Nhà nước và người dân - Dân Làm Báo

Nhà nước và người dân

Trần Hữu Quang (TBKTSG)Qua vụ Tiên Lãng hay qua chuyện đổi giờ học, giờ làm ở Hà Nội, vấn đề tổng quát cần đặt ra một cách cấp bách hiện nay là mối quan hệ giữa nhà nước với nhân dân, ít ra xét trên hai phương diện có liên quan chặt chẽ với nhau, đó là cấu hình của bộ máy nhà nước pháp quyền và các quyền dân sinh và dân chủ của người dân. Bởi lẽ nếu không nhận diện và giải quyết được những vấn đề này thì người dân sẽ buộc phải đặt câu hỏi: nhà nước này là nhà nước của ai và vì ai? Nhìn dưới góc độ tích cực thì đây cũng chính là thời cơ chín mùi để tiến hành một cuộc cải tổ toàn diện và căn bản...

*

Sau vụ cưỡng chế thu hồi đất ở Tiên Lãng (Hải Phòng), nhiều bài báo đã đề cập tới nhiều khía cạnh khác nhau. Bài này chỉ tập trung bàn về một số vấn đề liên quan đến quyền của người dân và cấu hình vận hành của một nhà nước pháp quyền. 

Do báo chí đã tường thuật nhiều nên bài này không nhắc lại diễn biến vụ việc, cũng không bàn về những sai phạm của các viên chức ở Tiên Lãng và Hải Phòng, mà chỉ thử phân tích một vài vấn đề rút ra từ vụ xung đột này, xét trong mối quan hệ giữa nhà nước với người dân. 

“Sở hữu toàn dân” và sự võ đoán của chính quyền địa phương 

Vụ Tiên Lãng không chỉ dừng lại ở sự xung đột giữa một số nông dân với chính quyền địa phương, mà còn cho thấy rằng đã đến lúc không thể không đặt lại vấn đề thể chế sở hữu toàn dân về đất đai vốn là cội nguồn của vụ xung đột này cũng như nhiều vụ kiện cáo tương tự khác. 

Theo lời GS. Võ Tòng Xuân, nhiều chủ trang trại và chủ ruộng vườn lâu nay rất sợ khái niệm “đất đai thuộc sở hữu toàn dân”, và ông cho rằng khái niệm này không những “tạo kẽ hở cho tham nhũng” mà còn gây ra những bất công cho nông dân (TBKTSG, 9-2-2012, tr. 10-11). Theo ông Lê Huy Ngọ, cựu Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chính chế độ sở hữu toàn dân là một trong những nguyên nhân dẫn đến “nhiều khiếu kiện đất đai thời gian qua” (Sài Gòn Tiếp thị - SGTT, 15-2-2012, tr.4). Còn theo GS. Đặng Hùng Võ, cựu Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, hiện có rất nhiều điều “không thống nhất” và “bất cập” trong các quy định cơ bản về sở hữu đất đai; “chúng ta chưa là nước xã hội chủ nghĩa (XHCN) thì chúng ta đừng nên đặt ra các yêu cầu của một nước XHCN phải được áp dụng ngay trong điều kiện của thời kỳ quá độ” (SGTT, 15-2-2012, tr.5). 

Điều hết sức nguy hại và nguy hiểm là chính vì cơ chế này mà sinh ra tình trạng võ đoán và tùy tiện của chính quyền địa phương, khi cán bộ cấp huyện hay nói rằng “nhà nước có quyền muốn thu hồi đất của ai thì thu”, theo lời GS. Đặng Hùng Võ (TBKTSG, 2-2-2012, tr.11). 

Đa sở hữu đối với ruộng đất 

Điều trớ trêu ai cũng biết là bây giờ ở đâu cũng nói “mua đất” hay “bán đất” bất chấp cụm từ “chuyển quyền sử dụng đất” ghi trên giấy tờ giao dịch! Theo LS. Trần Hữu Huỳnh, ý tưởng sở hữu toàn dân thực ra không “dựa trên một nền tảng lý luận khoa học nào cả mà chỉ là từ ý kiến của một vài vị lãnh đạo sau thời kỳ miền Nam vừa giải phóng” (TBKTSG, 2-2-2012, tr.9). Bản thân Luật Đất đai năm 1987, theo GS. Võ Tòng Xuân, chỉ là một “giải pháp tình thế” vì sau đó còn phải sửa đến năm lần mà vẫn còn gây ra những hậu quả khó xử cho đến tận bây giờ, và quan niệm sở hữu toàn dân hoàn toàn đi ngược lại yêu cầu của thực tiễn kinh tế xã hội lẫn quyền lợi và nguyện vọng của nông dân đối với ruộng đất do ông bà tổ tiên để lại, nhất là ở miền Nam (TBKTSG, 9-2-2012, tr.9-11). 

Quan niệm toàn bộ ruộng đất đều thuộc “sở hữu toàn dân” và đi kèm theo đó, những lo ngại về sự tích tụ ruộng đất và nguy cơ hình thành tầng lớp “địa chủ mới”, thực ra đều là di sản của hệ thống tư tưởng tập trung quan liêu, bao cấp và bình quân chủ nghĩa từng thống trị một thời gian dài. 

Các nhà luật học có thể tiếp tục thảo luận về những khái niệm như sở hữu toàn dân, sở hữu nhà nước, sở hữu quốc gia... nhưng quyền tư hữu ruộng đất của người nông dân phải là một quyền được Hiến pháp công nhận tương tự như ở các nước công nghiệp phát triển. Theo quan điểm của GS. Võ Tòng Xuân, “hai vấn đề mấu chốt của Luật Đất đai cần sửa đổi ngay: bỏ ‘hạn điền ba héc ta’ và công nhận ‘sở hữu tư nhân’ về đất đai” (TBKTSG, 9-2-2012, tr.11). 

Ông Nguyễn Đình Lộc, cựu Bộ trưởng Bộ Tư pháp, cũng cho rằng cần xem xét lại khái niệm “đất đai là sở hữu toàn dân”, nhưng ông cho rằng “nếu có sở hữu tư nhân thì tất nhiên chúng ta phải có hạn điền” (SGTT, 15-2-2012, tr.4). Đối với quan điểm này, nếu cần thì Nhà nước có thể “hạn điền” bằng công cụ thuế, vốn là một công cụ điều tiết mang tính chất kinh tế, chứ không thể dùng một công cụ cấm đoán mang tính chất hành chính. 

Nếu trước đây trong thời bao cấp, những thuật ngữ như kinh doanh, tư thương, tư bản tư nhân, thị trường tự do... vẫn còn là những từ húy kỵ, thì bây giờ khái niệm “quyền tư hữu ruộng đất” cũng đang mang số phận tương tự đối với người nông dân. Với đường lối đổi mới sau năm 1986, Đảng và Nhà nước đã chính thức thừa nhận quyền tự do buôn bán và sản xuất kinh doanh của người dân - thực chất là “cởi trói” và trả lại những quyền tự do này mà lẽ ra người dân đương nhiên phải có. Do vậy bây giờ, việc công nhận quyền tư hữu ruộng đất của nông dân thực chất cũng chỉ là trả lại quyền này cho họ mà thôi, chứ chẳng phải là một sự “đột phá lý luận” hay sáng kiến gì vĩ đại, nếu xét trong khuôn khổ tư tưởng của một nhà nước pháp quyền! 

