Lời chó tru đêm hồi thứ...: Phía sau câu chuyện "trí thức nhân dân" - Dân Làm Báo

Lời chó tru đêm hồi thứ...: Phía sau câu chuyện "trí thức nhân dân"

Nguyễn Văn Minh (QĐND) - Xem cách tiếp cận và phân tích của họ thì thấy mục đích của các cuộc thảo luận trên là nhằm xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước ta đối với đội ngũ trí thức. Trên thực tế, ngay từ những thời kỳ trứng nước và non trẻ của cách mạng, trí thức luôn là lực lượng được Đảng ta đánh giá cao và quan tâm, trọng dụng. Nhiều đồng chí lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước ta có nguồn gốc xuất thân từ trí thức.

*

Một trong những chủ đề được thảo luận nhiều trên các diễn đàn internet gần đây là câu chuyện về đội ngũ trí thức ở Việt Nam. Không ít ý kiến phản biện khách quan và mang tính xây dựng của một số nhà khoa học về vấn đề xây dựng đội ngũ trí thức ở Việt Nam đã bị bóp méo một cách nguy hiểm, lộ rõ tính kích động... 

Luôn đề cao và phát huy vai trò đội ngũ trí thức 

Trước hết, trong bài viết này, chúng tôi không có ý phản biện những góp ý của một số nhà khoa học tên tuổi trong nước về xây dựng đội ngũ trí thức gần đây mà chủ yếu đề cập nội dung nhiều diễn đàn, tờ báo hải ngoại đã cố tình lợi dụng việc này để xuyên tạc, bóp méo các quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước ta về đội ngũ trí thức. Chẳng hạn, họ cho rằng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, trí thức Việt Nam "bị mất tác dụng", thậm chí "hiện nay không có đội ngũ trí thức đúng nghĩa". Họ cố tình dựng lên mâu thuẫn giữa Đảng và đội ngũ trí thức khi bịa ra “12 nỗi sợ” của Đảng, trong đó “sợ trí thức” xếp ở vị trí thứ hai. Họ gọi đội ngũ trí thực hiện nay là "Tầng lớp “trí ngủ”(!), vì miếng cơm manh áo mà buông xuôi, làm ngơ với thời cuộc, với vận mệnh đất nước". Từ cái nhìn thiếu thiện chí này, họ kêu gọi cần “sớm giải tán sự lãnh đạo của Đảng đối với trí thức”. Họ đưa ra giải pháp “nâng tầm” trí thức Việt Nam bằng cách coi phản biện xã hội, phản đối bất cập trong chính sách của Đảng, Nhà nước là một trong những nhiệm vụ chính của trí thức. Họ đưa ra cụm từ “trí thức nhân dân”, kêu gọi trí thức hãy tham gia phản biện xã hội thật nhiều, thật mạnh, sớm “phản tỉnh” giống như trí thức ở nhiều nước trên thế giới để chiếm vai trò lãnh đạo... Họ cho rằng dân trí quốc nội hiện nay còn “thấp kém”, chỉ trông mong vào “trí thức minh quân” là những “hiệp sĩ thời đại” sẽ “cứu" cả dân tộc. 

Xem cách tiếp cận và phân tích của họ thì thấy mục đích của các cuộc thảo luận trên là nhằm xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước ta đối với đội ngũ trí thức. Trên thực tế, ngay từ những thời kỳ trứng nước và non trẻ của cách mạng, trí thức luôn là lực lượng được Đảng ta đánh giá cao và quan tâm, trọng dụng. Nhiều đồng chí lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước ta có nguồn gốc xuất thân từ trí thức. Ngay trong Chính cương, sách lược vắn tắt 1930, Cương lĩnh đầu tiên của Đảng ta do đồng chí Nguyễn Ái Quốc khởi thảo đã nêu rõ về lực lượng cách mạng, Đảng phải vận động thu phục cho được đông đảo quần chúng nhân dân trước hết là công nhân và nông dân, đồng thời phải tranh thủ đoàn kết với các lực lượng khác như tiểu tư sản, trí thức. Ngay sau ngày đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có thư kêu gọi đồng bào cả nước tiến cử người có tài, có đức ra gánh vác việc dân, việc nước, trong đó có nhiều nhân sĩ, trí thức, kể cả trí thức từ nước ngoài về tham gia kháng chiến, kiến quốc. 

Trong suốt quá trình cách mạng, nhất là thời kỳ đổi mới, vai trò đội ngũ trí thức càng được coi trọng. Ngày 6-8-2008, Hội nghị Trung ương 7 khóa X ra Nghị quyết số 27-NQ/TW “Về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”. Đảng ta đã nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá rõ những mạnh yếu của trí thức cũng như những mặt làm được và chưa làm được trong chính sách xây dựng đội ngũ trí thức và đưa ra nhiều giải pháp xây dựng đội ngũ trí thức Việt Nam ngang tầm với yêu cầu của sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. 

Tại cuộc làm việc với Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam về tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW gần đây, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhận xét: “Đội ngũ trí thức là “vàng ròng” của quốc gia” và mong muốn đội ngũ trí thức tiếp tục có những đóng góp tích cực hơn nữa vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Còn tại Văn kiện Đại hội Đảng XI, Đảng ta tiếp tục khẳng định: “Xây dựng đội ngũ trí thức lớn mạnh, có chất lượng cao; tôn trọng, phát huy tự do tư tưởng trong hoạt động nghiên cứu, sáng tạo; coi trọng vai trò tư vấn, phản biện của các cơ quan khoa học trong việc hoạch định đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước; gắn bó mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với trí thức, giữa trí thức với Đảng, Nhà nước. Có chính sách trọng dụng trí thức, đặc biệt đối với nhân tài của đất nước”. Ngay cách gọi “đội ngũ trí thức” thay cho “tầng lớp trí thức” trước kia cũng đã thể hiện tư duy mới trân trọng hơn, đánh giá cao hơn về trí thức trong công cuộc đổi mới. Cho dù như chính đánh giá của Đảng ta, quá trình xây dựng đội ngũ trí thức còn có hạn chế nhưng chỉ riêng những điều nêu trên cũng đủ cho thấy lập luận cho rằng Đảng ta xem nhẹ trí thức, kỳ thị, đối lập trí thức là bịa đặt trắng trợn, phi lý. 

Phản biện có phải là “sứ mệnh” số một? 

Đành rằng vừa qua, việc xử lý thông tin, tiếp thu những ý kiến phản biện xã hội cũng còn những hạn chế nhưng không thể nói, Đảng, Nhà nước ta né tránh, cấm đoán trí thức phản biện xã hội. Càng không thể nói hiện nay do dân trí thấp, trí thức phải đặt lên hàng đầu nhiệm vụ phản biện xã hội thì họ mới thực sự là... trí thức của nhân dân. Trên thực tế, chưa bao giờ Đảng, Nhà nước ta có chủ trương chính sách ngăn cấm, hạn chế phản biện xã hội. Như trên đã dẫn, Đại hội XI chỉ rõ: “Coi trọng vai trò tư vấn, phản biện, giám định xã hội của các cơ quan nghiên cứu khoa học trong việc hoạch định đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước và các dự án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội”. 

Ở đây, cũng cần làm rõ vai trò, sứ mệnh của đội ngũ trí thức. Trước đây, V.I.Lê-nin đã từng khái quát rằng: Trí thức là "tầng lớp xã hội đặc biệt". Nghị quyết hội nghị Trung ương 7 khóa X của Đảng xác định rõ: "Trí thức là những người lao động trí óc, có trình độ học vấn cao về lĩnh vực chuyên môn nhất định, có năng lực tư duy độc lập, sáng tạo, truyền bá và làm giàu tri thức, tạo ra những sản phẩm tinh thần và vật chất có giá trị đối với xã hội" và nhấn mạnh: "Trí thức Việt Nam là lực lượng lao động sáng tạo đặc biệt quan trọng trong tiến trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”. Nhưng dù có tầm quan trọng đặc biệt trong hệ thống lao động xã hội nói chung thì cũng không thể đơn giản và tùy tiện như cách hiểu của ai đó coi trí thức ngày nay là lực lượng tiên phong nhất, có khả năng lớn nhất giữ vai trò "ngọn cờ" của cách mạng xã hội, là những "hiệp sĩ thời đại" có thể dẫn dắt, cứu cánh cả dân tộc. Động lực chủ yếu để phát triển đất nước là đại đoàn kết toàn dân trên cơ sở liên minh giữa công nhân với nông dân và trí thức do Đảng lãnh đạo, kết hợp hài hòa các lợi ích cá nhân, tập thể và xã hội, phát huy mọi tiềm năng và nguồn lực của các thành phần kinh tế, của toàn xã hội. 

Một số người cho rằng, người lao động trí óc sẽ chưa đạt tầm của một trí thức nếu chỉ biết làm công việc chuyên môn mà chưa bộc lộ được năng lực phản biện xã hội cũng chưa đầy đủ. Thật ra, phản biện xã hội là một trong những nhiệm vụ quan trọng của trí thức nhưng không phải là nhiệm vụ chủ yếu nhất, bao trùm nhất. Trong mọi thời đại, tri thức luôn là nền tảng tiến bộ xã hội, đội ngũ trí thức là lực lượng nòng cốt sáng tạo và truyền bá tri thức. Có nhiều câu hỏi nóng bỏng từ thực tiễn xã hội đòi hỏi khơi nguồn trí thức và sáng tạo chờ đợi người trí thức. Không thể quan niệm một cách phiến diện chỉ có phản biện đối với đường lối, chính sách mới là đóng góp cao nhất của trí thức. Về vấn đề này, Giáo sư Ngô Bảo Châu khi trả lời phỏng vấn của báo chí gần đây cho rằng: “Tôi không đồng ý với việc coi phản biện xã hội như tiêu chí để được phong hàm “trí thức”(...). Theo quan niệm của tôi, giá trị của trí thức là giá trị của sản phẩm mà anh ta làm ra, không liên quan gì đến vai trò phản biện xã hội(...). Những người có học, có tri thức thật ra cần phải rất tỉnh táo khi tham gia việc phản biện xã hội. Học hàm, học vị không thể bảo đảm rằng cái anh nói ra là mặc nhiên đúng. Cá nhân tôi thường tránh bàn luận các vấn đề mà tôi không biết rõ. Tôi quan tâm nhiều hơn tới những lĩnh vực mà tôi có thể trực tiếp tham gia hành động thay vì chỉ nêu ý kiến. Nhưng tôi cho rằng việc đưa ra các phản biện có lập luận chặt chẽ là những đóng góp lớn cho xã hội, cho đất nước của giới trí thức. Tuy nhiên, trước khi lên tiếng về một vấn đề nào đó, người trí thức hơn ai hết cần phải hết sức ý thức về ảnh hưởng của nó”. 

Thực tế cho thấy, cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế tiếp thu phản biện xã hội của giới trí thức. Nhưng không vì thế mà nói rằng, Đảng, Nhà nước ta không tôn trọng, không lắng nghe các phản biện này. Có những vấn đề được xử lý, trả lời trực tiếp nhưng cũng có những nội dung được xử lý gián tiếp, có nội dung được xử lý theo những quy trình, hệ thống cơ quan chức năng. Mặt khác, trong nhiều trường hợp, cũng cần phân biệt rạch ròi giữa phản biện xã hội với lợi dụng phản biện để kích động, chống đối. 

Về lý thuyết cũng như trên thực tế hoàn toàn không có sự mâu thuẫn giữa con đường, mục tiêu của đội ngũ trí thức đối với con đường cách mạng của Đảng thì không có lý do gì phải tách rời sự lãnh đạo của Đảng với đội ngũ trí thức để đội ngũ ấy trở thành những “trí thức nhân dân” như ai đó đưa ra. Việc cần làm hiện nay là phải tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hơn nữa các chính sách và hành động thiết thực để xây dựng đội ngũ trí thức để họ được phát huy, tỏa sáng và cống hiến nhiều hơn cho đất nước. 




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo