Phạm Hồng Sơn (pro&contra) - Mặc dù ở Việt Nam chưa có những đánh giá đầy đủ, hệ thống về tình trạng bạo lực trong xã hội, nhưng chỉ cần nhìn vào một số vụ án được dư luận chú ý gần đây thì có thể thấy xu hướng sử dụng bạo lực trong các quan hệ xã hội, đặc biệt là giữa người dân với người của chính quyền đang có chiều hướng trầm trọng thêm.
Gần đây nhất là vụ một gia đình nông dân, ngày 05/01/2012, ở Tiên Lãng, Hải Phòng đã chủ động tấn công lực lượng cưỡng chế đất bằng vũ khí nóng và vụ nổ lớn tại thành phố Thái Nguyên, ngày 07/01/2012, nhằm vào nhà riêng của Giám đốc công an tỉnh Thái Nguyên – một trong những cái “nôi cách mạng” với ATK (an toàn khu) Định Hóa nổi tiếng. Cả hai vụ án không hề liên quan với nhau, xảy ra cách nhau chưa đầy hai ngày, với cùng một cách thức dùng thuốc nổ nhằm vào mục tiêu là người thuộc lực lượng vũ trang bảo vệ và thực thi pháp luật. Nếu như trong vụ án tại Tiên Lãng những người nông dân đã phải viện tới bạo lực như cách thức tự vệ cuối cùng trong sự tuyệt vọng về công lý để bảo vệ danh dự và tài sản chính đáng cho gia đình của họ thì trong vụ án tại thành phố Thái Nguyên, động cơ và người chủ mưu vẫn chưa sáng tỏ. Rất may, cho tới nay cả hai vụ việc đều không có án mạng. Tuy nhiên, cả hai vụ đều là biểu hiện rõ của cách thức dùng bạo lực nhằm giải quyết vướng mắc, ẩn ức với người của chính quyền.
Bất kể ở đâu, thời nào khi người nông dân đã phải đứng lên để quyết sống mái với người của chính quyền một phen thì sự chính đáng, công chính của chính quyền đó cũng cần phải được xem xét lại. Bất kể động cơ nào, người nào đã đưa được khối thuốc nổ tới sát nhà của một chỉ huy lực lượng vũ trang tại một vùng trọng yếu rồi cho nổ ngay trong đêm và thoát được thân cũng cho thấy hệ thống chính quyền đang có nhiều vấn đề không ổn.
Nhưng dù thế nào, việc dùng bạo lực để đấu tranh, để giải quyết vướng mắc trong bất kỳ mối quan hệ nào cũng là một quyết định sai lầm và lỗi thời. Nhiều người đã hoặc đang có ý định dùng bạo lực có thể chưa biết hoặc biết nhưng chưa tin vào phương pháp đấu tranh bất bạo động (non-violent resistance) có thể mang lại thành công trong việc đối mặt với những hệ thống cường quyền đồ sộ, thì ngay việc đất nước Việt Nam mới thoát khỏi một cuộc nội chiến tương tàn đẫm máu cũng cho thấy phương pháp dùng bạo lực là thiếu sáng suốt. Một dân tộc đã chịu nhiều chiến tranh, xung đột lại không cố tìm cách để chia tay với bạo lực hay tránh những xung đột bạo lực, thì tương lai dân tộc đó khó có thể sáng sủa. Điều đó không có nghĩa rằng những người nông dân lương thiện, lam lũ như ở Tiên Lãng vừa qua là rất đáng trách. Điều đó chỉ tự nói lên rằng những người lãnh đạo quốc gia và làm chính sách quốc gia phải là những người trước tiên có trách nhiệm trong việc làm giảm, ngăn chặn bạo lực, trong đó có việc phải tìm ra cách để mọi người dân không phải nghĩ đến bạo lực mỗi khi gặp oan ức, tranh chấp.
Nhưng có thể có một chính sách nào làm giảm được bạo lực khi những oan khuất với chính quyền vẫn đang được nén chặt thêm mà chính quyền lại vẫn kiên quyết phòng, chống “diễn biến hòa bình”?
Phạm Hồng Sơn
© 2012 pro&contra