Nguyễn Thông - Đã thành lệ, một thứ lệ rất xấu, cứ mỗi lần Trung Quốc bắt giữ tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam là chúng lại ra điều kiện phải nộp 70.000 tệ (nhân dân tệ, đồng tiền Trung Quốc) để chuộc thì chúng mới thả tàu về. Có tiền thì tha, kiểu "có ba trăm lạng việc này mới xuôi".
Mà ngư dân Việt Nam nào có tội gì để đến nỗi bị cầm giữ khốn cùng như vậy. Bà con ta đánh bắt cá tôm trên ngư trường thuộc vùng biển chủ quyền tổ quốc. Biển Hoàng Sa, biển Trường Sa thuộc Việt Nam. Người phát ngôn bộ Ngoại giao xứ ta, trước là bà Nguyễn Phương Nga, nay ông Lương Thanh Nghị, luôn khẳng định rằng "Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa"; bản đồ Việt Nam, dù in trên trang quảng cáo hay dự báo thời tiết cũng không bao giờ thiếu 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Ngư dân ra khơi đánh bắt hải sản, đâu chỉ vì miếng cơm manh áo của họ, mà còn là cách cùng nhà nước khẳng định, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, từng tấc biển thiêng liêng cha ông đã truyền cho con cháu. Họ làm ăn chân chính trên đất nước mình, biển mình, hà cớ gì mà bắt giữ họ, giam cầm họ, tịch thu ngư cụ, cá tôm của họ, lại còn bắt họ chuộc mạng chuộc thuyền, hỡi bọn Tàu cộng sản tai ác tai quái kia?
Ngày xưa, trên đất Trung Hoa, cụ Hồ đi làm cách mạng cứu nước cứu dân bị lính Tàu bắt, cụ đã lớn tiếng:
"Phạm tội gì đây ta thử hỏi
Tội trung với nước với dân à?"
Ngày nay, ngư dân ta bị bắt trên chính biển nước mình, kẻ hèn mọn này cũng muốn nhờ chính quyền dõng dạc hỏi bọn tai quái:
Phạm tội gì đây ta thử hỏi
Tội làm ăn đúng chủ quyền à?
Thật đau lòng. Không ít lần ngư dân ta đã phải cầm cố, chạy vạy, vay chỗ nọ mượn chỗ kia để có được 70.000 tệ nộp cho chúng nó mà đem tàu thuyền về. Với kẻ bắt giữ thì 70 nghìn tệ ấy chả là bao về tiền bạc nhưng đó là thứ đòn cảnh cáo về tội "dám vuốt râu hùm". Với ngư dân Việt, để có đồng tiền chân chính nuôi sống bản thân và gia đình (chứ chưa nói làm giàu cho đất nước và góp phần khẳng định, bảo vệ chủ quyền), họ đã phải đổ mồ hôi sôi nước mắt, đem tính mạng mình phó thác cho biển khơi. Bão tố, sóng to gió lớn, cá dữ... với họ chưa đủ hay sao mà lại thêm cục nợ Tàu thường trực ngoài khơi.
Hỡi các công dân Việt, không có tiền bạc giúp đỡ bà con mình thì cũng phải lên tiếng bảo vệ bà con chứ. Để "bạn vàng" ăn hiếp đè nén mãi sao? Trên blog này, có một bạn comment ra giọng dạy dỗ rằng "không thích nói suông, vậy thì các bác định làm gì? Cấm vận kinh tế hoặc xuất quân đánh nó chăng?", ý bạn ấy chê trách dư luận đừng này nọ linh tinh, để nhà nước giải quyết. Làm gì ư, nhiều cách lắm, phải nói đanh thép với chúng chứ cứ khôn khéo mềm mỏng mãi thì chúng được đằng chân lân đằng đầu. Cụ Hồ đã dạy rồi "chúng ta càng nhân nhượng thì chúng càng lấn tới", lời tiền nhân còn nóng hổi đó thôi. Bạn hỏi khó quá, "cấm vận kinh tế, xuất quân đánh nó" biết chắc là không được rồi, còn hỏi làm gì. Hay là đầu hàng, có phải vậy không?
70 nghìn tệ, quy theo tỉ giá hối đoái lúc này khoảng hơn 230 triệu đồng. Số tiền quá lớn đối với ngư dân ta. Nhưng dù một đồng cũng không thể nộp. Không nộp thì nó cầm tù. Cứ mỗi lần ra khơi, con số 70 kia lại là nỗi ám ảnh, chả khác gì lưỡi gươm treo trên cổ họ.
70 nghìn tệ- đó là nỗi đau, nỗi căm hờn, nỗi nhục.
21.3.2012
Nguyễn Thông