Trịnh Kim Tiến - Cá nhân tôi chỉ là một công dân, chưa có cống hiến gì cho xã hội, cũng như khó có đủ năng lực để làm một cán bộ, làm lãnh đạo nhưng trước những giải pháp đó, tôi cảm thấy bức xúc và khó chịu. Biết rằng ý thức của người dân tham gia giao thông còn chưa tốt nhưng những người đưa ra các giải pháp có quan tâm xem nhân dân đang nghĩ gì và nhìn họ ra sao? Nhân dân phải đồng thuận với họ như thế nào đây? ...
Hà Nội bắt đầu thực hiện giải pháp đổi giờ học giờ làm do Bộ GTVT đề ra từ ngày 01/02/2012. “Theo quyết định này, 10 quận nội thành và 2 huyện là Từ Liêm, Thanh Trì sẽ điều chỉnh giờ học, làm việc, kinh doanh thương mại theo 3 nhóm.” (Vtc.vn). Tuy nhiên sau gần một tuần thực hiện, sau ngày 08/02, người dân các tỉnh lại đổ về Hà Nội sau khi ăn rằm tháng Giêng, và giải pháp này đã không đạt được hiệu quả và mục tiêu mong đợi như đã đề ra. Hà Nội vẫn trong tình trạng ùn ứ, tắc nghẽn giao thông.
Trước đó, ngày 06/02,Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Mạnh Hùng bày tỏ:
“Tất nhiên các phương án giảm ùn tắc đều gây xáo trộn, chỉ có ít hoặc nhiều. Nếu biện pháp điều chỉnh giờ làm, giờ học không có hiệu quả, Bộ Giao thông Vận tải sẵn sàng chịu trách nhiệm với dân” VNExpress.net
Sau đó do những bất cập và xáo trộn mà biện pháp này đem lại, UBND thành phố Hà Nội quyết định điều chỉnh lại giờ học từ ngày 13/02.
Chào năm mới... THỜI CƠ MỚI
Chưa thấy Bộ GTVT có ai đó đứng ra nói về trách nhiệm của giải pháp cũ thì hôm nay, 09/02 đọc trên Zing.vn lại thấy một bài báo với tiêu đề “Hà Nội sắp thí điểm thu phí xe cá nhân”.
“Các giải pháp đưa ra phải tạo được sự đồng thuận cao của xã hội, tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm các nước khác và ý kiến của các nhà khoa học, chuyên gia…” - ông Nguyễn Xuân Tân – Phó Giám đốc Sở GTVT khẳng định. Zing.vn;.
Sự đồng thuận mà ông Tân đề cập đến, phải chăng là:
"Cho cháu hỏi: Sao lại thay đổi giờ học bọn cháu? Các bác làm thế khác nào bảo chính bọn cháu gây ra việc ách tắc giao thông cho xã hội này?" - Đó là một câu hỏi không có lời giải đáp của một em học sinh trường PTTH Chu Văn An, trong một bức thư tâm sự của em, đã được đăng trên VNExpress. Bức thư là những suy nghĩ của một em học sinh nhưng đáng để nhiều người lớn tuổi phải suy nghĩ và khâm phục.
“Hay như đội mũ bảo hiểm trong nội thành cũng không vội như quyết định này, cháu nhớ không nhầm thì thông báo đó trước lúc đưa vào thành luật pháp cũng phải mấy tháng đến gần một năm...” Em không nghĩ rằng quyết định này lại diễn ra nhanh đến thế …"Tự dưng ngẫm lại chuyện Táo Quân ở đoạn đầu, Bắc Đẩu có bảo với anh Nam Tào là bây giờ đã lùi sớm lại một tiếng lên Thiên Đình các táo phải tới sớm hơn và anh Nam Tào đã nói: "ÔI GIỜI, CÒN LÂU MỚI THỰC HIỆN" - phải chăng đã chạm phải lòng tự ái của các vị BIỂN XANH mà ra một quyết định bất ngờ và nhanh đến như vậy...”
Em học sinh này đã đưa ra một loạt các vấn đề, hậu quả của giải pháp này và em lại thêm một câu hỏi với các bác lãnh đạo “Từ một vấn đề giao thông bây giờ lo cả thêm vấn đề sinh hoạt, sức khỏe, kinh tế, quản lí, giáo dục... Vậy liệu các bác BIỂN XANH đã nghĩ kỹ chưa khi nhanh chóng thực hiện quyết định này?”.
“Tôi vô cùng bức xúc với qui định bắt học sinh cấp 3 tan học lúc 19h. Khi chưa đổi giờ, hôm nào phải đi học thêm con tôi dùng xe đạp, không phải học thêm cháu dùng xe bus (tôi rèn cho cháu đi xe bus từ năm học lớp 3). Ngày thứ 2 đổi giờ cả nhà tôi như phát điên lên, khi xe bus hết giờ chạy mà con tôi chưa về, điện thoại không liên lạc được”.
“Đổi giờ mới được 3 ngày thì cháu ngủ gật mất 2 lần. Không thể chịu thêm cảnh phấp phỏng như vậy tôi đã mua xe máy 50cc cho cháu đi học. Bắt buộc tan học 19h của TP Hà Nội chắc chắn đã làm tăng đáng kể số lượng xe máy”.
“Từ Bộ GD-ĐT cho đến Sở GD-ĐT Hà Nội quản lý trực tiếp mà không nắm rõ đặc điểm các cấp học, không hiểu tâm tư, nguyện vọng của giáo viên, của học sinh để rồi tán thành chính sách tan học 19h là thiếu trách nhiệm!”. Đó là một sự “đồng thuận” khác của chị Nguyễn Ngọc Hà gửi đến báo VietNamNet
Một giáo viên PTTH khác "Chưa thấy thay đổi gì cả, chỉ thấy khổ hơn…." Mọi thứ đều bị xáo trộn, phụ huynh bất an vì lo lắng cho con cái, vì sinh hoạt gia đình bị đảo lộn. Đó là hiệu quả “tích cực” mà không ai mong muốn.
Cái cũ chưa đi thì cái mới lại tới
Cũng chưa biết biện pháp này sẽ diễn ra như thế nào. Chi phí cho một chiếc xe không hề nhỏ, từ khi mua bán cho đến khi sử dụng. Thuế giá trị gia tăng của Việt Nam khá cao, vì thế giá xe nhập về mua trong nước cũng đắt hơn nhiều so với nước ngoài. Chi tiền ra để mua một chiếc xe đối với cá nhân và gia đình đã là cả một vấn đề phải suy nghĩ, chưa kể đến giá xăng dầu mỗi ngày một đắt đỏ, khiến người dân bình thường phải cố lắm mới có thể trang trải cho cuộc sống và công việc. Bây giờ lại đánh thêm phí lưu hành đối với phương tiện giao thông vì phí này chưa có trong danh mục phí, liệu người dân có chịu nổi và sẽ tiếp tục “đồng thuận” ra sao?
“Theo ông Nguyễn Xuân Tân, công tác đảm bảo an toàn giao thông và ùn tắc giao thông đối với Hà Nội mở rộng là công việc khó khăn, phức tạp. Phải thực hiện đồng thời nhiều giải pháp căn cơ, lâu dài như quy hoạch, đầu tư hạ tầng… đan xen với một số biện pháp cấp bách, tình thế như đổi giờ, phân làn, hạn chế xe cá nhân… mới có thể giải quyết được tình trạng ùn tắc giao thông.” Zing.vn.
Cũng như giải pháp giải phân cách, giải pháp đổi giờ học, nếu nộp lệ phí lưu hành xong mà đường vẫn ùn tắc kéo dài, thì ai sẽ gánh chịu hậu quả? Và ai sẽ lại là người đứng ra nói nhận trách nhiệm?
Cá nhân tôi chỉ là một công dân, chưa có cống hiến gì cho xã hội, cũng như khó có đủ năng lực để làm một cán bộ, làm lãnh đạo nhưng trước những giải pháp đó, tôi cảm thấy bức xúc và khó chịu. Biết rằng ý thức của người dân tham gia giao thông còn chưa tốt nhưng những người đưa ra các giải pháp có quan tâm xem nhân dân đang nghĩ gì và nhìn họ ra sao? Nhân dân phải đồng thuận với họ như thế nào đây?