Nhật Minh – Nguyễn Hưng (vnexpress) - Vinalines thừa nhận có thể khẩn trương hơn trong cứu hộ nhưng do quá tin tưởng vào các thiết bị trên tàu nên tình huống khẩn cấp không được đặt ra sớm. Doanh nghiệp cũng cho rằng quặng nickel không phải mặt hàng nguy hiểm trong khi thủy thủ sống sót một mực khẳng định điều này.
Hơn 10 ngày sau vụ chìm tàu tại vùng biển đông bắc Phillipines, câu chuyện buồn của tàu Vinalines Queen vẫn là một dấu hỏi lớn. Thông tin mà thủy thủ may mắn Đậu Ngọc Hùng cũng Vinalines mang lại trong buổi họp báo tối 4/1 không mang đến những giải thích thấu đáo. Trái lại, có thêm rất nhiều nghi vấn được đặt ra trước những thông điệp trái chiều được người trong cuộc phát đi.
Nhiều thông điệp trái chiều được người trong cuộc phát đi tại buổi họp báo tối 4/1. Ảnh: Nhật Minh
Tại buổi họp báo, Tổng giám đốc Vinalines - Nguyễn Cảnh Việt thừa nhận, doanh nghiệp có thể tiến hành các biện pháp khẩn cấp hơn nếu xác định từ đầu đây là trường hợp nguy hiểm. Tuy nhiên, doanh nghiệp này nhận định mất liên lạc khoảng 8 – 10 giờ đối với tàu biển không quá bất thường, và tin tưởng tuyệt đối vào các thiết bị phát tín hiệu khẩn cấp trên tàu. Vì thế, hơn 7 tiếng sau khi Vinalines Queen phát thông điệp cuối cùng, doanh nghiệp mới gửi yêu cầu trợ giúp tới Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải.
Trao đổi với VnExpress.net, thuyền trưởng Nguyễn Minh Ngọc - người có nhiều năm kinh nghiệm vận hành tàu chở quặng nickel, cho rằng căn cứ theo những thông điệp được Vinalines Queen phát đi trước đó, không thể nhận định đây là một trường hợp mất liên lạc thông thường. Ông Ngọc khẳng định, khi tàu nghiêng 18 độ, cộng thêm lắc do sóng gió tức là trên dưới 40 độ, rõ ràng Vinalines Queen phải đối mặt với nguy hiểm rất lớn. Vì thế, việc mất liên lạc nhiều giờ sau đó là báo hiệu rõ ràng nhất về nguy hiểm đối với con tàu và thuyền viên.
Ông Nguyễn Anh Vũ, Tổng giám đốc Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải cũng cho rằng, tại thời điểm mất liên lạc, Vinalines Queen đang phải đối mặt cùng lúc với 3 mối nguy hiểm: tàu đầy tải, nghiêng 18 độ và sóng to gió lớn. “Trong điều kiện như vậy, khả năng bị đánh chìm là rất cao”, ông Vũ nhận định
Việc chưa nhận được thông tin nào từ thiết bị cảnh báo là một điều khó hiểu khác trong vụ chìm tàu Vinalines Queen. Theo Thuyền trưởng Đinh Tất Thắng, người vừa cùng tàu Hoàng Sơn Sun trở về từ vụ cướp biển tại Somalia, với tàu hiện đại như Vinalines Queen sẽ có ít nhất 5 thiết bị phát tín hiệu khẩn cấp, trong đó có cái phát thẳng lên vệ tinh. "Việc kích hoạt chỉ cần một nút bấm và trong vòng 2 phút có thể kích hoạt toàn bộ 5 thiết bị này. Trường hợp khẩn cấp thì ngoài thuyền trưởng, sĩ quan boong có thể là người phát tín hiệu", thuyền trưởng Thắng nói.
Việc biến mất không để lại dấu vết là bí ẩn lớn nhất trong vụ đắm tàu Vinalines. Ảnh: WP
Ông Thắng phân tích, lúc phát hiện tàu nghiêng, thuyền trưởng đã yêu cầu tất cả mọi người mặc áo phao cá nhân, quần áo chống mất nhiệt và lên boong; dây chằng buộc của xuồng cứu sinh đã được tháo. Điều này có nghĩa là mọi người đều hình dung được mức độ nguy hiểm của tình huống và họ có nhiều thời gian chuẩn bị và thừa thời gian để bấm nút phát tín hiệu khẩn cấp, thuyền trưởng Đinh Tất Thắng khẳng định.
Tại buổi họp báo tối 4/1, nhiều ý kiến chuyên môn từ Tổng công ty Hàng hải đã lên khẳng định khả năng chuyên chở an toàn quặng nickel. Đại diện Phòng Khai thác của đơn vị trực tiếp quản lý tàu thậm chí còn khẳng định đây không phải là mặt hàng nguy hiểm (chỉ được quy định trong các bộ luật quốc tế về chuyên chở hàng xô, dời) nều được vận chuyển lên tàu với giới hạn độ ẩm cho phép.
Tuy nhiên, thủy thủ Đậu Ngọc Hùng lại khẳng định anh luôn được thuyền trưởng và các thuyền viên khác nhắc nhở về mức độ nguy hiểm của nickel ngậm nước. Hai thông điệp trái chiều này một lần nữa cho thấy hàng loạt nghịch lý trong vụ việc của Vinalines Queen – vụ chìm tàu bí ẩn mà ngay cả những người trong cuộc cũng chưa thể đưa ra giải thích thỏa đáng.