Văn hoá nhân và vật - Dân Làm Báo

Văn hoá nhân và vật

Hàn Lệ Nhân (Danlambao) - Tạo hoá sinh ra bao nhiêu chủng loại người, có bấy nhiêu chủng loại vật và loài người đối xử với loài người ra sao, loài vật đối xử với nhau y như vậy (1). Đã có bao nhiêu người sống trên xương máu và đời sống của những người vô tội: Có những kẻ như cọp, luôn luôn tàn bạo và độc ác; có những kẻ như sư tử với chút vẻ ngoài rộng lượng; có những kẻ như gấu, thô tục và tham lam; có những kẻ như sói, chiếm đoạt và tàn nhẫn; có những kẻ như chồn, sống bằng nghề chính là lừa bịp.

Đã có bao nhiêu con người từng quan hệ với các "bạn của loài người"! Chúng nó tiêu diệt đồng loại, chúng nó săn bắt để vừa lòng kẻ đã nuôi dạy chúng nó; có những con luôn luôn theo đuôi chủ, có những con canh giữ nhà cho họ. Có những con thuộc họ Lái, bị buộc xích, sống nhờ vào giá trị bản năng, được tiền định dành cho chiến tranh do đó hội đủ sự cao sang của lòng can đảm; có những con thuộc họ Ngao, cuồng nhiệt mà phẩm chất chỉ là sự cuồng bạo; có những con, ít nhiều vô tích sự, thường chỉ biết sủa và lắm khi biết cắn; kể cả những con thuộc nòi ma-xó. 

Có những con khỉ đực và những con khỉ cái, qua các điệu bộ, ra tuồng có trí năng và chuyên môn làm điều ác; có những con công mang nhiều vẻ đẹp, do tự chán ngán cái giọng của mình nên phá hoại những nơi chúng ở. Có những con chim chỉ đáng quý là nhờ vào sự líu lo và màu sắc. Có bao nhiêu con vẹt huyên thiên không dứt và chẳng bao giờ nghe những gì chúng nói; có bao nhiêu con chim khách và quạ khoang tỏ ra thân thiện chỉ để đánh cắp; có bao nhiêu con chim mồi chỉ sống nhờ cướp bóc; có bao nhiêu loài vật thuần hậu và yêu chuộng sự bình yên chỉ để làm no bụng các đồng loại khác. 

Có những con mèo luôn luôn ở thế rình rập, ranh mảnh và bất nghĩa nhưng lại có những bước chân nhung; có những con rắn lục, duy cái lưỡi quá độc, phần còn lại đều hữu ích; có những con nhện, những con ruồi, những con rệp và những con rận luôn luôn gây bất tiện và khó chịu; có những con cóc chỉ gây sự kinh hoàng và có nọc độc; có những con cú sợ ánh sáng. 

Bao nhiêu loài vật sinh sống dưới lòng đất để tự bảo tồn! Bao nhiêu con ngựa đắc dụng cho loài người trong cơ man công việc, bị bỏ rơi khi năng lực không còn; bao nhiêu con bò lao lực trọn đời để làm giàu cho kẻ đã buộc ách vào cổ chúng; bao nhiêu con ve sầu mãn đời chỉ để hát rong; bao nhiêu con thỏ rừng sợ hãi mọi thứ; bao nhiêu con lợn sống trong bợm bãi và trong ổ rác; bao nhiêu con vịt mồi phản bội đồng loại bằng cách quyến dụ đồng loại lọt lưới; bao nhiêu quạ và kênh kênh sống bằng đồ hư thối và những xác chết! Bao nhiêu con chim di trú, để sống còn, bay từ nơi nầy sang nơi khác và gây ra vô số nguy hại! Bao nhiêu con bọ dừa khinh xuất và không mục đích; bao nhiêu con bướm tìm lửa để tự thiêu! Bao nhiêu con ong mật tôn trọng thượng cấp và giữ vững kỷ cương và kỹ nghệ! Bao nhiêu con ong bầu lang thang và biếng nhác, sống bám vào những con ong mật! Bao nhiêu con kiến, nhờ tính dự phòng và cần kiệm, đã tự giảm bớt mọi nhu cầu! Bao nhiêu con cá sấu làm bộ than thở để rồi nuốt tươi những kẻ dám đụng tới sự thở than của chúng! Và bao nhiêu loài vật bị khuất phục bởi không ý thức được sức mạnh của mình! 

Mọi phẩm chất nêu trên đều có trong loài người, và con người đối xử với đồng loại ra sao, loài vật đối xử với nhau y như vậy! (1).


Trong mấy cuộc đối thoại - bị lén ghi âm - giữa hai con người đồng chủng, bên nầy là dân bên kia là bạn dân, tôi mới nghe được (và không đủ can đảm ghi ra đây) làm tôi trực nhớ, lục lại đoạn văn này: 

Một chú cừu con đứng uống nước ven một dòng sông, một con sói trông thấy và muốn tìm cớ để nhai chú ta. Con sói đứng ở phía thượng nguồn nhưng vẫn cáo buộc cừu đã làm đục nguồn nước của hắn. Cừu đáp rằng "tôi chỉ uống có chút đỉnh lại ở phía hạ nguồn thì làm thế nào vấy đục được nước ở phía thượng nguồn". Sói, đuối lý, viện cớ khác: "Tao biết năm ngoái mầy đã chửi bố tao". ─ Làm sao tôi có thể chửi bố bác được vì năm ngoái tôi chưa sinh ra đời?", cừu trả lời. Nhưng sói cười khẩy "Mầy có đủ lý lẽ để tự vệ, nhưng tao vẫn ăn mầy như thường." (2).

Karl Marx phân biệt con người và con vật ở chỗ: "Súc vật chỉ nhào nặn vật chất theo thước đo và nhu cầu của giống loài của nó, còn con người thì có thể sản xuất theo thước đo của bất cứ giống nào và ở đâu cũng có thể áp dụng thước đo ứng dụng cho đối tượng: do đó con người cũng nhào nặn đối tượng theo qui luật của cái đẹp." 

Cái đẹp của con sói, đặc biệt khi nó đói, đối với đối-tượng-trừu là tìm cách nuốt đẹp theo bản năng hay qui luật thiên nhiên mà chẳng mảy may ân hận: Loài vật rút ngắn được mọi tranh chấp bằng vũ lực. Đó là cái đẹp của rừng xanh. Còn trong xã hội loài người, đâu thể tệ như thế vì loài người nghe nói nơi nơi đều đã có luật pháp văn minh – cái mà loài vật không có bởi không cần - song vì lý do nào đó "chưa kiện toàn được luật pháp, người ta chứng minh vũ lực" vì "luật pháp mà không có vũ lực là bất lực", đúng vậy; có điều "vũ lực mà thiếu luật pháp là bạo lực" (3): Loài người cho vũ lực là công lý! Thảo nào bao nhiêu năm nay, tôi thường nghe con người đã khéo ứng dụng bạo lực với đối-tượng-người bằng cách nhào nặn với hai chữ rất đẹp: Nhân Danh! 

Do đó, ai sao không biết chứ cá nhân tôi không thể thản nhiên tiếp tục nhân danh con số mấy ngàn năm lịch sử hay quá khứ để dạy con trẻ tự hào - nữa là tự tôn, tôi nghĩ đó có khác gì cấy vào chúng mầm tự sát, khi mà bài học của lịch sử hoàn toàn viết bằng máu, xem ra vẫn là chút le lói nhập nhoè của những miểng kim cương li ti rời rạc, có rọi tới hiện tại tí nào đâu, mà đáng lý ra "hiện tại tức là dĩ vãng đã cuốn lại để cho ta hành động, mà dĩ vãng tức là hiện tại mở ra để cho ta hiểu biết" (4). 

Với phương tiện truyền thông liên lục địa và quá dễ dàng ngày nay, tôi xin thú thật đối với con trẻ, tôi mất hết can đảm loè cái Nhân giả, lờ cái Thú thật, như xưa các bậc trưởng thượng – khi hướng về nguồn cội, đã áp dụng với trang lứa chúng tôi. Con trẻ đã đặt những câu hỏi mà tôi đành giấu chút tự thẹn còn sót lại bằng cách đánh trống lảng hay im lặng. Và tôi tự hỏi: Có hay không phương trình nhân văn và khoa học nghiền, nấu ngàn miểng kim cương để gộp thành một viên hột soàn năm bảy ca-ra, đơn cử như con-người-Nhật, sau 1945, nhào nặn vạn cục đất thó thành biệt thự; như con-người-Đức, từ thập niên 1990, tổng hợp mọi dị biệt để vững chãi là đại cường? Hai chủng loại nầy có đáng chính danh là giống người mới mà bao nhiêu năm qua mấy cụ ông Mác-Lê-Mao-Hồ, học đòi Quản Trọng, chủ trương trồng hay không? 



__________________________________________________

Chú thích:
1. Theo La Rochefoucauld 
2. Ésope 
3. Pascal 
4. W & A Durant - Nguyễn Hiến Lê: Bài học của lịch sử


Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo