Nguyên Lê (SGTT.VN) - Tiền ngân sách hay tiền TKV – một doanh nghiệp nhà nước, thì cũng là tiền của dân, do dân đóng thuế mà ra. Nhưng chuyện “đầu tiên” này giúp sáng tỏ nhiều chuyện khác. Chưa tính đến những tác động tiêu cực có thể lên quốc phòng an ninh hay môi trường, càng ngày càng có cơ sở để nghi ngờ hiệu quả kinh tế của những dự án khai thác bôxít. Tự thân những van xin ưu đãi về thuế đến bảo lãnh tín dụng hay những “than khóc” về chuyện sẽ lỗ vốn nếu phải bỏ tiền ra làm đường có giá trị chứng minh cho sự nghi ngờ nói trên...
*
Bộ Giao thông vận tải vừa cho biết ngân sách nhà nước sẽ được dùng để làm lại quốc lộ 20, một trong hai con đường chính vận chuyển bôxít từ nhà máy Tân Rai, Lâm Đồng xuống cảng ở Đồng Nai (trong khi chưa có cảng Kê Gà).
Theo đó, quốc lộ này sẽ được làm trước đoạn từ ngã ba Dầu Giây giao với quốc lộ 1 ở huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai đến ngã ba giao với TL 725 thuộc địa phận thành phố Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng theo hình thức… xây dựng – chuyển giao (BT).
Cuối cùng thì sau một rừng thông tin, chuyện đầu tiên – tiền đâu, cũng sáng tỏ. Trước đó, đề xuất của bộ Giao thông vận tải, có sự “thống nhất” của chủ đầu tư dự án khai thác bôxít này – tập đoàn TKV – rằng nếu chưa bố trí được vốn thì sẽ làm theo hình thức BT nhưng TKV phải cam kết trả sau cả phần gốc và lợi nhuận hợp lý. Những tưởng, như lời ông Nguyễn Thanh Liêm, trưởng ban nhôm – titan thuộc TKV, rằng “TKV góp một phần, còn làm cả thì phải thu phí”. Những tưởng, như đề xuất của một số đại biểu Quốc hội và các địa phương, TKV phải bỏ tiền ra để làm, để chứng minh hiệu quả kinh tế của dự án mà tập đoàn này ra sức bảo vệ đã tính đúng, tính đủ các chi phí, trong đó có chi phí cho việc vận chuyển.
Cuối cùng thì ngân sách Nhà nước sẽ bỏ ra để làm đường vận chuyển bô-xit, thay vì TKV. Ảnh: Thanh Nhã
Tiền ngân sách hay tiền TKV – một doanh nghiệp nhà nước, thì cũng là tiền của dân, do dân đóng thuế mà ra. Nhưng chuyện “đầu tiên” này giúp sáng tỏ nhiều chuyện khác. Chưa tính đến những tác động tiêu cực có thể lên quốc phòng an ninh hay môi trường, càng ngày càng có cơ sở để nghi ngờ hiệu quả kinh tế của những dự án khai thác bôxít. Tự thân những van xin ưu đãi về thuế đến bảo lãnh tín dụng hay những “than khóc” về chuyện sẽ lỗ vốn nếu phải bỏ tiền ra làm đường có giá trị chứng minh cho sự nghi ngờ nói trên.
Trong quyết định “chủ chi” của bộ Giao thông vận tải, hẳn TKV sẽ rất biết ơn bộ này, khi thứ trưởng Trương Tấn Viên giải thích “bắt TKV đầu tư hết thì giá thành bôxít không chịu nổi và giảm hiệu quả dự án khai thác bôxít và cả kinh tế xã hội các địa phương liên quan”. Vì sao bộ Giao thông vận tải thay đổi quan điểm về nghĩa vụ góp vốn làm đường của TKV? Vì sao lại thay đổi theo cách bảo vệ hiệu quả đầu tư của TKV như vậy?
Câu trả lời, từ phía bộ Giao thông vận tải, có vẻ nằm ở chỗ bộ này cho rằng đó là quyết định “vì lợi ích kinh tế và nhu cầu dân sinh”. Lợi ích kinh tế, dưới góc nhìn của Đồng Nai, hẳn không gồm lợi ích địa phương vì chính nơi này từng đề nghị xe chở bôxít chỉ đi qua những con đường không thuộc quyền quản lý của mình do những quan ngại về trật tự an toàn giao thông. Nhu cầu dân sinh thì đã hẳn, ai không muốn có con đường to đẹp để đi. Nhưng đường to đẹp cùng với xe chở bôxít thì lại là một vấn đề khác. Tiếc rằng, trong chuyện này, họ không thể chủ động lựa chọn.
Bộ Giao thông vận tải nói quốc lộ 20 đã xuống cấp, nhà nước (bộ) đã có kế hoạch nâng cấp từ lâu nhưng thiếu vốn. Thực tế này kéo dài cho tới hiện nay, điều gì khiến nó thay đổi? Trọng lượng của bôxít chi phối nên quyết định mở hầu bao để con đường bôxít được hanh thông? Theo logic này, có khi người dân phải cám ơn TKV cùng những chuyến xe bôxít, nhờ đó mà họ có đường mới. Theo một logic khác, còn phải chờ xem những được – mất mà con đường bôxít mang lại.
Một quyết định – nhiều câu hỏi. Nhưng quyết định này là câu trả lời cho câu hỏi “Thế đã rồi của con đường bôxít?” mà báo Sài Gòn Tiếp Thị đặt ra trong bài viết số ra ngày 26.8.2011. Nó đã… rồi thật rồi!