Việt Hoàng (eThongLuan) - “…Khu du lịch này gồm 60 công trình kiến trúc lớn nhỏ, xây dựng rải rác trên các triền núi… Phải chăng đây mới là mục đích của vụ án này?...”
Chìm trong núi sự kiện của vụ thu hồi cưỡng chế đất không thành tại Tiên Lãng nên một tin tức khá quan trọng không được dư luận chú ý đó là vụ bắt giữ 9 thành viên của một ‘tổ chức phản động’ có tên là “Hội đồng công luật công án Bia Sơn’”.
Tìm trên Google thì đây là lần đầu tiên chúng ta nghe nói về tổ chức này và chỉ sau khi nghe tin họ đã bị bắt giữ bởi công an tỉnh Phú Yên với tội danh ‘âm mưu lật đổ chính quyền nhân dân’. Theo báo Công an TPHCM thì tổ chức chính trị phản động có danh xưng “Hội đồng công luật công án Bia Sơn” do đối tượng Phan Văn Thu tức Trần Công (sinh năm 1948, quê ở xã An Thạch, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên, đăng ký hộ khẩu thường trú tổ 10, Liêm Trực, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định) cầm đầu. ‘Đây là đối tượng đã lập nên tổ chức “Ân đàn đại đạo”, núp dưới danh nghĩa tu hành để hoạt động tình báo, gián điệp. Từ năm 2004 đến năm 2011, Trần Công về Khu du lịch sinh thái Đá Bia (Hòa Xuân Nam, Đông Hòa) làm trung tâm hoạt động để bí mật phát triển tổ chức có danh xưng “Hội đồng công luật công án Bia Sơn”, hoạt động dưới danh nghĩa “bất bạo động” với âm mưu lật đổ chính quyền nhân dân’.
Ông Phan Văn Thu (Trần Công)
Rất buồn cười cho ‘tổ chức phản động’ này vì âm mưu tuy rất ghê gớm là ‘lật đổ chính quyền nhân dân’ nhưng thủ lĩnh Trần Công lại thu nạp thành viên bằng cách: ‘Một hình thức khác để lôi kéo, ru ngủ mọi người tham gia vào “Hội đồng công luật công án Bia Sơn”, Trần Công đã tổ chức thuyết giảng, tuyên truyền “Cửu kinh Minh triết” với nhiều nội dung mơ hồ như: “Thống thức chân quang kinh”, “Hệ thống kinh quỹ bát đoạn”, “Chân tính ánh sáng bất đoạn sát na trong hệ thống Tam thiên Đại thiên thế giới”, “Nguyên lý pháp tính bất diệt” .v.v. Hàng ngày, buổi sáng từ 4 đến 5 giờ 30, buổi chiều từ 18 đến 21 giờ, Trần Công trực tiếp thuyết giảng tại Khu nhà hàng Kim Việt để lôi kéo mọi người tham gia’. Không hề thấy các thành viên học tập gì về chính trị hay sử dụng vũ khí gì cả, sao lạ vậy ta?
Một điều nực cười hơn nữa là ‘tổ chức phản động’ này tuy ‘hoạt động bí mật’ nhưng lại thành lập một khu du lịch rộng lớn là “Khu du lịch sinh thái Đá Bia - chi nhánh Công ty TNHH Quỳnh Long có tổng diện tích 48,1ha được bao bọc bởi rừng cấm Đèo Cả, có địa hình phức tạp. Từ trên cao nhìn xuống khu du lịch không khác gì lòng chảo Điện Biên. Bên trong khuôn viên là quần thể với trên 60 công trình kiến trúc được xây dựng rải rác trên các triền núi. Để tạo vỏ bọc trá hình, bọn chúng đã xây dựng nhiều công trình kiến trúc kiên cố với những cái tên khá mỹ miều như Động Bích Lạp, Động Tam Thanh, Động Đại Bi, Ngọc Động, Thạch Linh cung, nhà hàng Hoàng Trang... Tại mỗi công trình này, các đối tượng vừa sử dụng làm nơi ở, vừa lấy đó làm nơi làm việc, tổ chức các hoạt động và cất giữ tài liệu’, vẫn theo báo Công An TPHCM.
Sau khi tổ chức này bị bắt giữ thì trong buổi họp báo ngày 6/2 thiếu tướng Phạm Văn Hóa, Giám đốc Công an tỉnh Phú Yên cho biết công an tỉnh đã ra quyết định khởi tố vụ án ‘lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền lợi hợp pháp của tổ chức, công dân’ đối với nhóm của Trần Công (Phan Văn Thu).
Ông Lê Đức Động lúc bị bắt
Ông Hóa cho biết ‘qua khám xét, Công an Phú Yên đã thu giữ hàng trăm tập tài liệu thể hiện nội dung cương lĩnh hoạt động của tổ chức, 19 kíp nổ, 10 bộ đàm, 1 ống nhòm, trên 12.000USD, gần 190 triệu đồng tiền Việt Nam và một số phương tiện hoạt động khác’.
Đằng sau những lời lẽ buộc tội nặng nề của chính quyền Việt Nam dành cho tổ chức này và sau khi gạn lọc những thông tin trên báo chí chính thống chúng ta có thể thấy được những gì đằng sau vụ án?
Đầu tiên, dễ nhận thấy nhất là tổ chức này không phải là một tổ chức chính trị mà chỉ là một ‘giáo phái tu hành’ hay đơn giản là một tổ chức dân sự không được chính quyền thừa nhận. Nếu là một tổ chính trị thì bắt buộc phải có danh xưng, thủ lĩnh, cương lĩnh, phải tuyên truyền rộng rãi trên mạng internet… Nếu là một tổ chức vũ trang thì không thể nào chỉ có ‘19 kíp nổ’ (có thể để dùng trong việc xây dựng trên núi). Chứng cớ buộc tội của công an quá yếu và không thuyết phục, với ‘10 bộ đàm, 1 ống nhòm, trên 12.000USD, gần 190 triệu đồng tiền Việt Nam’ thì rất nhiều người Việt Nam cũng có thể cùng chung tội trạng. ‘Hàng trăm tập tài liệu’ mà công an thu được là gì? Nội dung ra sao? Cần công bố rõ ràng chứ không thể mù mờ như thế?
Thứ hai, tổ chức này hoàn toàn hoạt động công khai, họ có cả một khu du lịch rộng lớn với 48 héc-ta, lớn hơn cả khu đầm của anh Đoàn Văn Vươn 8 héc-ta. Khu du lịch này gồm 60 công trình kiến trúc lớn nhỏ, xây dựng rải rác trên các triền núi… Phải chăng đây mới là mục đích của vụ án này?
Thứ ba, vụ án này phản ánh rằng quyền lực ngày càng lớn của Bộ Công an Việt Nam cũng như thái độ bất khoan dung của chính quyền Việt Nam đối với các cá nhân và tổ chức không cùng quan điểm, đúng như nhận xét của giáo sư Adam Fforde từ Đại học Victoria ở Melbourne, khi ông cho rằng ‘việc loan báo vụ bắt giữ cho thấy một cuộc khủng hoảng sâu sắc ở Việt Nam vì chính quyền không thể thay đổi cung cách lãnh đạo’. Xem bài "Tiềm ẩn bất ổn sau vụ Phú Yên" của BBC.
Hệ quả sau vụ này là sự bất ổn ở Phú Yên sẽ gia tăng. Phát súng của Đoàn Văn Vươn đã làm thay đổi hoàn toàn ý thức phản kháng của người dân Việt Nam đối với đảng cộng sản Việt Nam. Người dân đã chuyển đổi thái độ từ nhẫn nhục, cam chịu sang việc sẵn sàng cầm vũ khí để chống lại chính quyền.
Việc chính quyền Việt Nam và tỉnh Phú Yên cần làm ngay để tránh những hậu quả đáng tiếc sau này như vụ án Đoàn Văn Vươn ở Tiên Lãng là phải công khai minh bạch trong quá trình điều tra, xét xử các thành viên của tổ chức ‘Hội đồng công luật công án Bia Sơn’. Hãy để những người này được tiếp xúc với các luật sư để các luật sư tư vấn luật pháp và bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho họ và cho phép họ được liên lạc với gia đình, tuyệt đối tránh việc bức cung và dùng nhục hình với họ trong lúc bị giam cầm để buộc họ phải nhận tội...
Đã đến lúc chính quyền Việt Nam cần thay đổi và hủy bỏ những điều luật mơ hồ và trái với hiến pháp (ngay cả với Hiến pháp Việt Nam) như điều 88: ‘Tuyên truyền chống phá nhà nước XHCN’ hay điều 79: ‘Âm mưu lật đổ chính quyền cách mạng’ trong Bộ luật Hình sự nhằm bịt miệng mọi tiếng nói bất đồng của người dân đối với chính quyền.
Không thể buộc tội ‘lật đổ chính quyền’ với một tổ chức hoạt động ‘bất bạo động’ như ‘Hội đồng công luật công án Bia Sơn’.
Việt Hoàng