Thấy gì từ phiên tòa xử hai thành viên Phật Giáo Hòa Hảo ở Chợ Mới - An Giang? - Dân Làm Báo

Thấy gì từ phiên tòa xử hai thành viên Phật Giáo Hòa Hảo ở Chợ Mới - An Giang?

Quang Minh Dũng (danlambao) - Ngày 13.12.2011, Tòa án huyện Chợ Mới - An Giang đã xét xử hai thành viên của Giáo Hội Phật Giáo Hòa Hảo là ông Nguyễn Văn Lía và ông Trần Hoài Ân. Tội danh mà phía nhà cầm quyền Việt Nam áp dụng để phạt tù là: "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân".

Phiên tòa diễn ra ngay ở huyện Chợ Mới - An Giang được coi như là "Thánh Địa" của Giáo hội Phật Giáo Hòa Hảo (GHPGHH). Đây không chỉ là một cuộc trình diễn dân chủ, nhân quyền cách giả tạo của nhà cầm quyền mà là một đòn tấn công hiểm độc vào GHPGHH. Phiên tòa này nhằm gieo rắc sự sợ hãi cũng như là khủng bố tinh thần cho các thành viên khác của GHPGHH hơn là thực thi pháp luật công minh. 

Ảnh: ông Nguyễn Văn Lía

Một số đồng đạo khác được coi là đồng phạm của hai ông Lía và Ân đã không được tham gia phiên tòa. An ninh xiết chặt quanh khu vực trụ sở tòa án. Không một thành viên nào khác của GHPGHH tham dự phiên tòa này ngoài một số quần chúng "tự phát" do an ninh "sắp xếp". Người nhà của hai ông Nguyễn Văn Lía và Trần Hoài Ân luôn bị một nhóm người dọa nạt và khống chế khi ngồi theo dõi những diễn tiến trong phiên tòa. Một nguồn tin từ Long Xuyên cho hay là phía Tổng lãnh sự Hoa Kỳ ở Sài Gòn có đơn yêu cầu tham dự phiên tòa này nhưng đã bị tòa án tỉnh An Giang bác bỏ và từ chối. Như vậy là phiên tòa này cũng diễn ra trong cảnh tương tự như bao phiên xử có màu sắc chính trị khác gần đây. 

Một người thân của nạn nhân cho hay là có rất nhiều người chụp hình đeo bảng tên là "phóng viên" nhưng khi hỏi anh là phóng viên của báo nào thì người này không trả lời và lờ đi. Cuối ngày thì trên trang Thông tấn xã VN đăng tin này và báo NLĐ có đăng lại cũng từ nguồn của TTXVN. Đài truyền hình An Giang buổi tối ngày 13.12. 2011 cũng chạy tin này như một cách tuyên truyền xưa nay. 


Ảnh: ông Trần Hoài Ân - áo sơ mi trắng ngoài cùng

Không có một hãng tin độc lập nào tham dự phiên tòa chỉ có các an ninh giả dạng phóng viên các bản tin của TTXVN, đài truyền hình An Giang cũng do phía an ninh viết và cung cấp. 

Bản tin của TTXVN thì cho hay ông Lía bị bắt với tang vật là "15 cuốn sách, 64 đĩa (CD, VCD, DVD) và 36 bản tài liệu có nội dung vu cáo Nhà nước Việt Nam vi phạm nhân quyền, tự do tín ngưỡng". Như vậy cho thấy là các tang chứng vật chứng này chỉ liên quan đến các họat động tôn giáo và nhân quyền chứ không như là các vũ khí ghê gớm gì. Một loạt các tình tiết tăng nặng cho các nạn nhân như là trả lời phỏng vấn các đài báo nước ngoài, đòi các tài sản thuộc tài sản GHPGHH mà trong thực tế không một quy định pháp luật nào ngăn cấm người dân làm những chuyện này. 

Ảnh - Ông Trần Hoài Ân (áo trắng, phải) trong môt chuyến từ thiện cứu trợ đồng bào miền trung.

Bản án dành cho các nạn nhân cũng rất nặng nề. Ông Nguyễn Văn Lía bị nhà cầm quyền kết án 5 năm tù giam và 3 năm quản chế, ông Trần Hoài Ân bị 3 năm tù giam và 2 năm quản chế ở địa phương. 

Luật sư PHL từ Long Xuyên cho hay là các bị cáo bị khép các tội danh trong nhóm "chống nhà nước" thì luôn là nghiêm khắc. Khi lượng hình thì thường là cho "mút khung hình phạt" có kháng cáo thì Tòa phúc thẩm cũng y án. Và luôn luôn chấp hành cho đủ thời gian bị giam giữ không được giảm ngày nào. Về địa phương quản chế sau khi ở tù ra thì luôn luôn bị xoi mói và phải trình diện cho phía an ninh mỗi tháng một lần. Chắc chắn là trong trường hợp này sau khi mãn hạn tù nói trên khi về địa phương quản chế thì những kỳ giỗ Đức Hùynh Phú Sổ hay lễ lộc khác của GHPGHH sẽ không được tham dự và phải trình diện làm việc với an ninh. 




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo