Thiên Di (TBKTSG) - Mọi chuyện đã rõ ràng: chính quyền xã Vinh Quang và huyện Tiên Lãng đã lạm quyền khi cưỡng chế đất đai ở địa phương. Cũng thế, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) đã ung dung bán sạch bản quyền mọi loại hình truyền thông liên quan đến bóng đá, từ truyền hình đến báo in, báo mạng, phát thanh.
Mẫu số chung của hai vụ này là: sao quyền hành của các lãnh đạo lớn bé ấy lại vô biên đến thế! Trong cả hai vụ đều không thấy có bất kỳ giới hạn nào, từ bên trong đến bên ngoài, nếu không có đổ máu hoặc đổ bể..., cầm chắc sẽ không ai hay biết! Có chăng một “trục trặc” nào đó trong quy trình xử lý để đến nỗi sự việc vẫn xảy ra gần trót lọt? Hay nói cách khác, còn thiếu định chế gì để các sự việc tương tự đừng xảy ra?
Cái quyền của một chủ tịch xã, huyện quả là vô biên khi “một mình” muốn cấp cho ai cái “quyền sử dụng đất” trong bao nhiêu năm, tùy hỉ; muốn thu hồi của ai, cũng tùy ý, chỉ cần nguệch ngoạc ký một cái, đóng con dấu đỏ vào là xong! Mỗi năm, ký bao nhiêu quyết định cấp, thu hồi như thế, tuyệt nhiên chẳng ai hay biết! Đáng ngại là cái quyền “hành” ấy lại chi phối đến cuộc sống của không biết bao nhiêu người, thậm chí biến thành “số phận” của họ. Đáng phiền hơn nữa khi VFF lẽ ra chỉ là một tổ chức dân sự, sao lại có toàn quyền với tài sản quốc gia là các sân bóng cùng các giải đấu, trong khi lẽ ra chỉ có quyền điều hành thay cho xã hội mà thôi?
Có phải do thiếu hiểu biết mà lạm quyền hay không? Ở trường hợp xã Vinh Quang và huyện Tiên Lãng, có thể ngờ rằng những người liên quan đến việc hạ bút ký quyết định thu hồi đất và cưỡng chế do trình độ nắm vững luật pháp không cao, bên cạnh những lý do khác có thể có. Thực tế cho thấy, họ viện dẫn các văn bản hoàn toàn theo ý họ. Còn ở trường hợp VFF thì người ký kết bán sạch thương quyền truyền thông cho AVG, ông Tổng thư ký liên đoàn, lại là một “tiến sĩ bóng đá”, hàm Vụ trưởng, tài cao, học rộng! Thành ra, học vấn cao hay thấp không “dính dáng” gì đến cái quyền lực vô hạn của họ.
Bình tâm nhìn lại, sẽ thấy trong cả hai vụ đều có cùng mẫu số chung: họ đã làm những gì, chẳng cần trình báo đến đâu, cũng chẳng ai soi kiểm! Nếu không “vỡ lở”, mọi việc cứ trôi như dòng nước chảy, như mây trên trời! Thực ra, trong thiết chế hiện hành, cũng có đầy đủ bộ máy có chức năng làm “lan can” ngừa những trường hợp “nhảy lầu”, song bộ máy đó đã không hoạt động đúng với thiết kế nên mới xảy ra cớ sự...!
Nói cho ngay, trong mọi chế độ, mọi chính phủ, không thể cứ mỗi viên chức lại cắt riêng một thanh tra kèm sát! Thành ra, cái thiếu lớn nhất chính là thiếu tinh thần trách nhiệm. Tinh thần trách nhiệm đó đến từ đâu?
Môn “Đạo đức học” ở bậc trung học ngày xưa, cả trường “tây” lẫn trường “ta”, có những bài như “Tự do và trách nhiệm”, “Công bằng trước hay bác ái trước?” hay “Người quân tử, ăn chẳng cầu no, ngày ba bữa, vỗ bụng rau bình bịch”... Học trò ở lứa tuổi tập làm người lớn, được rèn luyện cảm nhận, hướng dẫn nghĩ suy về những cặp đối kháng như thế, những vẻ đẹp “lý tưởng” như thế, ít nhiều thụ đắc thành nếp sống trước khi vào đời; tất nhiên, cũng có nhiều trường hợp không lĩnh hội được gì. Một “xã hội tử tế” không bỗng dưng mà có. Trái ngọt hay quả đắng là kết quả của sự gieo trồng như thế nào từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Trồng (người) như thế nào, sẽ gặt hái quả ấy! Trồng bí đâu hái được quả đào! Đạo đức nói chung và đạo đức công chức nói riêng, phải bắt đầu từ đạo đức làm người và được rèn luyện từ trên ghế nhà trường, từ thế hệ này sang thế hệ khác! Sự rèn luyện đó cũng phải bắt đầu từ bản thân từng người vì nhà trường hay xã hội không thể vươn mọi cánh tay đến tất cả mọi người. Tự rèn luyện mới tạo lập cho mình tinh thần trách nhiệm, sự liêm chính và đạo đức công việc cho dù ở cương vị nào.