Phương Bích - Tôi tính quãng đường từ tòa án ở giữa phố Hai Bà Trưng, đi đến phố Tràng Thi, rồi phố Huế để về đến ngã tư Trần Khát Chân - Đại Cồ Việt phải đến hàng nghìn bước chân. Mỗi bước chân là một tiếng kêu. Tiếng kêu có lúc khản đi, nhưng nó vẫn đều đặn vang lên không hề ngưng nghỉ. Tôi rưng rưng nước mắt nhìn hai chị em Kim Tiến đi bên nhau, trông chúng bé nhỏ và cô đơn quá trong dòng đời tấp nập đang hối hả trôi đi trên đường. Mặc dầu có nhiều người đứng lại hỏi han, bày tỏ và chia sẻ sự phẫn nộ, nhưng rồi ai sẽ lại trở về nhà nấy, ai nấy sẽ lại quên đi cái vụ án từ năm ngoái, vì bây giờ còn nhiều vụ án mới cứ ngày một nhiều lên....
*
Hôm xử trung tá công an đánh gãy cổ ông Trịnh Xuân Tùng dẫn đến việc ông Tùng tử vong, tôi đến muộn vì mắc chút việc. Ngoài cổng tòa vắng hoe vắng hoét. Gọi điện hỏi bạn bè thì mọi người nói tất cả đang ở cà phê 52 Hai Bà Trưng vì không được vào. Ngay cả người có giấy mời đến muộn, họ cũng hoạnh họe gây khó dễ. Có lẽ vụ án xảy ra đã lâu, có lẽ bây giờ xã hội còn nhiều những mối bận tâm khác như vụ án Lê Văn Luyện ra tay sát hại cả nhà chủ tiệm vàng, vụ bắt nhà báo Hoàng Khương, vụ ông Vươn nổ súng vào công an và quân đội khi bị cưỡng chế tài sản, tất cả còn đang nóng hổi nên vụ xét xử kẻ đánh chết ông Tùng người ta đã lãng quên đi ít nhiều?
Ngồi uống cà phê thì ít, nói chuyện trên giời dưới bể thì nhiều. Buổi trưa thì kéo nhau ra cổng tòa chờ đợi gia đình Kim Tiến. Đến lúc tòa giải lao, nghe Kim Tiến thuật lại vắn tắt cho mọi người, chẳng ai còn lòng dạ nào nghĩ đến kết quả xử án. Bởi gần như đã dự đoán trước được kết quả phiên tòa nên ai nấy đều nghĩ đến chặng đường dài tiếp theo. Kim Tiến ấm ức nói tất cả những chứng cớ bổ sung đều không được đưa ra, mỗi lần luật sư bên nguyên lên tiếng đều bị tòa ngắt lời. Ừ! Đã bảo là chúng tôi chẳng còn khả năng ngạc nhiên nữa mà. Tôi nói với cô an ninh quen biết, rằng chắc chưa có nơi nào trong thế giới văn minh người ta lại xử án nhanh như ở ta. Tài thật hay là ngược lại?
Có người hỏi tôi quan hệ thế nào mà lại can dự đến việc xử vụ này. Tôi chỉ muốn kể rằng, khi gặp lại Trí Đức ở trước cổng tòa án, người đảng viên trung thành của đảng, người bị kết án vui là dám lấy mặt đạp vào giày công an Minh, người bị tôi kê kích trong một bài gần đây về cái sự “hồng và chuyên” của cậu ấy trông thấy tôi vẫn cười toe toét và hồn hậu: Em nói thật, lúc đầu ra đây không thấy ai, em nhất định về là em sẽ chửi um lên đấy. Bạn bè cần nhau là ở lúc này chứ lúc nào.
Đấy, đi biểu tình với nhau có hơn 10 bận, vậy mà những người xa lạ chúng tôi bây giờ trở nên nặng tình nặng nghĩa với nhau như thế đấy. Gạt bỏ mọi bất đồng cá nhân, bận mấy cũng phải đến hỗ trợ nhau về mặt tinh thần là chính. Tôi vỗ vỗ vào vai Trí Đức, cảm thấy rất thương mến con người to lớn kềnh càng như hộ pháp này:
- Thực ra chị vẫn ngường mộ em lắm. Năm 2007, khi đó chị vẫn còn chìm đắm trong báo chí “lề phải”, hoàn toàn không biết tý gì về chuyện thanh niên bọn em đã đi biểu tình phản đối Trung Quốc thành lập huyện đảo Tam Sa. Mà ngày ấy đi biểu tình còn nguy hiểm hơn bây giờ nhiều ấy chứ.
Mọi người nói chiều 2 giờ chắc tòa sẽ tuyên án luôn. Trong khi chờ đợi, chị Hiền Giang bảo nghe lỏm được mấy cậu cảnh sát trẻ nói chuyện với nhau:
- Lúc nãy cho mấy đứa chúng nó vào, bị lãnh đạo phê bình đấy.
- Mấy đứa chúng nó ấy là bọn mình đấy. Cảnh sát bây giờ láo thế. Mấy thằng ranh con chỉ bằng tuổi con mình, phải thằng con mình thì mình vả cho phải gãy mấy cái răng. Ai đời cảnh sát công an bây giờ với nhân dân toàn gọi nhau bằng “chúng nó”, cứ như là địch với ta ấy,
Tôi cười rũ, cứ hình dung một cậu cảnh sát trẻ bị mẹ vả gãy cả răng vì tội láo với mẹ “nhân dân”. Cười xong lại thấy buồn rười rượi.
Hơn 1 giờ chiều, chúng tôi theo gia đình Kim Tiến đi vào tòa. Không thấy ai đứng ra ngăn cản. Lần đầu tiên tôi ngồi trong một phòng xử án, thấy nó là lạ sao đó. Hay tôi quen nhìn thấy mấy cảnh trên phim ảnh nước ngoài rồi. Có lúc cảm thấy cảnh sát còn đông hơn cả người đến dự. Hơn 2 giờ, rồi 3 giờ, vẫn chẳng thấy có dấu hiệu làm việc của tòa. Bà cụ 90 tuổi, mẹ ông Tùng mệt mỏi quá bèn đi xuống cuối phòng, nằm còng queo ở cái ghế dài thiếp đi. Tôi ngồi cạnh chị Hiền Giang, chia sẻ về cái sự đau nhức của tuổi ngoại 50. Tôi còn bảo em tự tập Pháp Luân Công tại nhà đấy, mới có 5 buổi đã cảm thấy đỡ khá nhiều. Cái món này thằng Trung Quốc nó cấm vì sợ cái “Chân, Thiện, Nhẫn” của Pháp Luân Công. Em thì em cóc quan tâm, tao đau thì tao phải tập.
Thật buồn cười là ngay trong phòng xử án, trước cảnh kẻ nằm người ngồi ngổn ngang vì chờ đợi lâu quá, tôi đứng dậy biểu diễn cách tập mấy bài Pháp Luân Công cơ bản cho chị Hiền Giang xem. Mỗi khi dãn được các cơ bắp đang nhức mỏi, tôi lại nhăn nhó kêu lên nho nhỏ với vẻ khoái trá.
Khoảng 4 giờ chiều người ta mới đưa tay Ninh vào. Bà cụ 90 tuổi bắt đầu khóc ầm lên, gọi con trai ời ời. Tòa dọa nếu cụ không im lặng thì sẽ bị đưa ra ngoài. Dọa mấy lần bà cụ mới nín khóc được. Tôi lắng nghe bà chủ tọa đọc bản án, ngạc nhiên khi thấy tình tiết vụ án khác hẳn với những gì báo chí “lề phải” đã đăng trước đây. Chỉ có đọc thôi mà thấy bà chủ tọa cũng có lúc ngắc nga ngắc ngứ, cứ như vừa đọc vừa nghĩ vậy. Tuyên án xong thì mọi người lục tục ra về, bà mẹ già lại khóc hờ con trai, cứ một hai kêu ới ông đảng và chính phủ ơi...Mọi người mới ra khỏi phòng xử có một nửa thì đèn đóm đã tắt phụt khiến gian phòng tối om.
Ra khỏi cổng tòa, gia đình Kim Tiến đi bộ về nhà, trên tay ôm di ảnh của ông Tùng và những tờ giấy A4 in những lời tố cáo trung tá công an đánh chết người vì không đội mũ bảo hiểm. Kim Tiến vừa đi vừa nói to:
- Một mạng người chỉ có 4 năm tù. Một mạng người chỉ có 4 năm tù....
Đoàn người đi bộ từ cổng tòa án về nhà Trịnh Kim Tiến. Chúng tôi chỉ định đi theo một quãng, nhưng rốt cục thấy gia đình họ đơn độc quá nên lại tiếp tục đi theo. Cứ mỗi bước chân Kim Tiến lại hô một câu duy nhất ở phia trên. Thoạt đầu tôi không để ý, chỉ mải miết đi theo, lòng dạ còn đang ngổn ngang lo nghĩ về ông bố già đang nằm một mình ở nhà từ sáng đến giờ. Rồi thấy cái tiếng kêu của Kim Tiến vẫn đều đặn vang lên, tôi bắt đầu hiểu cái ý định của nó. Lần đầu tiên tôi thấy thương con bé vô cùng. Tôi vốn hơi khắt khe với nó, luôn cho rằng 22 tuổi là không còn bé bỏng. Nhưng bây giờ nhìn cái gánh nặng trên vai nó, tôi mới thấy quả là nó còn quá trẻ để gánh vác. Trong khi bà nội quá già yếu, em gái còn nhỏ, mẹ thì chỉ là người đàn bà buôn bán nội trợ, cô gái mới 22 tuổi bỗng trở thành người đại diện duy nhất của gia đình. Tôi xót xa nhìn gương mặt xinh xắn đanh lại của Kim Tiến, nó ráo hoảnh không một giọt nước mắt trong khi cô em gái mếu máo khóc bố. Có lẽ lúc này, Kim Tiến cố phải trở nên mạnh mẽ để làm chỗ dựa cho bà, cho mẹ và em, nên nó không cho phép mình khóc chăng?
Tôi tính quãng đường từ tòa án ở giữa phố Hai Bà Trưng, đi đến phố Tràng Thi, rồi phố Huế để về đến ngã tư Trần Khát Chân - Đại Cồ Việt phải đến hàng nghìn bước chân. Mỗi bước chân là một tiếng kêu. Tiếng kêu có lúc khản đi, nhưng nó vẫn đều đặn vang lên không hề ngưng nghỉ. Tôi rưng rưng nước mắt nhìn hai chị em Kim Tiến đi bên nhau, trông chúng bé nhỏ và cô đơn quá trong dòng đời tấp nập đang hối hả trôi đi trên đường. Mặc dầu có nhiều người đứng lại hỏi han, bày tỏ và chia sẻ sự phẫn nộ, nhưng rồi ai sẽ lại trở về nhà nấy, ai nấy sẽ lại quên đi cái vụ án từ năm ngoái, vì bây giờ còn nhiều vụ án mới cứ ngày một nhiều lên.
Nước mắt chảy dài theo những bước chân. Tôi muốn dừng lại lắm mà không nỡ. Cùng với tôi là chị Hiền Giang, Thúy Hạnh, Trí Đức, bác Trâm (bà còng) vẫn đi theo sau gia đình Kim Tiến cho đến đầu đường Trần Khát Chân mới dừng bước. Tạm biệt Kim Tiến, chúng tôi ra về trong lúc trời đã nhập nhoạng tối. Trở về chỗ gửi xe thì thành phố đã lên đèn. Trong khi phóng như bay về nhà, trong tâm trí tôi vẫn văng vẳng tiếng kêu của Trịnh Kim Tiến. Nghìn bước chân, nghìn tiếng kêu! Liệu có thấu đến trời cao?