Nhà nước pháp quyền và cơ chế kiểm soát quyền lực 

Người ta thường cho rằng xét về nguyên tắc thì bất cứ một chủ trương hay chính sách nào của nhà nước cũng đều phải xuất phát từ lợi ích của người dân. Nhưng nếu chỉ nói đến “lợi ích” thôi thì chưa đủ, mà còn phải nói đến quyền của người dân. Đây chính là một trong những điểm khác biệt căn bản giữa một nhà nước phong kiến với một nhà nước pháp quyền hiện đại. Một vị vua minh quân thời phong kiến có thể chăm lo cho lợi ích của muôn dân vì lòng thương dân thương nòi, nhưng với một nhà nước pháp quyền thì sở dĩ phải chăm sóc lợi ích của công dân, hoàn toàn không phải do tình thương hay sự tốt bụng mà trước hết là vì nghĩa vụ tôn trọng các quyền dân sinh và dân chủ của người dân mà nhà nước này đã cam kết bảo vệ thông qua bản hiến pháp.

Việc công nhận quyền tư hữu ruộng đất chính là thể hiện yêu cầu vừa nêu. Chỉ khi nào dựa trên quan điểm tôn trọng và bảo vệ các quyền của người dân thì các chính sách nhà nước, ngoài tính hợp pháp (legality), mới mang tính chính pháp (legitimacy) của một nhà nước của dân, do dân và vì dân. 

Đề cập tới vụ Tiên Lãng, một vị Phó trưởng ban Dân vận trung ương nhận định rằng vụ này biểu hiện tình trạng “quan liêu, xa dân” (Tuổi trẻ, 18-2-2012). Nhận định này mới chỉ đề cập tới khía cạnh đạo đức của công chức, chứ chưa đụng chạm tới vấn đề cốt lõi hơn là nghĩa vụ và quyền hạn của công chức nhà nước. Nếu người dân được quyền làm tất cả những gì mà luật pháp không cấm, thì công chức nhà nước chỉ được phép làm những gì mà luật pháp cho phép. 

Qua kinh nghiệm vụ Tiên Lãng, chúng ta có thể nhận diện rõ rệt một vấn đề hết sức hệ trọng liên quan đến vấn đề cấu hình bộ máy nhà nước, đó là vấn đề kiểm soát quyền lực nhằm bảo vệ hữu hiệu lợi ích chính đáng của người dân - chẳng hạn trong mối quan hệ giữa các cơ quan hành pháp và tư pháp ở địa phương. Khi mà người dân “khởi kiện lên tòa án huyện nhưng thua kiện, khởi kiện tiếp lên tòa án tỉnh thì được khuyến khích thỏa thuận”, rồi “chưa làm theo đúng tinh thần thỏa thuận thì chính quyền đã cưỡng chế”, theo lời GS. Đặng Hùng Võ, “vậy người dân có thể tìm công lý ở đâu khi mọi cánh cửa đều đã đóng” (TBKTSG, 2-2-2012, tr.11). Đây quả là trường hợp điển hình của tình trạng bị vô hiệu hóa của cả hệ thống tư pháp. 

Vì quyền lực luôn luôn có khả năng bị lạm dụng, nên người ta lúc nào cũng phải nhấn mạnh yêu cầu kiểm soát quyền lực, thông qua sự kiểm soát lẫn nhau trong bản thân các định chế của bộ máy nhà nước cũng như sự kiểm soát của các định chế của xã hội dân sự như báo chí và các đoàn thể. 

Liên quan tới việc xử lý các hậu quả trong vụ Tiên Lãng, chúng tôi ủng hộ quan điểm của GS. Hoàng Xuân Phú và TS. Nguyễn Vân Nam: không thể truy tố về tội “chống người thi hành công vụ”, mà cao lắm chỉ có thể truy tố về tội “tự vệ vượt quá giới hạn” (xem thêm Tuổi trẻ, 17-2-2012, tr. 18). 

Một bộ máy nhà nước lành mạnh là một tổ chức trong đó các quyết sách phải được thực thi một cách nghiêm minh, nhất quán mà không phụ thuộc vào ý muốn chủ quan của cá nhân người công chức hay người lãnh đạo. Đó cũng là một bộ máy có những cơ chế kiểm soát nội bộ và vận hành hiệu nghiệm để mỗi khi gặp vấn đề trục trặc thì không cần phải dựa dẫm vào một “đấng minh quân” mới tìm ra giải pháp. Tình trạng hành xử võ đoán, ra lệnh tùy tiện, muốn nói gì thì nói hay xử thế nào cũng được mà không đếm xỉa gì tới luật pháp... như đã từng xảy ra ở Tiên Lãng bộc lộ một tình trạng rạn vỡ trong bộ máy. Hiển nhiên là điều này không chỉ gây ra thiệt hại cho người dân và làm mất lòng tin nơi người dân, mà còn là một thứ ung nhọt của bản thân bộ máy. 

Suy rộng ra về tình trạng võ đoán hay tùy tiện trong việc đưa ra các quyết sách của Nhà nước, chúng ta cũng có thể liên tưởng tới chuyện đổi giờ học, giờ làm ở Hà Nội kể từ ngày 1-2-2012 vừa qua. Ở đây, người ta có thể đặt ra những câu hỏi như: Cách ban hành quyết định đổi giờ này có hợp pháp hay không, có xâm phạm vào quyền dân sinh của người dân hay không, xét về mặt luật pháp và luật học? Liệu chính quyền một thành phố có “quyền” ban hành một chính sách động chạm đến người dân mà không cần tham khảo ý kiến của họ? 

Lẽ tất nhiên, trong bài toán nhức đầu phải giải giữa chuyện kẹt xe với chuyện xáo trộn giờ giấc của dân cư, giải pháp không hề đơn giản. Nhưng chính vì thế mà quy trình ra quyết định của chính quyền lại càng cần phải cẩn trọng. Một quyết định ảnh hưởng đến nền nếp sinh hoạt thường nhật của hàng triệu gia đình không thể được ban hành một cách võ đoán bất chấp quyền được hỏi ý kiến của người dân vì đụng chạm đến quyền dân sinh của họ, mà lẽ ra buộc phải thông qua việc tham khảo ý kiến người dân, có thể bằng nhiều kênh khác nhau, nhưng nhất thiết phải làm một cách khoa học và có hệ thống. Ở những trường hợp quan trọng hơn, đó là biện pháp trưng cầu dân ý. 

Trong bất kỳ tình huống nào, ngoại trừ trường hợp khẩn cấp hoặc chiến tranh, Nhà nước đều không có quyền tự mình nhân danh “lợi ích của nhân dân” để ban hành những quyết định vượt ra ngoài thẩm quyền của mình. Đây là một trong những nguyên tắc nền tảng của một nhà nước pháp quyền. Một trong những bài học rút ra từ vụ cưỡng chế ở Tiên Lãng cũng chính là điểm này. 

Vụ Tiên Lãng thực sự “nghiêm trọng”, theo lời Đại tướng Lê Đức Anh, cựu Chủ tịch nước, bởi lẽ “các cán bộ đã biến quan hệ giữa chính quyền với người dân là quan hệ hợp tác để xây dựng cuộc sống, xã hội phát triển thành quan hệ đối kháng giữa chính quyền với người dân”, và “nếu không xử lý nghiêm minh nó sẽ lan tỏa ra cả nước” (báo Điện tử Chính phủ, http://baodientu.chinhphu.vn, 11-2-2012). 

Qua vụ Tiên Lãng hay qua chuyện đổi giờ học, giờ làm ở Hà Nội, vấn đề tổng quát cần đặt ra một cách cấp bách hiện nay là mối quan hệ giữa nhà nước với nhân dân, ít ra xét trên hai phương diện có liên quan chặt chẽ với nhau, đó là cấu hình của bộ máy nhà nước pháp quyền và các quyền dân sinh và dân chủ của người dân. Bởi lẽ nếu không nhận diện và giải quyết được những vấn đề này thì người dân sẽ buộc phải đặt câu hỏi: nhà nước này là nhà nước của ai và vì ai? Nhìn dưới góc độ tích cực thì đây cũng chính là thời cơ chín mùi để tiến hành một cuộc cải tổ toàn diện và căn bản.



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo