Không có Tết cho nhóm Bảo Vệ Sự Sống - Dân Làm Báo

Không có Tết cho nhóm Bảo Vệ Sự Sống

Tường An (RFA) - Tết đã và đang đến với mọi người Việt trong và ngoài nước. Khắp nơi dù nghèo hay giàu cũng cố chuẩn bị một cái Tết rôm rả để đón chào năm mới. Thế nhưng, ở những góc khuất của 3 miền đất nước, vẫn có những người không biết Tết là gì. Một trong những con người không hưởng được hương vị Xuân của năm mới là các anh em sinh viên Công giáo của nhóm Bảo Vệ Sự Sống thuộc địa phận Vinh (Nghệ An).

Công việc thầm lặng

Trong khi pháo hoa đang tưng bừng nổ khắp mọi nơi thì các em sinh viên đang làm việc cật lực để đóng cho đủ số hòm cho các thai nhi trong những ngày nghỉ Tết. Thông tín viên Tường An phỏng vấn ông J.B Nguyễn Hữu Chắc, trưởng nhóm Bảo Vệ Sự Sống.

Với đôi bao tay, một túi nilon và chiếc xe đạp. Hàng ngày, một nhóm sinh viên Công giáo thay nhau tìm đến các bệnh viện, phòng khám sản nhặt những bào thai không có cơ hội được sinh ra làm người để mang đi chôn cất. Một việc làm thầm lặng ít ai biết đến…

Đó là những sinh viên đang theo học các trường Cao đẳng, Đại học tại Thành Phố Vinh (Nghệ An). Họ tham gia nhóm Bảo Vệ Sự Sống với ý nguyện chuyển đến thông điệp hãy bảo vệ sự sống, bảo vệ môi trường và hướng con người đến với nhân bản.

Nhóm được thành lập ngày 8 tháng 12 năm 2007 tại giáo xứ Giáo Hòa với 8 gia đình, 5 người độc thânvà ra mắt chính thức ngày 31 tháng 12 năm 2007 tại giáo họ Trung Mỹ, giáo xứ Cầu Rầm với trên 60 sinh viên. Ý tưởng hình thành nhóm được bắt đầu từ một chứng kiến rất ngẫu nhiên tại một bãi rác của thành phố Vinh. Trưởng nhóm J.B Nguyễn Hữu Chắc kể lại sự tình cờ của một buổi chiều tháng 6 năm 2007 như sau :

"Tháng 6 năm 2007 chúng tôi về Vinh để chơi cùng với 1 số anh em bạn, trong đó có anh Frăng-xi –cô Phạm Xuân Diệu mà hiện giờ đang bị cầm tù. Trong lúc anh em đi chơi, thì đi ngang qua một bãi rác của thành phố Vinh, tôi thấy có mấy con chó nó lằng nhằng, lằng nhằng nó tha….

Nhìn từ xa thì mình thấy nó giống hình một đứa trẻ thì anh em chúng tôi chạy tới, dừng lại. Thì quả đúng đó là một đứa trẻ sơ sinh mà người ta đẻ hay người ta phá thai gì đó mà người ta vất ở bãi rác. Thật sự trong lòng chúng tôi chết lặng đi là bởi vì chúng tôi là những người công giáo, cái giáo huấn về nhân vị con người phải được tôn trọng từ lúc tạo sinh cho đến lúc chết một cách tự nhiên. Và thân xác con người cũng không phải là cọng rác để vất đi mà nó sẽ sống lại vào ngày mai, cho nên phải rất là tôn trọng.

Thế thì khi thấy thảm cảnh đó thì anh em chúng tôi tìm cách chôn đứa bé đó và sau đó chúng tôi đi hỏi thăm thì biết được đó là vấn đề phá thai. Và anh em chúng tôi bàn với nhau là phải làm một cái gì đó….."

Khó khăn trăm bề

* Sinh viên Hoàng Phong và đứa trẻ anh cưu mang. Photo by Nhóm Bảo Vệ Sự Sống

 Và « cái gì đó » đã đánh dấu một bước ngoặt trong cuộc đời JB Nguyễn Hữu Chắc, mà theo ông đó là sứ mệnh, là ơn gọi của Chúa. Ông Chắc kể tiếp :

"Ngày hôm sau thì chúng tôi đi đến một số bệnh viện để xem tình hình như thế nào? Thì…chúng tôi kinh hoàng hơn ; Đó là trong các bệnh viện, phá thai rất là nhiều và được một số bác sĩ thật là tâm giao, quen biết người ta cho biết là : Nhưng bào thai chưa thành hình người, tức là phá thai bằng cách nạo, hút thì đổ vào toa-lét và nhấn nút là xong. Còn những phá thai kêu bằng àm cô-vắc, tức là cho sinh non thì vất vào chung với rác y tế. Đó là những bác sĩ thật là tâm huyết họ mới cho chúng tôi biết như vậy. Còn những bác sĩ bình thường thì họ nói rất là ngon, tức là họ xử lý rác y tế bằng cách là mang thuê chôn, hỏa thiêu, hậu sự rất là tươm tất. Nhưng cái đó thức tế là không có.

Mấy buổi tối liền, chúng tôi cứ 2 giờ sáng chúng tôi đi theo dõi thì đúng là bỏ chúng vào rác y tế rồi mang đi đổ chung như vậy thôi. Và chúng tôi thấy rất là đau đớn. Người ta đã cướp đi cái quyền sinh của các cháu, người ta lại cướp đi luôn cái quyền được chết đi như một con người của các cháu. Thế cho nên chúng tôi nẩy ra ý định thành lập nhóm bảo vệ sự sống từ đó."

Tưởng rằng những công việc đầy tính nhân bản ấy sẽ được ủng hộ, cổ vũ. Nào ngờ, nhóm đã gặp rất nhiều khó khăn, trở ngại từ thầy cô của các em sinh viên cho đến chính quyền địa phương :

"Chúng tôi là những người lội ngược dòng nước thì chúng tôi gặp vô vàn những điều khó khăn, khó khăn đủ mọi tứ bề : từ Giáo quyền thì cũng chưa tin tưởng lắm. Nhưng cái kinh hoàng nhất là chúng tôi gặp áp lực lớn từ chính quyền : Có một cái nghĩa trang thì khi mà chúng tôi chôn cất, các ban ngành, đoàn thể thì họ mới nói là : Cái mà mang xác ở đâu về đây chôn là bất hợp pháp. Tôi mới nói đùa « Các-Mác nói chỉ có con vật mới ngoảnh mặt trước nỗi đau của đồng loại để trau chuốt bộ lông của mình. Tại sao có thể so bì, tị nạnh là xác chết ở đâu hay xác chết ở đây mới được chôn ở đây. Họ đều là người Việt Nam cả !

Kể cả ông Hiệu trưởng trường Cao đẳng Sư phạm Nghệ an Phạm Bá Thắng tụ tập toàn trường lại rồi tuyên truyền rằng cái việc ấy là phản động …

Bác sĩ mà nhìn thấy chúng tôi thì nói « báo công an để bắt mầy đó » Thế rồi thì các em mà đi làm việc với tôi thì bị các lớp trưởng, các bí thư lớp hết hù dọa, đe dọa, lại dụ dỗ để gây áp lực cho các em. Đặc biệt mấy thầy cô dạy chính trị họ nhục mạ các em đó trước mặt cả trường chứ không phải trước lớp thôi đâu.

Họ cứ cho rằng chúng tôi đi làm là phải có tiền của thế lực thù địch nào đó . Khó khăn thì vô cùng bởi vì tôi trong Sài Gòn vào đây chỉ có hai vợ chồng với hai bàn tay không, anh em thì toàn là giáo dân cả, dân thường thôi, cho nên là chẳng có kinh tế, cơ sở để hoạt động gì cả. Nhiều cái khó khăn lắm !"

Không nhận được tài trợ từ bất cứ một cơ quan nào để có thể thực hiện được lý tưởng của mình, ông và các em đã chấp nhận những thử thách từ cuộc sống, tìm niềm vui trong việc cứu rỗi :

"Ở trong khu vực xã này mà có những đám cưới, đám tang, đám giỗ …. những thức ăn khách ăn chưa hết thì anh em gia đình họ dồn lại cho chúng tôi. Có khi chúng tôi xin về ăn được cả một tuần. Có một bà Mẹ, năm nay 80 tuổi rồi, cứ hàng ngày bà khoác cái túi ra chợ xin, người thì cho bó rau, ai cho cái gì bà mang về cái đó. Các em sinh viên vẫn về nhà lấy gạo, mỗi em mỗi tháng đóng góp một ít.

Rồi như Tết bây giờ thì ngày đêm thầy trò đi bán hương Tết. Bán hương Tết cũng là cơ hội để tạo ra nguồn kinh phí để lo cho các chị em."

Cần những đóng góp thực tế

Những ngày Xuân với nhóm Bảo Vệ Sự Sống cũng chỉ là những ngày bình thường như các ngày khác trong năm, vì đơn giản : đối với họ không có Tết.

