Lương công chức thấp hơn lao động phổ thông - Dân Làm Báo

Lương công chức thấp hơn lao động phổ thông

Đặng Tiến (Laodong) Tại cuộc hội thảo ngày 26.12 về định hướng cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức (CBCC-VC) giai đoạn 2013-2020, Bộ Nội vụ cho biết từ 1.5.2012 sẽ điều chỉnh mức lương tối thiểu chung áp dụng cho CBCC-VC từ 830.000đ/tháng lên 1.050.000đ/tháng

Như vậy, mặc dù đã tăng nhưng lương tối thiểu chung vẫn chỉ bằng 75% lương tối thiểu vùng thấp nhất (vùng IV: 1,4 triệu đồng/tháng) và bằng 52,5% lương tối thiểu vùng cao nhất (vùng I: 2 triệu đồng/tháng). 

Phải xác định rõ giá trị lao động 

Theo báo cáo, hiện nay mức lương tối thiểu chung chỉ bằng 58,1% mức chi tiêu bình quân 1 nhân khẩu của cả nước năm 2011, như vậy là quá thấp và không đáp ứng đủ nhu cầu tối thiểu. Theo nguyên tắc, tiền lương phải được coi là giá cả sức LĐ, được hình thành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước. 

Ngày càng ít người theo nghề dạy học vì thu nhập không cao. Ảnh: KỲ ANH 

Cải cách chính sách tiền lương phải tiến tới đảm bảo cho cán bộ, công chức, viên chức (CBCC-VC) sống được bằng tiền lương ở mức trung bình khá trong xã hội; gắn cải cách tiền lương với sắp xếp, kiện toàn, nâng cao chất lượng đội ngũ CBCC-VC của hệ thống chính trị, góp phần phòng, chống tham nhũng và được tiến hành đồng bộ với các giải pháp nâng cao hiệu suất công tác, tăng cường tính kỷ luật của CBCC-VC nâng cao hiệu quả năng lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước. 

Theo ông Đặng Như Lợi – nguyên Phó Chủ nhiệm UB các Vấn đề xã hội QH, cần phải xác định rõ giá trị lao động và tiền lương của NLĐ trong SXKD khác với tiền lương của CBCC-VC. Tiền lương của CBCC-VC phải là nguồn thu chính đảm bảo cuộc sống của bản thân và gia đình họ, giúp họ yên tâm làm việc, thực hiện nhiệm vụ bảo đảm yêu cầu công vụ theo luật định và đào thải được những CBCC-VC không đảm bảo yêu cầu. 

Nguyên Viện trưởng Viện KHLĐXH Nguyễn Hữu Dũng thì cho rằng trong kinh tế thị trường, tiền lương và thu nhập của CBCC-VC được trả từ ngân sách nhà nước, song cải cách chính sách tiền lương phải đặt trong mối tương quan với mặt bằng tiền lương, thu nhập khu vực thị trường. Nhưng đây lại là nhóm đối tượng thuộc hệ thống các cơ quan quyền lực quốc gia có vị trí đặc biệt quan trọng đối với phát triển KTXH. Do đó, cải cách tiền lương cho viên chức phải đảm bảo mức lương được trả đúng theo đóng góp của họ. 

Công chức chưa nuôi nổi mình 

Theo ông Đoàn Cường - Vụ trưởng Vụ Tiền lương, Bộ Nội vụ thì: Trong nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, tiền lương của CBCC-VC phải đặt trong mối tương quan với mặt bằng tiền lương, thu nhập của thị trường. Nếu không thỏa mãn tốt quan hệ này, tiền lương của CBCC-VC quá thấp thì sẽ xảy ra hội chứng “tước đoạt để bù đắp” trong thực thi công việc, dẫn đến tiêu cực, tham nhũng và tăng dòng dịch chuyển LĐ từ khu vực nhà nước ra khu vực thị trường (chảy máu chất xám). 

Theo đó, giai đoạn 2013 – 2020, mức lương tối thiểu dành cho CBCC-VC trong cơ quan Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị xã hội sẽ có ba phương án là 2.000.000đ/tháng, 1.680.000đ/tháng và 3.150.000đ/tháng. Đối với viên chức sự nghiệp có hai phương án là mức lương tối thiểu được áp dụng như lương tối thiểu vùng của DN (4 vùng) và áp dụng như lương tối thiểu của CBCC-VC. 

Tại hội thảo, các ý kiến đều tập trung vào việc điều chỉnh lương tối thiểu cho CBCC-VC để họ sống được bằng lương. Tại 2 phương án mà Bộ Nội vụ đưa ra có một điểm rất quan trọng đó là trả lương rất cao theo giá trị LĐ của CBCC-VC. Ông Đặng Như Lợi cho rằng: “Nếu chất lượng đội ngũ CBCC-VC cao rồi cứ việc trả lương thì không vấn đề gì. Nhưng cần xác định lại CBCC-VC là ai? Nhiều đối tượng phục vụ cũng là CBCC-VC nếu nằm trong bộ máy và mức thấp nhất của họ là để định lượng, do vậy cần phải xác định rõ”

Từ năm 1985 chúng ta đã cải cách tiền lương, giờ lại tiếp tục cải cách cơ bản chính sách tiền lương. Nhưng cần xác định tiền lương phải đúng với giá trị của LĐ của CBCC-VC nhà nước, phải xác định đúng giá trị LĐ trong việc trả lương và nếu CBCC-VC không đáp ứng được thì liệu có xử lý đội ngũ này không (đã xử lý, tinh giản biên chế) tính đúng giá trị mới thực hiện được. 

Vấn đề nguồn quỹ cải cách tiền lương, Bộ Nội vụ cho biết sẽ tiếp tục thực hiện tiết kiệm 10% kinh phí quản lý hành chính để tăng cường trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị trong việc nâng cao hiệu quả công tác bố trí, sử dụng dự toán ngân sách nhà nước. Sử dụng 50% số tăng thu ngân sách địa phương để gắn trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc bố trí, sử dụng biên chế, ngân sách. 




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo