Về hưu không phải là hình thức kỷ luật - Dân Làm Báo

Về hưu không phải là hình thức kỷ luật

Nguyễn Tường Thụy - Theo báo Pháp luật Việt nam, “Giám đốc CA tỉnh Quảng Ninh cho biết, đã ra quyết định kỷ luật (cảnh cáo – NTT ghi chú), cho nghỉ hưu đối với trung tá Nguyễn Văn Thưởng (SN 1963), điều tra viên Đội CSĐT tội phạm về trật tự xã hội CA thị xã Cẩm Phả, người bị báo PLVN phanh phui trong vụ “gạ tình” vợ bị can”.

Là một điều tra chính trong vụ án mua bán trái phép phụ nữ, trung tá Nguyễn Văn Thưởng đã nhiều lần gạ tình chị Bùi Thị Thảo (SN 1985), phường Cẩm Thủy thị xã Cẩm Phả tỉnh Quảng Ninh, là vợ bị can Nguyễn Hữu Tuân trong một vụ án. Trung tá Thưởng đã có hành vi sàm sỡ chị Thảo và hứa chạy án giúp Tuân với mức giá “mềm” với điều kiện chị Thảo phải vào nhà nghỉ “tâm sự” với ông ta. Viên trung tá công an này đã bị chị Thảo tố cáo với cơ quan báo chí.


Như vậy, với hành vi sàm sỡ, gạ tình, gạ tiền, hứa chạy án, bôi nhọ hình ảnh người chiến sĩ công an, trung tá Nguyễn Văn Thưởng chỉ bị cho về hưu. Còn quyết định cảnh cáo đưa ra chỉ là hình thức chứ thực ra, kỷ luật ở mức cảnh cáo chẳng có chẳng có nghĩa lý gì đối với một người không còn công tác. Nhẹ tênh.

Điều cần nói ở đây là để xử lý nội bộ, tránh ra pháp đường hầu tòa hoặc những hình thức xử lý thích đáng khác, người ta thường dùng cách “cho về hưu”. Nên nhớ, người về hưu là người đã hoàn thành nhiệm vụ, đủ thời gian đóng bảo hiểm, đã đến lúc được nghỉ ngơi. Dùng hình thức “cho về hưu” thay cho các hình thức xử lý khác, họ đã xúc phạm đến những người đã dành cả quãng đời khỏe mạnh để cống hiến cho xã hội.

Về hưu còn là một quyền lợi. Chính vì thế, có những trường hợp người ta xin về hưu trước tuổi, khai tăng tuổi để được về hưu sớm. Còn nhớ khi chính phủ Pháp thông báo kế hoạch tăng tuổi nghỉ hưu từ 60 lên 62 lập tức vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của người dân. Như vậy, việc cho viên trung tá kia về hưu sớm có khi còn là phần thưởng cho ông ta chứ không phải là kỷ luật.

Không thể xử lý sai phạm bằng cách cho về hưu. Về hưu không phải là một hình thức kỷ luật. Với một cán bộ sai phạm, có thể truy tố ra tòa án, hạ cấp bậc, đuổi ra khỏi ngành, thanh toán bảo hiểm một lần … Để xét kỷ luật một người nào đó, không thể nói chỉ cần cho về hưu là đủ chứ chưa tới mức sa thải… Đừng để trong hàng ngũ những người về hưu nhận thêm những người bị đuổi về.

18/12/2011

TƯỜNG THỤY


Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo