Lãnh đạo Hà Nội: "Nhiều tiền mua ô tô, đừng kêu chuyện thu phí..." - Dân Làm Báo

Lãnh đạo Hà Nội: "Nhiều tiền mua ô tô, đừng kêu chuyện thu phí..."

Nguyễn Dũng - Chia sẻ tại hội nghị, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị phân tích, chúng ta muốn hạn chế phát triển phương tiện cá nhân, đặc biệt với ô tô thì quyền tự do mua sắm và quyền lợi của mỗi người phải được hài hòa trong lợi ích chung của xã hội. Nếu kêu chuyện thu phí thì trước tiên chúng ta hãy hỏi người sử dụng ô tô lấy đâu ra nhiều tiền như vậy để mua. Trong khi đó mới chỉ đề cập đến chuyện thu phí đã... kêu ầm lên...

*

Trước phản ứng của người dân về việc thu phí phương tiện cá nhân, lãnh đạo Hà Nội cho rằng, muốn cải thiện hạ tầng cơ sở, giảm ách tắc và số vụ tai nạn thì sẽ phải ảnh hưởng ít nhiều đến một nhóm người trong xã hội.

Ngày 27/3, Hà Nội đã tổ chức cuộc họp giao ban giữa Thường vụ Thành ủy, HĐND, UBND, các quận huyện về công tác đảm bảo an toàn giao thông cũng như các giải pháp chống ùn tắc, tai nạn giao thông trên địa bàn.

Chia sẻ về việc thu phí vào nội đô, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo cho rằng, giải pháp này được thực hiện nhằm giảm thiểu phương tiện cá nhận. Việc thu phí thành phố sẽ triển khai theo hình thức lũy tiến giờ cao điểm. Nghĩa là mức phí sẽ được tăng lên theo thời gian đối với phương tiện khi lưu lại nội đô.

Phương tiện cá nhân không thể tăng thêm được nữa

Đối với việc kiểm soát phương tiện bằng vé lưu hành, ông Thảo cho rằng giải pháp này rất khó thực hiện vì các đô thị trung tâm có nhiều ngõ ngách.

Chia sẻ tại hội nghị, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị phân tích, chúng ta muốn hạn chế phát triển phương tiện cá nhân, đặc biệt với ô tô thì quyền tự do mua sắm và quyền lợi của mỗi người phải được hài hòa trong lợi ích chung của xã hội. Nếu kêu chuyện thu phí thì trước tiên chúng ta hãy hỏi người sử dụng ô tô lấy đâu ra nhiều tiền như vậy để mua. Trong khi đó mới chỉ đề cập đến chuyện thu phí đã... kêu ầm lên.

Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị cho biết, chống ùn tắc và tai nạn giao thông là nhiệm vụ cấp thiết không chỉ của thủ đô mà của cả nước. “Số vụ tai nạn không ngừng tăng lên. Không nước nào có nhiều người chết vì tai nạn giao thông như ở nước ta. Ùn tắc, tai nạn giao thông ngày càng phức tạp, đòi hỏi tập trung mọi nỗ lực của Đảng, Nhà nước, sự đồng thuận của nhân dân và của toàn xã hội”.

Ông Nghị dẫn dụ, thời bao cấp Hà Nội được mệnh danh là thủ đô xe đạp. Sang thời kỳ đổi mới lại chuyển dần lên xe máy. Rồi thành phố đã tràn ngập xe máy tự lúc nào. Đến nay ô tô lại tăng rất nhiều so với mười năm trước. Sự thay đổi này khiến quy hoạch giao thông, quản lý giao thông phát triển không kịp. Ngoài yếu tố khách quan tác động cũng không thể không nhắc đến sự hạn chế về năng lực.

Theo người đứng đầu thành ủy, trong nhiều năm nay mỗi một quyết sách đưa ra đều nhận được sự phản hồi rất lớn từ công luận. Ví như loại hình xích lô cách đây chục năm định cấm, nhưng vì công ăn việc làm của người lao động, lại chấp nhận loại hình phương tiện này. Một người chạy xích lô lại kéo thêm vài ba người nhà làm cùng. Từ đó xích lô cứ tăng vùn vụt từ 1200, đến 400 nghìn thậm chí lên đến 500 nghìn xích lô…

“Có những điều chúng ta nhận thức ra nhưng khi thực hiện lại không đạt được vì quyết tâm không đủ cao, nhận thức không đồng bộ. Nếu chúng ta vì cái chung thì nhất định phải có một bộ phận bị ảnh hưởng. Cứ giữ nguyên cái cũ, không muốn ảnh hưởng đến ai nhưng lại muốn cải thiện tình hình thì sẽ không thể làm được” – ông Nghị nhấn mạnh.

Bí thư thành ủy Hà Nội cho rằng, hiện số phương tiện cá nhân đã tăng đến mức không thể tăng thêm được nữa. Nếu không giảm một cách tương ứng số lượng xe cá nhân thì khi tăng thêm xe buýt sẽ càng tăng thêm ùn tắc.




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo