Hàng loạt “uẩn khúc” tại dự án Công viên hồ điều hòa Hạ Đình - Dân Làm Báo

Hàng loạt “uẩn khúc” tại dự án Công viên hồ điều hòa Hạ Đình


Tôi tên là xxx hiện đang sinh sống tại cụm dân cư xxx Hạ Đình Thanh Xuân. Được biết trang blog Danlambao là trang web uy tín với lượng người đọc những phản biện nhiều mặt của xã hội. Vì vậy tôi viết email này nhờ trang Danlambao đăng lại bài Hàng loạt “uẩn khúc” tại dự án Công viên hồ điều hòa Hạ Đình được đăng trên báo Online Dân trí ngày 04/02/2012 với tiếng kêu khẩn thiết về sự thờ ơ vô trách nhiệm của Văn phòng KTS trưởng Thành phố khi ra công văn 206/KTST-QH biến khu đất có 300 hộ dân sinh sống thành khu đắt trống để làm dự án. Việc này dẫn đến việc khiếu kiện kéo dài và dự án treo suốt 13 năm làm cuộc sống của người dân bị đảo lộn: nhà cửa xuống cấp không được sửa, không cho xây mới...

Thay mặt 300 hộ dân tại tổ 13b và 13c Hạ Đình, chúng tôi khẩn thiết đề nghị trang Danlambao đăng lại toàn bộ nội dung bài báo trên với mong muốn nhận được sự sẻ chia, sự giúp đỡ về tinh thần của bạn đọc trên cả nước cũng như góp phần làm cho xã hội trong sạch hơn.

Kính Thư!
xxx
Tổ xxx Hạ Đình Thanh Xuân.

*

Hà Nội: Những chuyện “trái khoáy” trong quy hoạch hồ Hạ Đình 

Vũ Văn Tiến (Dân trí) - Liên quan đến những “uẩn khúc” trong việc triển khai dự án xây dựng hồ điều hòa Hạ Đình, quận Thanh Xuân (Hà Nội) đã có rất nhiều công văn chỉ đạo của Thanh tra Chính phủ, UBND TP. Hà Nội… nhưng đến nay vẫn chưa được xem xét, giải quyết dứt điểm. Theo tìm hiểu của PV Dân trí, ngày 15/12/2011, ông Nguyễn Công Ích, Chủ tịch UBND phường Hạ Đình đã ký văn bản số 173/UBND gửi UBND quận Thanh Xuân và Ban Quản lý Dự án quận Thanh Xuân nêu rõ những điều bất hợp lý về quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Công viên hồ điều hòa Hạ Đình. 

Nếu dự án cải tạo đường và thoát nước ven hồ Hạ Đình được thực hiện thì lại có thêm khoảng 3.000m2 mặt hồ bị san lấp. 

Cụ thể, UBND phường Hạ Đình không đồng ý về nhiệm vụ và phương án sơ bộ Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Công viên hồ điều hòa Hạ Đình do phương án đưa ra không được cộng đồng dân cư đồng thuận. Nội dung của phương án sẽ gây ảnh hưởng rất lớn tới cuộc sống của các hộ dân trong khu vực hồ Hạ Đình (giải phóng mặt bằng hơn 200 hộ dân nên vốn đầu tư xây dựng nhà tái định cư là rất lớn, vì vậy cần phải mất một thời gian dài để các hộ dân có thể ổn định cuộc sống). 

Liên quan đến những bất cập của Dự án trên, ngày 26/9/2011, Thiếu tướng Lê Quý Đạm, Cục trưởng Cục Quân khí (Bộ Quốc phòng) ký văn bản số 4942/CQK-XD gửi UBND TP. Hà Nội nêu rõ: Khu tập thể Cục Quân khí thuộc tổ 13B, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân hiện có 24 hộ gia đình đã được UBND TP. Hà Nội cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất tại Quyết định số 7512/QĐ-UB ngày 28/12/2000. Do vậy, các hộ dân đã xây dựng nhà kiên cố và ăn ở, sinh hoạt ổn định từ năm 1993 đến nay. 

Ngày 30/6/2011, các hộ gia đình khu tập thể của Cục Quân khí báo cáo lên Cục về chủ trương thu hồi đất để thực hiện dự án xây dựng làm đường và thoát nước ven hồ Hạ Đình, và dự án này sẽ đi qua một số nhà cán bộ của Cục Quân khí. Theo bản vẽ thiết kế thi công của dự án là xây dựng đoạn đường với chiều rộng đường là 17,5m, chiều dài là 342,51m. 

Qua nghiên cứu hồ sơ, Cục Quân khí nhận thấy việc thực hiện chủ trương trên dự án sẽ thuận lợi giao thông, tuy nhiên khi thực hiện dự án sẽ ảnh hưởng đến sinh hoạt của một số hộ gia đình thuộc khu tập thể Cục Quân khí, trong đó có một số hộ phải di dời (các hộ đó là gia đình cán bộ quân đội quân hàm thượng tá, đại tá đã có nhiều công lao trong chiến đấu và phục vụ chiến đấu trước đây). 

Do vậy, Cục Quân khí đề nghị UBND TP. Hà Nội xem xét chủ trương của dự án có hướng chỉ đạo UBND quận Thanh Xuân và UBND phường Hạ Đình điều chỉnh dự án cho phù hợp, có thể điều chỉnh tuyến đường bám theo đường hiện có để ảnh hưởng ít nhất đến các hộ gia đình cán bộ Cục Quân khí, đồng thời quan tâm đến chính sách hậu phương trong quân đội. 

Trước các đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân về những “uẩn khúc” tại Dự án xây dựng hồ điều hòa Hạ Đình, ngày 29/9/2011, ông Vũ Hồng Khanh, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội đã ký công văn số 8308/UBND-BTCD gửi Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân giao Chủ tịch quận Thanh Xuân kiểm tra, giải quyết đơn của ông Nguyễn Việt Dũng (cùng một số công dân) ở số 6, ngõ 342/101 Khương Đình, phường Hạ Đình, tố cáo một số cán bộ chủ chốt của quận Thanh Xuân sai phạm trong việc thực hiện Dự án cải tạo đường và hệ thống thoát nước; xây dựng kế hoạch triển khai các dự án chồng chéo lên đất khu dân cư, vi phạm trong công tác quản lý đất đai tại địa bàn quận (Đơn do Thanh tra Chính phủ chuyển tại văn bản số 2185/TTCP-VP ngày 16/8/2011). 

Công văn trên còn yêu cầu UBND quận Thanh Xuân báo cáo UBND Thành phố kết quả giải quyết để cơ quan này hồi âm về Thanh tra Chính phủ.



*

Hàng loạt “uẩn khúc” tại dự án Công viên hồ điều hòa Hạ Đình

Thu Hà (Dân trí) – Mặc dù Thanh tra Bộ Xây dựng và Thanh tra TP.Hà Nội kết luận: Dự án công viên hồ điều hòa Hạ Đình quy hoạch không đúng sự thật và đề nghị quận Thanh Xuân điều chỉnh phù hợp. Song, lãnh đạo quận này vẫn “phớt lờ” chỉ đạo trên khiến dư luận bất bình. 
13 năm vẫn treo lơ lửng... 

Dự án công viên cây xanh, hồ điều hòa Hạ Đình, quận Thanh Xuân (Hà Nội) được khởi động cách đây 13 năm, nhưng đến nay vẫn “treo” lơ lửng. Gần đây UBND quận lại cho phép lấp hơn 3.000m2 hồ để mở đường ven hồ rộng 17,5m gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi hợp pháp của hàng trăm hộ dân đang sinh sống ổn định trong khu vực này. 13 năm nay cuộc sống của các hộ dân nơi đây “treo” theo “dự án treo” khiến nhiều gia đình rơi vào cảnh khốn cùng, trong đó không ít các gia đình quân nhân đã phục vụ trong quân đội hơn nửa đời người. 

Theo quy hoạch sử dụng đất quận Thanh Xuân năm 1999 thì tỷ lệ sử dụng là 1/2000, theo đó trên địa bàn phường Hạ Đình có công viên cây xanh, hồ điều hòa. 2 năm sau dự án công viên hồ điều hòa Hạ Đình được khởi động. Tuy nhiên, dự án vừa “ló” ra đã phải “co” lại do có quá nhiều bất cập trong quá trình “lập dự án” gây bức xúc cho những người trong cuộc, khiến dư luận bất bình. 

Trước vụ việc trên, Thanh tra Bộ Xây dựng đã vào cuộc, tại kết luận thanh tra số 542/KL-TTr ngày 21/12/2007 của Đoàn Thanh tra Bộ Xây dựng chỉ rõ: Không kiểm tra thực tế, ngày 19/02/2002, Văn phòng KTS trưởng Thành phố có công văn 206/KTST-QH xác nhận “vị trí mà BQLDA đề nghị giới thiệu địa điểm hiện là đất trống và hồ thuộc địa bàn phường Hạ Đình”. 

Theo đó, Thanh tra Bộ Xây dựng kiến nghị UBND TP. Hà Nội: Phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/2000 quận Thanh Xuân theo quy định tại Luật xây dựng và nghị định 08/2005/NĐ-CP của Chính phủ trước khi cho phép tiến hành phê duyệt nhiệm vụ và đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 của dự án. UBND quận Thanh Xuân ban hành văn bản thông báo về việc hủy bỏ các nội dung trái với quy định của pháp luật tại văn bản số 61/UB-ĐCNĐ, ngày 4/2/2002. 

Tuy nhiên, UBND quận Thanh Xuân vẫn “phớt lờ” chỉ đạo trên, sự việc đã được Thanh tra Bộ xây dựng và Thanh tra TP. Hà Nội “cầm tay chỉ việc” nhưng lãnh đạo quận vẫn “im hơi lặng tiếng” trước những bất cập nghiêm trọng này. 

Trong khi con đường chính là phố Hạ Đình với chiều rộng chỉ khoảng 7m, không có vỉa hè,...

Thì ngách cụt này lại được UBND quận Thanh Xuân mở rộng 17,5m, dài trên 350m,... 
khiến dư luận bất bình 


Theo đó, những ngôi nhà kiên cố như thế này sẽ bị phá dỡ gây tổn hại nghiêm trọng đến cuộc sống của hàng trăm hộ dân đã sinh sống ổn định nhiều năm tại khu vực này

Tiếp đó, ngày 22/12/2008, Thanh tra TP. Hà Nội có kết luận số 1375 nêu rõ: “Ban QLDA công viên hồ điều hòa Hạ Đình phản ánh sai sự thật, gây bức xúc, khiếu kiện trong quần chúng nhân dân,…”. Trên thực tế khu vực đất được xác định thực hiện Dự án Công viên hồ điều hòa Hạ Đình đã có khoảng 350 hộ dân đang sinh sống nhưng BQLDA quận Thanh Xuân, Sở Quy hoạch – Kiến trúc chỉ căn cứ trên bản đồ quy hoạch nên cho rằng đây là “đất trống và hồ”. 

Dự án công viên hồ điều hòa Hạ Đình với quá nhiều bất cập, vô lý nhưng không hiểu bằng cách nào lãnh đạo quận Thanh Xuân lại được sự chấp thuận của UBND TP. Hà Nội? Cụ thể, ngày 28/9/2009 UBND TP. Hà Nội lại có công văn số 9291, đồng ý đề nghị lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Công viên hồ điều hòa Hạ Đình mà “quên” mất kiến nghị của Thanh tra Bộ Xây dựng (Thanh tra Bộ Xây dựng kiến nghị UBND TP. Hà Nội: Phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/2000 quận Thanh Xuân theo quy định tại Luật xây dựng và nghị định 08/2005/NĐ-CP của Chính phủ trước khi cho phép tiến hành phê duyệt nhiệm vụ và đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 của dự án). 

Biến khu dân cư với hơn 350 hộ dân đang sinh sống ổn định thành khu “đất trống và hồ”, UBND quận Thanh Xuân “lập lờ che mắt” thành phố “quyết” thực hiện bằng được dự án “cải tạo đường và thoát nước ven hồ”. Theo đó, cuối tháng 9/2011 các hộ dân nơi đây lại nhận được Thông báo số 112/TB-UBND ngày 4/6/2011 của UBND quận Thanh Xuân về việc công bố chủ trương thu hồi đất để thực hiện dự án cải tạo và thoát nước ven hồ,… 

Hàng loạt “bất cập” trong dự án “treo” 

Sau hàng loạt công văn đề nghị của Văn phòng Chính phủ và Thanh tra Chính phủ, ngày 29/9/2011 UBND TP. Hà Nội ra công văn số 8308/UBND-BTCD do ông Vũ Hồng Khanh, Phó Chủ tịch TP. Hà Nội ký yêu cầu UBND quận Thanh Xuân rà soát, kiểm tra nội dung đơn thư tố cáo liên quan đến dự án "cải tạo đường và thoát nước ven hồ Hạ Đình". Tuy nhiên, lại một lần nữa UBND quận Thanh Xuân "quên" chỉ đạo của Thành phố, mọi việc vẫn "giậm chân tại chỗ" mặc cho dân kêu, mặc thành phố chỉ đạo, mặc kết luận của Thanh tra Bộ Xây dựng và Thanh tra Thành phố,...

Chiều 3/2/2012, PV Dân trí đã mục sở thị khu vực hồ Hạ Đình, đập vào mắt chúng tôi là cảnh mặt hồ đã và đang bị lấn chiếm nghiêm trọng. Tại khu vực dự kiến làm đường ven hồ đã có hàng chục khu đất được phân lô, xây móng chìm dưới long hồ, trong đó có cả những căn nhà cấp 4 đã được xây hoàn thiện, bỏ hoang. Góc bên phải của hồ cả một dẫy phố “mọc lên” sầm uất. Điều đáng nói ở đây, trên khu vực lấn chiếm ven hồ một ngôi nhà xây dựng trái phép lại được trưng dụng thành “Câu lạc bộ cụm dân cư 3B”, treo biển UBND phường Hạ Đình khiến dư luận hoài nghi ?. 

Lý do thu hồi đất được UBND quận Thanh Xuân đưa ra là để làm đường mới rộng 17,5m, điểm đầu nối vào phố Hạ Đình thay cho ngách 101, ngõ 342 đường Khương Đình có nơi hẹp nhất là 4m. Trong khi đó đường Hạ Đình chỉ rộng 6 - 7m, không có vỉa hè. 

Điều dễ nhận thấy ở đây là sự vô lý đến khó tả, tại sao lại mở đường ngách rộng gấp gần 3 lần so với đường phố chính? Dư luận đặt ra câu hỏi, phải chăng những người đưa ra quyết sách này không nhằm mục đích chung? 

Tại khu vực ven hồ các khu phân lô đã được chủ nhân xây móng chìm "giữ chỗ" từ lâu. 
Một câu hỏi được đặt ra, phải chăng chính quyền địa phương đồng thuận với việc làm này?

Và những ngôi nhà lấn chiếm trái phép ven hồ vẫn ngang nhiên hoàn thiện mà không bị phá dỡ?

Thật xót xa khi mặt hồ Hạ Đình bị "xẻ thịt" vô số...!

Theo các hộ dân sống quanh khu vực hồ: Thực chất con đường của dự án là đường cụt không tiếp giáp với bất cứ một con đường nào trong khu vực, không mang lại nhiều hiệu quả kinh tế, không phục vụ giao thông, kinh doanh, du lịch. Phá dỡ nhà của hàng chục hộ dân có nhà kiên cố gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước, tổn hại cho các hộ dân. 

Điều đáng nói hơn là trước đó vài năm, thay vì xây dựng trường tiểu học Hạ Đình tại khu đất thuộc số nhà 70b, ngõ 342 thì không hiểu vì lý do gì khu đất đó lại cho công ty Động Lực thuê để kinh doanh. Thay vào đó, UBND quận lại cho san lấp gần 11.000m2 đất để xây dựng trường tiểu học Hạ Đình. 

Nếu dự án “cải tạo đường và thoát nước ven hồ” được thực hiện thì lại có thêm 3.000m2 mặt hồ được san lấp, như vậy tính sơ sơ hồ Hạ Đình cũng bị “xẻ thịt” đến 14.000m2. 

Theo ông Phạm Khắc Kiệm, nguyên sĩ quan Cục quân khí thì để bảo vệ hồ chỉ cần có một dự án không mấy tốn kém là kè hồ, làm đường 3 – 4m để đi bộ ven hồ, giải tỏa dứt điểm các hộ lấn chiếm. Còn việc thu hồi tới 3.000m2 mặt hồ và đất của hàng trăm hộ dân để làm đường ngách rộng tới 17,5m thì quá tốn kém và vô lý. 

Có thể nói, chủ trương xây dựng cải tạo cơ sở hạ tầng phục vụ cho lợi ích công cộng, nâng cao đời sống văn hoá tinh thần của nhân dân là việc làm đúng đắn và cần thiết. Tuy nhiên, việc chọn vị trí quy hoạch sao cho hợp lý, tiết kiệm là vấn đề cần phải đặt ra. 

Thiết nghĩ việc quy hoạch hồ Hạ Đình cần được tham khảo, lắng nghe ý kiến người dân, tôn trọng các quy định của pháp luật cũng như vì lợi ích chung, tránh làm cuộc sống người dân bị đảo lộn, ngân sách phải tốn kém. Việc xóa bỏ một khu dân cư đã sinh sống ổn định nhiều năm, phá hủy hàng trăm ngôi nhà có trị giá lên tới hàng trăm tỷ đồng cho việc tái định cư là hết sức lãng phí. UBND TP. Hà Nội cần xem xét lại tính khả thi của dự án và chỉ đạo giải quyết dứt điểm khiếu nại của người dân liên quan đến dự án trên. 

Bài và ảnh: Thu Hà


*

Những uẩn khúc và trái khoáy này đã kéo dài từ... 12 năm trước:

CV hồ điều hòa Hạ Đình: Quy hoạch dựa trên sự… gian dối!

Chí Tuyên (Congluan) - Quyền lợi của 350 hộ dân phường Hạ Đình- Thanh Xuân- Hà Nội đang bị “treo” theo Dự án (DA) công viên hồ điều hòa Hạ Đình trong suốt 9 năm qua.

Những mảnh đất đắc địa có khả năng bị thu hồi phục vụ cho dự án

Dù Thanh tra Bộ Xây dựng và Thanh tra TP.Hà Nội đã chỉ ra rằng, dự án này được quy hoạch dựa trên sự gian dối, yêu cầu quận Thanh Xuân cấp GCNQSDĐ cho các hộ dân. Tuy nhiên, lãnh đạo quận này đã “phớt lờ” chỉ đạo nói trên khiến người trong cuộc bức xúc, dư luận bất bình...

Biến khu dân cư thành khu đất trống

Theo Kết luận thanh tra số 542/KL-TTr ngày 21/12/2007 của Đoàn Thanh tra Bộ Xây dựng: Ngày 26/11/1996, Sở Địa chính Hà Nội (nay là Sở TNMT) xác nhận vị trí các thửa đất tại khu vực hồ Hạ Đình có 350 hộ dân đang sinh trong đó có 61 thửa đất được cấp đất giãn dân trong danh sách tại QĐ 2216/QĐ-UB, ngày 07/6/1993 của UBND TP.Hà Nội, số còn lại là do UBND xã Khương Đình (nay được tách thành 02 phường Hạ Đình và Khương Đình) tự ý cấp (40 thửa), san lấp chia lô (101 thửa, mỗi thửa 80m2); tự ý chia đất giãn dân cho 109 hộ. 

Nhưng rồi quy hoạch lại chồng lên quy hoạch, khi Ban quản lý dự án quận Thanh Xuân (BQLDA) có công văn số 02/CV-BQL gửi Kiến trúc sư trưởng TP (nay là Sở QH-KT) xin giới thiệu địa điểm xây dựng công viên hồ điều hoà Hạ Đình, đúng vào khu đất đã cấp đất giãn dân trước đó. Mặt khác, Giám đốc BQLDA còn báo cáo sai sự thật, khi biến khu đất đang có 350 hộ dân sinh sống thành khu đất trống (!?). 

Không kiểm tra thực tế, ngày 19/02/2002, Văn phòng KTS trưởng TP có công văn 206/KTST-QH xác nhận “vị trí mà BQLDA đề nghị giới thiệu địa điểm hiện là đất trống và hồ thuộc địa bàn phường Hạ Đình”. Bên cạnh đó, công văn cũng nêu rõ “Công văn có giá trị thực hiện trong 12 tháng kể từ ngày ký ban hành. Nếu sau thời gian trên, chủ đầu tư vẫn không tiến hành các thủ tục tiếp theo, công văn này mặc nhiên hết giá trị”.

Văn bản trái luật không bị hủy!

Người dân chưa hết bức xúc trước việc làm “chồng chéo” của BQLDA, bỗng dưng UBND quận Thanh Xuân ban hành văn bản số 61, ngày 04/02/2002 về việc "ngăn chặn, xử lý việc xây dựng không phép tại khu vực hồ Bờ Vùng (hồ Hạ Đình)"; chỉ đạo UBND phường Hạ Đình triệt để không cho các hộ gia đình, cá nhân xây dựng nhà mới ở xung quanh khu vực hồ Hạ Đình. 

Người dân Hạ Đình đang bức xúc trình bày với phóng viên sự việc trên

Tại kết luận thanh tra 542 đã phải chỉ ra rằng: Việc UBND quận Thanh Xuân ban hành văn bản số 61 là trái với quy định về cấp GPXD của Luật Xây dựng năm 2003; quyết định số 28 và quyết định số 79 về cấp GPXD của UBND TP.Hà Nội. 

Trước những sai phạm kể trên, Thanh tra Bộ Xây dựng đề nghị UBND quận Thanh Xuân cần ban hành văn bản thông báo về việc hủy bỏ các nội dung trái với quy định của pháp luật tại văn bản số 61; Thực hiện cấp GPXD tạm cho các hộ gia đình, cá nhân có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật trong khu vực hồ Hạ Đình (nếu các hộ có nhu cầu) và thực hiện việc cấp GCNQSDĐ cho các hộ gia đình, cá nhân có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật về đất đai.

Vậy nhưng, kể từ khi công bố kết luận 542 đã hơn 06 tháng, UBND quận Thanh Xuân vẫn không thực hiện theo kết luận nói trên. Ngày 20/08/2008 Thứ trưởng Bộ Xây dựng Trần Ngọc Chính có công văn số 1765/BXD-TTr với nội dung: Để chấm dứt khiếu kiện kéo dài, Bộ Xây dựng đề nghị UBND TP.Hà Nội chỉ đạo UBND quận Thanh Xuân thực hiên nghiêm túc kết luận và báo cáo kết quả thực hiện về Bộ trước ngày 30/08/2008. 

Dự án có khả thi?

Bức xúc trước việc quận Thanh Xuân coi thường lợi ích của người dân, xem thường chỉ đạo của Bộ Xây dựng, 350 hộ dân tiếp tục làm đơn cầu cứu đến các cơ quan có thẩm quyền. Do vậy, ngày 22/12/2008 Thanh tra TP.Hà Nội có kết luận thanh tra số 1375 nêu rõ: Trên thực tế khu vực đất được xác định thực hiện Dự án công viên hồ điều hòa Hạ Đình đã có khoảng 350 hộ dân đang sinh sống, nhưng BQLDA Thanh Xuân, Sở QH-KT chỉ căn cứ trên bản đồ quy hoạch lại nêu là “đất trống và hồ” là phản ánh sai sự thật gây bức xúc, khiếu kiện trong quần chúng nhân dân...

Thế nhưng sau đó, không hiểu vì lý do gì ngày 28/09/2009 UBND TP.Hà Nội có công văn 9291: Chấp thuận đề nghị của quận Thanh Xuân về việc lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 công viên hồ điều hòa Hạ Đình với diện tích khoảng 9 hécta. 

Có thể nói, chủ trương xây dựng cải tạo cơ sở hạ tầng phục vụ cho lợi ích công cộng, nâng cao đời sống văn hoá tinh thần của nhân dân là việc làm đúng đắn và cần thiết. Nhưng việc chọn vị trí quy hoạch sao cho hợp lý, tiết kiệm là vấn đề cần phải đặt ra. Một dự án xoá bỏ một khu dân cư đã sinh sống ổn định nhiều năm, phá huỷ hàng trăm ngôi nhà có trị giá lên tới hàng trăm tỷ đồng để rồi lại chi ra hàng nghìn tỷ đồng xây dựng lại thì quả là hết sức lãng phí. 

Vì thế, UBND TP.Hà Nội cũng cần phải xem xét lại tính khả thi của dự án này, để có sự tính toán và phê chuẩn hợp lý, tránh sự xáo trộn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc an sinh của người dân. 




Và tiếp tục treo theo năm tháng

Về quy hoạch khu công viên hồ điều hòa Hạ Đình
ANTĐ - 23 tháng trước

(ANTĐ) - Chiều 21-4, UBND quận Thanh Xuân đã cùng các cơ quan chức năng của quận và chính quyền địa phương tổ chức buổi đối thoại với đại diện người dân phường Hạ Đình về công tác đo đạc khảo sát hiện trạng phục vụ điều chỉnh quy hoạch công viên hồ điều hòa Hạ Đình. 

Theo quy hoạch chi tiết quận Thanh Xuân tỷ lệ 1/2000 thì phần hồ Hạ Đình có diện tích khoảng 10ha để thực hiện khu công viên cây xanh và hồ điều hòa. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai dự án trên có vướng mắc do khiếu kiện kéo dài của người dân phường Hạ Đình. Sau đó UBND thành phố tại Công văn số 1369 ngày 16-3-2007, chấp thuận về nguyên tắc đề xuất của Sở Quy hoạch Kiến trúc tại Công văn số 549/QHKT-P1 ngày 12-12-2006, cho phép điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết 1/2000 khu vực công viên hồ điều hòa Hạ Đình để giải quyết dứt điểm việc ổn định đời sống cho nhân dân trong khu vực và đảm bảo các chỉ tiêu theo quy hoạch. 

UBND thành phố giao UBND quận Thanh Xuân chỉ đạo Ban Quản lý dự án quận Thanh Xuân tổ chức điều tra, đo đạc lại toàn bộ hiện trạng khu vực ranh giới nghiên cứu dự án công viên hồ điều hòa Hạ Đình để cập nhật, đánh giá chính xác số hộ dân và tình trạng giấy tờ hợp pháp về đất đai, thống nhất ý kiến với chính quyền địa phương và các tổ dân phố, đề xuất phương án quy hoạch chi tiết 1/500, báo cáo Sở Quy hoạch Kiến trúc xem xét, thẩm định trình thành phố. UBND quận Thanh Xuân đã có 2 văn bản giao nhiệm vụ cho UBND phường Hạ Đình tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân khu vực tạo điều kiện cho việc khảo sát đo đạc; đồng thời tổ chức 3 cuộc họp vào các ngày 17-12-2009, 19-1 và 8-4-2010 để công bố các văn bản và lắng nghe các ý kiến của nhân dân.

Tại các cuộc họp này, đại diện các hộ dân đã nêu một số kiến nghị về quy hoạch công viên cây xanh hồ điều hòa Hạ Đình. Theo các hộ dân, đối với dự án này chỉ làm kè hồ và đường quanh hồ trong phạm vi mặt nước hiện có. Bên cạnh đó, người dân sống trong khu vực hồ Hạ Đình đề nghị UBND quận Thanh Xuân tiến hành cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và cấp phép xây dựng cho họ.

Tại buổi đối thoại, ông Đặng Hồng Thái, Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân khẳng định việc khảo sát đo đạc hiện trạng là công việc cập nhật, đánh giá chính xác số hộ dân đang sinh sống và diện tích mặt nước theo hiện trạng, khảo sát vị trí, quy mô trình UBND thành phố trước khi lập quy hoạch hồ Hạ Đình theo hướng kè hồ, làm giao thông quanh hồ. Về chủ trương quy hoạch điều chỉnh, UBND quận sẽ đảm bảo cuộc sống ổn định của nhân dân trong khu vực. 

Thay mặt lãnh đạo UBND quận Thanh Xuân, ông Đặng Hồng Thái đề nghị các hộ gia đình, cá nhân nếu có nhu cầu xây dựng cải tạo nhà ở thì lập hồ sơ trình UBND quận xem xét báo cáo UBND thành phố cấp giấy phép xây dựng tạm theo quy định. Đây là chủ trương đúng đắn để quản lý đất đai, trật tự xây dựng và đáp ứng nguyện vọng của đa số người dân sống trong khu vực hồ Hạ Đình. Quan điểm của UBND quận sẽ không cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất khi quy hoạch chưa được điều chỉnh, nếu các hộ dân, cá nhân nào cố tình không tạo điều kiện để chủ đầu tư thực hiện chủ trương của thành phố thì hoàn toàn chịu trách nhiệm…



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo