim Tiến người mang nặng “thù nhà nợ nước” cũng đón Tập Cận Bình bằng một hình ảo đầy ý nghĩa. Cô đứng trướ cửa Tòa Đại Sứ Trung Cộng, đứng trên “cờ đỏ sao vàng” với dấu hiệu cắt cái lưỡi bò liếm ra biển Đông. Trên nóc tòa Đại Sứ là một hình ảnh tương tự. Trịnh Kim Tiến xứng đáng đại diện cho tiếng nói của giới trẻ Việt Nam Yêu Nước.
Ai Là Người Được Quan Thầy Trung Cộng Chiếu Cố?
Sau vụ tàu Trung cộng tấn công tàu Bình Minh, Ủy viên Quốc vụ Viện Trung cộng Đới Bỉnh Quốc loan báo sẽ sang thăm Việt Nam. Trong lần tiếp Đới Bỉnh Quốc, Nguyễn Tấn Dũng ăn mặc rập khuôn người đồng chí anh em. Hình ảnh được truyền đi khắp nơi và nhiều người cho biết Tấn Dũng trông không ra thể thống gì. Rồi trước báo giới ông phải bày tỏ tấm lòng “luôn ghi nhớ sự giúp đỡ to lớn của Đảng, Nhà nước và nhân dân Trung Quốc đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc…”
Tấn Dũng đã chính thức tuyên bố Hòang Sa và nhiều đảo ở Trường Sa đã bị Trung cộng chiếm đóng. Lời tuyên bố của Tấn Dũng trái ngược với quan điểm Trung cộng cho rằng Biển Đông thuộc chủ quyền không thể tranh cãi. Chắc chắn Tập Cận Bình sẽ đặt vấn đề này với Tấn Dũng. Quan sát chuyến đi sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn về hình tình đất nước.
Ai Đàn Áp Người Yêu Nước Biểu Tình?
Vì sợ Cách Mạng Hoa Lài cả Tấn Dũng lẫn Tấn Sang đều không muốn người dân biểu tình vì bất cứ lý do gì. Câu hỏi đặt ra là ai đã ra lệnh đàn áp người biểu tình ?
Trong lần biểu tình đầu tiên tại Sài Gòn số người tham dự rất cao có thể lên 7 ngàn người. Cuộc biểu tình lại rất uyển chuyển và như có tổ chức ngầm đứng đằng sau. Đến cuộc biểu tình thứ 2 thì công an Sài Gòn xuống tay đàn áp. Sau đó chỉ là những cuộc biểu tình thầm lặng. Trong khi tại Hà Nội các cuộc biểu tình vẫn tiếp diễn đến lần thứ 12.
Điều này chỉ rõ việc đàn áp bắt bớ người tùy thuộc vào công an thành phố (Sài Gòn hay Hà Nội). Trong một thời gian dài Trương Tấn Sang từng giữ các chức vụ cao cấp nhất Sài Gòn như Chủ tịch Ủy ban Nhân dân và Bí thư Thành ủy Sài Gòn. Hiện tại Tấn Sang là Đại Biểu khu vực Sài Gòn. Thế nên Sài Gòn thuộc khu vực ảnh hưởng lâu dài của Tấn Sang. Còn Tấn Dũng khu vực ảnh hưởng là tại miền Tây.
Giới chức của thành phố Hà Nội không ưa gì dân Nam Bộ, thế nhưng họ lại ghét Tấn Dũng vì thế Tấn Sang cũng phần nào được sự ủng hộ của Hà Nội. Cuộc biểu tình “Ủng Hộ Thủ Tướng Ra Luật Biểu Tình” đã bị dẹp từ bên trong và ngay lúc khởi phát cho thấy Tấn Sang chính là người ra lệnh hay ảnh hưởng đến việc đàn áp người biểu tình yêu nước.
Gorbachev - Boris Yeltsin
Đảng Cộng Sản Việt Nam hiện nay đang gặp khủng hoảng tòan diện như tình trạng đảng Cộng Sản Liên Sô hơn 20 năm về trước. Khi ấy Gorbachev, Tổng bí thư cuối cùng của đảng Cộng Sản Nga, là một người cộng sản cấp tiến. Ông muốn cải cách hệ thống chính trị để đảng Cộng Sản Liên Sô có thể tiếp tục duy trì độc đảng. Cuộc cải cách của ông không được sự ủng hộ của các đảng viên muốn có thay đổi thực sự. Những người muốn thay đổi thực sự đã ủng hộ Boris Yeltsin vận động quần chúng đứng lên lật đổ chế độ cộng sản. Chủ trương của Boris Yeltsin hết sức rõ ràng: "Cộng sản không bao giờ thay đổi. Chúng chỉ có thể bị thay thế".
Trong trường hợp Việt Nam, Diễn biến hòa bình trong “Đảng”, Đấu Tranh Dân Chủ ở ngoài dân, sức ép vô lý của nhà cầm quyền Bắc Kinh và sự thay đổi chiến lược Hoa Kỳ là những yếu tố dẫn đến việc Tấn Sang và Tấn Dũng phải đóng kịch như ông Thiện ông ác.
Chưa có một dấu hiệu nào cho thấy Tấn Sang là người có đầu óc canh tân “Đảng” như Gorbachev, nói gì đến việc thay đổi thể chế như Boris Yeltsin. Bài tới người viết sẽ chia sẻ cùng bạn đọc để thấy Tấn Sang còn bảo thủ hơn cả Tấn Dũng.
Trước đây mọi tin tức nội bộ Bộ Chính Trị đều được giữ kín. Ngay cả những cuộc thanh trừng hay giết nhau bên ngoài vẫn không hề biết đến. Mười năm trước cộng sản phải sử dụng hình thức tung tin như Tài liệu Tổng Cục 2 cho biết Tấn Sang là gián điệp cho Hoa Kỳ. Ngày nay họ phải công khai đấu đá tạo ra hình ảnh thiện ác trong Bộ Chính Trị. Vẫn biết họ đang đóng tuồng và vở tuồng càng ngày càng biến thành sự thực. Có tin đồn Nguyễn Phú Trọng bị bịnh tim và có thể chết bất cứ lúc nào hay có thể mất khả năng làm việc, tạo ra khủng hoảng nhân sự và cuộc đấu giữa ông thiện ông ác sẽ trở nên khốc liệt hơn. Sang năm 2012 chúng ta cần sáng suốt và chủ động để biến giả thành thật mang tự do dân chủ đến cho Việt Nam.
Nhân dịp cuối năm người viết xin gởi đến bạn đọc và gia đình một năm mới vạn sự như ý và chia sẻ ước mong tự do dân chủ sớm được thực hiện trên quê hương Việt Nam để nhà nhà muôn đời yên vui hạnh phúc.
Melbourne, Úc Đại Lợi
20/12/2011
gửi Dân Làm Báo