Vụ phóng viên Hoàng Khương qua cái nhìn của một nhà báo - Dân Làm Báo

Vụ phóng viên Hoàng Khương qua cái nhìn của một nhà báo


"Điều rất buồn là chỉ có những nhà báo “lề trái” lên tiếng bênh vực thôi, trong khi tất cả nhà báo “lề phải”, các nhà báo chính thức của đảng và nhà nước thì không bênh vực. Điều đáng trách nhất mà tôi muốn nhắn về trong nước là Hội Nhà báo VN, là hội như là công đoàn bảo vệ những nhà báo có lương tâm, lại im thin thít, không lên tiếng để bảo vệ một trường hợp oan trái như thế này..." - Bùi Tín

*

Thanh Quang (RFA) - Vụ nhà báo Hoàng Khương của tờ Tuổi Trẻ bị bắt dù anh khẳng định hành động trong quy trình tác nghiệp chứ không dính líu hối lộ tiếp tục gây phản ứng mạnh mẽ trong công luận.

Đòn thù của công an?

Phóng viên Hoàng Khương (ngồi giữa) được đưa về trại giam Chí Hòa - Photo courtesy of datviet

Câu hỏi được nêu lên là liệu cách tác nghiệp “gài bẫy công an” có ổn không ? Và tại sao cơ quan chủ quản của Hoàng Khương là báo Tuổi Trẻ xem chừng như “phủi tay” với nhân viên của mình ? Thanh Quang tìm hiểu vấn đề này qua cái nhìn của nhà báo hải ngoại lâu năm – là nhà báo Bùi Tín từ Paris. 

Nhà báo Bùi Tín: Tôi nghĩ đây vẫn là xu hướng phía cầm quyền rất sợ bị tố cáo tham nhũng vốn đang lan tràn tại VN, đặc biệt rất nặng và phổ biến trong ngành công an. Công an có trách nhiệm đầu tiên là “bạn dân” như đã được ghi trong Điều lệ số 1 của công an. Nhưng chính công an lại quấy dân nhiều nhất; không những quấy mà lại là lực lượng bóc lột, cướp ngày ở VN. 

Do đó, phóng viên Hoàng Khương có ý định thực hiện nghề nghiệp của mình một cách công tâm, đồng thời cũng có “mưu mẹo nhà nghề”, tức là tác nghiệp theo nghiệp vụ điều tra của báo chí. Chúng ta đều biết là khi hành động như vậy, nếu phóng viên ngay thẳng, trọng danh dự thì họ có thể tìm mọi cách để phanh phui manh mối. Vì theo luật pháp họ phải có chứng cứ. Phương cách đó chính là “mưu mẹo” của nhà báo này. 

Tôi nghĩ đây là đòn trả thù Hoàng Khương của công an thôi. Vì nguyên tắc của công an VN là khi đánh một kẻ nào đó sẽ làm cho những người lương thiện khác run sợ khiến họ không dám phanh phui hành động sai trái của công an nữa. Vừa qua công an VN có dính líu tới những vụ nghiêm trọng lắm liên quan tham nhũng nước ngoài. Như ở Úc châu, có vụ đại tá công an VN liên quan tham những lên tới 10 triệu đô-la. Nhưng VN vẫn bịt kín, không khởi tố mặc dù phía quốc tế có khởi tố rồi. Nên tôi nghĩ vụ Hoàng Khương rất quan trọng và dư luận rất quan tâm.

Thanh Quang: Thưa ông, liệu phóng viên Hoàng Khương chọn phương cách tác nghiệp “gài bẫy công an” như vậy – mà có ý kiến gọi là “nhập vai” nguy hiểm – có nên không, có không ổn không ? 

Nhà báo Bùi Tín: Tôi nghĩ trong trường hợp này phóng viên Hoàng Khương chỉ cần nói cho người khác biết để làm chứng thôi, chứ đây không phải là anh vu cáo. Và chứng cớ rõ ràng như thế thì phải chấp nhận. Nếu cần thì phải đưa vụ việc ra toà án để xử lý, nếu đảng hay Hội nhà báo không đứng ra hòa giải hay ít nhất xác định đây là cách làm việc rất lương thiện. Tôi nghĩ phóng viên Hoàng Khương có rất nhiều bạn bè, cấp trên, cấp dưới hiểu việc anh làm. Tôi nghĩ vụ này phải đưa ra xử lý công khai, có đối đáp chứ không thể làm trong bóng tối, tức chỉ có một chiều là công an dựng đứng lên câu chuyện rồi vu cáo là Hoàng Khương tắc trách, có động cơ xấu.v.v…Như vậy là không được. Tôi thấy trong xã hội VN hiện có những chuyện oan ức như thế.

Cây ngay không sợ gió

Một nhà báo nữ Iraq đang tác nghiệp. AFP photo

Thanh Quang: Ông có so sánh như thế nào không về cách tác nghiệp nhiều rủi ro như vậy của Hoàng Khương ở trong nước với cách tác nghiệp có thể trong chiều hướng tương tự của phóng viên ở nước ngoài, như Mỹ, Anh, Pháp? 

Nhà báo Bùi Tín: Vâng, ngay cả những trường dạy tác nghiệp báo chí, họ cũng cho phép mà. Nhưng tôi nghĩ vấn đề là phải đi sâu điều tra thêm nữa, tìm thêm bằng chứng nữa để xác định rõ rằng phóng viên Hoàng Khương làm việc với động cơ đúng. Và trong khi tác nghiệp thì anh đã làm việc với lương tâm nghề nghiệp, chứ không phải định vu cáo hay ăn tiền bên này, bên kia, hay là vì “động cơ xấu là do đế quốc hay phản động nước ngoài xúi giục” như giới cầm quyền thường chụp mũ. 

Việc làm của nhà báo Hoàng Khương rất phổ biến ở ngoài nước. Nhưng những người khôn ngoan đều có chỗ dựa. Và trong khi làm thì phải báo cho giới trách nhiệm biết việc mình làm – cho cấp trên, ban biên tập, một cơ quan chính quyền biết rằng tôi đang làm việc ấy để họ bảo vệ cho mình. Tôi thấy có thể trong trường hợp này, phóng viên Hoàng Khương có sơ ý gì không. Nhưng tôi nghĩ một khi có động cơ trong sáng, trung thực, vì xã hội, vì quyền lợi của đất nước thì anh ấy không ngại gì cả. Nhưng tôi chỉ ngại là chế độ trong nước hiện nay không phải là chế độ bênh vực cho người lương thiện.

Do đó, những người yêu nước phải vào tù, như blogger Điếu Cầy, TS Cù Huy Hà Vũ vào tù chỉ vì tội yêu nước, hay hiện nay chị Minh Hằng bị đi cải tạo rất vô lý; một phụ nữ trung kiên như thế mà hiện đang bị giam tại nơi hồi phục nhân phẩm của những phụ nữ bị HIV. Đó là điều cực kỳ phi lý, cho thấy rõ chính quyền này không phải là chính quyền mang lại an ninh, bảo vệ người ngay thật, mà là chính quyền bao che và thậm chí để xảy ra bất công trong xã hội.

Lãnh đạo phủi tay

Thanh Quang: Điểm mà dư luận hiện thắc mắc đáng kể là ban lãnh đạo báo Tuổi Trẻ xem chừng như “phủi tay” đối với phóng viên Hoàng Khương từng giúp tăng uy tín tờ báo qua những bài phanh phui về tình trạng tiêu cực giao thông, và ban lãnh đạo lại nhanh chóng hợp tác với công an trong chiều hướng bất lợi cho Hoàng Khương ? Ông nhận thấy cách cư xử như vậy của ban lãnh đạo báo Tuổi Trẻ ra sao?

Nhà báo Bùi Tín: Tôi thấy quả đúng đây là điều cần phải nêu rõ trong công luận để cho thấy khi xảy ra vụ việc như thế đối với một phóng viên quý như thế thì ban lãnh đạo lại phủi tay, thậm chí còn hùa với cường quyền để hiếp đáp một nhà báo có công tâm, quý báu đến như thế. Tôi thấy đây là vấn đề mà báo, đài ở nước ngoài và những người trong cộng đồng cần lên tiếng. Nhưng điều may là hiện nay trong nước có một loạt bloggers, mạng thay thế cho mạng của chính quyền, mà những blog, mạng “lề trái” này có tiếng nói ngày càng lớn trong xã hội, càng có uy tín đối với giới trẻ, và họ đã lên tiếng để bênh vực trường hợp này.

Điều rất buồn là chỉ có những nhà báo “lề trái” lên tiếng bênh vực thôi, trong khi tất cả nhà báo “lề phải”, các nhà báo chính thức của đảng và nhà nước thì không bênh vực. Điều đáng trách nhất mà tôi muốn nhắn về trong nước là Hội Nhà báo VN, là hội như là công đoàn bảo vệ những nhà báo có lương tâm, lại im thin thít, không lên tiếng để bảo vệ một trường hợp oan trái như thế này.

Thanh Quang: Thưa ông, sau khi các nhà báo Nguyễn Văn Hải cũng của tờ Tuổi Trẻ và Nguyễn Việt Chiến của báo Thanh Niên lâm nạn vì viết bài tố quốc nạn tham nhũng, thì giờ tới phiên phóng viên Hoàng Khương lâm nạn cũng vì lối tác nghiệp tương tự. Ông có nhận xét như thế nào về vấn đề này không ?

Nhà báo Bùi Tín: Tôi thấy đây là mặt tiêu cực đáng tiếc của báo chí trong nước. Và như tôi vừa trình bày, cái may là đã có một loạt nhà báo tư nhân, nhà báo tự do, và cái may nữa là thời đại này còn có Internet, những hệ thống thông tin cực nhậy để đánh động công luận. Nếu không thì tất cả việc này, trường hợp như Hoàng Khương, đều bị chìm vào quên lãng và rơi vào tình trạng bất công rất lớn. Tôi tin là sớm muộn gì vấn đề này sẽ phải được giải quyết một cách công bằng vì trong thời đại hiện nay, chính quyền trong nước cũng hiểu rằng họ không thể tiếp tục hành xử vô lương tâm, vô trách nhiệm như thế. Và họ cũng phải hiểu rằng trong thế kỷ này, với các phương tiện hiện đại, không có việc gì lấp liếm được.

Thanh Quang: Xin cảm ơn nhà báo Bùi Tín.

2012-01-04 





Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo