Minh Văn (danlambao) - Đinh Mùi [1427], Lê Thái Tổ lãnh đạo cuộc kháng Minh thắng lợi rực rỡ, lên ngôi hoàng đế, nối lại quốc thống Đại Việt. Nguyễn Trãi viết Bình Ngô Đại Cáo, để nhà vua long trọng tuyên bố Đại Việt độc lập thực sự, nhân dân Đại Việt bắt đầu được an hưởng thái bình. Các vua kế vị như Lê Thái Tông, Lê Nhân Tông, nhất là vua Lê Thánh Tông, đã mở mang và phát triển Đại Việt lẫy lừng. Vua con Lê Hiến Tông của Thánh Tông, dẫu đoản mệnh, nhưng cũng nối được nghiệp nhà nghiệp nước, thời thịnh của Đại Việt kéo dài được khoảng 77 năm.
Vua cháu Lê Túc Tông, chỉ ở ngôi 1 năm, không con nối dõi, thế là bắt đầu thời mạt vận của họ Lê, tình cảnh đất nước Đại Việt thật bi thống! Hết vua lợn Lê Uy Mục làm mưa, kế vua quỷ Lê Tương Dực làm bão, nghênh ngang ngũng ngẵng ở Thăng Long một thuở, hậu quả làm tan nát Đại Việt. Còn đâu cảnh Thăng Long hoành tráng của những ngày Lê Thái Tổ vào thành Thăng Long. Còn đâu chuông trống tràng thành rung động dòng sông Nhị Hà, hòa quyện và cộng hưởng tâm can bao người dân nước Việt, với bản tuyên ngôn Bình Ngô đại cáo. Còn đâu những ngày dân Việt được sống an bình trong luật pháp Hồng Đức nhân bản. Còn đâu những buổi bình thơ luận văn của “Hội tao đàn Nhị thập bát tú” ở Thăng Long, mà nhà vua là một trong những sao khuê rực sáng, thúc giục bao người con ưu tú của Đại Việt quyết vun bồi nguyên khí nước nhà...
Thay vào đó, triều Lê Chiêu Tông là triều vua tiếp nối những chính sự thất nhân tâm của Uy Mục, Tương Dực. Trần Cảo lại nổi loạn, tiếp đến Trịnh Duy Sản lộng quyền, để rồi quân chẳng ra quân, cướp chẳng ra cướp, đó là những lực lượng vô chính phủ ra vào Thăng Long nườm nượp. Vua chạy một đường, quan trôi một nẻo,... Loạn!. Loạn sứ quân lại tái diễn, tệ cát cứ lại làm khổ dân đen. Những “sứ quân’’ bắt đầu nổi lên như nấm. Ai mạnh và may mắn thì chộp lấy vua, giương cờ thiên tử và ồ ạt đưa quân vào kinh thành, dân chúng kinh thành cũng như ở các trấn tan tác như chim vỡ tổ, thống khổ điêu linh…
Quyền thần cơ hội Mạc Đăng Dung, xuất thân lực sĩ, có thực tài nhưng đã không thực lòng với nhà Lê, bắt đầu nhảy lên vũ đài chính trị…K hông bao lâu, sau 100 năm nhà hậu Lê trị vì, vào năm Đinh Hợi [1527] Mạc Đăng Dung sớm trở thành An Hưng Vương, ép vua Lê ban chiếu nhường ngôi, do Đông các đại học sĩ Nguyễn Văn Thái thảo ngay ở điện Kính Thiên, trở thành Mạc hoàng đế Đại Việt, bắt đầu giai đoạn quốc thống bị hoen ố, thậm chí bị ô nhục.
Tại sao? Chẳng qua vì họ Mạc bất nghĩa, tham tàn nên lòng người còn hoài Lê bất phục họ Mạc. Những người trung nghĩa, những bậc trí thức khoa bảng lại đi ở ẩn, những tướng tài vượt biên giới tạm lánh ở lân bang… Hoàng đế Mạc Đăng Dung chưa yên trên ngai vàng ở Thăng Long, chỉ ba năm thôi, đã có An Thành Hầu Nguyễn Kim, người Tống Sơn Thanh Hóa, trốn qua Ai Lao, được vua Sạ Đẩu của Ai Lao, còn nặng nghĩa tình với nhà Lê, tạo điều kiện đứng chân ở Sầm Châu, nuôi dưỡng sĩ tốt, chiêu nạp anh hùng nghĩa sĩ đang chạy trốn gông cùm nhà Mạc, tìm con cháu họ Lê để mưu khôi phục dòng vua bị tuyệt.
Hoàng đế tiếm ngôi Mạc Đăng Dung tuổi cũng đã già, trong tim đen của y, thấy sợ, không sợ mất nước mà sợ mất quyền lợi, vì y là kẻ không học đạo thánh hiền, nhờ sức mạnh của bắp thịt phường chài làm nên “sự nghiệp ” đấy thôi… Chỉ mới ba năm trên ngai vàng đã vội truyền ngôi cho con là Mạc Đăng Doanh, tự xưng Thái Thượng Hoàng, ra ở điện Tường Quang, trông coi việc đánh bắt thủy sản, ung dung tự tại, ngao du đây đó, vui thú riêng mình. Đó chỉ là bề ngoài với vỏ bọc “ngụy quân tử” chứ bề trong thái thượng hoàng quá ư nhỏ nhen, sợ mất “thành quả đạt được” trong bao năm “tranh bá đồ vương”, giờ có quyền và lợi cho gia đình nhà Mạc, cùng bè đảng “còn Mạc còn ta”. Y và bè đảng đã coi sơn hà xã tắc là hàng hóa, đem ngã giá với thiên triều Minh nhằm tọa hưởng đỉnh chung ở Thăng Long. Thật vậy, Đại Việt Sử ký toàn thư đã chép lại một số việc làm rất ư vô liêm sĩ của hoàng đế Mạc Đăng Dung như sau: “Mậu Tý[1528], (Mạc tiếm hiệu Minh Đức năm thứ 2; Minh Gia Tĩnh năm thứ 7)…
Đăng Dung sai người sang Yên Kinh báo với nhà Minh rằng: Con cháu họ Lê không còn ai thừa tự nữa, dặn lại cho đại thần là họ Mạc tạm coi việc nước, cai trị dân chúng. Vua Minh không tin, bí mật sai người sang dò thăm tin tức trong nước, xét hỏi duyên do, ngầm tìm con cháu họ Lê để lập nên. Họ Mạc thường trả lời bằng những lời lẽ văn hoa, lại đem nhiều vàng bạc đút lót. Đến khi sứ giả về, mật tâu là con cháu họ Lê đã hết, không ai nối ngôi được, đã ủy thác cho họ Mạc. Người trong nước đã tôn phục và theo về họ Mạc cả. Vua Minh mắng không nghe, Đăng Dung sợ nhà Minh hỏi tội, bèn lập mưu cắt đất dâng hai châu Quy, Thuận và hai tượng người bằng vàng và bạc cùng châu báu, của lạ, vật lạ. Vua Minh thu nhận. Từ đấy Nam Bắc lại thông sứ đi lại” (sđd, tập III, tr. 111).
Thiên triều Minh, máu bành trướng Đại Hán, đời nào thương họ Lê và muốn giúp nhân dân Đại Việt. Chẳng qua cho gián điệp qua nắm tình hình để mưu đồ xâm lược, thấy chưa tiện tiến hành xâm lược thì mặc cả kiểu con buôn. Bằng chứng hoàng đế Mạc Đăng Dung bắt đầu “mãi quốc” rất bài bản, lệnh các “trí thức” dùng ngòi bút viết biểu nịnh thiên triều, nịnh không xong thì đút lót các sứ giả bằng tiền thuế của dân đen. Bọn sứ giả tham lam cùng lũ mãi quốc làm sao qua mặt Minh Tư Tông tham tàn, đành bấm bụng chịu cảnh “chó tha ra mèo cắp lấy”, khi phải dâng hai tượng làm bằng vàng bạc, châu báu, của ngon vật lạ. Thật ra những “cống phẩm” ấy là do dân Việt phải đổi bằng mồ hôi, nước mắt, máu xương… tạo ra để nộp cho tham-ngu hoàng đế họ Mạc mang đi cống nạp thiên triều!
Bỉ ổi hơn, tội ác tày trời hơn là Mạc hoàng đế đã cam tâm đổi tên hai châu nào đó ở biên giới phía Bắc thành châu Quy, châu Hóa, thành “món hàng đắt giá” để mặc cả, cuối cùng cắt khỏi Đại Việt để dâng cho Đại Minh, thế là thiên triều tạm “vui vẻ hòa hiếu”, tức hữu nghị, với Đại Việt thời Mạc. Ôi, tiền nhân hy sinh lợi riêng, dẫu lòng riêng đau đớn tột cùng, gạt nước mắt nhận hai châu Ô, Rí , đổi thành châu Thuận, châu Hóa để mở mang bờ cõi, đất nước, thề mà bè đảng Mạc lại biến hai châu biên giới phía Bắc thành châu Qui, châu Thuận để đổi lấy quyền lợi, bất chấp nhân dân, bất chấp tổ quốc! Rõ tội cho hai anh em Trịnh Ngung, Trịnh Ngang, bề tôi cũ của nhà Lê, chắc cũng có ăn học nhưng chưa thuộc lòng sử Việt, ăn bã viễn mơ của Trần Ích Tắc, Trần Kiện… chạy sang nhà Minh tố cáo Mạc Đăng Dung, tức là cầu viện nhà Minh, vô tình kích thích máu bành trướng trong tim đen của thiên triều…
Lòng tham vô đáy, trong AND của vua Minh có bản sao mã của “Hán đế-Mã Viện”, cho nên họ có để yên cho Đại Việt đâu; thường cử sứ giả qua qua lại lại như đi chợ, bề ngoài nói nói cười cười, thi lễ nhau rất là “hữu nghị thắm thiết” nhưng bề trong “moi móc tim đen” của nhau. Kết quả buồn cho Đại Việt là thái thượng hoàng vô liêm sĩ Mạc Đăng Dung đã làm nhục quốc thống Đại Việt khi “bán danh ba đồng” cho thiên triều Minh như ĐVSKTT đã chép:
“Canh Tý, [Nguyên Hòa] năm thứ 7 [1540], (Mạc Đại Chính năm thứ 10; Minh Gia Tĩnh năm thứ 18)…
Mùa đông tháng 11, Mạc Đăng Dung cùng với cháu là Văn Minh và bề tôi là bọn Nguyễn Như Quế, Đỗ Chế Khanh, Đặng Văn Tri, Lê Thuyên, Nguyễn Tổng, Tô Văn Tốc, Nguyễn Kinh Tế, Dương Duy Nhất, Bùi Trí Vĩnh, qua Trấn Nam Quan, mỗi người đều cầm thước, buộc dây ở cổ, đi chân không đến phủ phục trước mạc phủ của quân Minh quỳ gối, cúi đầu dâng tờ biểu đầu hàng, nộp hết sổ sách về đất đai, quân dân và quan chức cả nước để chờ phân xử, dâng các động Tê Phù, Kim Lặc, Cổ Sâm, Liễu Cát, An Lương, La Phù của châu Vĩnh An trấn Yên Quảng, xin cho nội thuộc vào Khâm Châu. Lại xin ban chính sóc, cho ấn chương, để kính cẩn coi giữ việc nước và chờ lệnh thay đổi hay quyết định khác. Lại sai bọn Văn Minh và Nguyễn Văn Thái, Hứa Tam Tĩnh mang biểu sang đầu hàng Yên Kinh” (sđd, tr. Tập III, tr. 121).
Minh Tư Tông (người mua) Mạc Đăng Dung (người bán) - (tranh) (tượng ở chùa Trà Phương Hải Phòng)
Đại Việt không thể là “món hàng” của lũ “mãi quốc cầu vinh”, hơn ai hết thái thượng hoàng Mạc Đăng Dung thừa biết nhân dân Đại Việt không phục họ Mạc, và tất nhiên không bao giờ khuất phục nhà Minh. Không có người giúp rập, họ Mạc thường xuyên mở khoa thi, tất nhiên vẫn có người ứng thí để vào chốn quan trường của họ Mạc. Một số thành phường “giá áo túi cơm”, “ngậm miệng qua ải” để “vinh thân phì gia”, nước mất hay nước nhục thì mặc kệ, miễn bản thân và gia đình được “chăn êm nệm ấm”, võng lọng ngựa xe, …Nhưng cũng có những người khoa bảng, tạm “ngậm đắng hưởng chút lương quèn”, sống đời kẻ sĩ, vẫn làm việc để giữ gìn văn hóa, kẻo thời loạn xã hội chóng suy đồi, tiêu mòn nguyên khí, khi có điều kiện họ sẵn sàng treo ấn từ quan, giỏ cơm bầu nước, lội suối băng rừng để đến với cờ đại nghĩa đã phất từ xứ Sầm Châu.
Mừng thay, phúc thay cho Đại Việt, Nguyễn Kim đã tìm được cháu năm đời của vua Lê Thánh Tông, húy là Ninh, trốn ở Thanh hóa, rước qua Sầm Châu tôn lập Trang Tông Dụ hoàng đế, vào mùa xuân tháng giêng năm Quý Tỵ [1533]. Sự kiện này tối quan trọng về mặt đối nội cũng như đối ngoại. Trong nước đã có vua, thế là anh hùng hào kiệt bốn phương tụ hội, những hiền sĩ đang tiểu ẩn ở nơi heo hút hay đại ẩn ở ngay Thăng long đã lần lượt đến với cờ nghĩa.
Thiên triều Minh nắm chắc sự kiện này, không vội đưa quân xâm lược Đại Việt nên tạm nhận những phần đất mà họ Mạc đem bán và nhận sự nội phụ rất ô nhục của thái thượng hoàng tham-ngu Mạc Đăng Dung. Vậy về mặt chính danh, Mạc Đăng Dung không đủ tư cách dâng Đại Việt cho Đại Minh. Trong tim đen của những cáo già thâm hiểm ở Yên Kinh, biết dân Việt đã có chủ soái, hậu duệ của Lê Lợi, nên phải kềm chế để hưởng “vật phẩm cống nạp béo bỡ”, tạo điều kiện cho Đại Việt bước vào thời kỳ Nam-Bắc triều phân tranh, rồi Trịnh-Nguyễn phân tranh, nồi da xáo thịt, huynh đệ tương tàn, đất nước yếu về mọi mặt, khi ấy không hao binh tổn tướng, thiên triều sẽ đưa nước Việt vào ách Bắc thuộc vậy.
Như một công lệ của lịch sử, đúng năm Kỷ Hợi (1593), vua nhà Lê trung hưng về lại Thăng Long, họ nhà Mạc phải rời khỏi Thăng Long, vớt vát chút “quyền lợi” ở Cao Bằng Lạng Sơn, tiếp tục bán những phần đất của tổ quốc cho nhà Minh để hưởng lạc.
Toàn cảnh Ải Nam Quan (1940), chứng kiến bao sự kiện buồn vui của sử Việt
Ôn cố tri tân là việc thường làm của sử học và học sử. Khi nghiên cứu sử học và học sử có triết học soi sáng, tất nhiên phải triết học thật sự chứ không phải loại triết học đã bị nhân loại chối bỏ, thì triết sử giúp lý giải vấn đề rõ ràng và có thể dự đoán tương lai.
Bài viết này ôn lại một giai đoạn lịch sử đau thương, ô nhục… của dân tộc Việt; đó là thời nhà Mạc cướp ngôi nhà Lê, ngự trị ở Thăng Long từ năm Đinh Hợi (1527) đến năm Kỷ Hợi (1593), gây nạn phân tranh Nam-Bắc triều. Như một công lệ của lịch sử, đúng năm Kỷ Hợi (1593), vua nhà Lê trung hưng về lại Thăng Long, họ nhà Mạc phải rời khỏi Thăng Long, vớt vát chút “quyền lợi” ở Cao Bằng Lạng Sơn, tiếp tục bán những phần đất của tổ quốc cho nhà Minh để hưởng lạc. Người viết nghĩ rằng bằng dịch lý, chiếu sâu vào lịch sử để suy ngẫm, quí độc giả có thể dự đoán trạng huống của đất nước mình trong một thập kỷ sắp tới. Có điều chắc chắn rằng những phường “mãi quốc cầu vinh” như Trần Ích Tắc, Mạc Đăng Dung, Lê Chiêu Thống,…không bao giờ toại nguyện. Bọn họ chỉ “xênh xang” xe ngựa một thời, coi đồng bào mình như rác, còn với đại lân bang Bắc phương thì họ “cúi lòn” hơn cả Hàn Tín, vì “chủ nghĩa” của họ là “quyền lợi” và họ quên rằng rốt cục bọn họ sẽ bại vong và tên tuổi của họ sẽ “lưu xú vạn niên”.