Các bạn thân quý
Sau bài báo "Ngôi sao bị nhốt" của tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang và nhiều bài viết khác liên quan đến anh Trần Huỳnh Duy Thức được đăng trên Danlambao và nhiều báo khác, có rất nhiều ý kiến ủng hộ anh và đau lòng cho hoàn cảnh hiện nay mà anh phải chịu đựng. Cũng có một số ý kiến đề nghị Danlambao hoặc các cá nhân làm thư kêu gọi chung cho mọi người ký để yêu cầu trả tự do cho anh Thức.
Sau khi Danlambao đăng 2 bài Giới thiệu về Nhóm Công tác về Cầm tù Tùy tiện (WGAD) của Liên Hiệp Quốc được tiếp nhận khiếu nại từ bất kỳ cá nhân nào tại bất kỳ đâu trên thế giới, Danlambao đã nhận được copy bản khiếu nại và yêu cầu tổ chức này xem xét cho trường hợp của anh Thức. Thân phụ anh Thức cũng đã chính thức gửi khiếu nại cho con mình đến WGAD.
Bạn đọc có thể tham khảo nội dung hai khiếu nại này dưới đây để có thể áp dụng tương tự cho các trường hợp khác cần khiếu nại.
Danlambao cũng mong quý bạn đọc hãy dành vài phút để viết và gửi một email đến: wgad@ohchr.org cho: Working Group on Arbitrary Detention (Nhóm Công tác về Cầm tù Tùy tiện) đề nghị họ xem xét bằng ''thủ tục hành động khẩn'' đối với trường hợp tùy tiện tước đoạt tự do của anh Trần Huỳnh Duy Thức và nhiều trường hợp khác đã và đang xảy ra tại nước ta (xem mẫu thư ở phần sau).
_________
Xin bấm vào đây để xem nội dung bằng tiếng Anh và tiếng Việt thư của bác Trần Văn Hùynh - thân phụ anh Thức yêu cầu WGAD can thiệp cho con, bao gồm cả Model Questionaire đươc dịch ra tiếng Việt.
_________
Dưới đây là nội dung khiếu nại và yêu cầu của tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang cho anh Thức:
Kính gửi: Nhóm Công tác về Cầm tù Tùy tiện của Liên Hiệp Quốc
V/v: Việc bỏ tù Trần Huỳnh Duy Thức - Một trường hợp tùy tiện tước đoạt tự do con người tại Việt Nam và Kêu gọi hành động khẩn.
Thưa các ngài,
Tôi tên Nguyễn Thanh Giang, là tiến sĩ địa vật lý. Tôi là công dân Việt Nam, 76 tuổi, hiện đang sống tại Hà Nội, Việt Nam.
Tôi viết thư này bằng tinh thần của bản Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền để tìm kiếm sự quan tâm đặc biệt của các ngài về một trường hợp tùy tiện tước đoạt tự do con người hết sức đáng lưu tâm tại Việt Nam. Đó là việc bỏ tù anh Trần Huỳnh Duy Thức - một kỹ sư CNTT, một doanh nhân táo bạo và thành đạt, một blogger được nhiều người biết (với bút danh Trần Đông Chấn), và là một nhà hoạt động cho quyền con người, dân chủ vì hòa bình thế giới. Anh cũng được nhiều người thừa nhận là một tác giả đầy triển vọng với những quyển sách nghiên cứu sâu các sự kiện lịch sử để tìm ra những con đường tốt nhất đi đến dân chủ và thịnh vượng, không chỉ cho Việt Nam mà còn cho các quốc gia đang phát triển.
Năm 2010, anh bị kết án 16 năm tù và thêm 5 năm quản chế vì bị cáo buộc lật đổ chính quyền nhân dân mà không hề chứng minh có các hành động bạo lực. Không chỉ có sự buộc tội trên là mơ hồ và không thể hiểu nổi đối với bất kỳ một nền công lý đàng hoàng nào trong tình trạng bình thường. Các phiên tòa đã kết tội anh và những người bạn cùng vụ án của mình: anh Lê Công Định (luật sư), anh Lê Thăng Long (kỹ sư) và anh Nguyễn Tiến Trung (cao học) đã thiếu vắng nghiêm trọng các qui trình đúng đắn và nhiều tiêu chuẩn không thể thiếu để tạo ra một vụ xét xử công bằng, công khai bởi một tòa án có thẩm quyền, độc lập và không thiên vị theo yêu cầu của Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị mà Việt Nam đã ký. Đó là lý do mà vụ án này đã thu hút sự chú ý nghiêm túc và sự phản đối kịch liệt của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, Liên minh Châu Âu và nhiều quốc gia, nhà nước khác; Tổ chức Theo dõi Nhân quyền và nhiều tổ chức bảo vệ nhân quyền khác. Tôi tin rằng các ngài có thể đã biết về các phát biểu này của họ. Có thể dễ dàng đọc được các phát biểu đó trên Internet.
Theo đánh giá của tôi, Trần Huỳnh Duy Thức là một nhân tài, một trí thức ưu tú không thể thiếu cho việc dân chủ hóa và phát triển bền vững của đất nước Việt Nam chúng tôi. Anh cũng phấn đấu cho hòa bình thế giới bằng cách quảng bá các bài viết của mình kêu gọi ủng hộ các Quyền Con người, tự do và dân chủ. Anh tin và chứng minh rằng những điều này sẽ mang đến hòa bình và phòng ngừa chiến tranh cho nhân loại. Tôi đính kèm theo đây 2 tác phẩm của anh: ''Obama, China and Vietnam (*)'' và "Hành trình vào bản chất của dân chủ và thịnh vượng" để chứng minh cho tư tưởng ủng hộ tự do, ủng hộ dân chủ và vì hòa bình của anh được đặt trên cơ sở bảo vệ các quyền con người và nhân phẩm. Tôi cũng đính kèm một bài báo tôi viết có tựa "Ngôi sao bị nhốt", bài này đã lan tỏa rất phổ biến trên Internet vào tháng 12 vừa rồi. Trong bài này tôi đã cố gắng tóm tắt một phần những gì anh đã biên soạn. Tôi mong rằng nó sẽ làm các ngài cũng công nhận đánh giá trên của tôi vốn được số đông người Việt Nam đồng tình.
Thưa các ngài,
Email này là bản khiếu nại của tôi gửi đến Nhóm Công tác về Cầm tù Tùy tiện của Liên Hiệp Quốc đối với việc tùy tiện tước đoạt tự do của Trần Huỳnh Duy Thức. Tôi kêu gọi sự giúp đỡ và trách nhiệm của các ngài để trả lại tự do cho anh, tôi cũng đề nghị các ngài đưa ra lời kêu gọi khẩn cấp cho trường hợp của anh.
Sự quan tâm của các ngài hết sức được hoan nghênh. Xin cảm ơn.
Trân trọng kính chào,
Tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang
Địa chỉ liên hệ:
Nhà số 6 Tập thể Địa vật lý máy bay, Trung Văn - Từ Liêm - Hà Nội, Việt Nam.
Email: thanhgiang36@yahoo.com
Di động: +84-984724165
Chú thích:
(*) Bài tiếng Việt tương ứng là: "Kỷ Sửu và vận hội mới cho Việt Nam"
_______
_______
Các bạn thân mến,
Vâng, thực sự rất đơn giản. Chỉ cần vài phút để chúng ta gửi 1 email bày tỏ quan điểm của mình đề nghị Nhóm Công tác về Cầm tù Tùy tiện của Liên Hiệp Quốc quan tâm đến một nhân tài của đất nước. Điều đó không chỉ giúp cho anh Thức và những người đang bị tù đầy oan uổng mà Danlambao tin chắc rằng sẽ mang đến những điều tốt đẹp cho tất cả chúng ta, cho đất nước mình. Các bạn chỉ cần viết ngắn gọn vài dòng về quan điểm của mình đối với việc xét xử vụ án dành cho anh Thức, anh Long, anh Định và anh Trung hoặc những trường hợp khác đồng thời đề nghị Nhóm Công tác về Cầm tù Tùy tiện của Liên Hiệp Quốc quan tâm đặc biệt và xem xét khẩn đối với các trường hợp này. Lưu ý rằng danh tính của các bạn được tổ chức này cam kết không tiết lộ.
Đối với những bạn đọc muốn góp một tay cho việc này nhưng quá bận hoặc không rành tiếng Anh, Danlambao xin soạn sẵn nội dung như sau để các bạn tùy ý sử dụng:
Email to: wgad@ohchr.org
Mail subject: Imprisonment of Tran Huynh Duy Thuc - a case of arbitrary detention.
Attention to: Working Group on Arbitrary Detention (WGAD)
I would like to ask your particular concern and launching an urgent appeal on the case of arbitrary deprivation of freedom of Mr. Tran Huynh Duy Thuc in Vietnam. He is a talent of the country. I believe that he is not guilty with what he has done and been indicted, and that he deserves being credited with what he has striven for human rights, freedom, democracy and the peace of the world. So do a lot of many other Vietnamese.
Thank you very much and best regards.
_______________
Nội dung trên bằng tiếng Việt:
Email gửi đến: wgad@ohchr.org
Chủ đề: Việc bỏ tù Trần Huỳnh Duy Thức - một sự cầm tù tùy tiện.
Kính gửi: Nhóm Công tác về Cầm tù Tùy tiện (WGAD)
Tôi muốn đề nghị sự quan tâm đặc biệt của WGAD và sự áp dụng lời kêu gọi khẩn của WGAD về trường hợp tùy tiện tước đoạt tự do của anh Trần Huỳnh Duy Thức ở Việt Nam. Anh ấy là một nhân tài của đất nước. Tôi tin rằng anh ấy không phạm tội bởi những gì mình đã làm và bị cáo buộc, và anh ấy xứng đáng được đánh giá cao với những gì mình đã tranh đấu cho quyền con người, tự do, dân chủ và hòa bình thế giới. Rất rất nhiều người Việt Nam khác cũng nghĩ như vậy.
Rất cảm ơn WGAD và thân chào.
_______________
Chỉ cần thay tên anh Thức bằng trường hợp khác thì có thể kêu gọi WGAD quan tâm đến những người khác đang bị tước đoạt tự do tùy tiện như anh Cù Huy Hà Vũ, anh Điếu Cày, chị Bùi Minh Hằng, anh Hoàng Khương và nhiều người khác nữa.
Ngay cả ai không muốn sử dụng tiếng Anh thì cũng có thể dùng tiếng Việt để gửi đến WGAD mà vẫn được xem xét dù có lẽ mất thời gian hơn.
Chỉ cần một hành động nhỏ, chúng ta có thể tạo ra những điều có ý nghĩa lớn lao. Đây thực sự là món quà Tết Nhâm Thìn dành cho những người đã dấn thân vì dân chủ và thịnh vượng của đất nước.
Thành thật cảm ơn sự quan tâm của quý bạn đọc.
Thân ái,