"Chúng tôi chỉ được nghỉ ngày mùng một Tết bởi vì có những năm tối 30 chúng tôi vẫn phải đi chôn các cháu và sáng mồng hai chúng tôi đã phải khóc chôn các cháu rồi ! Ví dụ cách đây 2 năm, sáng sớm có 1 thai phụ không có 600 ngàn đồng nộp viện phí, thế là chúng tôi phải ra cổng nhà thờ đứng, chặn mấy người quen lại rỏ vào tai nói thôi bây giờ phải chạy về nhà lấy tiền để đưa bà đẻ đi đẻ. Anh em quen cùng trong nhóm người ta thông cảm người ta chạy về nhà lấy tiền chứ cũng không dám tới nhà mượn. Nói như vậy để chị thấy rằng chúng tôi không có Tết đâu."

Từ 1 nhóm nhỏ ở Vinh với trên dưới 60 người, sau 4 năm hoạt động nhóm đã phát triển thành 7 nhóm với trên dưới 400 thành viên hoạt động ở vùng Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình. Từ những run sợ ban đầu khi nhìn những bào thai còn nhầy nhụa máu, họ đã trở thành những chuyên viên làm việc bất vụ lợi ngày đêm. Có những bào thai vẫn còn thoi thóp sống nhiều giờ sau khi đưa về, được họ rửa ráy, khâm liệm rồi mới chôn cất. Nhiều anh em sinh viên đã trở thành những Cha Mẹ bất đắc dĩ của hàng chục đứa bé vô thừa nhận. Ông Chắc kêu gọi sự đồng cảm và xắn tay áo của mọi người :

"Khi mà Hội đồng Giám mục mở những lớp tập huấn ở Sài Gòn, chúng tôi cũng có gặp những giáo sư, bác sĩ ở bên nhà nước, ở bên bệnh viện Từ Dũ, bệnh viện Hùng Vương tới hướng dẫn giúp chúng tôi và họ cũng nói như thế này : Phá thai hôm nay ở Việt Nam là một bài toán hóc búa cho toàn xã hội cho nên cần đến toàn xã hội phải hành động. Và họ kêu gọi rất là thiết tha họ nói cám ơn quý vị công giáo vì quý vị là những người đi tiên phong, những người đi đầu.

Nhưng, nói thế mà không phải thế ! Ở Việt Nam của chúng ta, con đường dài nhất là con đường từ miệng đến tay. Miệng nói một đằng những tay làm một nẻo. Thí dụ như họ kêu gọi chúng tôi đó, nhưng khi chúng tôi đi làm thì lại có những khó khăn ngăn trở như vậy đó. Rất nhiều tổ chức hô hào, nhưng tôi nói rằng, cái công việc Bảo vệ Sự sống ngày hôm nay nó rất cấp bách, nó không cần đến những lời hô hào mà cái quan trọng hơn, nó cần đến sự xắn tay.

Thế cho nên chúng ta hãy xắn tay lên để đóng góp một việc gì đó cho dân tộc này, cho quê hương này, cho đất nước này. Qua đây chúng tôi cũng mong các bậc chính quyền là chúng tôi làm cái việc này không phải thế lực thù địch nào nó thuê đâu. Chúng tôi làm những việc là tốt cho quê hương, tốt cho đất nước theo giáo huấn của công giáo để trở thành người công giáo tốt, người công dân tốt thôi cho nên là cố gắng đối thoại với nhau để đừng có hiểu nhầm và đừng có gây nên cái rạn nứt giữa chúng tôi và quý vị đó."

Trong niềm kính phục và ngưỡng mộ những hành động âm thầm nhưng cao quý của các anh em trong nhóm Bảo Vệ Sự Sống. Chúng tôi xin được gửi đến quý vị lời chúc mừng năm mới của trưởng nhóm Nguyễn Hữu Chắc như một kết thúc của bài tường trình này :

"Năm mới bước đến, chúng tôi cũng xin kính chúc mọi người được mạnh khỏe, được dồi dào sức khỏe, công việc làm ăn phát đạt. Và cái quan trọng hơn nữa là năm mới rồi thì cái não trạng nó cũng suy nghĩ mới hơn một chút xíu là đừng lấy cái chuyện giết chóc làm vinh quang và tự hào bởi vì tôi thì không sinh ra trong thời đó nhưng tôi nghe kể lại là đã có một thời là con cái tự hào, hãnh diện vì giết được Cha Mẹ, gọi Cha Mẹ bằng thằng, bằng con, rồi đem ra đấu tố rồi giết.

Rồi bây giờ cha mẹ mang con cái ra giết, tự hào hãnh diện vì chuyện mình làm. Nó nguy hiểm quá, nó ghê gớm quá. Tôi chỉ gửi đến bà con cái tâm huyết thật sự từ đáy lòng tôi như vậy."

Tường An 


Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo