VOA - Ngay ngày mùng một Tết âm lịch, tổ chức theo dõi nhân quyền Human Rights Watch công bố Phúc trình Toàn cầu 2012, tố cáo chính phủ Việt Nam trong năm qua đã tiến hành chiến dịch đàn áp mạnh tay, có hệ thống, đối với các nhà hoạt động xã hội và các nhân vật bất đồng chính kiến.
Human Rights Watch thống kê có ít nhất 33 nhà vận động ôn hòa tại Việt Nam bị truy tố và tuyên án trong năm 2011 ‘dựa trên những điều khoản có lời lẽ mơ hồ’ trong bộ luật hình sự, cùng với ít nhất 27 nhà bất đồng chính kiến khác đang bị giam cầm chưa đưa ra xét xử.
Ông Phil Robertson, Phó Giám đốc của Human Rights Watch đặc trách châu Á, phát biểu:
“Có ít nhất 33 người mà chúng tôi biết đã ngồi tù trong năm nay chỉ vì bày tỏ quyền tự do ngôn luận, lập hội hoặc hội họp ôn hòa. Các tội này đi từ chuyện cầm biểu ngữ cho đến viết blog. Toàn là những quyền lẽ ra phải được bảo vệ tại Việt Nam, vì người ta đã quên rằng Việt Nam đã phê chuẩn công ước quốc tế về quyền dân sự và chính trị.”
Human Rights Watch yêu cầu chính phủ Mỹ duy trì áp lực lên Việt Nam để buộc Hà Nội phải trả tự do ngay cho các blogger, nhà văn, nhà bảo vệ nhân quyền hay quyền lợi đất đai, những người vận động chống tham nhũng, ủng hộ dân chủ và tự do tôn giáo bị sách nhiễu, tra tấn, tù đày vì đã bày tỏ quyền tự do tư tưởng.
Phúc trình của Human Rights Watch được đưa ra một ngày sau khi phái đoàn Thượng nghị sĩ Mỹ do hai ông John McCain và Joseph Lieberman dẫn đầu đã cảnh báo với chính quyền Hà Nội rằng quan hệ quân sự Việt-Mỹ có phát triển hay không tùy thuộc vào tình hình cải tiến nhân quyền tại Việt Nam.
Hình: AFP/Hoang Dinh Nam - Hai thượng nghị sĩ Mỹ John McCain và Joseph Lieberman
tại cuộc họp báo ở Hà Nội ngày 19/1/2012.
Phát biểu tại Bangkok hôm 21/1 sau khi kết thúc chuyến thăm Việt Nam, Thượng nghị sĩ John McCain cho biết ông đã nêu rõ lập trường này với giới chức Việt Nam và nhấn mạnh mối quan tâm của Hoa Kỳ trước thành tích nhân quyền đang xấu đi của Việt Nam. Ông McCain nói:
“Tôi không thấy Việt Nam có tiến bộ nhân quyền, mà ngược lại còn có sự tụt hậu về vấn đề này. Tôi đặc biệt nhấn mạnh với phía Việt Nam rằng quan hệ an ninh hai nước sẽ bị vấn đề nhân quyền tác động trực tiếp.”
Việt Nam đang tìm cách phát triển quan hệ quân sự với Mỹ và đã đưa ra danh sách các loại võ khí muốn được Mỹ cung cấp trong khi tiếp phái đoàn Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ. Về việc này, Thượng nghị sĩ Joseph Lieberman cho biết:
“Chúng tôi đã nói cụ thể. Chúng tôi nói rằng có một số loại vũ khí mà Việt Nam muốn mua của Mỹ và chúng tôi muốn chuyển cho họ. Nhưng chuyện đó sẽ không xảy ra cho tới khi nào Việt Nam cải thiện nhân quyền. Quốc hội Mỹ sẽ không phê chuẩn chuyện bán vũ khí cho Việt Nam trừ phi có cải thiện nhân quyền tại Việt Nam.”
Mỹ ban hành chính sách cấm vận võ khí với Việt Nam từ năm 1984. Đề nghị mở rộng trao đổi với Hoa Kỳ trong lĩnh vực quân sự được Việt Nam đưa ra giữa lúc căng thẳng với Trung Quốc về chủ quyền Biển Đông chưa lắng dịu.
Trong chuyến thăm Việt Nam lần này, phái đoàn chính khách Mỹ đã kêu gọi Hà Nội phóng thích các tù nhân lương tâm, trong đó có tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ và linh mục Nguyễn Văn Lý. Ngoài ra, các thượng nghị sĩ Mỹ cũng thăm gặp một số nhà bất đồng chính kiến gồm Luật sư nhân quyền Nguyễn văn Đài, Luật sư Lê Quốc Quân, và bác sĩ Phạm Hồng Sơn tại Hà Nội để trao đổi về tình hình nhân quyền Việt Nam.
Trong khi đó, tại Hoa Kỳ, Trợ lý Ngoại Trưởng đặc trách các vấn đề Đông Á, ông Kurt Campbell, ngày 19/1, kêu gọi Hà nội cải thiện nhân quyền hơn nữa để có được sự hỗ trợ của Washington:
“Điều đã ngăn cản sự phát triển nhanh chóng của các quan hệ song phương chính là các vấn đề nhân quyền bên trong Việt Nam vẫn đang tiếp diễn. Những mối quan tâm đó phải được giải quyết một cách nghiêm túc hơn để tạo điều kiện cho những sự ủng hộ tại Hoa Kỳ như chúng ta đã từng thấy khi hai nước thiết lập quan hệ bang giao hồi năm 1995.”
Cùng ngày, Ủy ban Nhân quyền Tom Lantos của Quốc hội Mỹ cũng lên tiếng chỉ trích tình hình nhân quyền xuống dốc của Việt Nam trong năm qua, nói rằng “Không thể nào biện minh cho việc Việt Nam tấn công các công dân của nước mình, những người chỉ hành xử các quyền chính trị và tôn giáo một cách ôn hòa.”