Dân Làm Báo - "Đi tìm mang ý nghĩa là công lý đang nằm ở đâu đó và mình tìm nó. Tôi không đi tìm. Tôi đấu tranh để có công lý, để công lý có thể phục hồi. Tôi biết một mình tôi sẽ không làm nổi chuyện đó nhưng ít ra tôi biết đất nước này đang có thêm một người đang đấu tranh cho công lý. Những gì xảy ra trong gần 1 năm qua đã dạy cho tôi một bài học: Công lý không thể xin mà có, không thể trông mong vào sự ban phát của ai cả mà phải tranh đấu, xây dựng nó. Và tôi có quyền làm điều đó với trách nhiệm của một công dân..." - Nguyễn Thị Thanh Tuyền
*
Ngày 25 tháng 4 năm 2011, Công an huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương có thông báo về cái chết của anh Nguyễn Công Nhựt (30 tuổi, quê quán Tiền Giang) là do tự tử tại phòng họp của trụ sở công an huyện. Anh Nhựt bị tạm giữ tại đồn công an từ ngày 21 tháng 4 để làm việc liên quan đến chuyện báo mất hàng ngàn chiếc vỏ xe của công ty Kumho (Khu công nghiệp Mỹ Phước III, huyện Bến Cát).
Liên quan đến cái chết của anh Nhựt còn có điều tra viên Nguyễn Thành Phú – người bị tố cáo có hành vi gạ tình đối với vợ nạn nhân và hiện đã bị đình chỉ công tác.
Chị Nguyễn Thị Thanh Tuyền (vợ anh Nhựt) và gia đình không đồng ý với thông báo này, và đã khiếu kiện lên các cơ quan cấp cao hơn. Ngày 16 tháng 02 năm 2011, VKSND Tối cao đã có kết luận “Anh Nhựt chết do tự tử”. Dân Làm Báo đã liên lạc với chị Tuyền để trao đổi thêm chi tiết:
1. Chào chị Tuyền, được biết theo thông tin từ báo Người Lao Động (NLĐ) thì VKSND tỉnh Bình Dương đã có kết luận của VKSND tối cao về vụ việc của anh Nhựt, xin chị vui lòng cho biết cụ thể về kết luận này được không?
Đến bây giờ tôi chưa nhận được kết quả điều tra của VKSND tối cao về vụ việc của Anh Nhựt. Tôi chỉ nghe thông tin vụ việc từ báo NLĐ.
Báo NLĐ có đăng là gia đình theo dõi công văn của Công an Tỉnh Bình Dương đã gửi cho gia đình. Nhưng đến nay ngày 22/02/2011 gia đình cũng chưa nhận được bất kỳ giấy tờ gì. Không biết là bên phía công an gửi khi nào, bằng phương thức nào mà đến nay gia đình cũng chưa nhận được. Ngày nào tôi và gia đình cũng ngóng chờ thông báo kết quả điều tra từ VKSND Tối Cao và Công an Tỉnh Bình Dương.
2. Phản ứng (suy nghĩ) của chị và người thân trong gia đình trước kết luận này ra sao?
Khi nghe được tin tôi thật sự sốc. Tôi và gia đình phẫn nộ khi đọc dòng tin là VKSND tối cao có kết quả điều tra là anh Nhựt tự tử. Tôi không hiểu được nguyên nhân gì mà VKSND tối cao kết luận như vậy? Ngày 21/11/2011 tôi đã gặp ông Phong tại Cục điều tra VKSND tối cao ở Hà Nội. Chính ông Phong cũng nêu nghi vấn về những vết tích trên cơ thể anh Nhựt, ông ấy nhận định tại sao lại có nhiều kiến bu trong bộ hạ… và cơ quan đang làm rõ?. Vậy những vấn đề đó đã được làm rõ chưa mà kết luận như vậy?
Trên thân thể của anh Nhựt có nhiều vết bầm ở từ bụng dưới, bầm hai bên háng và đùi, 2 diệp hoàn bị bể dập tụ máu, trên đầu dương vật bị tróc da có máu bầm đen kiến bu rất nhiều, quần dính đầy máu ở đáy quần, hai bàn tay co, móng tay tím đen, chân có nhiều vết bầm li ti và nhiều dấu chấm đen ở dưới chân và trên bàn chân, bàn chân và ngón chân bầm tím, bên sau tai bị bầm và bị trầy xước, đầu gối sưng to như là quả chanh, chân và ngón tay không giũi thẳng được, trên ngực cũng có hai vết bầm to… Vậy những vết trên thân thể Anh Nhựt do đâu mà có? Những dấu vết đó tác động bởi cái gì? Tôi cần câu trả lời chính thức từ VKSND tối cao về vấn đề này.
Có quá nhiều câu hỏi mà tôi và gia đình đã đặt ra, và tôi cũng đã viết ra, quá nhiều khuất tất trong cái chết của chồng tôi:
Tại sao anh Nhựt tình nguyện ở đồn công an trong khi bỏ vợ ở nhà một mình hiu quạnh và khi vợ đến thăm thì công an không cho gặp, lại còn nhốt trái cửa khóa ngoài?
Tại sao Anh tự nguyện ở lại mà tịch thu điện thoại của Anh và không cho Anh gọi điện thoại về gia đình, công an giữ anh ở lại đồn mà không thông báo cho gia đình?? Đến nay điện thoại, đôi giày của Anh cũng không trả lại cho gia đình.
Tại sao lúc đầu công an Bình Dương trả lời là anh Nhựt vì sợ có tội nên quẫn trí tự tử chết? Sau đó lại trả lời Anh có công tố giác tội phạm và sợ bi trả thù nên không dám về nhà và đã xin ở lại đồn công an rồi tự tử?
Tại sao anh Nhựt tự nguyện ở lại công an rồi tử tự chết? Trong khi anh có một gia đình hạnh phúc.
Tại sao anh Nhựt tự tử mà thân thể bầm dập, máu dính nhiều trên quần và áo gối, hai bên háng có vết thương bị ngoại tử và kiến bu nhiều trong tinh hoàn thế kia?
Tại sao khám nghiệm hiện trường không cho gia đình Anh tham gia mà lại nhờ một người tạp vụ trong đồn công an chứng kiến hiện trường?
Tại sao vợ Anh xin gặp anh lần cuối thì công an không cho? Âm thầm dời xác Anh đi khỏi đồn công an mà không thông báo cho gia đình?
Tại sao phó giám đốc công an Nguyễn Hoàng Thao yêu cầu phải mổ tử khi gấp không thì xác thúi? Vậy Anh chết khi nào? Đến nay pháp y cũng không kết luận về vấn đề này và không biết Anh chết ngày nào vào lúc mấy giờ,?
Tại sao biên bản khám nghiệm hiện trường, bản ảnh, hiện trường có nhiều tình tiết khác với bản ảnh mà gia đình tôi chụp được, dấu vết trên hiện trường không phù hợp với việc thắt cổ tự tử chết?
Tại sao việc khám xét trên thân thể qua bản ảnh chụp dấu vết trên thân thể là hoàn toàn mâu thuẫn nhau?
Tại sao giấy bút đâu để Anh viết? Ai đưa giấy bút cho Anh ấy viết?
Tại sao Anh viết 4 trang giấy không ai phát hiện? Người canh giữ Anh ở đâu?
Tại sao bức thư Anh gửi cho vợ mà công an không chịu đưa bản chính mà đưa bản photo?
Tại sao chữ viết không giống chữ viết Anh? Anh viết trong hoàn cảnh nào mà ngôn ngữ không giống ngôn ngữ của Anh? Tại sao Anh viết một bức thư mà có hai nét chữ?
Tại sao Anh viết một lá thư tuyệt mạng mà ca ngợi những điều tra viên là những người tuyệt vời nhất mà trong khi đó anh không nhắn nhủ và xin lỗi về người Mẹ già yếu người Cha bệnh tật đã cho Anh ăn học thành người và người vợ yêu thương Anh và lo lắng cho Anh biết chừng nào?
Tại sao Anh đành đoạn đi theo Ông Bà… để mái tóc đầu bạc tiếc thương đưa tiễn mái đầu xanh, bỏ lại một người vợ mà Anh hay nói “thương vợ nhất trên đời”?
Tại sao ông Thiếu tá Nguyễn Thành Phú biết số điện thoại vợ Anh để gạ gẫm và rủ rê vào khách sạn và bảo vợ Anh bán đất để cứu chồng? Vậy mà Anh viết thư ca ngợi hắn?
Tất cả những điều vô lý trên đều không được giải quyết tận gốc mà lẽ ra một cơ quan điều tra chuyên nghiệp, nghiêm chỉnh và công minh đều phải giải quyết tận gốc.
Không có ai dại dột đến nỗi mà tự nguyện xin ở lại đồn công an rồi tự tử hết. Nếu quả thật mà kết luận anh Nhựt tự tử thì đã có dấu hiệu bao che và bưng bít của VKSND tối cao là quá rõ và họ có trách nhiệm liên đới trong việc che đậy tội ác cho những người đã gây nên cái chết của anh Nhựt.
3. Chị đã nhận được bản kết luận cuối cùng từ VKSND Tối cao của tỉnh Bình Dương chưa?
Dạ chưa nhận được bất kỳ kết luận nào từ VKSND tối cao.
4. Chị có dự tính gì sau khi nhận được bản kết luận này không?
Nếu như sự thật kết quả điều tra của VKSND tối cao giống như kết quả của công an Bình Dương là anh Nhựt tự tử. Tôi sẽ tiếp tục kiến nghị VKSND cấp cao hơn, lên chủ tịch nước, tổng bí thư, thủ tướng, kiến nghị lên Quốc hội yêu cầu làm rõ cái chết của anh Nhựt.
5. Được biết chị và gia đình đã có thư gửi Đại sứ quán Hàn Quốc về việc của anh Nhựt, xin chị cho biết thêm về việc này.
Tôi đã gửi đơn cho Lãnh sự quán Hàn Quốc tố cáo việc làm sai trái của công ty Kumho và Công an Bình Dương đã âm mưu hại chết anh Nhựt. Tôi được biết đất nước Hàn Quốc là một đất nước dân chủ họ sẽ không bao giờ chấp nhận cái việc làm gian ác như thế này. Tôi kỳ vọng vào sự giúp đỡ của LSQ, hy vọng họ sẽ giúp tôi vạch trần bộ mặt thật của công ty Kumho nên tôi đã gửi đơn cho họ để cầu cứu. Nếu sự kỳ vọng này không được đáp ứng, tôi sẽ kêu gọi mọi người đồng cảm với cảnh ngộ của tôi, bức xúc trước những bất công để hỗ trợ tôi đưa ra trước công luận trong và ngoài nước về những sai trái và âm mưu bưng bít tội ác của công ty Kumho.
6. Theo thông tin mới nhất trên báo NLĐ về việc có thêm 1 người nữa chết tại trại tạm giữ của công an Q.9. Chị có bình luận gì về việc này không?
Đến giờ tôi đã nhìn rõ về bản chất sự việc từ cái chết của chồng tôi tại đồn công an Bến Cát. Tôi thật sự chia buồn với gia đình anh Phước.
Tôi thật không hiểu nổi vì sao mà những người bị đưa vào đồn công an mà chết đều được công an trả lời là do tự tử, do có tiền sử bệnh tật… Đừng bao giờ tin vào những câu trả lời, những kết luận như thế này của công an.
Cái chết của anh Phước, nhìn lại hàng loạt những cái chết oan ức trong đồn công an cho tôi thấy rõ tại sao tôi phải tiếp tục tranh đấu cho công lý. Nó không còn chỉ là việc giải oan cho chồng tôi mà còn góp phần vào việc ngăn chận tội ác cứ tiếp tục diễn ra, cứ tiếp tục nhởn nhơ coi thường luật pháp, cứ tiếp tục coi thường đến mức khinh rẻ dư luận.
7. Chị nghĩ liệu có hy vọng gì tìm thấy công lý không?
Đi tìm mang ý nghĩa là công lý đang nằm ở đâu đó và mình tìm nó. Tôi không đi tìm. Tôi đấu tranh để có công lý, để công lý có thể phục hồi. Tôi biết một mình tôi sẽ không làm nổi chuyện đó nhưng ít ra tôi biết đất nước này đang có thêm một người đang đấu tranh cho công lý. Những gì xảy ra trong gần 1 năm qua đã dạy cho tôi một bài học: Công lý không thể xin mà có, không thể trông mong vào sự ban phát của ai cả mà phải tranh đấu, xây dựng nó. Và tôi có quyền làm điều đó trong trách nhiệm của một công dân.
8. Xin chị cho biết thêm tình hình sức khỏe của ba mẹ chồng chị và hoàn cảnh gia đình hiện nay:
Ba Mẹ tôi sức khỏe càng ngày càng yếu đi, bệnh tật của Ba không thuyên giảm tí nào, Mẹ thì nhớ con mà sanh bệnh.
Nhìn hai Ông Bà tội lắm! Ba Mẹ Kỳ vọng vào mỗi anh Nhựt là điểm tựa của tuổi già mà bây giờ sự việc ra như thế này nên Ông Bà hụt hẫng lắm. Ba Mẹ nói: “ không giải oan được cho thằng Nhựt thì Ba Mẹ chết không nhắm mắt”
9. Nếu như chỉ khiếu nại, khiếu kiện mà không có được câu trả lời thỏa đáng, chị có nghĩ mình sẽ đi đến cùng để tìm ra sự thật hay không?
Nếu đơn khiếu nại, khiếu kiện của tôi lên chủ tịch nước, tổng bí thư, thủ tướng, đến quốc hội và các cơ quan cấp cao ở trung ương mà không được giải quyết. Tôi sẽ tiếp tục làm đơn gửi đến các tổ chức nhân quyền thế giới nhờ can thiệp để làm rõ cái chết của anh Nhựt. Dù tôi biết con đường đi tìm sự thật về cái của chồng tôi là rất khó khăn nhưng nhất định tôi sẽ không bao giờ dừng bước. Chồng tôi không thể chết oan khuất như vậy được. Công lý không thể mãi bị trói mãi và người chết trong đồn công an không thể nào tiếp diễn hết năm này qua tháng khác được.
Cám ơn chị đã dành thời gian cho Dân Làm Báo và cầu chúc cho những gì chị theo đuổi sẽ sớm có kết luận rõ ràng.
Cám ơn DLB và hy vọng mọi người tiếp tục ủng hộ gia đình tôi trên đường tranh đấu cho công lý.