BBC - Báo Quân đội Nhân dân phê phán tranh luận trên mạng về trí thức 'bị bóp méo nguy hiểm' sau khi Tổng bí thư Đảng nhắc nhở các cựu lãnh đạo không được 'phân tâm tư tưởng', mặt khác cảnh báo những người 'thu vén cá nhân'.
Cờ bay trên khu đất từng là nơi trú ngụ của gia đình ông Đoàn Văn Vươn
Báo Quân đội Nhân dân vừa có bài hôm 19/2 nhận định rằng cuộc thảo luận trên các diễn đàn mạng về trí thức Việt Nam đã đi lệch hướng, thậm chí "bị bó bóp méo một cách nguy hiểm, lộ rõ tính kích động", trong bối cảnh vụ Đoàn Văn Vươn đang thúc đẩy một đợt phản biện rộng khắp Việt Nam.
Một số c̣ưu lãnh đạo cao cấp nhất và cả các vị tướng của quân đội, công an đang phối hợp cùng giới trí thức, nhà báo trong và ngoài luồng nhằm tạo áp lực lên chính quyền Hải Phòng và cả trung ương sau vụ cưỡng chế tai tiếng đầu năm nay ở Tiên Lãng.
Nhiệm vụ nào là chính
Nhưng dù không có ý phản biện những đóng góp của một số nhà khoa học tên tuổi đã phát biểu gần đây, tác giả bài trên Quân đội Nhân dân, Nguyễn Văn Minh bác bỏ quan điểm trí thức Việt Nam "bị mất tác dụng", hoặc trở thành "trí ngủ".
Bài báo cũng nói "nhiều nhà lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước ta ta có nguồn gốc xuất thân từ trí thức".
Cuộc tranh luận trên các diễn đàn mạng bị phê phán rằng đã sai lầm ở điểm coi phản biện xã hội là "nhiệm vụ chính của trí thức", theo tác giả Nguyễn Văn Minh.
Thay mặt lãnh đạo Đảng để xác định lại vị trí của trí thức, tác giả viết:
"…Không thể nói, Đảng, Nhà nước ta né tránh, cấm đoán trí thức phản biện xã hội. Càng không thể nói hiện nay do dân trí thấp, trí thức phải đặt lên hàng đầu nhiệm vụ phản biện xã hội thì họ mới thực sự là... trí thức của nhân dân."
"Trên thực tế, chưa bao giờ Đảng, Nhà nước ta có chủ trương chính sách ngăn cấm, hạn chế phản biện xã hội."
Có ý kiến từ cựu tướng lĩnh đề nghị cả Thủ tướng Chính phủ và
Ban lãnh đạo Đảng về Tiên Lãng xử lý vụ việc
Tác giả Nguyễn Văn Minh cũng trích lời Giáo sư Ngô Bảo Châu rằng ông "không đồng ý với việc coi phản biện xã hội như tiêu chí để được phong hàm 'trí thức", sau khi câu nói đã gây ra nhiều tranh cãi trên các diễn đàn mạng, kể cả trang web bbcvietnamese.com.
Một mặt, bài trên tờ Quân đội Nhân dân thừa nhận "cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế tiếp thu phản biện xã hội của giới trí thức" nhưng cũng cảnh báo nghiêm khắc, rằng "trong nhiều trường hợp, cũng cần phân biệt rạch ròi giữa phản biện xã hội với lợi dụng phản biện để kích động, chống đối".
Điều có thể gây lo ngại cho chính quyền là trí thức Việt Nam nay không chỉ tư vấn hay phản biện bằng phát biểu mà còn trực tiếp đứng ra làm các công việc cụ thể như ủng hộ người bị oan sai, kể cả đi thăm các nhân vật bị bắt giam như bà Bùi Hằng.
Bài trên báo Quân đội Nhân dân được đăng chưa đầy hai tuần sau khi Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, ông Nguyễn Phú Trọng có diễn văn quan trọng lần đầu kể từ Hội nghị Trung ương 4, nhằm chấn chỉnh công tác xây dựng Đảng và hoạt động Tuyên giáo.
Các ý kiến đến từ chính giới trí thức, văn nghệ sĩ, các cây viết tự do trên mạng Internet ở trong nước cùng phát biểu liên tục của nhiều vị cựu lãnh đạo cao cấp đã tạo ra một tình hình khác mới, mà báo chí chính thống coi là "bất bình thường" những tháng qua tại Việt Nam.
Trang Đảng Cộng sản hôm 9/2 đăng lời ông Nguyễn Phú Trọng thừa nhận tình hình quốc tế đang "diễn biến rất mau lẹ, bất trắc, phức tạp, khó lường, chẳng hạn như các sự kiện ở Trung Đông và Bắc Phi".
"Những sự kiện đó gây tác động, ảnh hưởng đến tư tưởng cán bộ, đảng viên và nhân dân,"
Nhưng Tổng bí thư Trọng cũng mạnh mẽ đặt cả vấn đề về lòng trung thành của nhiều đảng viên, kể cả cựu lãnh đạo cao cấp.
Ông nói tại một hội nghị ngày 7/2: "Khi kiểm điểm nhiều người cứ nhận là bản lĩnh chính trị vững vàng, trung thành tuyệt đối, nhưng thực tế có đúng như thế không? "
"...Thậm chí, có cả cán bộ nguyên là lãnh đạo trước khác, nay cũng nói khác, gây phân tâm tư tưởng, trong khi bên ngoài các thế lực thù địch tấn công ta bằng những âm mưu, thủ đoạn 'diễn biến hòa bình'...một bộ phận cán bộ đảng viên, nhân dân, kể cả trong cán bộ tuyên giáo là sự mơ hồ, không phân biệt đúng sai..."
Tuy không nêu tên ai cả nhưng Tổng Bí thư Trọng xác định rằng có bộ phận đảng viên "phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí chiến đấu, mất nhuệ khí đấu tranh, nặng về thu vén cá nhân".
'Tự tắm hay ai tắm cho?'
Hiện chưa rõ những lời phê phán này sẽ được triển khai thành chính sách nhằm ngăn ngừa các hiện tượng nói trên thế nào.
Tuy nhiên, có vẻ như ông Trọng muốn Đảng tiến hành tự phê từ cấp cao nhất, thay vì bị phê phán Đảng Cộng sản trực diện từ bên ngoài, kể cả t̀ư những người từng nắm trọng trách cao.
Mặt khác, ông Tṛong cũng muốn tỏ ra rằng ông và ban lãnh đạo của ông biết được điều dư luận chung đã nêu liên tục những năm qua là chính các quan chức cao cấp đương quyền tỏ ra có vấn đề.
Hôm cuối tuần qua, có bài của tác giả Vũ Việt Hùng, thuộc Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng đăng trên trang Tạp chí Cộng sản nhấn mạnh lại ý kiến của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, cho rằng có hiện tượng "suy thoái tư tưởng...của cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo".
Một người tiền nhiệm của ông, cựu Tổng bí thư Lê Khả Phiêu gần đây đã trả lời báo chí, đặt câu hỏi cho ban lãnh đạo đương nhiệm về năng lực tự chấn chính.
Trả lời tờ báo của ngành dầu khí chứ không phải báo Đảng, Tướng Lê Khả Phiêu hỏi:
Thiếu tướng Công an Phạm Chuyên trầm ngâm bên đống đổ nát của nhà ông Vươn - hình từ trang nguyenthong
"Bản thân Trung ương cũng như các đồng chí trong Bộ Chính trị, Ban Bí thư phải làm rõ vì sao tình hình suy thoái trong Đảng kéo dài và khắc phục mãi chưa được?
"Trách nhiệm Trung ương, Bộ Chính trị và Ban Bí thư như thế nào, đã rút ra được những kết luận gì, bài học gì về tình hình Đảng hiện nay và biện pháp khắc phục ra sao?
Trong khi có ý kiến của giới trí thức và blogger tại Việt Nam nhắc đến vai trò và trách nhiệm của quan chức Đảng và Chính quyền Hải Phòng trong vụ 'cưỡng chế sai' ở Tiên Lãng rằng không thể chỉ 'tắm từ đùi trở xuống', Tướng Phiêu nâng hình ảnh này lên cao hơn:
"Nên tự phê bình và phê bình cấp trên phải làm gương trước, 'trên trước dưới sau', 'đã tắm thì phải biết gội đầu'."
Những gì xảy ra sau vụ cưỡng chế 5/1/2012 với gia đình kỹ sư Đoàn Văn Vươn ở Tiên Lãng, Hải Phòng đã và đang thu hút ý kiến và sự tham gia lên tiếng, bày tỏ thái độ của nhiều tầng lớp dân chúng và giới trí thức cùng cựu quan chức cao cấp.
Họ dùng các kênh truyền thông bên ngoài Hải Phòng và cả các trang mạng độc lập để phát biểu, nhắc nhở các lãnh đạo đương nhiệm từ trung ương tới địa phương về tính nghiêm trọng của vụ việc.
Gần đây nhất, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, trong bài trả lời phỏng vấn Tuần Việt Nam hôm 20/2 nói đích thân Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, thanh tra Chính phủ, Ủy ban Giám sát kiểm tra Đảng phải về Tiên Lãng trực tiếp chỉ đạo xử lý vụ việc vì lãnh đạo Hải Phòng "chưa thực sự tự phê bình".
Trước đó, Cựu Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh đã trả lời tờ Sài G̀on Tiếp Thị phê phán việc huyện đội Tiên Lãng đưa "bộ đội của ta là của dân, do dân, vì dân đi tham gia cưỡng chế."
Thiếu tướng Phạm Chuyên, cựu Giám đốc Công an Hà Nội hôm 10/2 cũng đã cùng một số nhân sĩ, trí thức xuống hiện trường vụ cưỡng chế để thăm khu nhà bị tàn phá của nhà ông Đoàn Văn Vươn.
Tướng Chuyên được trích lời trên một trạng mạng tự do đề nghị "cách chức ngay bí thư, chủ tịch và giám đốc công an thành phố này Hải Phòng và tiếp nữa là tha ngay, tha bổng cho Đoàn Văn Vươn".