Thanh Hà (RFI) - Trong những tiểu thuyết gây chú ý trong số hơn 600 tác phẩm văn học ra mắt độc giả mùa khai giảng năm nay, phải kể đến quyển tiểu thuyết "Sanctuaire du Coeur", tựa tiếng Việt là Hậu Cung của nhà văn Dương Thu Hương, do nhà xuất bản Sabine Wespieser phát hành.
Trong hơn 700 trang, tác giả của những tựa sách như Thiên Đường Mù, Bên Kia Bờ Ảo Vọng hay Đỉnh Cao Chói Lọi ... kể lại câu chuyện xoay quanh nhân vật chính là Thanh. Hậu cung mở ra với một bức điện tín : đứa con trai duy nhất của cô giáo Yến vơ vét hết tiền của và bỏ nhà ra đi.
Thanh vừa tròn 16 tuổi, là một học sinh giỏi đầy tương lai và là một đứa con ngoan trong một gia đình danh giá ở Lan Giang, miền bắc Việt Nam. Động lực nào đã lôi "cậu ấm" Thanh ra khỏi chăm ấm đệm êm của gia đình để phiêu bạt vào mãi tận Nha Trang, Sài Gòn hay Vũng Tàu ? 14 năm sau, độc giả gặp lại Thanh ở Vũng Tàu và ngược thời gian, từng bước theo dõi cuộc « vào đời" của Thanh. 14 năm trôi qua, không hơn không kém là cuộc hành trình của một kẻ lún sâu vào địa ngục. Thanh nếm mùi tù tội, đói rét, trước khi nhắm mắt bước vào nghề mại dâm để giúp các bà các cô đã đứng tuổi giải tỏa những ẩn ức về xác thịt.
Trong cuộc lặn ngụp ấy, cậu con trai nhà lành này đã va chạm với tực tế xã hội qua những gương mặt như Phú Vương, thằng bạn dẫn đường cùng Thanh chạy trốn khỏi Lan Giang ; Bé, một cô gái quê mà tên tuổi như gắn liền với thành phố Nha Trang ; Ngót, cô hàng bán bắp lam lũ, thoáng qua cuộc đời Thanh như một giọt nước làm dịu cơn nắng nóng giữa trưa hè ; ông Khoan, chủ nhà chứa và cũng là người giúp cho Thanh "đổi đời".
Tại căn nhà của ông Khoan, Thanh đã lọt vào mắt xanh của một nữ doanh nhân giàu có và đầy quyền lực. Kim bằng tuổi cô giáo Yến, mẹ của Thanh. Điều không cấm cản Kim đưa Thanh về căn biệt thự sang trọng ở Vũng Tàu, nơi họ dự kiến xây dựng tổ ấm. Cuộc sống bề ngoài quá dư thừa về vật chất với Kim không đủ để lấp đi những khoảng trống trong tâm hồn của kẻ "nô lệ của tình dục".
Dương Thu Hương trong tiểu thuyết "Sanctuaire du Cœur" đã phác họa ra một bức tranh xã hội Việt Nam ngày hôm nay qua thân phận của rất nhiều các nhân vật. Đó là một xã hội nơi mà « tình, tiền và quyền lực » là trên hết. Nhưng bên cạnh cuộc sống ồn ào, khi thì hào nhoáng- như đối với Kim hay Bikki- khi thì cơ cực như đối với vợ chồng chú Đoàn, cô Ngát-, người đọc cảm nhận thấy được sự cô đơn rất lớn trong mỗi con người, cũng như là một sự bế tắc đối với cả một thế hệ trẻ. Thanh trong cuộc vào đời đã đánh mất tuổi thơi với tất cả những kỷ niệm đẹp - từ hương bưởi sau nhà đến những cử chỉ dịu dàng của người mẹ yêu, hay mối tình hồn nhiên và trong trắng dành cho Trà My- nhưng không thể tìm ra được một mảnh đất yên bình để xây dựng tương lai.
Tác giả cũng đã đưa vào tiểu thuyết mới nhất của bà nhiều khía cạnh khác nhau trong hình ảnh người phụ nữ Việt Nam : đấy là thân phận của Ngót, của cô giáo Yến, cô giáo Na, của chị Hải hay cô Hòa, những người đàn bà chịu thương chịu khó và nhẫn nhục. Họ phải hy sinh nhiều và thường bị tổn thương vì một xã hội còn phong kiến và của một tầng lớp đạo đức giả được Dương Thu Hương lồng vào các nhân vật như ông giáo Thi, nhà thơ Hoàng Vương … Lối thoát duy nhất đối với những người có điều kiện -như Kim, Bikki hay bà cụ già tóc bạc phơ mà Thanh đã gặp ở những chương cuối của cuốn tiểu thuyết- là tự mua lấy một sự bình đẳng nào đó đối với nam giới nhờ những chàng trai trẻ đẹp như Thanh hay Anh Nam …
Bằng một lối xếp đặt và dàn dựng khéo léo Dương Thu Hương đưa độc giả đi về giữa quá khứ với hiện tại. Người đọc không khỏi xúc động trước những mảnh đời trải dài qua nhiều thời đại, nhiều thế hệ khác nhau trong lịch sử Việt Nam, từ phong trào cải cách ruộng đất đến thời kỳ đánh tư sản, từ giai đoạn Đổi mới đến những năm tháng cuối cùng của thế kỷ XX. Bên cạnh những thực tế phũ phàng "Hậu Cung" của Dương Thu Hương không kém phần thơ mộng.
Giới phê bình Pháp nhìn chung đánh gia cao tác phẩm mới của Dương Thu Hương. Philippe Delaroche của tạp chí văn học Lire trong một cuộc phỏng vấn trên đài phát thanh France Culture từng xem đây là một cuộc hành trình đầy thú vị đưa độc giả đến với Việt Nam cho dù đôi khi ông bị lạc lối trong khu rừng rậm với quá nhiều nhân. Một nhà phê bình khác trên báo Télérama cũng cho rằng câu chuyện của Thanh có phần bị « loãng » trong cả một biển người mà Dương Thu Hương giới thiệu trong tiểu thuyết của bà.
Tuy nhiên nếu chúng ta xem "Sanctuaire du Cœu"r như là một bức họa tỉ mỉ về xã hội của Việt Nam ngày nay, thì có thể nói Dương Thu Hương như cầm kính hiển vi rọi vào một chi tiết nhỏ trong toàn cảnh xã hội của đất nước Việt Nam ngày nay qua mỗi nhân vật của bà. Trong khi chờ đợi tác phẩm "Sanctuaire du Cœur- Hậu Cung" của Dương Thu Hương được phát hành bằng tiếng Việt.