Thanh Trúc ( RFA) - Đã mấy ngày qua một nhóm khiếu kiện đất đai và bắt giữ người vô cớ tại nhà tiếp dân ở Hà Nội đã không được giải quyết dù đây là lần thứ ba nhóm dân oan người Kinh và người Dân Tộc lặn lội từ Dak Nông trở ra Hà Nội để kêu oan và xin được giúp đỡ.
Thanh Trúc trình bày chi tiết.
Họ là những người ở Lạng Sơn, Hà Tây, Thanh Hóa, Đồng Nai, sau 1975 do thiếu đất canh tác nên di dời vào vùng kinh tế mới ở xã Dak Ngo tỉnh Dak Nông để khai hoang lập nghiệp.
Trong nhóm cũng có những người dân tộc M’nông sống tại Dak Nông rất lâu, nhiều năm sau 1975 thì khấm khá lên một chút nhờ kế hoạch trồng điều, cà phê, mì và cao su được chính quyền địa phương cấp cây giống.
Từ ngày công ty xuất hiện
Từ ngày có sự xuất hiện của công ty Hoàng Thiên và công ty Bảo Châu, những người Kinh và người Thượng nơi này cầm chắc sẽ gặp khó nhưng vẫn quyết bám đất vì đó là nguồn sống của họ.
Tháng Tư năm 2011, chủ tịch xã Dak Nông phối hợp cùng công an, kiểm lâm và bộ đội bất thần kéo vào phá sập nhà, đốt sạch cây trồng của dân mà không báo trước cũng không có lệnh cưỡng chế.
Chính vì lẽ đó, hôm thứ Tư, một nhóm gồm một người Nùng, ba người Thượng, năm người Kinh, trở lại nhà tiếp dân đường Ngô Thời Nhậm thủ đô Hà Nội lần thứ ba để tiếp tục khiếu kiện chuyện chính quyền địa phương dùng vũ lực thu hồi đất, bắt người một cách oan sai, đánh người bị bắt và giam nhốt lâu ngày mà không xét xử.
Đốt nhà, chặt cây
Chị Thi, quê ở Hà Tây, vào Dak Nông từ 1988, khai khẩn được một ít đất để trồng điều và cà phê:
“Ngày 25 tháng Tư năm 2011 thì tự nhiên đoàn cưỡng chế của tỉnh Dak Nông vào. Không có ai đọc lệnh, không đọc thông báo không họp dân gì cả, cứ tự nhiên tới giật nhà của em xuống người ta đốt, xong người chặt hết cây cối.
Lúc đó thì em mới van ơi Hồ chủ tịch ơi đảng ơi làm sao mà có chính sách như thế này. Thì coi như công an họ ập vào rồi bọn côn đồ nó vào đông lắm, lực lượng bốn năm trăm người. Họ chặt hết, một mẫu cà phê năm nay là vừa vào thu chính, còn bốn mẫu điều họ mang máy ủi vào. Em cũng đi nhiều nơi lắm rồi nhưng không có chỗ nào làm việc. Bây giờ về đến văn phòng Ngô Thời Nhậm thì người ta bảo các cô về học ông Đoàn Văn Vươn, mà nếu không học được ông Đoàn Văn Vươn thì muốn đi công luận nào thì đi chứ bây giờ chúng tôi làm văn phòng chính phủ chúng tôi chỉ đủ thẩm quyền trả lời như vậy thôi.”
Chị Ngọc Cẩm, trước ở Đồng Nai, có con trai bị bắt trong vụ cưỡng chế đất không báo trước này:
“Ngày 25 tháng Tư năm 2011 không biết sao mà đoàn người do tỉnh phối hợp với công ty Hoàng Thiên, dắt người vào đốt nhà dân, lấy máy cưa cưa hết cây trồng, cà phê, điều, cao su. Họ không có nói gì hết, không có quyết định nào đưa ra cho dân, trước khi đi là có trưởng công an cầm loa nói mấy câu rồi cho đoàn vào chặt phá nhà của dân thôi.
Thấy cảnh mấy ông vào đốt nhà phá cây thì con tôi cầm máy quay phim ra nhưng mà chưa kịp quay thì mấy ông đã bắt rồi còn đánh con tui nữa. Sau đó là ba tháng sau đưa về tỉnh, tới nay gần mười tháng rồi chưa thấy giải quyết thả về. Hỏi thì người ta nói nó bị kết tội chống người thi hành công vụ.
Nói thật hoàn cảnh rất khổ mà không có đất đai để canh tác nên tụi tôi mới đi đòi quyền lợi, đòi hỏi họ trả con tôi về chứ cầm máy quay phim không mà bắt tới giờ mười tháng rồi chưa thấy là ra tòa hay giải quyết cho về. Bây giờ gia đình rất khổ, đất đai bị mất không có nguồn thu, phải đi làm mướn làm thuê phải đi ở đậu nữa, tôi ra đây là ba lần rồi, ra thì họ báo công văn về tỉnh mà tỉnh thì ầu ơ chứ không giải quyết.
Hôm qua cũng có gặp chị Thu Hiền, cũng đưa công văn như vậy thì chúng tôi không nhận. Rồi chị Thu Hiền nói không nhận thì thôi chứ còn đất đai thì dưới tỉnh giải quyết chứ trên này không biết.”
Cưỡng chế không cần lệnh
Vẫn theo lời chị Ngọc Cẩm, một lần ra Hà Nội là một lần khổ , những lần đi khiếu kiện là những lần cả nhóm liên tục nhịn đói nhịn khát chờ đợi ở phòng tiếp dân. Ban đêm thì lây lất khi ở công viên Mai Xuân Thưởng lúc vào nhà trọ. Chị kể có lúc những người dân tộc trong nhóm đã phải nương nhờ vào lòng hảo tâm của những người khác.
Ông Điểu Giai và ông Điều Khôn là hai người dân tộc M’nông, cũng có vườn điều và cao su bị phá hủy, nhà bị đốt cháy. Lời ông Điểu Khôn:
“Đồng bào M’nông chúng tôi sau giải phóng thì chỉ có làm mướn thôi chứ không có ruộng. Sau đó mới biết nhà nước cho trồng cây điều, cây cao su, cây cà phê, một số là nhà nước cấp cây hạt điều, một số cây cao su cũng nhà nước cấp.
Rốt cuộc không biết là công ty ở đâu gọi là Bảo Châu với Hoàng Thiên, không biết là ở đâu, kết hợp với xã với huyện với tỉnh với lâm trường rồi đi cưỡng chế, thu hồi đất của dân, chặt cây điều, nhà em nó đốt sạch. Cái này em nói rõ họ cưỡng chế không có thông báo, lúc đi cưỡng chế là xe máy múc, xe máy ủi, đốt nhà đốt của chỉ có thấy vậy thôi.
Cũng một phụ nữ dân tộc M’nông trong nhóm, bà Thi Bơn, than thở:
“Bây giờ là cái mà khó khăn hết, phải cố gắng mà lo đất đai. Đi huyện, huyện không giải quyết, đi xã, xã không giải quyết, giờ đi Hà Nội đây. Hôm qua đi nhà tiếp dân là không được, người ta không muốn giải quyết, không có cơm ăn, mì người ta nhổ hết sạch, điều người ta chặt hết, cao su người ta chặt hết bây giờ làm sao. Bây giờ dân tộc thiểu số không có cơm ăn.”
Một người từ Thanh Hóa vào Dak Nông, chị Thao, có em trai tên Lực. Hai chị em đều bị khống chế bằng cách còng tay trong vụ cưỡng chế đất hồi tháng Tư năm ngoái. Sau đó, em trai chị Thao bị công an mời đi làm việc nhiều lần trước khi bắt giam hẳn hai tuần sau đó:
“Ngày 21 tháng Tư 2011 thì bắt đầu giải tỏa trên khu dân tộc trước. Khi xuống khu người Kinh thì một số lực lượng từ trên đồi xuống, yêu cầu bà con ra khỏi khu vực này. Em và em trai em nói bây giờ các ông chặt cây và phá nhà của dân thì phải có lệnh.
Mấy ông nói là không cần có lệnh. Em và em trai em là Nguyễn Văn Lực, nói không có lệnh thì các ông không được phá. Thì mấy ông công an còng hai chị em lại, chặt phá xong thì đưa hai chị em vào trong khu lâm trường, bắt làm biên bản không được quay trở lại.”
Sau đó mấy ngày, anh Lực tìm cách vào khu đất đã bị cưỡng chế để thu gom một ít đồ đạc còn sót nơi ngôi nhà bị đốt cháy. Công an địa phương vin vào lý do đó để mời anh đi làm việc nhiều lần, sau cùng thì bắt giữ hẳn cho đến lúc này:
“Công an điện thoại cho em trai em, bảo lên để phối hợp thì em trai em vẫn chấp hành đi lên. Công an tỉnh Dak Nông bắt lên xe và đưa về xã, bắt xã ký giấy tạm giam ba tháng trong khi đó giam tới bảy tháng, đến giờ vẫn không đem ra giải quyết, hỏi các ông công an thì nói là tội chống người thi hành công vụ.”
Họ không đọc đâu
Để tìm hiểu vụ việc rõ hơn, đường giây viễn liên RFA nối về Dak Nông, gọi vào số điện thoại của các viên chức chính quyền có mặt trong buổi cưỡng chế đột xuất tháng Tư năm ngoái như ông chủ tịch xã Dak Nông Lê Văn Minh, ông giám đốc công an xã Dak Nông Võ Văn Đủ. Tuyệt nhiên không một vị nào bắt máy.
Lên tiếng với Á Châu Tự Do từ Hà Nội, bà Lê Hiền Đức, từng được tổ chức Minh Bạch Thế Giới trao tặng giải Liêm Chính năm 2007 vì thành tích chống tham nhũng, phát biểu:
“Bao nhiêu đơn từ nhân dân gởi đến các cấp nọ cấp kia nhưng thực tế họ không đọc đâu. Từ trung ương người ta chuyển xuống tỉnh, tỉnh lại chuyển xuống huyện và không cấp nào chịu giải quyết hết. Họ không đọc đâu! Vì thế cho nên tôi nói rằng đất của dân bị cướp, dân bị cướp đất thì bây giờ người ta sống bằng cái gì?"
Vì lẽ đó, bà Lê Hiền Đức kết luận, điều bức xúc của các nạn nhân bị cướp đất cũng là điều bức xúc của bà, vì thế bà luôn kề vai sát cánh những mong giúp được việc gì nhỏ nhoi cho những người khốn khổ đó trong khả năng khiêm tốn của bà.
Thanh Trúc
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/another-hopeless-landdispute-indaknong-tt-02122012101308.html
Thanh Trúc
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/another-hopeless-landdispute-indaknong-tt-02122012101308.html