BBC - Cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng đang gây chú ý, với nhiều nhận định cho rằng Đảng Cộng sản Việt Nam đang cố gắng chữa bệnh từ bên trong nội bộ. Hội nghị lần thứ tư của Ban chấp hành trung ương Đảng kết thúc vào ngày cuối cùng của năm 2011 đã ra nghị quyết về ba vấn đề cấp bách cần làm ngay.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu rằng đây là vấn đề mang tính ‘sống còn’ đối với Đảng.
Theo đó, vấn đề cấp bách trọng tâm là “đẩy lùi tình trạng suy thoái tư tưởng, đạo đức, lối sống trong các cán bộ, đảng viên”.
Thật ra, “xây dựng chỉnh đốn Đảng” là chủ đề thường xuyên được nghe thấy ở Việt Nam, ít nhất là trong vòng 13 năm qua, tức là qua bốn nhiệm kỳ của Ban chấp hành trung ương, từ khóa 8 cho đến nay là khóa 11.
Tháng Hai năm 1999, Trung ương Đảng khóa 8 ra nghị quyết về “một số vấn đề cơ bản và cấp bách trong công tác xây dựng Đảng hiện nay”, đưa vấn đề chỉnh đốn Đảng thành trọng tâm trong sinh hoạt chính trị của Đảng.
Ba tháng sau đó, Tổng bí thư lúc đó là ông Lê Khả Phiêu phát động “Cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng” trong toàn Đảng.
Như vậy đã trải qua 13 năm, Đảng cộng sản Việt Nam dường như quay về điểm xuất phát khi một lần nữa lại phát động phong trào này.
Một số nhân vật có tiếng trong hàng ngũ Đảng đã công khai lên tiếng, tuy vẫn trong khuôn khổ báo chí nhà nước, cổ vũ cho việc chỉnh đốn Đảng.
Chất vấn và tín nhiệm
Nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu thể hiện tâm huyết chỉnh đốn Đảng của ông trong bài viết ‘Muốn Đảng mạnh phải loại bỏ chủ nghĩa cá nhân’ đăng trên báo Quân đội nhân dân.
Ông cho biết là được phép của Bộ chính trị, ông đã trao đổi trực tiếp “khá kỹ” với Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng về nghị quyết ba vấn đề cấp bách trước khi Hội nghị trung ương 4 diễn ra.
Về lý do tại sao Bộ chính trị và Ban bí thư lại đặt vấn đề cấp bách với việc chỉnh đốn Đảng, ông Phiêu cho rằng đó là do “tình hình phát triển mạnh mẽ của thế giới và trong nước đòi hỏi Đảng ta phải đổi mới” và quan trọng hơn là “Đảng ta đang tồn tai không ít hạn chế, yếu kém”.
Nếu không chỉnh đốn được, thì Đảng sẽ “đánh mất lòng tin của nhân dân” và “không thể đảm đương được vai trò lãnh đạo đất nước”.
Ông thừa nhận đến nay Đảng vẫn “làm chưa triệt để”.
“Chúng ta làm không đến nơi, đến chốn hoặc là không chịu làm, hoặc nói một đường, làm một nẻo,” ông viết.
“Tôi nói ví dụ, ai cũng hiểu, nguyên tắc tổ chức của Đảng là không cho phép một người có quyền quyết định bất kỳ việc gì. Nhưng thực tế thì lại có chuyện này,” ông nêu vấn đề tuy không dẫn chứng sâu hơn.
“Nguyên nhân sâu xa nhất chính là chúng ta đã không đấu tranh triệt để với chủ nghĩa cá nhân,” ông viết.
Ông Phiêu đề nghị Ban chấp hành trung ương thực hiện chất vấn và lấy phiếu tín nhiệm hàng năm “từ Tổng bí thư đến các đồng chí ủy viên Bộ Chính trị”.
‘Phải chỉnh đốn cấp cao’
Còn ông Vũ Khoan, nguyên bí thư trung ương Đảng, nguyên Phó Thủ tướng, trong bài viết ‘Hãy thành thực đấu tranh với sai trái’ cũng nhìn nhận lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước đã giảm sút.
“Nhớ lại cuối những năm 80, đầu những năm 90 thế kỷ trước, hàng loạt Đảng cộng sản và công nhân ở Liên Xô - Đông Âu đã mất quyền lãnh đạo, một phần quan trọng cũng là do để mất lòng tin và sự ủng hộ của nhân dân,” ông cảnh báo.
Nguyên nhân, theo ông, là “nói không đi đôi với làm, trên bục thì rao giảng đủ điều, đòi hỏi ở đảng viên, quần chúng đủ thứ nhưng bản thân lại hành động ngược lại”.
Ông Nguyễn Đình Hương, nguyên ủy viên trung ương, đề xuất phải “làm rõ trách nhiệm người đứng đầu” trong bài viết cùng tên vì ông cho rằng Đảng suy thoái là do ở công tác dùng người.
“Cán bộ đứng đầu không gương mẫu thì cán bộ cấp dưới quyền dễ hư hỏng, người đứng đầu đã nhận của biếu xén thì giáo dục cho cán bộ dưới quyền sao được,” ông than phiền.
“Nếu cứ để một cơ chế mà chả ai chịu trách nhiệm, cơ quan, đơn vị xảy ra sai phạm nghiêm trọng, cán bộ quản lý cấp trên trực tiếp không ai bị xử lý trách nhiệm, thậm chí còn được đề bạt lên chức, lên lương, như vậy thì không bao giờ ngăn chặn được tình hình suy thoái trong bộ máy nhà nước,” ông Hương phân tích.
‘Độc đảng không suy thoái’
Ý kiến của ông Hương cũng được Trung tướng TS Nguyễn Ngọc Hồi, tổng biên tập tạp chí Quốc phòng toàn dân, chia sẻ trong bài viết “Gương mẫu của người đứng đầu là việc cần làm ngay”.
“Người đứng đầu không có tật thì mới giữ được kỷ cương, kỷ luật; cấp dưới không thể lộng hành, tự tung, tự tác,” ông viết. “Ngược lại, mọi lời giáo huấn của người đứng đầu sẽ trở nên vô ích, nếu bản thân anh không gương mẫu”.
Trong bài viết ‘Báo hiệu Đảng ta đã chuyển mình’, Thiếu tướng TS Lê Văn Cương, nguyên viện trưởng Viện chiến lược và khoa học của Bộ công an, bác bỏ quan điểm cho rằng nguyên nhân làm cho Đảng cộng sản suy thoái là không có đảng đối lập.
“Về nhận thức lý luận, phải khẳng định, một đảng duy nhất lãnh đạo không tất yếu dẫn đến quan liêu, tham nhũng, tha hóa,” ông viết.
TS Cương đưa dẫn chứng là ‘ở các giai đoạn lịch sử’ của nhiều quốc gia ‘chỉ do một đảng duy nhất lãnh đạo’ nhưng ‘vẫn phát triển nhanh, bền vững, ổn định’ như Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore và Malaysia.
Ý kiến của các đảng viên lão thành có vai vế trong Đảng gây những chú ý nhất định, nhưng không phải đều được tán thành.
Nói về một phỏng vấn của ông Lê Khả Phiêu với báo Tuổi Trẻ, blogger Trương Duy Nhất cho rằng “tự kiểm điểm, ‘tự soi mình’ của ông Phiêu thì rồi cũng luẩn quẩn như kiểu đánh trống phong trào, chứ không mong có sự thay chuyển nào”.