Cắt cho ta, hãy cắt cho ta
Cắt cho ta sợi dài
Cắt cho ta sợi ngắn
Cắt cái sợi ăn gian
Cắt cái sợi nói dối
Sợi ăn cắp trên đầu
Sơi vu oan dưới gáy
Sợi bè phái đâm ngang
Sợi xích chiến xa, sợi dây thòng lọng
Sợi hưu chiến mỏng manh, sợi hận thù buộc chặt
Sợi nấp trong hầm
Sợi ngồi trong hố
Sợi đau xót như dây dù chẳng mở
Sợi treo cổ tình yêu, sợi trói tay hy vọng
Cắt cho ta,
Cắt cho ta, hãy cắt cho ta
Sợi Hà Nội khóc trong mưa
Sợi Sài Gòn buồn trong nắng
Sợi dạy học chán phè
Sợi làm thơ thiểu não
Sợi đặc như dùi cui
Sợi rỗng như khẩu hiệu
Sợi nhọn như lưỡi lê
Sợi cứng như dây thép gai
Sợi dầy như hỏa lực
Cắt cho ta,
Sợi mệt mỏi sau những tháng ngày hoan hô đả đảo
Sợi cháy đen như rừng núi Chu-prong
Sợi thở dài trong đêm cúp điện tối om
Sợi sát vào nhau đánh sáp lá cà
Sợi cắt non sông thành Bắc Nam, thành khu chiến
Sợi lên thẳng trực thăng
Sợi xuống ngầm địa hạ
Sợi đặt chông
Sợi gài mìn
Sợi bóp cò liên thanh
Sợi kéo xe đại bác
Sợi xót xa trên mặt nhăn tuổi trẻ
Sợi trên trán thơ ngây nằm im phục kích
Cắt cho ta,
Cắt cho ta, hãy cắt cho ta
Sợi bạc, sợi vàng, sợi tiền, sợi gạo
Sợi nhục, sợi lo, sợi đau, sợi chán
Sợi phản trắc đui mù, sợi đam mê cuồng vọng
Sợi chảy xuống má cha
Sợi vắt ngang trán mẹ
Sợi cắt đứt tim chồng
Sợi chặt đôi ruột vợ
Sợi nhố nhăng như cuộc đời
Sợi ngu si như lịch sử
Sợi đợi những ngón tay đi qua
Sợi đợi những ngón tay chẳng đến
Cắt cho ta,
Hãy cắt cho ta
Hãy cắt cho ta
Hãy cắt cho anh
Hãy cắt cho em
Hãy cắt cho vợ
Hãy cắt cho chồng
Hãy cắt cho con
Cho buổi tối quạnh hiu, cho mối tình sắp cũ
Cho đồng bào, cho người thân, người sơ
Cho ruột thịt
Cho cả nhữngthằ thằng sa đích phê bình văn nghệ rẻ tiền
Cho cả những thằng xẻo thịt non sông
Cho cả những thằng băm vằm tổ quốc
Cho chính bản thân ta bơi trong tội lỗi
Hãy cắt tóc
Hãy cắt tóc và nhìn
Mặt quê hương đổi mới.
*
Nhà thơ Nguyên Sa (sinh ngày 1 tháng 3 năm 1932 tại Hà Nội[1]- mất 18/4/1998) tên thật là Trần Bích Lan, còn có bút danh Hư Trúc. Ông là một nhà thơ lãng mạn Việt Nam nổi tiếng từ thập niên 1950, với những tác phẩm nổi danh như "Áo lụa Hà Đông", "Paris có gì lạ không em", "Tuổi mười ba", "Tháng Sáu trời mưa", v.v.
Năm 1953, ông đậu tú tái Pháp, lên Paris ghi danh học triết tại Đại học Sorbonne. Nhiều bài thơ nổi tiếng của ông được sáng tác trong thời gian này.
Năm 1975, ông di tản đi Pháp. Ba năm sau, ông và gia đình qua Hoa Kỳ và ở California từ đó cho tới ngày qua đời.
Ông mất ngày 18 tháng 4 năm 1998. (theo http://vi.wikipedia.org/wiki/Nguy%C3%AAn_Sa)