Phạm Thị Hoài (procontra.asia) - Sau hai tuần kể từ ngày 14.2.2012, Kiến nghị khẩn cấp của công dân Việt Nam về vụ Tiên Lãng nhận được 1361 chữ kí, thu thập trên blog của tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện.
Gần như cùng thời gian đó, từ ngày 7.2.2012, Thỉnh nguyện thư đòi trả tự do cho nhạc sĩ Việt Khang và đấu tranh cho nhân quyền Việt Nam nhận được 124898 chữ kí, thu thập trên website của Tòa Bạch ốc Hoa Kỳ, lúc tôi viết những dòng này.
Khoảng cách giữa hai con số này càng nổi
bật, nếu đem tỉ lệ 1361 trên 90 triệu người Việt trong nước, chưa kể
người Việt ở nước ngoài, đặt cạnh tỉ lệ 124898 trên vỏn vẹn 2 triệu
người Việt tại Mỹ.
Cho đến nay những kiến nghị khởi xướng ở
trong nước, có sự tham gia của cả người Việt ở nước ngoài, thường không
vượt quá con số 2000 chữ kí. Tôi đã tin rằng Kiến nghị Tiên Lãng sẽ phá
nhiều lần kỉ lục đó. Sự kiện Tiên Lãng hiện diện ở mức chưa từng có
trên truyền thông Việt Nam từ nhiều thập kỉ nay. Sức chấn động của nó
lan đến tận những tầng lớp xã hội vốn không ở hoàn cảnh có thể quan tâm
tới những vấn đề nằm ngoài cuộc sinh tồn thường nhật của mình, để kí vào
những kiến nghị chẳng hạn như Kiến nghị dừng khai thác bauxite ở Tây
Nguyên. Bối cảnh của sự kiện Tiên Lãng, sau kết luận chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ,
cũng cho phép người tham gia kí tên có thể trút bỏ nỗi sợ bị coi là
chống phá, phản động, một nỗi sợ đã kéo dài và chi phối lối sống của
người Việt tới mức xứng đáng trở thành di sản văn hóa Việt Nam. So với
Kiến nghị thả tự do cho Cù Huy Hà Vũ mà dù nhóm khởi xướng đã thận trọng
“chưa mở rộng ra những người nằm trong các tổ chức bị Nhà nước Việt Nam coi là ‘chống phá nước CHXHCN Việt Nam’”
nhưng vẫn bị quây bởi vị trí bấp bênh của 51% bàng thống và 49% đối
lập, Kiến nghị Tiên Lãng rộng đường hơn rất nhiều, thậm chí có thể trở
thành kiến nghị của công dân đầu tiên đường hoàng tiến vào khu vực chính
thống. Nhưng nó dừng lại ở 1361 chữ kí.
Không có gì phải bàn cãi, tôi cảm phục
sự dấn thân xã hội của blogger Nguyễn Xuân Diện, không chỉ trong vụ Tiên
Lãng. Ông nổi lên trong phong trào xã hội dân sự còn rất non nớt ở Việt
Nam không phải bằng những tuyên bố vừa muốn không có vua, vừa bảo
hoàng, mà bằng những hành động cụ thể, nhất quán trong ý thức phấn đấu
cho công bằng xã hội. Việc ông công khai kêu gọi và tổ chức quyên góp
cho gia đình của những nghi can đang bị khởi tố và tạm giam vì đã nổ
súng vào chính quyền là hành động chưa có tiền lệ trong xã hội Việt Nam
đương đại. Song tôi cho rằng những blog cá nhân như của ông hay những
website độc lập như BVN khó có thể huy động hơn mức một vài ngàn người
để biểu lộ một ý chí tập thể đủ mạnh, khiến chính quyền buộc phải phản
ứng. Nếu nửa triệu người kí vào đó, chúng ta có thể chắc chắn rằng những
bi kịch anh hùng bất đắc dĩ như ông Đoàn Văn Vươn sẽ thuộc về quá khứ.
Bạn sẽ bảo, được một vài ngàn là tốt lắm
rồi. Người Việt mình nó thế. Mỗi người một cõi thì ai cũng sáng như
sao, ngồi chung lại với nhau bỗng tối như nhà tắt đèn, chia rẽ và phức
tạp lắm. Người thông minh thì ắt nghi ngờ tất cả những gì mang tính đại
đoàn kết hữu danh vô thực. Người chính trực ắt nghi ngờ những bình phong
tập thể che chắn mưu đồ cá nhân. Người có tầm vóc ngại hạ mình vào đám
đông. Người có uy tín ngại bị phong trào lợi dụng. Người có suy nghĩ
chán sự tầm phào của những cuộc vận động quần chúng. Người nhạy cảm ghét
ngồi chung toa với những kẻ không cùng tần số phát sóng. Người có lí
tưởng sợ một lần nữa gửi nhầm vào địa chỉ ảo tưởng. Đến người không có
gì hết cũng sợ, sợ mình chẳng được gì hết. Ai cũng nghi ngờ một cái gì
đó, chán ghét một cái gì đó, ngại một cái gì đó, sợ một cái gì đó từ
liên minh với người khác. Đó là bạn còn chưa kể, bây giờ người ta sống
nhanh và thực dụng, liếc tin trên mạng trong giờ hành chính thì có, ngứa
tay gửi ý kiến phẫn nộ thỉnh thoảng cũng có, nhưng kí kiến nghị thì ôi
xa vời. Bạn còn chưa kể, người Việt mình ở thời đại này vẫn tin chắc
rằng cứ kí một cái kiến nghị của công dân là mang vạ vào thân. Chúng ta
được dạy dỗ rất nghiêm túc như thế để giữ gìn sự an toàn cho bản thân,
như những cô gái được dạy cảnh giác vì đàn ông chỉ đi ngang đầu giường
là mình mất một đời trinh trắng. Bạn còn chưa kể rất nhiều điều.
Người Việt mình ở hải ngoại cũng sở hữu
phần lớn những phẩm chất tinh hoa dân tộc như bạn vừa kể và những phụ
gia khác, tùy đặc trưng địa chính trị của mỗi cộng đồng. Sự chia rẽ và
phức tạp của cộng đồng người Việt ở Mỹ là có thật và là đề tài mà nhiều
nhóm tọa độ chính trị khác nhau ưa khai thác. Chính vì thế mà gần 125
ngàn chữ kí vào Thỉnh nguyện thư Nhân quyền càng đáng chú ý. Những điều
gì và những điều kiện nào đã kết nối khối người Việt ấy, khiến họ có thể
biểu dương một ý chí tập thể mạnh mẽ khác thường, nổi bật ngay cả ở một
quốc gia mà kiến nghị của công dân là tập quán phổ biến như Hoa Kỳ?
Tôi tuyệt đối không tin rằng chính quyền
Hoa Kỳ hay bất kì một chính quyền phương Tây nào sẽ đặt vấn đề nhân
quyền ở Việt Nam hay một quốc gia nào khác lên trên quyền lợi của mình.
Nhân quyền có thể là món tráng miệng hơi lạc vị đôi chút trong bữa tiệc
của tư bản toàn cầu, nhưng sau đó chương trình nghị sự lại tiếp diễn, business as usual.
Nếu cần thì thậm chí nhân quyền được dùng như một thứ phiếu nợ, tính
vào những món hàng đang trong vòng đàm phán. Nhưng bất chấp kết quả thực
của Thỉnh nguyện thư Nhân quyền như thế nào, tôi tin rằng những người
còn tha thiết gây dựng một xã hội công dân ở Việt Nam sẽ tìm được không
chỉ cảm hứng, mà rất nhiều kinh nghiệm thiết thực từ cuộc vận động chữ
kí của người Việt ở Mỹ.
Hoặc là phải vượt qua con số một vài ngàn. Hoặc là chia tay với thử nghiệm kiến nghị.
© 2012 pro&contra